Chuyên mục
“Khi bàn cờ được hình thành, doanh nghiệp Việt có sẵn sàng chơi?”
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

“Khi bàn cờ được hình thành, doanh nghiệp Việt có sẵn sàng chơi?”

Thứ bảy 01/11/2014 06:09 GMT + 7
"Môi trường kinh doanh, thể chế chính sách là điều rất khó cho doanh nghiệp. Liệu khi bàn cờ được hình thành, mình có sẵn sàng chơi hay không?".

Bà Phạm Chi Lan

Ngày 31/10/2014 tại Khách sạn Pullman, TP.HCM, BizLIVE tổ chức Hội thảo “Cơ hội 2015 – 2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi”.

"Đừng bao giờ nghĩ mình nhỏ"

Phát biểu tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nhìn nhận thế giới, Việt Nam và khu vực đang ở thời khắc quan trọng, đánh dấu bước quá độ của cách làm ăn mới, cách sống mới. Cái cũ vẫn có thể dùng tiếp, nhưng muốn vươn lên phải là cái mới. Rủi ro vẫn rất cao. 

Tư tưởng về phát triển thay đổi tóm gọn trong 3 từ "Sáng tạo, xanh và bao trùm". Hay nói chung là bền vững. Nếu doanh nghiệp bị tẩy chay bởi những chữ này thì doanh nghiệp cũng sẽ “ra đi”.

Thế giới này là một thế giới của quá độ bởi các cách thức kinh doanh hiện nay đều có tính cách mạng. Tốc độ dịch chuyển của hàng hóa dịch vụ vốn và lao động đặc biệt là thông tin rất nhanh. Nó dịch chuyển ở cả đầu đi và đầu đến. Nổi bật nhất là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin.

Các diễn giả, khách mời tại hội thảo.

Ông Võ Trí Thành nhớ lại lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhắc đến đại ý tất cả các dữ liệu đến cách đây vài năm từ khi sinh ra loài người bằng số lượng thông tin trong 2 ngày sản sinh ra hiện nay. Đây không những là cấp số nhân mà còn là sự dịch chuyển của chính sách và kinh doanh.

Nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất là TPP, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và một số nước trung Âu, về nguyên tắc sẽ được ký kết trong năm nay hoặc trong năm 2015.

Một nghị quyết mới về công nghệ thông tin hiện nay, đây là một trong những nền tảng cơ bản của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam sẽ cố gắng bám theo và dần dần sẽ bắt kịp thế giới. Hàm ý kinh doanh ở đây đó là tốc độ và thời khắc. Chỉ cần chậm một chút không chỉ đánh mất cơ hội mà còn để mất cơ hội cho người khác.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương

"Đừng bao giờ nghĩ mình nhỏ. Doanh nghiệp cần chọn thị trường ngách nhưng cái quan trọng không phải là “chơi với ai” mà là “chơi thế nào”. Có thể chọn thị trường ngách nhưng giá trị mặc cả phải cao. Chúng ta thường nghĩ ngành dệt may sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về nguyên vật liệu tuy nhiên nếu nói về mặc cả và rủi ro thì phải nghiên cứu sâu hơn rất nhiều. Doanh nghiệp Việt Nam làm theo nhóm thì tính đố kỵ cũng là một rào cản rất lớn", ông Thành nói với hàng trăm đại diện cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia có mặt tại hội thảo của BizLIVE.

Phần một của hội thảo là cái nhìn của doanh nghiệp trước thời cuộc mới 

Dệt may: Cần xây dựng một chuỗi cung ứng

Nhìn nhận thị trường ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt, Trưởng Ban thị trường - Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam đang bước vào giai đoạn hậu trung cuộc, làn sóng cuối cùng cho Việt Nam bứt phá.

Ông Việt chia sẻ, quá trình khai cuộc từ những năm 2000- 2001, nhờ hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 1994. Doanh nghiệp xuất khẩu nhiều, đặc biệt cơ hội từ thị trường Mỹ rất lớn.

Ông Trần Việt (giơ tay), Trưởng ban Thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói về cơ hội mới của ngành dệt may

Trong quá trình triển khai đã có những va chạm như vấp phải kĩ thuật chưa đáp ứng được khách hàng áo sơ mi không ôm người, vấp về chính sách bảo hộ của Mỹ. Vượt qua được giai đoạn khai cuộc cho đến 2006 – 2007 đi vào trung cuộc.

Năm 2007, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, mức độ tiêu dùng đều suy giảm, các nhà bán lẻ mua lại công ty quản lý thương hiệu, các nhà nhập khẩu bán lẻ thu hẹp lại chuyển sang các nước khác có chi phí thấp hơn theo mô hình đàn sếu bay. Cụ thể lúc này Việt Nam, Banglades, Indonesia nổi lên.

Khi gia nhập TPP, ông Việt cho biết thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ mang lại lợi thế. Hiện mức thuế suất hiện nay của Hoa Kỳ là 17-18%.

"Trước đây, lợi nhuận chỉ khoảng 3% khi chủ yếu là gia công, thị trường EU, FTA giảm thuế, cơ hội mở ra là vô cùng lớn. Tập trung phần may, từ nay chúng ta phải tập trung phần sợi", ông Việt cho biết thêm.

Vì vậy, theo ông Việt, trong khâu đàm phán Chính phủ, doanh nghiệp cùng tham gia, hậu trung cuộc chuyển từ tự phát sang tự giác, bị động sang chủ động, chủ động từ khâu đàm phán, xây dựng về lộ trình xuất xứ và xây dựng khung pháp lý.

Hệ quả tiếp theo là chúng ra cần xây dựng một chuỗi cung ứng, nếu không sẽ mất cơ hội vào nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc,...

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Bita's (giữa) đánh giá về các cơ hội mới của ngành da giày

Những doanh nghiệp lớn tận dụng phát triển thành chuỗi, doanh nghiệp nhỏ phải đưa mình vào chuỗi lớn hơn, hợp tác với đối tác nước ngoài dựa trên lợi thế so sánh của mình, mạnh về may gia công, hiệp định thương mại, quy hoạch chi tiết từng địa phương, doanh nghiệp trong nước nên đi trước để doanh nghiệp nước ngoài buộc phải theo...

Tận dụng làn sóng FTA để tham gia các chuỗi, doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi. Vượt qua giai đoạn hậu trung cuộc đến giai đoạn "kết cuộc" (xác lập được vị trí, phát triển ổn định và bền vững trên cả thị trường dệt may xuất khẩu và nội địa), Trưởng Ban thị trường - Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhìn nhận. 

Giày dép: Nguyên liệu bị phụ thuộc rất nhiều

Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Long - Tổng giám đốc Công ty Bita’s, một doanh nghiệp dệt may và da dày lớn nhận định, hiện tại để ngành dệt may đón TPP tập trung vào 2 ý chính, bao gồm: 

- Sự công khai của các chính sách.

- Điểm nhấn của TPP tác động lớn đến dệt may dày dép. 

Trong 2 năm nay, gần như có xu hướng là các luồng doanh nghiệp của các nước không tham gia TPP nhưng đều nhảy vào Việt Nam để tận dụng cơ hội khi khả năng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu.


Làn sóng các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc tìm cách đầu tư vào sợi dệt nhuộm, ảnh hưởng đến môi trường nhưng nếu doanh nghiệp Việt không chấp nhận lại mất cơ hội. Đây là câu hỏi lớn đối với chính sách.

Trong riêng lĩnh vực giày dép, một xu thế là nguyên liệu bị phụ thuộc rất nhiều, từ 80% giảm còn 60%. Chúng ta đã tìm giải pháp để bớt phụ thuộc khỏi Trung Quốc tuy nhiên vẫn không thể tìm được cách thức để khách hàng thấy giá thành phù hợp với sản phẩm, CEO của Bita’s chia sẻ.

Ví dụ hiện tại các doanh nghiệp da giày Việt có công nghệ về thuộc da nhưng lại không muốn cho các doanh nghiệp nước ngoài vào khu công nghiệp bởi khi đưa vào sử dụng bị người dân phản đối. Các bộ ngành phải đứng ra xử lý việc này.

Nhà báo Quốc Vĩnh cho biết về mặt chiến lược đang có chính sách gắn với hiệp định thương mại, những ngành này sẽ tạo ra 3 triệu đến 5 triệu công ăn việc làm, đặc biệt cho các khu vực nông thôn.

Ông Vĩnh cho rằng đôi khi người ta chỉ nói đến TPP mà đôi khi quên ASEC, ASEAN+6. Trung Quốc là thành viên của ASEAN +6. Nhà đầu tư có thể lưu ý thêm vấn đề này.

Nhà báo Quốc Vĩnh

Dệt may Việt Nam có tiềm năng lớn do có tay nghề khéo. Bên cạnh đó tầng lớp Trung lưu của châu Á và châu Phi sẽ tăng rất mạnh. Thị trường cho doanh nghiệp dệt may sẽ khá rộng trong 10-15 năm tới. 

Hiện nay các nhà kinh tế bắt đầu coi Việt Nam có thể trở thành trung tâm thời trang (Fashion) dài hạn. Dệt may Việt Nam nên nhìn cả về khía cạnh thương hiệu, thời trang. Hiện các cách thức đào tạo trong lĩnh vực này còn đang rất thiếu. 

Do tác động của TPP nên ngành dệt may hiện bám rất sát với đoàn đàm phán.

Thép "phòng ngự - tấn công"

Ở một lĩnh vực khác, ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam nhìn nhận, ngành thép đang ở phòng ngự là chính, và hiện sẽ áp dụng chiến thuật trong bóng đá phòng ngự tấn công.

Hiện tại Việt Nam đang đàm phán 6, 7 hiệp định thương mại tự do. Bất kỳ hiệp định nào cũng có 2 mục tiêu là: thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước.

40 mặt hàng ngành thép cần có bảo hộ, đủ điều kiện để nâng lực cạnh tranh. Với Nga, thị trường thép Việt Nam rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam đang vật lộn với thép Trung Quốc đội lốt sau thép hợp kim... gian lận thương mại. 

Hơn nữa, thép Nga có mức thuế suất thấp thì càng khó khăn. 

Cả năm 2013, phần lớn Việt Nam sản xuất được 40 - 60% công suất thiết kế, phôi thép 60%, sản phẩm khác chỉ có 40%, luyện gang được 30% công suất thiết kế.

Sức cạnh tranh với Nga gặp khó khi nước Nga có tiềm năng rất lớn, nhà máy lớn của họ có lò cao lớn nhất thế giới từ những năm 90 - 95 với 5.000 khối. 

Trong khi công nghệ của họ sản xuất phôi đi từ quặng sắt ra gang lỏng, thổi oxy,.... Công nghệ của chúng ta mới phát triển lò điện nấu chảy thép phế, điện năng phun thêm oxy, than...

Chi phí sản xuất 1 tấn phôi của chúng ta gấp 3 lần của Nga - 1 nước có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới. Nước Nga, trình độ khoa học công nghệ lớn và sức tiêu thụ thép ở Nga đang ở mức bão hòa. 

Trung Quốc sản xuất thép nhất 780 triệu tấn, xuất khẩu 60 triệu tấn, có 15 triệu tấn vào ASEAN và trong đó có Việt Nam.


Hành động gì?

Ông Chu Đức Khải mong muốn cơ quan quản lý khi đàm phán cố gắng theo hướng những sản phẩm trong nước đang dư thừa thì cố gắng bảo hộ từ 5 - 10 năm để nâng cao năng lực cạnh tranh có chi phí giá thành thấp hơn.

Ngành thép sẽ tự thân giảm chi phí tuy nhiên cũng kỳ vọng những mặt hàng không thể bảo vệ được, mong nhà nước xây hàng rào kĩ thuật ngăn cản hàng bên ngoài vào.

Vừa qua Bộ Công thương và Bộ Khoa học công nghệ đã họp bàn về chuyện gian lận về thép hợp kim thì theo ông Khải vấn đề này hoàn toàn có thể ngăn được. 

"Mình có sẵn sàng chơi hay không?"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng muốn hỏi thêm cả 2 ngành dệt may và thép bởi chưa thấy nêu đến nhân tố về sáng tạo, sẽ sáng tạo như thế nào, độ sáng tạo kinh khủng trên thế giới sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt như thế nào?

Một ý kiến cho rằng hiện Việt Nam có lợi thế về dệt may nhưng không biết ngành có sẵn sàng cho bối cảnh phát triển công nghệ mới trong ngành may thay vì may bằng nhân công không?, bà Lan dẫn dụ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Trên thực tế một số doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Mỹ trở lại bởi đã có công nghệ và không cần tận dụng nhân công giá rẻ. Nếu bối cảnh này xảy ra với Việt Nam thì chúng ta đã nghĩ đến hay chưa?, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.

Thế cờ hiện tại có thể thay đổi, bà nói. Các doanh nghiệp thép cho rằng ngành thép đang có nhiều mối đe dọa, nhưng bà Phạm Chi Lan cho rằng mối lo ngại gần nhất là thép của Formosa, có khi có thể lấn át tất cả các doanh nghiệp thép. Công suất đủ trùm lên toàn bộ thị trường, doanh nghiệp thép có thể phải đối phó nhiều hơn việc cạnh tranh với thép của Nga. Chúng ta có thể làm gì để khác biệt với Formosa, bà Lan nói.

"Một số ngành đang có lợi thế có thể biến mất trong tương lai. Điều này có thể trở thành một sự đổ vỡ lớn nhất cho ngành", bà Phạm Chi Lan cảnh báo.

Về môi trường kinh doanh, thể chế chính sách là điều rất khó cho doanh nghiệp. Dường như chúng ta đang chuẩn bị cho đàm phán các hiệp định nhưng cần chú ý chuẩn bị cho bản thân như thế nào để theo được cái mới. Liệu khi bàn cờ được hình thành, mình có sẵn sàng chơi hay không?

Hiện cơ chế đang dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI để có danh nghĩa Việt Nam xuất khẩu được nhiều mặt hàng ra thế giới. Doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 65% xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Con số này khá “đáng sợ”. 

Câu hỏi đặt ra là thế cờ này mang lại lợi thế lớn nhất cho ai, doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp khác? Những doanh nghiệp trong nước có ý định như thế nào nếu việc doanh nghiệp nước ngoài vào làm thay đổi rất nhiều thứ của thị trường?

Phải làm gì khi nhà nước ưu đãi cho doanh nghiệp FDI mà lại không đồng ý điều đó với doanh nghiệp Việt? Có vẻ nền kinh tế thì to nhưng kinh tế Việt Nam lại bé đi, bà Lan đặt câu hỏi.


Có được cái “tâm” mới tới “tầm”

Ông Trần Hữu Đức - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ tư vấn phát triển nguồn nhân lực cho rằng, chúng ta hết chơi cờ tướng mà đang chơi cờ quốc tế. 

Theo cách chơi cờ thế giới, con vua cũng được tham gia và không được giới hạn. Sang năm những nghi thức hạn chế người lao động nước ngoài vào Việt Nam, và ngược lại được xóa bỏ.

Các du học sinh đi học buộc phải về nước. Liệu họ có về không? Trước kia quản lý cơ chế chất xám bằng cái lồng, sang năm sẽ không còn.

Trong góc độ quản trị mở và hội nhập toàn cầu, xuất phát vẫn là “tâm” trước. Mình có dám tiến ra xa không hay chỉ “thủ”, lo sợ sẽ thua trên sân nhà. Có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam đã thựcsự tiến ra nước ngoài và thành công. Có được cái “tâm” mới tới “tầm”.


Doanh nghiệp Việt cần phóng tầm ra 20 năm hoặc xa hơn nữa, về cả không gian và thời gian. “Tầm” của chúng ta còn ngắn. Bên cạnh đó, cái “tài” và “kết nối” là yếu tố rất quan trọng. Doanh nghiệp Việt có thực sự coi trọng vấn đề kết nối hay không?

Theo ông, “Tâm” cần tập trung ở ông chủ. “Tầm” tập trung ở hệ thống các lãnh đạo. “Tài” tập trung ở quản lý bậc trung và nhân viên cấp dưới. 

Nếu muốn biết năng lực lõi là gì hay tìm kiếm người tài thì có thể dùng dịch vụ tư vấn. Nhưng “tâm” và “tầm” thì đừng dùng tư vấn, hãy dùng cái bên trong chúng ta để nhận ra cái đó.

"Luật chơi đang thay đổi"

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, cho rằng luật chơi đang thay đổi. Những người bất kể là ai trong cuộc cờ cũng phải thay đổi theo để dành chiến thắng.

Về chính sách ngành thì có ngành có thể tiến, có ngành phải thủ thế để có thể cạnh tranh được. Trên cơ sở phát triển ý của bà Phạm Chi Lan, mỗi chính sách ngành có một bộ phận riêng. Chu kỳ của sản phẩm hiện tại thay đổi rất nhanh nhưng chính sách lại còn cũ. Trong tương lai, năm 2018 nhiều doanh nghiệp ô tô Nhật Bản sẽ rút nhưng rõ ràng chúng ta nuôi nó được 20 năm và không chấp nhận thực tế như thế. 

Đối với ngành dệt may, ông Thành cho rằng không nên dính quá nhiều đến lợi ích của ngành dệt may, chúng ta sẽ giải quyết thế nào nếu đổ vào đó hàng trăm triệu và kẹt ở đấy không thể thoát như đã từng làm với nông nghiệp.

TS. Nguyễn Đức Thành (giữa) phát biểu tại Hội thảo.

Thép là ngành sử dụng điện khủng khiếp của Việt Nam. Trong tương lai phải dịch chuyển cơ cấu của ngành theo như thế nào để phù hợp, cần làm những gì, khai thác khía cạnh, góc cạnh khác biệt nào thì chỉ có những người trong cuộc mới giải quyết được. 

Hiện Trung Quốc sớm hay muộn cũng chuyển thượng nguồn ngành dệt vào Việt Nam, cần có chính sách thế nào để ý thức rõ ràng về vấn đề chuyển giá. Ví dụ như doanh nghiệp mở rộng bao nhiêu chi nhánh như Metro nhưng không đóng một đồng tiền thuế là bài học trước khi doanh nghiệp Trung Quốc sắp sang.

"Cuộc chơi thay đổi, lợi ích được nhìn nhận rất rõ nhưng quản lý không chặt. Vai trò của FDI trở lại 1 vòng, khi Việt Nam gia nhập WTO, vai trò của xuất khẩu FDI chiếm 60%, xuất khẩu của chúng ta chỉ có 40%. Sau vài năm sau đó, tỷ lệ này đã đảo ngược lại. Tuy nhiên do cuộc khủng hoảng kinh tế, đóng góp của doanh nghiệp FDI lại trở lại với tỷ lệ ban đầu", TS. Nguyễn Đức Thành nói.

 TS. Nguyễn Đức Thành

Mới đây, có thông tin xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ nhất khu vực ASEAN và bỏ xa các nước khác. Đây là con số rất đáng mong đợi. Ông Thành nhấn mạnh thị trường Mỹ là tương lai của Việt Nam.

Dòng vốn tài chính hôm nay và quá khứ?

Trả lời câu hỏi của TS. Võ Trí Thành về khác biệt giữa dòng vốn tài chính hôm nay và quá khứ?, ông Lê Trọng Nhi - chuyên viên tài chính ngân hàng cho biết: Thế giới tài chính trước và hiện tại thì không có thay đổi nhiều. Vấn đề quan trọng là họ tìm được dòng tài chính vào nhà đầu tư làm cho nó sinh sôi nảy nở.

"Nếu chúng ta nhìn với cặp mắt không soi mói, nó có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu muốn tìm ra sự khác biệt, bất kỳ một quốc gia nào đó khi thế lực tài chính quá mạnh thao túng làm cho cả nền kinh tế toàn cầu chịu sự ảnh hưởng khủng hoảng.

Hai vấn đề trên đều dựa trên cơ sở là đạo đức của con người. Mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế tại một quốc gia đều có những con người có lòng tham. Đôi khi có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đôi khi có sự lỏng lẻo. Những người thấp cổ bé họng lại là nạn nhân phải trả giá"
, ông Lê Trọng Nhi nói.


Bên cạnh đó, ông Nhi đề cập tình trạng hiện nay doanh nghiệp kêu thiếu vốn, ngân hàng thừa vốn mà không đưa được dòng vốn đến doanh nghiệp. NHNN hạ trần lãi suất huy động 0,5% còn 5,5%. Liệu có tốt không?

"Tôi dám chắc là chưa ai mà có thể trả lời được sự giảm lãi suất đó có giúp được ngân hàng giảm được chi phí huy động giải quyết vấn đề lỗ của các ngân hàng hơn là chính sách kích tín dụng. Tình trạng nợ xấu tại ngân hàng qua nhiều giải pháp cũng chưa có giải pháp nào giải quyết căn cơ được vấn đề đó", ông Nhi nói.

Chúng ta giảm lãi suất như một tín hiệu kích tín dụng nhưng theo ông Nhi chưa hẳn là chúng ta đã làm được.

Tại sao trong một thời gian khai cuộc rất tốt. Nhưng đến trung cuộc ngân hàng của chúng ta lại gặp nhiều khó khăn. Nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề nổi cộm như sở hữu chéo, tình trạng thao túng tài chính,... thì sẽ không đạt được những mục tiêu kinh tế đặt ra.

Chuyên gia nhấn mạnh yếu tố con người là vô cùng quan trọng, đồng thời chúng ta cần có cơ chế để đẩy mạnh tư duy, giảm lòng tham, cũng như trừng phạt việc thao túng tài chính.

Nghĩ đến sức khỏe, môi trường trước lợi nhuận

Là công ty sắp động thổ một khu xử lý rác thải lớn ở Long An và vừa thắng thầu khu xử lý rác thải tại California, ông David Dương - Công ty California Waste Solution, chia sẻ về vấn đề doanh nghiệp huy động vốn ở đâu và làm thế nào để sử dụng vốn hiệu quả.


Ông cho biết khu công nghệ môi trường xanh tại Long An có vốn đầu tư từ 500-700 triệu USD, trong vòng 20 năm tới. Giai đoạn đầu đầu tư khoảng 150 triệu USD với một số hạ tầng và công nghệ để xử lý rác cho khu TP.HCM nói riêng là các khu vực lân cận. 

Ông David cho biết việc đền bù giải tỏa đất đai khá khó khăn và khiến dự án đội vốn và kéo dài. Ông học được một điều rằng đối với nền kinh tế của nước mình không thể trả được giá xử lý rác thải như các nước tiên tiến khac. Ví dụ như Mỹ trả 78 USD nhưng về Việt Nam chỉ trả 16,4 USD.

Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là làm sao để có được công nghệ xử lý rác. Công ty đã chọn ra công nghệ 9 tầng lớp khac nhau, không thẩm thấu rác vào đất ngầm đồng thời tận dụng thu khí gas để tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, trong khu xử lý rác nhưng có cả khu công viên và sở thú nhỏ. 

Trả lời câu hỏi làm sao để làm được với giá rẻ như vậy, ông David Dương cho biết không nghĩ đến việc làm sao để nhanh giàu mà nghĩ đến sức khỏe, môi trường cho người dân, tận dụng niềm tin và kiếm lời ở dự án sau mặc dù lỗ ở dự án đầu. 

Nguồn vốn dự trữ, vốn lưu động là chắc chắn doanh nghiệp phải có phòng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đi tìm nguồn vốn với lãi suất thấp ví dụ như đầu tư trong nước nhưng tìm nguồn của nước ngoài bởi lãi suất trong nước 16% nhưng vay ở nước ngoài chỉ ở mức 3,4%. Tuy nhiên với chương trình ngắn thì có thể vay vốn trong nước để đầu tư.

Ông Phan Quốc Công

"Nếu chúng ta không nắm bắt được thì sẽ bị tụt lùi"

Ông Phan Quốc Công - Tổng giám đốc CTCP sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (ICP), cho rằng thế giới đang nhiều tiền, lãi suất tại các nước đang ở mức rất thấp, gần như bằng 0. Tiền di chuyển theo nhu cầu tức là khi nào ở đâu giới tài chính thấy hấp dẫn thì đổ tiền đầu tư.

Năm 2006 – 2007 Việt Nam tăng trưởng tiền đầu tư rất nhiều. Hiện nay, Thái Lan, Indonesia,... đang rất nóng về đầu tư. Theo ông chúng ta nên tận dụng lòng tin của giới tài chính quốc tế đang đầu tư vào đâu, thì chúng ta làm theo.

Bên cạnh đó, có thể tiếp cận nguồn tiền từ các quỹ đầu tư, ví dụ như Ấn độ trả lãi cho các công ty niêm yết PE trên 20 thậm chí PE 30. 

"Chúng ta sẽ đứng trước cơ hội rất lớn trong 20 năm tới và đang đứng trước cuộc cách mạng thứ 3. Thách thức lớn trong tương lai nếu chúng ta không nắm bắt được thì sẽ bị tụt lùi", ông Phan Quốc Công nói.

Các doanh nghiệp cần xây dựng giá trị minh bạch, hợp tác, tăng trưởng, cần hợp lực bên trong và bên ngoài.

Ông Trần Đức Cảnh

Bài học thất bại lớn nhất trong huy động - sử dụng vốn

Trả lời câu hỏi về bài học thất bại lớn nhất trong sử dụng vốn, huy động vốn, ông Trần Đức Cảnh - Tổng Giám đốc Công ty Khách sạn du lịch Việt Mỹ, cho rằng trong thời gian vừa qua, Việt Nam có 3 vấn đề lớn về nguồn vốn FDI có khả năng về Việt Nam là khủng hoảng kinh tế Mỹ, bắt đầu từ 2009 cho tới khó khăn trong nước gần đây và khủng hoảng ở Dubai khi dự tính đầu tư một số dự án lớn tại Việt Nam nhưng đều rút hết.

Trong quá trình đầu tư các dự án bất động sản có một số trục trặc, kéo dài và đội vốn dự án. Công ty tham gia dự án trong khi Nha Trag chưa phát triển lắm. Dự án thứ 2 tham gia ở Bình Định, có những khó khăn nhất định tuy nhiên do đã làm việc với rất nhiều tập đoàn về quản lý khách sạn đầu tư, dùng các thương hiệu lớn của các tập đoàn lớn cùng tham gia nên tạo ra những điều kiện thuận lợi khi tiếp cận với nhiều nguồn vốn đầu tư.

Dự án đầu tiên mất 9 năm để đầu tư nhưng lại là dự án thành công nhất tại Nha Trang.

Ngành ngân hàng còn nhiều lỗ hổng

Theo quan điểm về tài chính của ông Lê Trọng Nhi, nhìn hệ thống ngân hàng như thế nào thì kinh tế như thế đó.

Nhìn xa trước 10 năm nữa và lùi lại 6 năm qua, tài chính ngân hàng của chúng ta là bi kịch của nền kinh tế. Nếu là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông cho đây là một bài học cần học thuộc lòng.

Ông chỉ ra trong 3 tháng liền có đến 3 lãnh đạo của 3 ngân hàng bị bắt: Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng và Nguyên chủ tịch Agribank.

Cho dù những kế hoạch mà không có hệ thống ngân hàng đứng ra cưu mang thì đều khó thực hiện được. Cho thấy vai trò của hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên thị trường vốn của nước ta còn nhiều lỗ hổng.

Đơn cử có môi trường nào 3 năm vừa rồi hàng trăm nhân viên quan chức ngân hàng bị truy tố. 
Ông so sánh các chi nhánh các nước ngoài tại Việt Nam chưa có nhân viên nào quan chức nào bị truy tố. Nếu là Thống đốc, thì theo ông cần đưa tiêu chí này vào xem xét.

Nợ xấu nếu không giải quyết được thì sẽ bất ổn. Không có lobby nào như ngành thép, ngành dệt may mà hệ thống ngân hàng là cực kỳ ghê gớm vì hỏng lĩnh vực này là gãy đi xương sống của nền kinh tế. 

Ông đánh giá cải cách ngân hàng đang nửa vời không thực, không giải quyết được số nợ xấu thực và số nợ xấu giả.

Tiền không thiếu, vấn đề là làm sao sử dụng được

Chốt lại phần chia sẻ Làm sao chuyển được tiền vào nơi đầu tư hiệu quả, ông Võ Trí Thành tóm lại trong 3 từ điều tiết, giám sát và vấn đề con người. 

Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, hệ thống rủi ro rất cao. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cuối 2011 ở thời điểm cực kỳ nghiêm trọng và nay đã thoát được, tránh được sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Để cải tổ và tái cấu trúc thành một hệ thống lành mạnh thì con đường còn rất dài. Đây là bài toán căn cơ nhất của NHNN. 

Hệ thống tài chính to, tiền không thiếu, vấn đề là làm sao sử dụng được. Ba bài học được rút ra qua phần chia sẻ này bao gồm:

Đừng chỉ qua tâm đến lợi tức của đàu tư, dòng vốn mà phải gắn với thanh khoản. Tài sản tài chính mang tính thanh khoản cao rất quan trọng.

Lợi tức đừng chỉ nhìn ngắn hạn mà hãy nhìn dài hạn. Huy động vốn phải biết tạo dựng uy tín, hình ảnh của mình. Đồng thời phải biết chơi với những người có uy tín.

Phải biết dòng vốn dòng tiền ấy ai đang có. Đừng quên nhà nước. Nhà nước là nhà tiêu dùng, nhà đầu tư lớn nhất. Hãy đồng hành, là bạn với nhà nước nhưng “đừng thân thiết quá”.

“Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”

TS. Lê Đăng Doanh đã tổng hợp những thông tin lại buổi hội thảo: Nếu hiệp định ERCP được thực hiện, chiến hữu Trung Quốc sẽ lấy đi hết các lợi thế của chúng ta. Đây là thời điểm để doanh nghiệp nhìn thẳng vào sự thật, nói lên đúng sự thật và có quyết tâm để vươn lên. 

Đây là thời điểm để sáng tạo, cần phải làm khác với Trung Quốc, có sản phẩm dịch vụ khác với đối thủ của chúng ta. Hãy đề cao sáng tạo hơn nữa, vứt bỏ những gì được xem là chìa khóa thành công thời gian qua: Lợi thế lao động giá rẻ mà dựa vào trình độ nhân công có sức sáng tạo, trình độ lao động cao. Đây cũng thách thức của nhà nước về mặt chính sách. 

Đây là thời điểm cần nhớ đến và học lại đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trước 1 đối thủ rất mạnh ở trận Điện Biên phủ, đại tướng đã phân tích và quyết định kéo pháo ra. Chúng ta cần có những bước cải cách có tính bước ngoặt. Doanh nghiệp Việt cần “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, xác định chiến lược đúng đắn.
Nguồn: Bizlive.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.