Chuyên mục
Nhân dân tệ “qua mặt” USD ở ASEAN
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nhân dân tệ “qua mặt” USD ở ASEAN

Thứ năm 03/09/2015 01:10 GMT + 7
Trong một nỗ lực bảo vệ các đồng tiền bản tệ ở khu vực Đông Nam Á, trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, Indonesia đã đề xuất sử dụng rộng rãi hơn Nhân dân tệ (NDT) ở khu vực ASEAN để tạo sự kết nối tốt hơn với kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.

NDT đang chiếm ưu thế trong sự lựa chọn của ASEAN. (Nguồn AP)

Đề xuất sử dụng NDT nhiều hơn ở ASEAN

Tuần trước, bên lề Hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 47 tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong đã chia sẻ quan điểm của các nước thành viên ASEAN muốn tăng sức mạnh cho các đồng tiền trong khu vực bằng cách giao dịch nhiều hơn bằng đồng NDT của Trung Quốc thay vì đồng USD của Mỹ.

Nói chuyện với báo giới, ông Thomas Lembong cho rằng: “Chúng ta nên thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn NDT trong thương mại và tài chính ở khu vực”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Indonesia cũng cho biết, đề xuất này mới còn ở dạng ý tưởng để trao đổi và ông còn phải đề cập tới vấn đề này kỹ càng hơn với Bộ kinh tế Indonesia.

Phát biểu tại phiên họp Hạ viện Indonesia mới đây, ông Thomas Lembong phân tích rằng, tất cả quốc gia ASEAN đang chủ yếu sử dụng USD trong thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng bạc xanh tăng giá mạnh khiến chi phí nhập khẩu và dịch vụ đều tăng lên. Vì vậy, ASEAN nên xem xét khả năng sử dụng NDT trong thương mại và đầu tư. Đồng nội tệ của Trung Quốc cần thâm nhập vào khu vực rộng hơn nữa vì các nền kinh tế của ASEAN chủ yếu tập trung vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia cũng cho biết, hiện Jakarta đặc biệt quan tâm đến việc chuyển sang giao thương hai chiều với Trung Quốc bằng NDT và Ngân hàng Trung ương nước này đã chuẩn bị các đề xuất có liên quan.

Lựa chọn phương án an toàn

Thời gian qua, đồng nội tệ của hầu hết các nước ASEAN đã giảm giá mạnh so với USD. Đồng Ringgit của Malaysia giảm giá nhiều nhất, trở lại mốc thấp nhất trong 17 năm qua, 4,348 Ringgit đổi được 1 USD. Đồng Rupiah Indonesia giảm giá nhiều thứ hai, về mức 14.000 Rupiah = 1 USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Indonesia cũng chứng kiến một đợt tháo vốn ồ ạt từ các nhà đầu tư nước ngoài lên tới 4,29 nghìn tỉ Rupiah (khoảng 310,2 triệu USD) chỉ trong một tuần.

Xu hướng này càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi nền kinh tế khổng lồ của châu Á – Trung Quốc đã có động thái giảm mạnh tỉ giá NDT/USD với mục đích giúp tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của nước này. Đối phó với tình huống này, Việt Nam cũng đã điều chỉnh tỉ giá giảm còn 21.890 đồng đổi 1 USD. Biên độ tỉ giá cũng được Ngân hàng nhà nước Việt Nam nới lên thành 3%, thay vì 2% như trước.

Trong khi đó, theo số liệu từ Ban thư ký ASEAN, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại ngoại khối lớn nhất của khu vực với giá trị giao dịch chiếm 14,5% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN trong năm 2014, trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm 8,4%.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho rằng, việc sử dụng rộng rãi hơn NDT là rất hợp lý với ASEAN do chu kỳ kinh tế của Mỹ không có sự kết nối chặt chẽ với chu kỳ kinh tế của khu vực Đông Á. “Các chu kỳ kinh tế ở Đông Á giống chu kỳ kinh tế của Trung Quốc hơn, vì thế nếu thương mại và tài chính ở Đông Á được thực hiện bằng NDT nhiều hơn, thì chính sách tiền tệ của khu vực ASEAN sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ Bắc Kinh hơn là từ Washington”, ông Thomas Lembong nói.

Theo phân tích về quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN do Ủy ban giám sát Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) công bố hồi cuối tháng Bảy, mức độ phụ thuộc của nhiều nước ASEAN vào Trung Quốc về thị trường xuất, nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt về thị trường nhập khẩu. Tỷ trọng cả về nhập khẩu, lẫn xuất khẩu tăng nhanh chóng trong thời gian qua, tăng nhanh hơn cả thương mại nội khối. Thâm hụt thương mại giữa các nước ASEAN với Trung Quốc tăng mạnh, do Hiệp định khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA) có hiệu lực đầy đủ vào năm 2010. Thương mại hàng hóa của các nước ASEAN với Trung Quốc đã chuyển từ thặng dư sang thâm hụt với mức 45 tỷ USD vào năm 2013, trong đó, Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia duy nhất có thặng dư thương mại với Trung Quốc.

Chủ trì Hội nghị AEM 47, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia - Mustapa Mohamed cũng cho rằng, hợp lý hơn nếu các nước ASEAN giao dịch bằng NDT nhiều hơn, do Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước ASEAN.

Về vấn đề này, các chuyên gia quốc tế nhận định, rõ ràng thấy rằng, bất chấp các vấn đề kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới, hoạt động kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn có tăng trưởng, nhưng mặt khác, tuyên bố của ông Lembong cho thấy, các nước ASEAN đang xem xét các lựa chọn khác nhau để dự phòng trong trường hợp bất ổn tài chính và kinh tế.

Theo chuyên gia về Đông Nam Á, Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học, Học viện MGIMO (Nga) - Ekaterina Koldunova, chưa chắc các nước ASEAN sẽ chỉ dựa vào NDT vì ông Lembong cũng đề cập đến đồng Ruble của Nga. Bà Ekaterina cũng nhấn mạnh, nên hiểu rằng, không một quốc gia nào ở Đông Nam Á muốn phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Trong khi đó, xét ở một khía cạnh khác, trên thực tế, các nước ASEAN đều có định hướng xuất khẩu, họ phụ thuộc rất nhiều vào giao thương với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, các thành viên Hiệp hội này không thể nhanh chóng từ bỏ USD.

Hiện tại, khu vực Đông Nam Á đang trong quá trình đa phương hóa, tìm kiếm các phương án an toàn có thể giúp các nước ASEAN khi xảy ra khủng hoảng. “Bây giờ không có ai chỉ dựa vào một đồng tiền duy nhất. Trong tình hình hiện nay, USD tăng giá, Euro đang trong một cuộc khủng hoảng chậm giống như Yên của Nhật, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ ảnh hưởng xấu đến các nước ASEAN một cách khách quan. Vì vậy, sự lựa chọn có lợi tạm thời nghiêng về NDT”, chuyên gia Ekaterina Koldunova phân tích.

Minh Anh (Theo Jakartapost, The Nation)
Nguồn: tgvn.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.