Chuyên mục
Nga xây dựng kinh tế tự chủ: Ai sẽ nhận thiệt thòi?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga xây dựng kinh tế tự chủ: Ai sẽ nhận thiệt thòi?

Thứ năm 26/03/2015 18:32 GMT + 7
Nga là một nước rộng lớn, nhiều tiềm năng và hùng mạnh, do đó họ có nhiều cơ hội để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

PGS.TS Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu trao đổi với Đất Việt về mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ của Nga.

PV: - Thừa nhận những thiệt hại, khó khăn do phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây, Thủ tướng Medvedev đã tuyên bố Nga sẽ xây dựng nền kinh tế tự chủ để "tự nuôi sống đất nước của mình". Ông bình luận như thế nào về mục tiêu mới này của nước Nga? Theo ông, cơ hội cho Nga đạt được mục tiêu này có nhiều không và tại sao?

PGS.TS Nguyễn An Hà: - Trước hết, phải hiểu nền kinh tế độc lập tự chủ không phải là nền kinh tế bao cấp, khép kín như mô hình thời Xô Viết. Đó là nền kinh tế tận dụng được nguồn lực của chính mình, tự quyết định phương thức phát triển và tự quyết định các đối tác.

Nga là một nước rộng lớn, nhiều tiềm năng và hùng mạnh. Dĩ nhiên, Moscow vẫn có một số thách thức như vấn đề cơ cấu dân số, hay một đất nước rộng lớn như thế thì mô hình quản trị thế nào, cải cách kinh tế thị trường hiện đại ra sao.... nhưng Nga đang khẳng định con đường độc lập, tự chủ của mình.

Một bà nội trợ Nga khi khảo giá hàng hóa trong một siêu thị ở Matxcơva

Bằng chứng là đối với các nước phương Tây, Nga luôn muốn một mối quan hệ bình đẳng và có lợi. Tuy nhiên, nếu phương Tây gây áp lực đối với Nga thì họ cũng không ngại gây áp lực trở lại.

Còn trong không gian hậu Xô Viết, khu vực rất quan trọng về kinh tế và địa chính trị với Nga, Nga đã hình thành Liên minh Kinh tế Á-Âu, Liên minh Hải quan Nga- Belarus- Kazakhstan.

Độc lập tự chủ không phải là đóng cửa, khép kín, Nga đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông, trong đó tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Với Triều Tiên, Nga có nhiều động thái tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế cho quốc gia này, điều xưa nay Trung Quốc không làm, trái lại, họ giữ con bài đó cho mục tiêu chính trị khác.

Nga đang hướng tới việc xây dựng hành lang Đông - Tây để phát huy vị trí cường quốc Á-Âu của mình. Với ASEAN, Nga cũng thắt chặt quan hệ, đặc biệt với Việt Nam, hiệp định thương mại tự do gần như đã hoàn tất. Nga tăng cường quan hệ với các nước Nam Mỹ, dù với Cuba có một số điều chỉnh. Việc nhóm BRICS đang mạnh lên, với việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga.

Như vậy, ngoài khu vực SNG, hàng loạt chính sách đối ngoại, trong đó có chính sách kinh tế, thương mại của Nga đã được điều chỉnh, Nga đang hướng tới một trật tự thế giới đa cực.

PV: - Điểm yếu nhất của Nga trong quá trình xây dựng nền kinh tế tự chủ là gì, thưa ông? Nước Nga sẽ phải hoá giải điểm yếu này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn An Hà: - Điểm yếu của Nga chính là phương thức phát triển dựa trên khai thác tài nguyên và bán tài nguyên (khí đốt, nguyên, nhiên liệu thô...). Nó càng trở nên trầm trọng khi Nga đang bị Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Thực ra, những biện pháp trừng phạt về mặt tài chính của phương Tây không áp lực bằng việc Mỹ đang giúp châu Âu thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng bởi 90% khí đốt của Nga xuất khẩu sang phía Tây và EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga với doanh số hàng năm khoảng 350-400 tỷ USD, trong đó khoảng 250-300 tỷ USD là từ khí đốt.

Nhờ bán khí đốt giá cao, Nga đã tăng cường phát triển quân sự, kỹ thuật quốc phòng, xây dựng tiềm lực về KHCN. KHCN của Nga đang tụt hậu cho nên họ đang vướng phải bài toán phát triển chuyển đổi về chất, từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Có lẽ thách thức lớn nhất của Nga trong 5 năm tới là phải điều chỉnh chiến lược 5I (I là vần đầu của các từ  institute, ifrastructure, investment, innovation, intellect) tức “thể chế”, “đầu tư”, “hạ tầng cơ sở”, “đổi mới” và “tri thức” được đưa ra từ thời ông Medvedev làm Tổng thống.

Việc trừng phạt Nga có liên quan đến vấn đề Ukraine, nếu nhìn dưới góc độ chính trị thì rất phức tạp, tuy nhiên khi quan hệ Nga-Mỹ- EU dịu đi thì người ta sẽ lại tìm đến Nga như nơi cung cấp các nguồn nguyên, nhiên liệu quan trọng. Đây vừa là cơ hội để Nga tái cấu trúc lại toàn bộ chiến lược phát triển trong đó có tái cấu  trúc kinh tế, mặt khác nó cũng là khó khăn đối với Nga.

Để giải quyết điểm yếu cố hữu của mình, Nga phải giảm bớt xuất khẩu năng lượng, tăng cường các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như công nghệ điện hạt nhân, công nghệ vũ trụ, công nghệ hàng không, công nghệ quân sự... Nga có thể ngang ngửa với Mỹ về thị trường xuất khẩu các thiết bị, công nghệ về quốc phòng, thậm chí còn thuận lợi hơn Mỹ nếu xuất khẩu công nghệ hạt nhân vì họ không chỉ có công nghệ mà còn có nguyên liệu uranium...

Đối với các sản phẩm nông sản, Nga có thể tự sản xuất hoặc để cho các nước Đông Á cung cấp, không nhất thiết phải mua của EU, Mỹ... Dĩ nhiên Nga không thể làm ngay một chốc một lúc được mà cần có thời gian điều chỉnh.

PV: - Khi Nga đã trở thành một nền kinh tế tự chủ, phần thiệt thòi sẽ thuộc về những ai? Bởi lẽ, thị trường Nga từ trước tới khi có lệnh cấm vận đã là mảnh đất màu mỡ cho nhiều nước châu Âu và Trung Quốc?

PGS.TS Nguyễn An Hà: - Khi Nga càng tự chủ thì phần có lợi nhất thuộc về Nga và thiệt thòi cho những ai chậm chơi với Nga. Thế nên, lúc Nga khó khăn cũng chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện mình, củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.

Hợp tác về lao động, du lịch, KHCN, giáo dục, đầu tư... là những hợp tác truyền thống của Nga-Việt Nam và có nhiều cơ hội phát triển. Ví dụ, Nga có vùng Viễn Đông rộng lớn, người thưa cần khai thác để phát triển, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào.

PV: -  Đạt tới mức tự chủ về kinh tế, sức mạnh của cường quốc Nga sẽ thay đổi như thế nào? Điều đó có ảnh hưởng tới cán cân quyền lực trên thế giới hay không và vì sao?

PGS.TS Nguyễn An Hà: - Đối với sức mạnh của Nga hiện nay, lợi ích quốc gia là ưu tiên số 1 nhưng để tạo nên cán cân quyền lực thì nó đòi hỏi phải có tính liên kết.

Do đó, có lẽ tới đây quan hệ giữa Nga với các nước trong nhóm BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)... sẽ được đẩy mạnh hơn. Sức mạnh của Nga được tạo nên trong tương quan với các nước khác chứ không phải chỉ riêng mình họ.

Thành Luân
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.