Chuyên mục
Chiến tranh kinh tế Nga-phương Tây: Ai sẽ chết?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chiến tranh kinh tế Nga-phương Tây: Ai sẽ chết?

Chủ nhật 23/03/2014 15:15 GMT + 7
Cuộc khủng hoảng Ukraina đang kéo Nga và phương Tây vào một cuộc chiến kinh tế ở cấp độ thấp bằng các biện pháp cấm vận và trả đũa. Nếu cả bên tiến hành tổng lực các vũ khí phi quân sự thì ai sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, Nga hay phương Tây?

 
Quan hệ Nga-Mỹ là không thể tách rời

Trong thế giới hiện đại ngày nay, một quốc gia, nhất là lớn như Nga, có quan hệ chằng chịt trên tất cả các lĩnh vực với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là với các nước lớn khác như Mỹ và châu Âu. Việc cô lập Nga ra khỏi thế giới mà không gây ảnh hưởng gì đến các nước phương Tây là điều bất khả thi.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phương Tây từng nhiều lần muốn cô lập Nga nhưng bất thành.

Năm 1956, Liên Xô đưa quân vào giúp chính phủ Hungary khôi phục lại quyền lực sau khi bị phe đối lập làm loạn. Trước biến cố ấy, Mỹ làm được gì? Tổng thống Dwight Eisenhower chỉ làm được một việc duy nhất là tố cáo những hành động của Liên Xô trước Liên Hiệp quốc.

Năm 1968, ở Tiệp Khắc lại xuất hiện một biến cố lớn được gọi là Mùa xuân Prague khi Alexander Dubček được bầu làm Tổng bí thư. Dubček muốn tiến hành một số cải cách. Những cải cách ấy bị Liên Xô xem là xét lại, thậm chí, phản cách mạng, do đó, Liên Xô và các thành viên Khối hiệp ước Warszawa đưa quân sang Tiệp để ngăn cản các cuộc cải cách. Trước tình hình ấy, Tổng thống Lyndon Johnson cũng không làm được gì khác ngoài những lời lên án gay gắt trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Các ví dụ tương tự có thể kéo dài thêm nữa, nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta cũng đều thấy rõ, trước những hành động của Liên Xô, Mỹ và phương Tây chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc quyết định dùng vũ lực để đánh nhau hoặc chỉ đánh bằng võ mồm. Trong tình trạng cả hai bên đều có vũ khí hạt nhân, việc đánh nhau bằng vũ lực là một giải pháp tuyệt vọng vì cả hai đều sẽ tự hủy. Cuối cùng, tất cả các tổng thống Mỹ, kể cả người được xem là cương quyết nhất như Ronald Reagan, đành phải chọn biện pháp “đánh võ mồm”.

 
Trao đổi thương mại giữa Nga và Mỹ

Trong trường hợp của Ukraina thì khác. Mỹ vẫn không động binh, nhưng cũng không phải chỉ đánh bằng võ mồm. Tổng thống Barack Obama sử dụng một thứ vũ khí mới, thứ vũ khí phi quân sự: kinh tế. Có thể nói, từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, trong tổng số 12 tổng thống Mỹ đương đầu với những thử thách xuất phát từ Liên Xô và sau đó, Nga, Obama là một trong những người đầu tiên sử dụng vũ khí ấy.

Ngày 18-3 và sau đó ngày 21-3, Mỹ và châu Âu thông báo danh sách khoảng 30 quan chức Nga, gồm cả chính trị gia và doanh nhân, bị nhập cảnh và bị phong tỏa tài sản. Ngoài ra còn có một chi nhánh ngân hàng của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga. Hôm 22-3, Master và Visa Card thông báo ngưng một số giao dịch với Nga. Chưa biết trong tương lai các biện pháp trên có tác động như thế nào. Năm 2008, khi Nga đưa quân sang Georgia, Tổng thống George W. Bush phản ứng tương đối chừng mực bằng cách gửi các viện trợ nhân đạo đến Georgia, ngưng các việc giao tiếp quân sự giữa khối NATO và Nga cũng như hoãn lại các hiệp ước về hạt nhân dân dụng. Dù vậy, tất cả các biện pháp ấy cũng khiến kinh tế Nga bị suy thoái đến 8% trong hai năm 2008 và 2009. Bây giờ nếu Tổng thống Obama phản ứng mạnh mẽ và toàn diện hơn, các tác động đến nền kinh tế của Nga chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn.

Nói đến cấm vận là phải nói đến quyền lợi. Khi nào cũng thế, trước khi bàn đến chuyện cấm vận, các chính trị gia sẽ bàn thảo với nhau xem lợi hại như thế nào, có lợi thì mới cấm vận, còn nếu cấm vận mà phần thiệt hại về mình thì chưa chắc họ đã làm.

Về phía Nga, vũ khí phi quân sự của họ cũng lợi hại không kém. Trước hết, Nga cung cấp khoảng 30% số dầu khí cho Liên minh châu Âu, trong đó nhiều nhất là Đức (40%), kế tiếp là Ý (20%) và Pháp (18%). Chỉ cần ông Putin nhấc điện thoại ra lệnh, nguồn cung cấp dầu khí ấy sẽ bị cắt ngay tức khắc. Dĩ nhiên cái giá phải trả cho quyết định ấy, về phía Nga, sẽ lớn vô cùng. Nhưng trước mắt, mọi khó khăn sẽ đổ ập xuống châu Âu: mọi sinh hoạt sẽ bị ngưng trệ, từ đó, rất dễ dẫn đến các sự khủng hoảng về phương diện xã hội cũng như chính trị.

Nếu cân nhắc lợi hại, có lẽ chuyện Mỹ và đồng minh Tây Âu cùng đưa ra quyết định cấm vận kinh tế với Nga là điều khó có thể xảy ra. Một số nhà phân tích kinh tế e rằng “cấm vận Nga có nghĩa là thiệt hại sẽ về mình hơn là có lợi”. Những nhà phân tích này đưa ra nhiều lý do như hầu hết các đại công ty Mỹ “đều đang hiện diện và làm ăn rất tốt ở Nga” - chẳng hạn như McDonald hay Pepsi, có người còn nói nghe được tin công ty Boeing đã vận động với hành pháp xin đừng “nặng tay” với Nga vì công ty sản xuất máy bay này tin trong một thời gian ngắn nữa Nga cần mua thêm cả trăm chiếc máy bay của Mỹ với số tiền lên đến vài chục tỷ USD, đủ để nuôi hàng chục ngàn công nhân trong nhiều năm trời.

Riêng với Liên minh châu Âu, thị trường xuất khẩu sang Nga của khối này lớn hơn thị trường xuất khẩu hàng của họ vào Mỹ, nhiều công ty dầu của châu Âu có phần hùn rất lớn với Tổ hợp Dầu khí của Nga. Pháp không hề muốn hợp đồng cung cấp tàu chiếu Mistral cho Nga bị đình chỉ vì sợ đe dọa trực tiếp đến công ăn việc làm của 1.000 nhân viên đóng tàu. Một yếu tố khác cũng được nhắc đến: thị trường châu Âu là thị trường các đại gia Nga đang bỏ những khoản tiền khổng lồ vào đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như tiền họ đầu tư vào địa ốc nhiều đến mức người dân thủ đô Anh nói đùa với nhau rằng tư bản Nga muốn biến London thành “Londongrad”.

 
Trao đổi thương mại giữa Nga và EU

Trong một mạng lưới kinh tế đa quốc gia như thế, bất cứ quyết định nào cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, chứ không riêng gì đối với Mỹ hay Nga.

Nạn nhân đầu tiên của các cuộc cấm vận bao giờ cũng là dân chúng. Ở phương Tây, sự cùng khốn của dân chúng có thể biến thành sự bất mãn, từ đó, tác động lên chính trị, làm thay đổi chính phủ hoặc chính sách hoặc cả hai.

Như vậy có thể thấy, chính trị hiện nay khác hẳn thời Chiến tranh Lạnh ở nhiều điểm, trong đó điểm quan trọng nhất là trước đây, các quốc gia có thể độc lập và cô lập với thế giới bên ngoài nhưng nay, mọi quốc gia, với những mức độ khác nhau, đều ở thế liên quan với các quốc gia khác. Điều này dẫn đến hệ quả: các tranh chấp giữa nước này và nước khác không phải chỉ ở bình diện quân sự mà còn bao gồm nhiều bình diện khác, từ kinh tế đến xã hội.


Th.Long
Nguồn: petrotimes.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.