Chuyên mục
Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP?

Thứ hai 06/07/2015 15:54 GMT + 7
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nội dung nghị sự giữa Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đây, có thể là cú hích đối với nền kinh tế Việt Nam.

"Với sự chuẩn bị nghiêm túc, chúng tôi có đủ tự tin và tham gia thành công vào tiến trình quan trọng này. Và trên thực tế, chúng tôi đang cùng Hoa Kỳ và các thành viên khác nỗ lực để có thể kết thúc đàm phán TPP trong thời gian sớm nhất", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời báo chí Mỹ trước chuyến thăm lịch sử, 6-10/7.

Sau gần 10 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến có khoảng 30 chương với một loạt các điều khoản về thương mại, đầu tư, lao động, mua sắm chính phủ... GDP của 12 nước tham gia đàm phán TPP (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ) khoảng 28.000 tỷ USD tương đương 40% GDP toàn cầu. 

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định có quy mô rất lớn, với sự tham gia của nhiều nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và thế giới, đồng thời bao hàm nhiều vấn đề thương mại thế hệ mới và mức độ cam kết cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. 

'Đàm phán TPP có thể kết thúc trong tháng 7' 

Với việc quyền đàm phán nhanh (TPA) đã được Quốc hội thông qua cho Tổng thống Obama, TPP được kỳ vọng kết thúc sớm với cả Mỹ và 11 nước còn lại. Theo Daniel J. Ikenson của Viện nghiên cứu CATO, đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) có thể kết thúc trong tháng 7 này nếu mọi việc thuận lợi và việc phê chuẩn hiệp định dự kiến diễn ra trong năm nay.  

Với việc được trao TPA, Tổng thống Obama được kỳ vọng sẽ hoàn tất TPP trong năm nay. Ảnh: Reuters.

Trước đó, TPA được coi là mảnh ghép cuối cùng và quan trọng nhất đối với đàm phán TPP. Có thể nói đây là rào cản lớn nhất khiến đàm phán bế tắc suốt 18 tháng qua. Với TPA, khi hiệp định được ký kết về đệ trình, Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu chấp thuận hoặc bác bỏ chứ không thể thay đổi nội dung. Với 11 nước còn lại, TPA là bảo đảm để kết quả đàm phán trong suốt mấy năm cam go không bị lật ngược.

Về mặt thủ tục, TPA sẽ còn cần được cả Thượng viện và Hạ viện bỏ phiếu thông qua trước khi được tổng thống ký thành luật.  Và cuộc chiến ở Hạ viện dự kiến cũng cam go không kém Thượng viện vì liên quan đến một loạt ngành công nghiệp chủ chốt từ ôtô, thép tới giày da và dược phẩm – với các lực lượng lobby hùng hậu.  

Thách thức của chính quyền Obama là phải sớm kết thúc đàm phán vì càng để muộn chính trường Mỹ sẽ càng rơi vào vòng xoáy của chạy đua bầu cử 2016 và khi đó mọi thứ sẽ thêm phức tạp. TPP sẽ không thể được phê duyệt nếu kéo dài đến năm sau khi cuộc đua tổng thống vào giai đoạn nước rút (các đảng đấu nhau quyết liệt nên không có cơ hội cho nhượng bộ).

Phía quan chức Mỹ cho biết, kể cả khi đàm phán kết thúc thì sẽ cần nhiều tháng để hiệp định có thể trình ra Quốc hội. Vì vậy, họ cần TPP kết thúc đàm phán sớm để có thể phê duyệt trước cuối năm nay.

Các nhà kinh tế học đến giờ ủng hộ thương mại tự do vì nó có tác động tích cực đối với người dân các nước nghèo – và đây là lập luận căn bản của TPP đến lúc này.

Hy vọng của nước nghèo

“Đánh giá từ viện Peterson thì Việt Nam sẽ là nước có lợi nhiều nhất từ TPP”, Vox trích chuyên gia Tyler Cowen viết. “Các anh hiểu chứ? Các nước nghèo nhất sẽ là những người được lợi nhất”.

Nhưng Kimberly Ann Elliot, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu về phát triển toàn cầu (CGD), người nghiên cứu về tác động của chính sách thương mại đối với người nghèo thì nói vấn đề phức tạp hơn vậy. Bà không hoàn toàn chống hay ủng hộ, nhưng đánh giá tác động của TPP không lớn như các nhà kinh tế học. Theo Kimberly Ann Elliot, người ủng hộ thường phóng đại về lợi ích cho nước nghèo trong khi lại giảm bớt những tác động có hại. 

Dệt may Việt Nam có được hưởng ưu đãi khi vào TPP hay không phụ thuộc nhiều vào nguyên tắc "từ sợi trở đi". Ảnh: Hoàng Hà.

Trên góc độ nào đó, TPP đặc biệt ý nghĩa với Việt Nam và Nhật Bản – hai nước không có hiệp định thương mại tự do lớn nào với Mỹ và các nền kinh tế quan trọng khác của TPP.

"Chúng tôi cũng nhận thức rằng, là quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp hơn so với các nước đối tác trong TPP, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là về hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và thủ tục đầu tư,... nhằm tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời báo chí Mỹ
Lập luận cơ bản với TPP lúc này là giảm hàng rào thuế quan vào những nước giàu có thể giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở nước nghèo. Và Việt Nam hy vọng sẽ có lợi không chỉ với những nước trong khối mà còn với các quốc gia cạnh tranh ngoài khối nhưng có sản phẩm tương ứng như Bangladesh hay Campuchia.
“Hiện tại, một số nước kém phát triển nhất ở châu Á, đặc biệt là Bangladesh và Campuchia chưa có quy chế tối huệ quốc vào thị trường Mỹ”, bà Elliott nói. “Họ phải trả chi phí, với mức thuế trung bình trên 15% với các hàng hoá quần áo xuất khẩu vào Hoa Kỳ”.

Nhưng mọi thứ không phải màu hồng hết với Việt Nam – nền kinh tế kém phát triển nhất trong TPP. Các hiệp định thương mại thường bao gồm quy định về “xuất xứ nguồn gốc” để xác định hàng hoá từ đâu. Điều này là nhằm cản các nước lợi dụng những quốc gia trong hiệp định thương mại tự do, biến họ thành trạm trung chuyển vào một thị trường lớn. 

Cũng như hầu hết các nước châu Á, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu may mặc từ Trung Quốc. Để chặn điều này, Mỹ yêu cầu nguyên tắc “từ sợi trở đi” (hàng hoá chỉ được hưởng mức thuế ưu đãi nếu xác định được là từ sợi trở đi đều được sản xuất trong TPP). Elliott giải thích: “Điều đó có nghĩa là từ sợi, vải, cho đến sản phẩm cuối cùng đều phải được sản xuất từ các nước trong khối”.

Theo các chuyên gia kinh tế, với Việt Nam, Mỹ sẽ cho phép một lượng nguyên liệu nhất định từ bên ngoài trong một thời gian ngắn. Khi vượt quá lượng này thì quy định “từ sợi trở đi” sẽ được áp dụng chặt và hàng hoá không được hưởng thuế ưu đãi.

Do đó, lợi ích của TPP thực tế sẽ không cao như dự đoán ban đầu khi hiện tại phần lớn nguồn nguyên liệu về dệt may, giày dép của Việt Nam vẫn là từ Trung Quốc. “Tôi đảm bảo là bất kể chúng ta chấp nhận thế nào trong hiệp định, nguyên tắc xuất xứ sẽ khiến Việt Nam không thể tận dụng được các quy định giảm thuế này”, bà Elliott nói.  

Trao đổi với Zing.vn về việc hoàn tất đàm phán TPP của đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ nói: “Đàm phán TPP khó hơn bởi nó không đơn thuần về kinh tế. Đó là những điều vượt tầm của người đi đàm phán và tôi chia sẻ với khó khăn với họ”.

Chặt hơn về quyền sở hữu trí tuệ - khó cho nước nghèo

Một quy định chặt hơn nữa của TPP là quyền sở hữu trí tuệ. Quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều tới các nước nghèo như làm tăng giá dược phẩm được Mỹ bảo hộ bản quyền và giảm khả năng tiếp cận công nghệ mới (do chi phí bản quyền cao).

Hiện các nước nghèo phản ứng rất mạnh về vấn đề này và đòi Mỹ nhượng bộ. Theo họ, quy định về bản quyền trí tuệ không hợp lý bởi việc áp dụng quy định chung với tất cả các nước như vậy là không công bằng. “Về sở hữu trí tuệ, các nước ở trình độ phát triển khác nhau có lợi ích khác nhau. Quy định chung về vấn đề này không phải là cách hay,” Elliott nói.

Lao động cũng là một vấn đề khó cho Việt Nam khi phía Mỹ đòi hỏi phải cho phép thành lập công đoàn độc lập. Ngoài ra, quy định về doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ cũng là những vấn đề không dễ dàng khi đàm phán. Tuy nhiên, các quy định ngặt nghèo của TPP cũng là hy vọng để Việt Nam đẩy nhanh cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.

Frederick Burke, Giám đốc điều hành của hãng luật Baker & McKenzie ở Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn lại đánh giá hiệu ứng của TPP với đất nước hình chữ S sẽ rất lớn: “Mọi người thấy Việt Nam tiếp tục với chiến lược hội nhập một cách hiệu quả chắc chắn sẽ thu hút nguồn đầu tư lớn. Chúng ta bắt đầu thấy đầu tư tăng ở lĩnh vực bất động sản, vốn nước ngoài đã đổ vào để xây dựng các dự án lớn mới... Tất cả đều là tín hiệu tốt. Hiệu ứng của nó thực tế đã bắt đầu ngay từ giờ”.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với Zing.vn: “Chúng ta cũng không nên kỳ vọng về cái gọi là ‘làn sóng đầu tư nước ngoài kế tiếp’ sau WTO khi hoàn tất TPP bởi thực chất thế giới đã đổi thay rất nhiều. Trước đây, khi ký Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, người ta cũng kỳ vọng vào đầu tư nhảy vọt từ đất nước cờ hoa nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Hoàn tất TPP có thể coi là một cú hích thì phù hợp hơn”.

T.T - H.L

Thịt bò, quả vải Việt cần 'tăng tốc' khi vào TPP

Dưới tác động của TPP, thịt bò và quả vải Việt sẽ chịu tác động ở hai thị trường xuất nhập khẩu đối lập. Một bên cạnh tranh để xuất, một bên lo giữ thị trường nội địa.

Việc tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) có thể giúp nhiều mặt hàng trong nước xuất khẩu tốt hơn, cũng như đưa sản phẩm quốc tế vào Việt Nam nhờ thuế suất 0% (trường hợp sản phẩm đó không được lựa chọn để bảo hộ). Tuy nhiên, cơ hội về những thị trường độc lập, môi trường cạnh tranh công bằng hay ưu đãi lớn về thuế không phải là mẫu số chung đối với tất cả sản phẩm xuất xứ Việt Nam.

Quả vải Việt là một ví dụ như thế. Là sản phẩm nông nghiệp hiếm hoi của niên vụ 2014-2015 không gặp tình trạng được mùa mất giá nhờ tìm được nhiều thị trường tiêu thụ, vải Việt đang tiêu thụ tốt tại một số thị trường ngoài Trung Quốc như Australia, Mỹ, Nhật hay Malaysia... Giá vải tại những quốc gia này đắt gấp 10-15 lần so với mức trung bình trong nước, và có sức hấp dẫn vượt ngoài mong đợi với người dân ở đây, nhất là tại Australia.

Quả vải Việt sẽ có thị trường xuất khẩu rộng hơn khi gia nhập TPP, nhưng đồng nghĩa với đó là áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng. Ảnh: Lê Hiếu.

Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, quả vải Việt Nam xuất sang đây không chịu thuế nên việc vào TPP không mang thêm thuận lợi cụ thể nào cho sản phẩm này. 

“Hiện nay, theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Australia – New Zealand (AANZFTA), 96% sản phẩm của ASEAN vào Australia có mức thuế đưa về 0%. Do vậy, nông sản Việt nói chung và vải nói riêng có vào được quốc gia này hay không phụ thuộc vào các vấn đề ngoài thuế, ví dụ như kiểm dịch”, bà Thúy cho biết.

Điều tương tự cũng diễn ra ở Mỹ khi kiểm dịch, chiếu xạ, bao bì đạt chuẩn chiếm gần 20% giá sản phẩm. “Các thị trường đặt hàng quả vải đều cách khá xa Việt Nam. Để giữ được vải tươi, doanh nghiệp phải xuất hàng qua đường hàng không. Chi phí chuyển hàng qua kênh này rất cao, chiếm hơn một nửa giá thành và khó giảm. Vì vậy, ngay cả khi không chịu thuế, vải Việt cũng vấp phải sự cạnh tranh về giá với quốc gia khác”, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay.

Ở một chiều khác, thịt bò là mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập TPP. Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, số lượng thịt bò trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại là nhập khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng thịt trâu bò không xương và có xương nhập khẩu trong quý I/2015 lần lượt là 199 và 8.405 tấn, tăng 24% và 40,8%. Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu thịt bò Australia nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Indonesia, với trên 10.000 con/tháng.

Do sở thích tiêu dùng của người Việt là ưa chuộng thịt tươi hơn sản phẩm đông lạnh nên khá nhiều doanh nghiệp tiến hành mua bò nguyên con từ nước ngoài, sau đó mới xả thịt. Điều này dẫn tới thực trạng tổng lượng bò trong nước sụt giảm, trong khi thịt bò nhập tăng hơn 50 lần chỉ sau 2 năm.

Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tich Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, việc doanh nghiệp và hộ nuôi bò tại Việt Nam phải chịu cạnh tranh khi gia nhập TPP là điều chắc chắn và phải chấp nhận. “Những tác động tiêu cực sẽ ảnh hưởng phần lớn tới các đơn vị chăn nuôi nhỏ lẻ do giá tại các quốc gia trong TPP, đặc biệt từ Australia, thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu nói Việt Nam sẽ mất thị trường trong nước thì không hẳn”.

Ông Trúc phân tích, lượng thịt bò nhập khẩu từ Australia vào Việt Nam dù có đột biến trong 2 năm qua nhưng chỉ để đáp ứng phần nhu cầu tăng thêm của thị trường. Ngoài ra, lượng cung thịt bò tại Australia cũng có giới hạn, trong khi nguồn xuất khẩu phải chia sẻ cho nhiều thị trường lớn bên cạnh Việt Nam, như Indonesia hay Trung Quốc.

“Sản xuất trong nước chắc chắn không thể bị triệt tiêu, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều cần thiết nhất hiện nay là phải tăng cả lượng và chất của đàn bò trong nước, tận dung cơ hội xuất khẩu. Có như thế, việc gia nhập TPP mới trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế, nhất là đối với ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh nhưng lâu nay chưa khai thác đúng tiềm năng”, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi chia sẻ.

Hạ Minh - Ngọc Lan

Nguồn: Zing News
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.