Chuyên mục
Kinh tế Việt Nam năm 2014: từng bước ổn định, tiếp tục tăng trưởng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Kinh tế Việt Nam năm 2014: từng bước ổn định, tiếp tục tăng trưởng

Thứ tư 29/10/2014 13:16 GMT + 7
Trong bối cảnh chịu nhiều tác động trực tiếp, tiêu cực từ việc nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam thời gian gần đây vẫn tăng trưởng ổn định. Các chính sách kinh tế của Việt nam được các chuyên gia nhìn nhận là đúng hướng và kịp thời, phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và thực trạng nền kinh tế Việt Nam.


Một số điểm sáng

Năm 2014 nền kinh tế Việt Nam từng bước ổn định, các chỉ số vĩ mô đã được cải thiện so với năm 2013, là kết quả tích cực của việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đúng hướng của Chính phủ. Trong đó tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013 và 2,25% so với cuối năm 2013, mức thấp nhất trong 12 năm qua.

               
Xuất khẩu tăng trưởng khả quan, đạt 109,63 tỷ USD (tăng 14,2%) trong 9 tháng đầu năm
2014


Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số mua hàng PMI duy trì trên 50 điểm trong 13 tháng liên tiếp. Xuất khẩu tăng trưởng khả quan, đạt 109,63 tỷ USD (tăng 14,2%) trong 9 tháng đầu năm, xuất siêu khoảng 2,47 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, các thị trường cơ bản từng bước phục hồi: thị trường chứng khoán của Việt Nam nằm trong số 05 thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới. Trong 9 tháng đầu năm chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng 19,9% và 30,4% so với cuối năm 2013. Giao dịch bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng gấp đối so với cùng kỳ năm 2013, tồn kho bất động sản tiếp tục giảm 12,88% so với cùng kỳ năm 2013, xuống còn 82.295 tỷ VND. Việc giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đạt được một số kết quả tích cực, đã thực hiện giải ngân 3.074 tỷ VND, bằng 10,25% tổng giá trị gói tín dụng.

Ở một khía cạnh khác, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2012 (xếp thứ 70 trong tổng số 148 quốc gia) trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Ở đây, nguyên nhân chủ yếu là do ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn (tăng 19 bậc so năm trước) cộng với sự cải thiện chất lượng của hạ tầng giao thông (tăng 13 bậc so năm trước).

Song song với sự hồi phục của thị trường, tỷ giá VNĐ so với các ngoại tệ mạnh được giữ ổn định. Lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cán cân thương mại thặng dư, nguồn ngoại tệ từ FDI tiếp tục tăng, các nguồn vốn ODA ổn định, kiều hối tăng, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam tăng, trong khi tâm lí tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân giảm. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối, hiện đạt 35 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Vấn đề an sinh xã hội cũng đạt được một số bước tiến, nhất là xoá đói giảm nghèo: trong 9 tháng đầu năm 2014 số lượng hộ thiếu đói trên cả nước giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 303,6 nghìn hộ thiếu đói.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, đầu tư, bảo hiểm…đạt được nhiều tiến triển tích cực. Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore xếp Việt Nam ở vị trí thứ hai trong ASEAN về mức độ hấp dẫn đầu tư đối với doanh nghiệp Mỹ, nhận định việc tham gia đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của các nhà doanh nghiệp Mỹ tại Việt nam. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố nâng bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo của Việt Nam từ mức B2 lên B1 với triển vọng ổn định. Hãng xếp hạng Fitch Ratings cho biết có thể nâng xếp hạng Việt nam lên một bậc, từ mức B+ lên mức BB- do nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu hồi phục, rủi ro nền kinh tế được giảm bớt.

Trong một nhận định được ra hồi giữa năm nay, Fitch đánh giá: “Kinh tế Việt Nam bắt đầu có bước phục hồi sau giai đoạn dài tiến hành chính sách thắt lưng buộc bụng kể từ năm 2011, lạm phát giảm đáng kể và thặng dư thanh khoản đạt 5,8 tỷ USD. Fitch cũng nhấn mạnh sự quay trở lại ổn định của luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn được xác định là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ quốc gia mặc dù còn ở mức độ khiêm tốn song lần đầu tiên đảm bảo cho Việt Nam an toàn trong khoảng 3 tháng nếu xảy ra tình huống khủng hoảng”.

Các vấn đề tồn tại

Mặc dù đạt được một số điểm sáng đáng ghi nhận song nền kinh tế Việt Nam vẫn bộc lộ các vấn đề tồn tại, được giới chuyên gia đưa ra ở các bình diện sau:

Thứ nhất, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI, chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong khi số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ngừng hoạt động hoặc phá sản còn cao (48,3 nghìn doanh nghiệp giải thể trong 8 tháng đầu năm, tăng 13,8% so với năm 2013.

Thứ hai, cơ cấu nền kinh tế còn lạc hậu: nền công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu thiên về gia công, hàm lượng nội địa hoá và giá trị gia tăng thấp. Nông nghiệp mặc dù là chủ lực song vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và manh mún, năng suất lao động và giá trị gia tăng trong lĩnh vực này không cao so với mặt bằng chung thế giới. Cơ cấu các thành phần kinh tế chưa hợp lý, không phát huy được tiềm năng của khu vực tư nhân.

                 
                                Nền công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu thiên về gia công


Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng chậm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ 2013 (11,1% so với 12,5%). Đáng chú ý, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh (13,4% so với 9,0%), trong đó một số ngành tồn đọng rất cao như hoá dược, chế biến thực phẩm, sản xuất kim loại… Tín dụng tăng trưởng thấp, chỉ đạt 6,21%, đầu tư tư nhân còn yếu.

Thứ tư, hiệu quả giải quyết nợ xấu còn thấp (tỷ lệ nợ xấu hiện chiếm 4,11% tổng dư nợ tín dụng) do thị trường mua bán nợ chưa hoàn chỉnh; nợ công tiếp tục tăng; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tiến triển chậm, nhất là cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Trong 9 tháng đầu năm chỉ cổ phần hoá được 55 trong tổng số 432 doanh nghiệp dự kiến cổ phần hoá đến năm 2015.

Thứ năm, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.

Thứ sáu, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng. Năng lực tài chính và quản trị của phần lớn doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Một số dự báo

Các chuyên gia nhận định nền kinh tế thế giới tiếp tục tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng hiện nay và chuyển đổi sang một mô hình phát triển mới. Tốc độ tăng trưởng trong những năm tới sẽ khả quan hơn song không đạt mức cao như trước đây, đi kèm với các thách thức và rủi ro cả về kinh tế lẫn địa-chính trị. Cách mạng khoa học kỹ thuật và kinh tế tri thức tiếp tục là trào lưu cơ bản. Hội nhập và liên kết là xu thế tất yếu, đi cùng với gia tăng cạnh tranh và các hệ luỵ về môi trường, nguồn nước, an ninh lương thực…

Trong bối cảnh như vậy, trong ngắn hạn nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và tăng trưởng song với tốc độ chậm. Các vấn đề tồn tại sẽ từng bước được xử lý, khắc phục, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh, tạo đà phát triển bền vững trong dài hạn.
Các tổ chức quốc tế như WB, ADB, HSBC, S&P, Moody’s, Ernst&Young dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt nam ở mức 5,4-5,6%, đạt mức 6% trong năm 2015 và tăng lên 6-7% trong giai đoạn 2016-2017.

                
Các tổ chức quốc tế  dự báo tăng trưởng GDP của Việt nam tăng lên 6-7% trong giai đoạn 2016-2017


Trong khi đó, Ngân hàng phát triển Âu-Á (EABD, thuộc Liên minh kinh tế Âu-Á) đánh giá cao các tiềm năng phát triển của Việt Nam và trong trường hợp Việt Nam tham gia EABD, tổ chức tín dụng cấp khu vực mới thành lập này sẵn sàng đề nghị cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng cảng biển, nhà ga hàng không và đường sắt ở thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia của EABD nhận định sau khi Khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan bắt đầu được vận hành từ tháng 1/2015, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, tài chính và lao động giữa các bên có thể tăng đến 30%.

Lưu Ba





31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.