Chuyên mục
Trung Quốc trong “cơn khát” phi công
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Trung Quốc trong “cơn khát” phi công

Chủ nhật 13/05/2018 15:19 GMT + 7
Trước tình trạng khan hiếm phi công, đe dọa đến triển vọng tăng trưởng, các hãng hàng không Trung Quốc đang tìm cách “câu” phi công từ các đối thủ nước ngoài bằng các mức lương hậu hĩnh, đồng thời ồ ạt thâu tóm và đầu tư vào các trường dạy bay nước ngoài, theo tờ Financial Times

Các hãng hàng không Trung Quốc đang chào mời các mức lương hậu hĩnh để tuyển các phi công nước ngoài. Ảnh minh họa: SCMP.

Cần thêm 110.000 phi công

Trung Quốc đang trên đường vượt qua Mỹ để trở thành thị trường vận chuyển hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA).

Hãng sản xuất máy bay Boeing dự báo từ nay đến năm 2035, Trung Quốc sẽ phải cần 110.000 phi công mới và các hãng hàng không Trung Quốc được dự báo sẽ mua 7.000 máy bay thương mại trong hai thập niên tới.

Thị trường vận tải hàng không Trung Quốc tăng trưởng 13% vào năm ngoái, với 549 triệu hành khách, tăng gấp đôi so với số hàng khách bay vào năm 2010. Mức tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang gia tăng và việc các hãng hàng không Trung Quốc mở rộng các tuyến bay cũng như nhiều chính phủ nước ngoài nới lỏng chính sách thị thực để thu hút du khách Trung Quốc. Số cơ trưởng và cơ phó làm việc ở Trung Quốc tăng gần gấp đôi giữa năm 2011 và 2017.

Paul Jebely, một luật sư chuyên về ngành hàng không ở Hồng Kông, nhận định: “Hiện nay, tăng trưởng trong lĩnh vực vận chuyển hàng không ở Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ trong thời đại của chúng ta và có thể trong lịch sử. Các hãng hàng không Trung Quốc đã đặt mua số máy bay nhiều hơn số lượng phi công sẵn có để bay chúng”.

Tình trạng thiếu hụt phi công đã dẫn đến các trường hợp hủy chuyến ngày càng gia tăng, làm hao mòn lợi nhuận và đe dọa các mục tiêu tăng trưởng của ngành vận tải hàng không trên khắp thế giới nếu các hãng hàng không Trung Quốc không có giải pháp căn cơ.

Đẩy mạnh thâu tóm các trường dạy bay nước ngoài

Trong những tháng gần đây, các hãng hàng không lớn của Trung Quốc như China Eastern Airlines, Air China, China Southern Airlines và Hainan Airlines đẩy mạnh tuyển dụng phi công và mở rộng hoạt động đào tạo phi công ở ngoài.

Theo Dave Ross, Chủ tịch công ty cho thuê phi công Wasinc International (Mỹ), các hãng hàng không Trung Quốc đã tăng lương mạnh mẽ cho phi công. Ông Ross cho biết phi công đến từ Trung Mỹ, Nam Mỹ và một số nơi khác ở châu Âu có thể nhận mức thu nhập lên bốn lần nếu chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không Trung Quốc.

Lương khởi điểm dành cho các phi công nước ngoài tại Trung Quốc đã nhảy vọt trong 10 năm qua từ mức 10.000 đô la Mỹ/tháng lên mức 26.000 đô la Mỹ mỗi tháng sau khi đã được trừ thuế thu nhập.

“Một số hãng hàng không Trung Quốc đang chào các gói lương bổng có thể cao gấp hai lần so với mức mà các hãng hàng không phương Tây chi trả”,  Murray Butt, Chủ tịch Hiệp hội phi công Úc và quốc tế nói.

Nhiều hãng hàng không Trung Quốc trả chi phí đào tạo cho các học viên phi công nếu họ cam kết làm việc cho các hãng này sau khi hoàn tất chương trình đào tạo.

Năm ngoái, khoảng phân nửa trong số 5.053 học viên phi công Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài và điều này tạo ra các cơ hội kinh doanh phát đạt cho các trường dạy bay ở Mỹ, Canada và Úc.

Theo luật sư chuyên ngàng hàng không Paul Jebely, các hãng hàng không Trung Quốc gần đây ồ ạt mua lại các trường dạy bay nước ngoài ở Úc, Mỹ, Philippines và Canada. Nhiều chủ sở hữu các trường dạy bay nước ngoài vui mừng khi thanh lý tài sản với mức giá cao hơn đáng kể so với mức đầu tư ban đầu.

Đại học Hàng không quốc tế Úc ở thị trấn Port Macquarie (Úc), một trong những trường dạy bay lớn nhất trong khu vực, giờ đây đang thuộc sở hữu của hãng hàng không Hainan Airlines (Trung Quốc). Trong khi đó, hãng hàng không China Southern Airlines đang sở hữu 50% cổ phần của Học viện dạy bay Tây Úc.

Giám đốc điều hành Hiệp hội phi công và các chủ sở hữu máy bay Úc Ben Morgan cho biết khoảng 50% hoạt động đào tạo bay ở Úc giờ đây đang được các công ty nước ngoài thực hiện, hầu hết là các hãng hàng không Trung Quốc.

Điều này khiến các hãng hàng không Úc đang lo lắng tình trạng thiếu hụt phi công ở nước này sẽ thêm trầm trọng khi số lượng học viên phi công Úc tốt nghiệp hàng năm đang giảm xuống cùng lúc với số lượng học viên phi công từ Trung Quốc sang Úc tham gia các chương trình đào tạo bay ngày càng tăng.

C.T
Nguồn: thesaigontimes.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.