Chuyên mục
Âu - Mỹ rối bời: Putin rảnh tay xử lý Ukraine
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Âu - Mỹ rối bời: Putin rảnh tay xử lý Ukraine

Thứ tư 18/11/2015 02:05 GMT + 7
Phương Tây đang xáo động với vụ thảm sát kinh hoàng của IS khiến các nước Âu - Mỹ rối bời. Chuyện Ukraine tạm thời được gác sang một bên. Song, đây cũng là lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai nước đi đầy bất ngờ, đó là đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD và nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine.

'Anh cả' xóa nợ

Không còn bị cô lập như trong lần gặp cấp cao trước, ông Putin liên tiếp có các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama rồi Thủ tướng Anh David Cameron và nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) với vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS.

Chính tại hội nghị G20, ngày 16/11, ông Putin tiếp tục gây bất ngờ khi tuyên bố đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD mà Nga cho Ukraine vay trong vòng 3 năm.

Đây là một động thái ít người nghĩ tới bởi vào thời điểm này, Ukraine không còn là vấn đề nóng đối với cả châu Âu và Mỹ. Phương Tây đang xáo động với vụ thảm sát kinh hoàng của IS, khiến cả trăm người tại Paris thiệt mạng hôm 13/11. Vấn đề Ukraine tạm thời được gác sang một bên.

Obama và Putin hội đàm tại G20 - 2015.

Nó cũng bất ngờ bởi trước đó chỉ khoảng một tuần, Nga đã từ chối tái cơ cấu nợ cho Ukraine và yêu cầu nước này trả nợ đầy đủ vào tháng 12 tới. Ukraine thì dọa dẫm không trả nếu Kremlin không đồng ý tái cơ cấu theo yêu cầu của nước này.

Hồi cuối tháng 9, Nga cũng đã đồng ý nối lại khí đốt cho Ukraine chuẩn bị mùa đông sắp tới. Đây là một gói thỏa thuận khí đốt toàn diện cho năm 2015 và năm 2016 nhằm đảm bảo Ukraine và các nước châu Âu sẽ mua được 2 tỷ m3 khí đốt từ Nga. 

Putin cũng cam kết hạ giá khí đốt tương đương giá bán cho các nước láng giềng, tức khoảng 230 USD cho 1.000 m3 khí trong khoảng thời gian đã thỏa thuận.

Nước Nga và ông Putin đã rất cởi mở và thiện chí, thay cho những lời dọa dẫm sẽ cắt nguồn cung ứng khí đốt cho Ukraine hay ép Ukraine phải trả nợ ngay trong tháng 12 tới.

Theo Bloomberg, ông Putin cho biết Nga không chỉ tái cơ cấu nợ cho Ukraine mà còn đưa ra những điều kiện tốt nhất so với những gì mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu trước đó. Từ 2016-2018, mỗi năm Nga thu về 1 tỷ USD, thay vì chỉ kéo dài hạn thanh toán sang 2016. Putin không đẩy Ukraine vào tình thế khó khăn đồng thời hy vọng Mỹ, EU và một tổ chức tài chính quốc tế như IMF đóng vai trò bảo lãnh cho việc Ukraine trả nợ Nga.

Lối thoát cho Ukraine đã có. Vấn đề sẽ được chốt lại vào khoảng tháng 12 tới. Ông Putin hy vọng sẽ nhận được "sự quan tâm" và tham gia thảo luận chi tiết với các đối tác.

Putin gặp Thủ tướng Anh David Cameron tại G20.

Âu Mỹ lo thân, Putin thể hiện sức vị thế 

Quyết định của Nga thực sự là điều bất ngờ mà ít người nghĩ tới. Thế giới luôn giật mình trước những nước đi của Putin. Trước đó, quyết định triển khai chiến dịch ném bom của Nga ở Syria và màn trình diễn vũ khí ấn tượng đã khiến phương Tây không khỏi ngỡ ngàng. 

Bước nhượng bộ về nợ nần lần này càng khiến Putin nổi bật. Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi liệu Putin có cần đi thêm nước cờ này nữa không trong bối nhà lãnh đạo Nga này đang như thỏi nam châm hút thế giới trong vấn đề chống khủng bố.

Trước đó, trên tờ Reuters, một số nhà phân tích cho rằng, ông Putin đang nắm trong tay nhiều quân bài hơn nhiều người nghĩ. Giá dầu tụt từ trên 100 USD xuống gần 40 USD/thùng đã nhấn chìm nền kinh tế Nga nhưng vẫn còn đó quân bài khí đốt. Nga hiện vẫn cung cấp 30% khi đốt cho EU.

Lệnh trừng phạt của phương Tây bao gồm cả Mỹ và EU đã và đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế kém năng động của Nga. Tuy nhiên, chính các lệnh trừng phạt này và các biện pháp trả đũa của Nga cũng khiến EU gặp không ít khó khăn khi mà họ đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng: từ nợ công Hy Lạp cho tới vấn đề nhập cư,...

Khí đốt là một quân bài của Putin.

Putin có thể sử dụng vũ khí khí đốt để gây áp lực lên Kiev cũng như EU. Tuy nhiên, đây có lẽ là không phải là lựa chọn tốt của Nga. Putin là người đầu tiên khai thác mạnh mẽ sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga và có lẽ, ông biết cách tiếp tục duy trì sức mạnh này.

Gần đây, vũ khí cũng được Nga coi là một quân bài quan trọng. Nga đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí. 

Tài chính là sức mạnh. Tiền đã giúp nước Nga lấy lại ít nhiều sức mạnh trong cả chục năm qua. Bên cạnh đó, uy tín cũng là điều quyết định đến vị thế của Nga trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Giờ đây trong khi phương Tây bấn loạn vì khủng bố nở rộ, nước Nga sẵn sàng giơ tay giúp Ukraine. Trên thực tế, có thể Putin không ưa gì chính quyền mới ở Ukraine và cũng thừa biết rằng Ukraine đã kiệt sức, trong khi EU bế tắc, còn Mỹ xa xôi, nước xa không cứu được lửa gần.

Cho dù được đánh giá ở thế khá yếu do khủng hoảng kinh tế, nhưng Nga lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong bối cảnh thế giới bất an. Với hàng loạt các nước cờ bất ngờ, Putin đang khuấy đảo phương Tây và ở một góc độ nào đó làm chủ một bàn cờ phức tạp. 

V. Minh

Liệu Mỹ, Nga có liên minh chống IS?

Vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập, khủng bố tại Paris đã buộc lãnh đạo Nga, Mỹ phải đối mặt thảo luận về vấn đề Syria và biện pháp chống IS.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến giới quan sát bất ngờ, khi hai ông có cuộc thảo luận trực tiếp và riêng tư, kéo dài 40 phút.


Nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo, tất nhiên không ngoài các vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là khủng bố, tương lai của Syria, Ukraina, đặc biệt là vụ tấn công liên hoàn đẫm máu tại Paris hôm 13/11 và vụ máy bay Nga gặp nạn tại Ai Cập hôm 30/10.

Reuters cho hay, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần phải có các cuộc đối thoại hòa bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các phe nhóm đối lập, cần phải có một thỏa thuận ngừng bắn và một "sự chuyển giao chính trị do chính người Syria làm chủ và dẫn dắt".

Nga và Mỹ đều có quan hệ và lợi ích chằng chéo, phức tạp, trực tiếp hoặc gián tiếp tại Syria. Dù vấn đề Ukraina khiến quan hệ đôi bên căng thẳng gần như ở mức nghiêm trọng nhất sau Chiến tranh Lạnh nhưng dường như cuộc chiến chống IS lại khiến Moscow và Washington cần tới nhau nhiều hơn.

Lý do quan trọng (tế nhị nhưng không kém phần rõ ràng) là vì đôi bên không muốn xảy ra đụng độ trực tiếp. Kremlin và Nhà Trắng hậu thuẫn cho hai lực lượng đối lập nhau tại Syria – là chính quyền Tổng thống Assad và phe nổi dậy.

Động thái mới đây nhất mà lãnh đạo hai nước đều hướng tới, đó là khả năng triển khai quân trên bộ tại Syria, nhằm diệt tận gốc ‘Vương quốc Hồi giáo’ mà IS muốn lập nên. Thực chất, các chuyên gia quân sự cho rằng, muốn diệt tận gốc IS, chỉ có cách là phải sử dụng quân trên bộ.

Những cuộc không kích của Mỹ và liên quân, thậm chí của Nga về sau này – dù có được truyền thông ca ngợi hết lời – vẫn không hề hấn gì tới IS. Giới quan sát phải thừa nhận rằng, bất chấp các cuộc oanh tạc, IS vẫn mở rộng vùng ảnh hưởng sang tới Ai Cập, Libya, Yemen.

Mới đây, Nga và Mỹ đã có tập trận chung trên không, nhằm tránh các tai nạn bất ngờ xảy ra khi không quân của họ cùng tác chiến trên bầu trời Syria. Nhiều nhà phân tích cho rằng, IS càng lan tỏa ảnh hưởng thì càng nhiều cơ hội cho Nga và Mỹ hợp tác, thậm chí có thể liên minh với nhau.

Omar Lamrani – nhà phân tích quân sự tại Stratfor- cho biết, Nga và Mỹ đang bị thúc đẩy xích lại gần nhau, khiến đôi bên sẽ phải vượt qua các mâu thuẫn để đối phó với mối đe dọa chung.

“Nga đang tìm cách đối thoại chiến lược với Mỹ, để loại bỏ các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt và dần bình thường hóa tình hình (bao gồm cả vấn đề Nga sáp nhập Crưm)”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Lamrani bình luận.

“Do đó, Moscow sẽ thúc đẩy hợp tác với Mỹ để chống IS, nhưng theo cách của họ. Mỹ sẽ miễn cưỡng để trao cho Nga sự công nhận toàn diện đó, nhưng sẽ sẵn lòng làm việc với Nga về những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như chiến đấu chống IS”.

Còn từ phía Mỹ, việc ‘bắt tay’ với Nga vào lúc này có lợi ở chỗ, ông Obama có nói tới khả năng triển khai quân trên bộ, nhưng cũng nói thêm là với lực lượng không quá nhiều. Một phần là bởi Mỹ đã quá mệt mỏi với các cuộc chiến ở Trung Đông.

“Cơ hội hợp tác giữa Nga và Mỹ ngày càng tăng, khi mà Moscow có thể tham chiến trực tiếp còn Washington không thật sự sẵn lòng” – Donald Jensen, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhận định.

“Dù còn chia rẽ trong cách ứng xử với Nga nhưng chính quyền Obama có vẻ như hoan nghênh Nga tham gia (chiến dịch) trên bộ và vào tiến trình hòa bình. Trong vài tháng qua, Mỹ đã nới lỏng quan điểm về việc (Tổng thống Syria) Bashar al-Assad ra đi và để Nga tham gia đối thoại”, ông Jensen nói.

Tuy nhiên, hãng tin DW lại cho rằng, liên minh quân sự Nga – Mỹ trên mặt trận chống IS không thể sớm thành lập là bởi lợi ích hàng đầu của Mỹ và Nga trong khu vực rất khác nhau. Nga muốn duy trì chính quyền Assad, và xa hơn nữa là mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông với việc lập liên minh với các nhà nước hoặc lực lượng Hồi giáo dòng Shiite (Iran, Iraq, Syria, và Hezbollah).

Trong khi đó, lợi ích của Mỹ ở Trung Đông đang được xem xét lại, nhất là khi mà các đồng minh như Iraq và Ảrập Xê-út đang tham gia với Iran nhiều hơn. Điều quan trọng hơn cả, là việc Washington đã đặt chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương.

Thế nên, khả năng Moscow và Washington bắt tay nhau để liên minh chống IS, theo hãng tin DW, vẫn còn là một kịch bản xa vời trong bối cảnh hiện nay.

Lê Thu

Nguồn: vietnamnet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.