Chuyên mục
Mục tiêu cường quốc kinh tế: Nga đã hiểu chính mình?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mục tiêu cường quốc kinh tế: Nga đã hiểu chính mình?

Thứ tư 26/12/2018 03:04 GMT + 7
Tổng thống Putin đặt mục tiêu đưa Nga thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới cùng nhiều chỉ số được cải thiện. Liệu người Nga đã hiểu chính mình?

Báo Á-Âu: Sức mạnh Nga giảm sút

Trang bình luận Á-Âu mới đây có bài phân tích về tình hình nước Nga, trong đó khẳng định, trong 25 năm qua, sức mạnh của Nga đã và đang giảm sút. Trong khi có ý kiến cho rằn Nga đang hồi sinh với những dẫn chứng là vai trò của Nga ở Gruzia, Moldova và Ukraine, thì bài viết cho rằng thực tế tầm ảnh hưởng của Nga ở các quốc gia này đang bị thu hẹp.

Theo đó, nếu vào đầu thập kỷ trước, khi các công dân ở các quốc gia này hoặc có thái độ trung lập hoặc thân Nga, thì giờ đây họ bày tỏ lập trường rõ ràng là thân phương Tây. Khái niệm “thế giới Nga” cũng đang gây lo ngại khi tỏ ra mơ hồ và không được hoan nghênh.

Tổng thống Nga V. Putin trong cuộc họp báo cuối năm hôm 20/12.

Đứng trước sự “thất bại” này, theo cách nhìn của trang phân tích Á-Âu, Nga sẽ đi theo con đường nào khác? Liệu Nga có thể trở thành một cường quốc về kinh tế như mục tiêu Tổng thống V. Putin đặt ra trong cuộc họp báo thường niên cuối năm 2018 vừa qua?

Theo trang Á-Âu, bên cạnh những bất đồng về địa chính trị giữa Nga và phương Tây, các yếu tố khác nhau của chính sách đối nội hoặc đối ngoại của nước Nga hiện đại thực sự cho thấy một câu trả lời tiêu cực cho câu hỏi được đặt ra.

Ví dụ, trong nhiều năm qua, sự đình trệ trong hầu hết các ngành công nghiệp thứ cấp, ngoại trừ những ngành hiện đang thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài (ví dụ như sản xuất xe khách hoặc cung cấp tủ lạnh, máy giặt và tivi cho thị trường nội địa), đã được nhìn thấy trong nền kinh tế Nga.

Một yếu tố khác được cho là đang cản trở sự phát triển của kinh tế Nga là mô hình hiện nay với phần lớn lợi nhuận từ tăng trưởng tập trung vào tầng lớp ưu tú. Ban lãnh đạo nước Nga đã nói nhiều tới việc chuyển đổi kinh tế nhưng mức độ sẵn sàng lại là câu chuyện khác.

Theo trang Á-Âu, một cuộc cách mạng từ thượng tầng sẽ không xảy ra ở nước Nga hiện đại. Tổng thống Vladimir Putin sẽ khó có thể giống như Peter Đệ nhất hay Alexander Đệ nhị khi cuộc cách mạng diễn ra từ trên xuống dưới ở Đế quốc Nga.

Thừa nhận về những khó khăn trước mắt, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin ngày 24/12 cho rằng kinh tế Nga sẽ chứng kiến một sự khởi đầu khó khăn trong năm 2019 và chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,3 trong năm tới.

Kinh tế Nga sẽ đối mặt nhiều thách thức ngay đầu năm 2019.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia-24 TV Channel, ông Oreshkin cho biết giai đoạn khó khăn nhất đối với các động lực kinh tế của Nga là đầu năm 2019, còn giai đoạn nửa sau năm 2019 sẽ tích cực hơn. Quan chức này cũng lưu ý rằng kinh tế Nga đang phải đối mặt với một loạt thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Sức ép trong nước đang tác động tới nền kinh tế Nga. Việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 18% lên 20% ở Nga trong năm 2019 sẽ làm suy yếu nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, chính sách giảm bớt rủi ro từ sức ép lạm phát gia tăng của Ngân hàng Trung ương Nga cũng ảnh hưởng hạn chế tới các động lực kinh tế và tăng trưởng tín dụng vào đầu năm 2019.

Trong khi đó, tình hình thế giới kém thuận lợi, sự biến động trên các thị trường hàng hóa và nhu cầu giảm đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nga chủ yếu do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/12 cho biết GDP của Nga dự kiến tăng trưởng 1,8% năm 2018 và sẽ vượt mức 3% kể từ năm 2021.

Nước Nga thực sự hùng mạnh?

Bình luận về triển vọng cho những mục tiêu được Tổng thống Putin đặt ra trong cuộc họp báo thường niên lần thứ 14, báo chí tiếng Nga cũng đưa ra nhiều phân tích cho thấy Moscow sẽ đối mặt không ít thách thức.

Tờ Độc lập cho rằng những nội dung trong cuộc họp báo, đặc biệt là vấn đề kinh tế, khác xa với thực tiễn ở nước Nga. Trước cuộc họp báo, Cơ quan Thống kê Nga công bố những con số không mấy dễ chịu. Thu nhập thực tế của người dân Nga trong tháng 11/2018 giảm 2,9%. Từ tháng 1-11/2018, chỉ số này chỉ tăng 0,4% nếu không tính khoản chi trả một lần cho người về hưu được thực hiện vào đầu năm 2017, còn nếu tính khoản này thì thu nhập người dân trong thời gian trên giảm 0,1%.

Trong cuộc họp báo, Tổng thống Putin đưa ra số liệu “mới nhất”. Theo đó, thu nhập thực tế của người dân có xu hướng tăng, đạt khoảng 0,5%. GDP của 10 tháng năm 2018 tăng 1,7%, Bộ Kinh tế dự báo cả năm sẽ tăng 1,8%. Sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn, từ tháng 1-10/2018 đạt 2,9%, cả năm sẽ đạt 3%. Đầu tư tăng, thương mại bán lẻ tăng.

Tổng thống Putin cũng đề cập đến 12 dự án quốc gia theo "sắc lệnh tháng Năm" vốn được xem là niềm hy vọng mới của đất nước với tổng đầu tư lên tới 20.800 tỷ ruble cùng với 6.500 tỷ ruble chi cho phát triển hạ tầng. Theo ông, các dự án này nhằm mục đích đưa nền kinh tế Nga lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tờ Độc lập lại nhấn mạnh tới khía cạnh rằng liệu nền kinh tế trung bình cộng xếp top 5 thế giới có cải thiện được đời sống của người dân bình thường hay không?

Một khu chợ Giáng sinh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow.

Tờ Độc lập cũng dẫn ý kiến giới chuyên gia cho rằng để cải thiện đời sống của người dân cần có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thực tế, còn các dự án quốc gia không trả lời cho câu hỏi đất nước sẽ phát triển như thế nào mà chỉ cho thấy tiền ngân sách chi cho những gì trong mấy năm tới.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích của công ty “Solid management” Sergey Zvenigorodski cho rằng vẫn tồn tại sự khác biệt giữa các con số thống kê trung bình cộng với tình hình thực tế mà người dân Nga cảm nhận được.

Còn trang Gazeta.ru bình luận: “Tất nhiên, nhiều người hài lòng khi hàng ngày nghe trên truyền hình rằng nước Nga mạnh mẽ và siêu cường, và các biện pháp trừng phạt (mà Mỹ áp đặt) là để kiềm chế nước Nga. Tuy nhiên, sau đó người dân sẽ so sánh những lời nói đó với những gì họ thấy trong các cửa hàng, thu nhập của mình, chất lượng đường sá và trường học”.

Nga muốn chứng minh sức mạnh không chỉ nằm ở vũ khí?

Theo tờ báo này, điều người dân Nga muốn tìm hiểu rõ hơn là xem nước Nga bị kiềm giữ khỏi điều gì? Nước Nga muốn gì? Sức mạnh của nước Nga nằm ở đâu, ngoài vũ khí?

Bài báo cho rằng Tổng thống Putin có thể tập hợp mọi người, thuyết phục họ làm việc vì lợi ích của đất nước, song ông cũng cần phải đặt mục tiêu rõ ràng cho sự phát triển của nước Nga để cho cả chính quyền lẫn nhân dân biết rằng nước Nga đang phấn đấu vì điều gì.

Bảo Minh
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.