Chuyên mục
Nga - Trung thách thức Mỹ
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga - Trung thách thức Mỹ

Thứ hai 04/05/2015 02:25 GMT + 7
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký một loạt văn kiện hợp tác song phương nhân chuyến thăm Nga trong tuần này.

Nga và Trung Quốc trong những ngày qua đã có một loạt động thái nhằm củng cố mối quan hệ quân sự, tài chính và chính trị giữa 2 nước, thu hút sự chú ý của thế giới và là thách thức đối với trật tự do Mỹ và phương Tây đang thống trị ở châu Âu và châu Á.

Hợp tác đa dạng

Trong chuyến thăm Moscow tuần này để dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Thế chiến II, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký với nước chủ nhà một loạt văn kiện hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại và kinh tế. “Hai bên sẽ thảo luận những bước đi cụ thể nhằm làm sâu sắc thêm sự hợp tác trong lĩnh vực thương mại và kinh tế” - hãng tin RIA Novosti dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Nga Lý Huy nói về chuyến thăm nói trên. Hai bên đã ký gần 50 thỏa thuận vào thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Thượng Hải tháng 5-2014 và 30 văn kiện khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Nga mùa thu 2014.

Trước thềm chuyến thăm, những dấu hiệu về một mối quan hệ Nga - Trung ngày càng gần gũi đến từ thông báo 2 nước tiến hành tập trận hải quân chung đầu tiên ở Địa Trung Hải vào giữa tháng này và việc Nga sẽ là một trong những nước góp vốn nhiều nhất vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. “Nga và Trung Quốc lúc này không chỉ là nước láng giềng mà còn trở thành những quốc gia hòa nhập với nhau một cách sâu sắc như chúng tôi mong muốn” - Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần rồi.

Đường ống dẫn dầu Nga - Trung chạy qua Đông SiberiaẢnh: RT

Ngoài ra, 2 bên còn thảo luận khả năng Trung Quốc là đối tác chính trong chương trình thiết lập trạm khoa học trên mặt trăng của Nga trước năm 2024. Tờ The Washington Times (Mỹ) lý giải cho sự hợp tác này: Nga đang cố hồi sinh chương trình không gian được thực hiện từ thời Liên Xô trong lúc Trung Quốc cũng tăng tốc sứ mệnh đưa người lên mặt trăng.

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 2-5 đã phê chuẩn thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống phương Đông. Trước đó, vào năm ngoái, 2 nước đã ký thỏa thuận về việc Moscow bán khí đốt thời hạn 30 năm trị giá 400 tỉ USD cho Bắc Kinh.

Thay đổi lập trường

Chuyến đi Moscow sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình càng được chú ý trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương, còn quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu xấu đi do cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine, thể hiện qua sự vắng mặt của hầu hết nhà lãnh đạo phương Tây tại sự kiện nói trên.

Theo báo The Hindu (Ấn Độ), mối quan hệ liên minh Mỹ - Nhật ngày càng mạnh mẽ khiến Trung Quốc có thêm lý do để liên kết chặt hơn với Nga. Trong một động thái cho thấy bước đi này, binh sĩ Trung Quốc sẽ tham gia cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9-5 tới.

Ở chiều ngược lại, Nga quyết định trang bị cho Trung Quốc hệ thống phòng không S-400 dù Moscow lâu nay vẫn có thái độ thận trọng trong việc bán cho Bắc Kinh kỹ thuật quân sự hiện đại vì e ngại người bạn hàng lớn sao chép và đem bán trên thị trường thế giới. Nga cũng không chính thức phản đối các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng lớn của Nga.

Tất cả điều đó cho thấy sự thay đổi lập trường của Moscow đối với Bắc Kinh trong bối cảnh mới. “Người Nga và Trung Quốc xem Mỹ vẫn tiếp tục là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới trong vài thập kỷ tới. Dù vậy, họ tin rằng ảnh hưởng của nước này đối với phần còn lại của thế giới đang sụt giảm” - ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định.

Thúc đẩy hợp tác trong BRICS

Tổng thống Nga Putin hôm 2-5 đã phê chuẩn Hiệp ước thành lập quỹ dự trữ ngoại tệ chung cho các nước thành viên nhóm BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Nam Phi). Quỹ này có giá trị 100 tỉ USD, trong đó Nga, Brazil, Ấn Độ mỗi nước dự kiến đóng góp 18 tỉ USD, Trung Quốc 41 tỉ USD và Nam Phi 5 tỉ USD.

Hãng tin RIA Novosti cho biết quỹ nói trên nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa 5 nước BRICS và được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, thay thế cho Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới do Mỹ chi phối. Theo hiệp ước, mỗi quốc gia thành viên BRICS có thể đề nghị các nước còn lại trong nhóm cho vay từ quỹ dự trữ vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, số tiền được nhận của mỗi quốc gia là khác nhau và phải được tất cả các nước thành viên thông qua.

 
LỤC SAN
Nguồn: nld.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.