Chuyên mục
Cốc Cốc, Sendo.vn và Giaohangnhanh.vn gọi vốn lần đầu như thế nào?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cốc Cốc, Sendo.vn và Giaohangnhanh.vn gọi vốn lần đầu như thế nào?

Thứ sáu 22/05/2015 16:34 GMT + 7
Các startup (công ty khởi nghiệp) đã có nhiều cách khác nhau để giành được niềm tin của nhà đầu tư nhằm mục đích gọi vốn lần đầu, trong đó yếu tố con người là cực kỳ quan trọng.
   

Ảnh minh họa. Anh Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên trái).

Ngày Công nghệ FPT 2015, diễn ra hôm 19/5 tại TP.HCM, đã quy tụ nhiều diễn giả đến từ các startup mới nổi tại Việt Nam và câu chuyện khởi nghiệp của họ được chia sẻ đến nhiều người dự khán. Trong đó, nhiều người tò mò muốn biết các startup này đã lấy được nguồn tiền đầu tư đầu tiên như thế nào, ICTnews xin chia sẻ các câu chuyện của Cốc Cốc, Misfit Wearables, Sendo.vn và Giaohangnhanh.vn.

Cốc Cốc, một công ty khởi nghiệp ra đời từ năm 2007 nhưng thực sự mới chỉ thương mại hóa sản phẩm từ năm 2013, vừa được một quỹ đầu tư Đức Hubert Burda Media đầu tư đến 14 triệu USD. Vì sao Cốc Cốc nhận được khoản đầu tư hàng trăm tỷ đồng như vậy? Anh Nguyễn Thanh Bình, đồng sáng lập Cốc Cốc cho rằng nhà đầu tư Đức chỉ dựa vào con số tăng trưởng ấn tượng của Cốc Cốc để đổ tiền vào công ty này.

“Hubert Burda Media là một công ty đầu tư, họ đầu tư tới hơn một ngàn dự án khác nhau. Khi tìm hiểu Cốc Cốc, họ không chỉ kiểm toán, không chỉ dùng comScore mà còn thuê thêm hai đơn vị khác nhau nữa để đánh giá thị phần thực sự của Cốc Cốc ở Việt Nam và xem liệu con số Cốc Cốc đưa ra đúng hay không. Vì thế không có lý do gì họ không đầu tư vào Cốc Cốc sau khi đã kiểm tra các con số”, anh Bình nói.

Theo anh Nguyễn Thanh Bình, quá trình đầu tư của quỹ đầu tư Đức vào Cốc Cốc diễn ra khá nhanh, khoảng 6 tháng từ khi tiếp xúc với Cốc Cốc đến khi tiền vào tài khoản công ty.

Lần được cấp vốn này, theo anh Bình, là do nhà đầu tư dựa vào con số tăng trưởng ấn tượng của Cốc Cốc. Tuy vậy, khoản rót vốn đầu tiên vào năm 2007, khi Cốc Cốc mới chỉ là một nhóm 3 lập trình viên người Việt ở Nga, chưa có thành tựu gì, thậm chí chưa giao tiếp tốt được bằng tiếng Nga, theo anh Nguyễn Thanh Bình, chắc chắn nhà đầu tư người Nga nhìn vào tiềm năng từ cả ba người rồi mới quyết định rót vốn.

Thời điểm đó, Cốc Cốc còn chưa được gọi là Cốc Cốc và ba lập trình viên Việt Nam đã được Victor Lavrenko (hiện là CEO Cốc Cốc) đầu tư khoản tiền đầu tiên, cộng với nhiều sự giúp đỡ khác của doanh nhân người Nga này để phát triển nên Cốc Cốc như ngày nay. Hiện nay, theo Cốc Cốc, trình duyệt của họ có lượng người dùng đứng thứ hai trong nước, chỉ sau Google Chrome.

Đồng tình với quan điểm khoản tiền đầu tư ban đầu của nhà đầu tư đa số đều dựa vào niềm tin của họ vào những nhà khởi nghiệp, anh Nguyễn Quang Huy (Giám đốc công nghệ phần mềm của Misfit Wearables): “Không khác gì câu chuyện của Cốc Cốc, thông thường khoản đầu tư ban đầu ở Silicon Valley đều là đầu tư vào con người”.


Anh Nguyễn Quang Huy (giữa).  

Có mặt tại Ngày Công nghệ FPT 2015, Misfit là một trường hợp đặc biệt, vì thực chất công ty này có trụ sở chính ở Mỹ nhưng lại có nhiều mối liên quan đến Việt Nam. Cụ thể, một trong ba nhà sáng lập đồng thời kiêm CEO Misfit là ông Sony Vu, một Việt kiều Mỹ. Vợ ông, bà Lê Diệp Kiều Trang, có thành tích học tập và công tác rất nổi bật, gia nhập Misfit với tư cách Giám đốc tài chính. Misfit Wearables cũng có một đội ngũ nhân viên đang làm việc tại Việt Nam song song với các nhân viên của họ ở Thung lũng Silicon (Mỹ).

Anh Nguyễn Quang Huy kể tiếp, hai nhà sáng lập Sony Vu và Sridhar Iyengar vốn là bạn của nhau từng làm việc chung, John Sculley thì đã nổi tiếng vì từng làm CEO của Apple lẫn Pepsi. Khi cả ba người quyết tâm “làm một cái gì đó” thì nhiều nhà đầu tư rất quan tâm. Khoản tiền đầu tư ban đầu 7 triệu USD đến với Misfit khá dễ dàng, theo anh Huy.

Đến năm thứ hai, dù chưa ra sản phẩm gì nhưng Misfit cũng đã huy động được 15 triệu USD. Ở lần gần đây nhất, Misfit được Xiaomi đầu tư 40 triệu USD, là lần mà anh Huy cho rằng, Misfit chưa thật sự cần tiền nhưng vì CEO của hai công ty vô tình gặp nhau ở Trung Quốc và Xiaomi muốn hợp tác với Misfit, trong khi Misfit cũng đang muốn mở rộng thị trường sang Trung Quốc.

Có một khởi đầu “ngọt ngào” không kém Misfit là Sendo.vn, sàn thương mại điện tử đứng thứ hai ở VN với khoảng 14% thị phần, theo anh Nguyễn Phương Hoàng (Giám đốc Công nghệ của Sendo.vn) dẫn nguồn từ Bộ Công thương. Anh Hoàng cho biết, Sendo.vn ra đời cùng thời điểm với Giaohangnhanh.vn, một đơn vị giao hàng mới nổi ở thị trường Việt Nam, cách đây khoảng 3 năm. Trong đó, hơn một năm rưỡi đầu tiên Sendo.vn nằm trong một dự án của FPT Online và được “nuôi” bởi “bầu sữa mẹ” giàu nguồn lực này, tuy nhiên anh Nguyễn Phương Hoàng không tiết lộ số tiền FPT Online đã bỏ ra để đầu tư cho Sendo.vn. Anh Nguyễn Phương Hoàng, vì vậy, không cho rằng Sendo.vn là một dự án khởi nghiệp hoàn toàn, mà là demi-startup – khởi nghiệp một phần.


Anh Nguyễn Phương Hoàng (bên phải).

Sendo.vn hiện cùng chung một mái nhà với 123mua.vn, một trang mua bán trực tuyến mà FPT đã mua lại của VNG với giá đồn đoán là 11-12 tỷ đồng. Cả hai trang này đều thuộc Công ty Sen Đỏ - một công ty thuộc Tập đoàn FPT - vốn có 33% cổ phần đã bán cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Ngược lại, một công ty khởi nghiệp không có khởi đầu suôn sẻ như Misfit hay Sendo.vn nhưng nay đã được nhiều người biết đến trong lĩnh vực thương mại điện tử chính là Giaohangnhanh.vn. Có mặt tại Ngày Công nghệ FPT, anh Lương Duy Hoài, CEO Giaohangnhanh kể rằng nhà đầu tư của công ty đã phải đi vay mỗi tháng vài chục triệu đồng để nhóm 7 người khởi nghiệp giai đoạn đầu, vì theo nhà đầu tư này nhóm đã “rất quyết tâm, khó khăn như vậy mà vẫn không bỏ cuộc”. 


Anh Dương Duy Hoài (ngoài cùng bên phải).

Nhóm khởi nghiệp Giaohangnhanh.vn gồm đa số là những người nghỉ việc từ Thế Giới Di Động. Trong khi đó, quỹ đầu tư hiện đang rót tiền cho công ty này cũng có một người đồng sáng lập vốn cũng đồng sáng lập Thế Giới Di Động, ông Đinh Anh Huân.

Rõ ràng, yếu tố con người là cực kỳ quan trọng khi các nhà đầu tư quyết định rót vốn vào các công ty startup, vì ngay từ khi các công ty này còn trong trứng nước thì ngoài bản kế hoạch kinh doanh và tiềm năng thị trường nhà đầu tư có thể thấy, thì chỉ có quyết tâm, tài năng, đam mê của người đứng đầu công ty khởi nghiệp mới là yếu tố khiến nhà đầu tư tin tưởng giao vốn.

N.H.Đăng
Nguồn: bizlive.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.