Chuyên mục
Vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei khoét sâu
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei khoét sâu "thù hận" thương mại Mỹ - Trung

Thứ bảy 08/12/2018 03:17 GMT + 7
Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến thương mại và công nghệ có nguy cơ bị khoét sâu thêm sau vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ đã khiến Trung Quốc nổi giận, đồng thời làm dấy lên những nghi ngờ mới về thỏa thuận “đình chiến thương mại” mà lãnh đạo 2 Mỹ - Trung đạt được cách đây vài ngày.

“Đây là sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, Christopher Balding một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Fulbright nói.


Bà Mạnh Vãn Chu là Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó Chủ tịch Huawei.
Ảnh: Warior trading news

Vụ bắt giữ gây chấn động

Huawei là một trong những công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, bị giới tình báo Mỹ coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Huawei bán nhiều Smartphone hơn cả Apple và xây dựng mạng lưới viễn thông ở nhiều nước trên thế giới.

Giới chức Canada cuối ngày 5/12 thông báo rằng, Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu đã bị bắt ở Vancouver và Mỹ đang tìm cách dẫn độ người này.

Chính phủ Mỹ và Canada vẫn chưa công bố những cáo buộc đối với bà Mạnh Vãn Chu sau vụ bắt giữ. Tuy nhiên, vụ việc này xảy ra sau những thông tin cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra liệu Huawei có vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran hay không.

“Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã kết tội một công dân Trung Quốc về những cáo buộc tương tự, tuy nhiên vẫn tránh những hành động mạnh mẽ hơn như việc bắt giữ người ở nước thứ 3, do lo ngại Trung Quốc sẽ đáp trả nhằm vào các lợi ích Mỹ ở Trung Quốc hoặc các nước khác”, các chuyên gia phân tích về rủi ro chính trị của Eurasia Group đánh giá.

Theo các nhà phân tích, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu cho thấy, “găng tay đã được tháo ra trên vũ đài”. Điều gì tiếp theo sẽ xảy ra với bà Mạnh Vãn Chu – con gái người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, sẽ có tác động lớn không chỉ tới chính tập đoàn Huawei mà còn cả quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tác động tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán các vấn đề thương mại – cuộc xung đột đã dẫn tới hành động thuế quan ăn miếng trả miếng đối với hàng tỷ USD hàng hóa của cả 2 bên.

“Những kiểu hành động như thế này sẽ ảnh hưởng tới bầu không khí xung quanh các cuộc đàm phán và khiến đôi bên khó đi đến được một giải pháp bền vững”, theo các nhà phân tích Eurasia Group.

Mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/12 bày tỏ tin tưởng một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể sẽ đạt được kịp thời trước khi hết thời hạn 90 ngày “đình chiến”, nhưng chính phủ Trung Quốc rõ ràng rất giận dữ với vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ và Canada “ngay lập tức sửa sai” và khôi phục “tự do cá nhân” cho bà Mạnh Vãn Chu.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả và chính quyền Trump có thể chuẩn bị các động thái khác nhằm vào lợi ích của Trung Quốc.

Nói về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Scott Kennedy - một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Washington cho rằng: “Cả hai bên cần phải có những hành động thận trọng và phải hiểu rõ những lợi ích lâu dài của mình”.

Công nghệ là một trong những trọng tâm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Chính quyền Trump nói rằng khoản thuế bổ sung mà nước này áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc một phần là nhằm ngăn chặn Trung Quốc “nhúng tay” vào công nghệ Mỹ một cách không công bằng thông qua các hành động như ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ hay và tấn công mạng buộc các công ty Mỹ phải đánh đổi bằng bí mật thương mại.

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu đồng nghĩa với phát súng cảnh báo của chính quyền Trump trong chiến dịch siết gọng kìm với sự lan rộng toàn cầu của công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến các cuộc đàm phán thương mại của ông Trump với phía Trung Quốc gặp không ít xáo trộn.

Huawei liệu có lao đao?

Vụ bắt giữ là một trong những động thái mạnh mẽ nhất đối với Huawei từ chính quyền Mỹ. Huawei bị cấm cung cấp các thiết bị viễn thông cho nhiều đối tác ở Mỹ. Giới chức Mỹ nhiều lần cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các sản phẩm của Huawei cho mục đích do thám. Tuy nhiên Huawei bác bỏ những cáo buộc này.

“Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu có thể là sự mở đầu cho các hành động tiếp theo nhằm vào Huawei cũng như các lãnh đạo cấp cao khác của công ty này”, các nhà phân tích của Eurasia Group nhận định.

ZTE - đối thủ nhỏ hơn của Huawei, là một ví dụ về việc chính phủ Mỹ có thể đi xa tới cỡ nào. ZTE đã điêu đứng suốt nhiều tháng sau khi bị Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty Mỹ xuất khẩu linh kiện cho ZTE. Lệnh cấm khiến ZTE phải lao đao bởi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ. Khi đó, ZTE buộc phải đóng cửa hầu hết các hoạt động và Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải can thiệp để cứu công ty này khỏi nguy cơ phá sản.

Một lệnh cấm tương tự đối với Huawei chắc chắn sẽ có tác động lớn hơn, vì các thiết bị của hãng này được sử dụng rộng rãi hơn.

Trong một tuyên bố, Huawei nói rằng, công ty này được cung cấp rất ít thông tin liên quan đến các cáo buộc và không biết những sai phạm của bà Mạnh Vãn Chu là gì. “Huawei tuân thủ tất cả những quy định và luật pháp ở nơi công ty này hoạt động, trong đó có cả luật trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu cũng như các quy định của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu”, tuyên bố của Huawei nhấn mạnh.

Những động thái tiếp theo đối với Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu sẽ là chìa khóa của vấn đề. “Trước mắt sẽ có rất nhiều tranh cãi về ngoại giao và pháp lý. Mỹ và Canada không nên xem nhẹ điều này và cần phải làm rõ mọi vấn đề”, chuyên gia Balding nói.

Vì sao ông Trump “không hề hay biết”?

Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Donald Trump không biết về vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu. Mặc dù đến ngày 5/12 Canada mới chính thức thông báo, nhưng vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu diễn ra hôm 1/12, cùng ngày diễn ra cuộc gặp Trump - Tập.

Thời điểm xảy ra vụ bắt giữ như đổ thêm dầu vào lửa những nghi ngờ của Trung Quốc rằng, các thành phần có quan điểm cứng rắn trong chính quyền Tổng thống Trump đang cố phá hoại thỏa thuận thương mại. Chính những người này đã tỏ ra không hài lòng khi 2 bên đồng ý 90 ngày “đình chiến”.

Đối với giới chức Mỹ và Nhà Trắng, việc ông Trump đi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà không hay biết gì về vụ bắt giữ đã dấy lên câu hỏi liệu Tổng thống có được thông báo một cách hợp lý trước một cuộc gặp nhạy cảm với một lãnh đạo nước ngoài hay không.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nói với NPR rằng ông biết trước về vụ bắt giữ, dù ông không xác nhận ông biết trước hay sau thời điểm cuộc gặp Trump - Tập diễn ra. “Những thông báo như vậy từ Bộ Tư Pháp là thường xuyên và chúng tôi không phải lúc nào cũng báo lại tất cả cho Tổng thống”.

Thùy Linh
Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.