Chuyên mục
Giữa “cơn bão” thực phẩm bẩn, người Việt có chịu “móc hầu bao” cho nông sản Nhật?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Giữa “cơn bão” thực phẩm bẩn, người Việt có chịu “móc hầu bao” cho nông sản Nhật?

Thứ tư 31/08/2016 03:53 GMT + 7
Trong khi người tiêu dùng Việt Nam đang lo ngại về “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”, liệu các thực phẩm đắt tiền của Nhật Bản sẽ hiện diện nhiều hơn trên bàn ăn của người Việt?


Một số mặt hàng thực phẩm được doanh nghiệp Nhật trình bày tại buổi kết nối ngày 30/8 tại Hà Nội.

Chiều ngày 30/8 tại Hà Nội, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) đã kết nối 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản và thực phẩm từ xứ sở hoa anh đào với các doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh thực phẩm bẩn trở thành mối lo thường trực của những người nội trợ Việt. 

Tại buổi kết nối, các doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu nhiều mặt hàng nông sản, từ gia vị, bánh kẹo, rượu, nước uống dinh dưỡng đến thịt bò và hải sản. Đa số các doanh nghiệp này chưa xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam, nhưng đều bày tỏ kì vọng sẽ được người tiêu dùng Việt đón nhận. 

“Đắt xắt ra miếng”


Đại diện của một công ty chuyên sản xuất bánh donut tự tin rằng sản phẩm của mình sử dụng nguyên liệu chú trọng đến sức khỏe của người dùng, và còn ngon hơn cả sản phẩm tương tự ở một khách sạn 5 sao ở Hà Nội. 

Vị đại diện này chia sẻ mong muốn phân phối sản phẩm thông qua các nhà hàng ở Việt Nam và nhắm đến khách hàng có thu nhập cao. 

Tương tự, đại diện Công ty Igarashi Seimen kì vọng các sản phẩm mì udon và mì ramen của mình sẽ phổ biến hơn tại Việt Nam trong tương lai khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sức khỏe, chuyển sang sử dụng mì không sử dụng dầu ăn để chế biến, dù có giá cao hơn các sản phẩm thông thường 5-6 lần.

Lần đầu tiên đến Việt Nam, đại diện của công ty này bày tỏ mong muốn nghe phản hồi của người tiêu dùng Việt và nếu thuận lợi, sẽ mở tiệm mì và công ty chế biến mì ở đây trong tương lai. 

Trong lĩnh vực đồ uống, một công ty rượu sake có tuổi đời hơn 300 năm cho biết các sản phẩm của mình hiện vẫn được làm theo phương pháp thủ công. Công ty này đã xuất khẩu sang 25 nước và đang tìm kiếm đối tác để thâm nhập thị trường Việt Nam. 

Đại diện Hiệp hội thịt bò tỉnh Nagasaki cho biết, khách hàng ở Việt Nam vẫn chấp nhận thịt bò của tỉnh này dù giá lên tới 2,4 triệu đồng/kg, bởi bò được nuôi là thuần chủng và chất lượng thịt được hiệp hội đánh giá lại sau mỗi 5 năm.
 
Việt Nam trong top 10 tiêu thụ hàng nông sản Nhật 

Theo thống kê năm 2015, Việt Nam là nước nhập khẩu lớn thứ 7 các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm của Nhật Bản. Số lượng nhà hàng Nhật Bản có xu hướng ngày càng tăng tại Hà Nội và TP.HCM, kéo theo thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng được mở rộng. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi gần 56 triệu USD để nhập khẩu hàng thủy sản, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm chế biến khác từ Nhật Bản. 

Jetro đánh giá rằng Việt Nam đã trở thành thị trường đầy hứa hẹn cho các mặt hàng thực phẩm xuất xứ từ Nhật Bản, nhờ vào sự tin tưởng cao của người tiêu dùng Việt Nam vào chất lượng sản phẩm của Nhật Bản, và hai nước đều tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 
Ông Tomofumi Abe, đại diện của Jetro tại Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE

Trao đổi với BizLIVE, ông Tomofumi Abe, đại diện của Jetro tại Hà Nội, nói rằng với mạng lưới văn phòng rộng khắp của mình, Jetro tìm hiểu nhu cầu ở các nước để quyết định triển khai các mô hình xúc tiến thương mại. 

Jetro tại Việt Nam thường tổ chức 2 sự kiện lớn kết nối giao thương mỗi năm. Cơ quan này sẽ tổ chức một buổi kết nối doanh nghiệp khác vào tháng 11 tới dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Jetro dự kiến sẽ tiếp tục “làm mối” cho các doanh nghiệp thực phẩm của hai nước vào năm tới. 

Lợi thế từ sự mở rộng mạng lưới bán lẻ

Ngoài sự tin dùng về chất lượng của người Việt đối với hàng “Made in Japan”, hàng tiêu dùng của Nhật Bản còn có nhiều cơ hội tiếp cận người Việt nhờ các chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị vốn Nhật đang mở rộng nhanh chóng. 

Mới đây, tờ Nikkei đưa tin chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Nhật Bản là 7-Eleven sẽ tham gia vào cuộc chiến thị trường bán lẻ ở Việt Nam vào tháng 2/2018. 

Trước đó, 7-Eleven tuyên bố đã ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam và dự định sẽ mở khoảng 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. 

Như vậy, đây sẽ là chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản thứ ba vào Việt Nam sau hệ thống FamilyMart và Ministop.

Chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, Tập đoàn Aeon đã mở được 4 trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD tại Việt Nam. Aeon đã tấn công thị trường miền Bắc với việc khai trương Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên vào tháng 10 năm ngoái. 
 
Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này có tham vọng mở 20 trung tâm thương mại Aeon Mall tại Việt Nam đến năm 2020. Ngoài ra, thông qua đầu tư vào chuỗi siêu thị Citimart và Fivimart, “đại gia” Aeon hướng đến mục tiêu mở 100 siêu thị kiểu này trong những năm tới. 

Như vậy, với sự mở rộng của các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản và nếu Hiệp định TPP được thông qua, hàng hóa tiêu dùng, trong đó có hàng nông sản và thực phẩm từ đất nước Mặt trời mọc sẽ ngày càng hiện diện rộng rãi ở Việt Nam. Vấn đề là người Việt có chịu “xuống tiền” cho hàng Nhật “ngon, bổ” nhưng không rẻ hay không?

MINH TUẤN
Nguồn: bizlive.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.