Chuyên mục
Giải mã hiện tượng kinh tế Nga giữa các “vòng vây” trừng phạt (Phần 1)
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Giải mã hiện tượng kinh tế Nga giữa các “vòng vây” trừng phạt (Phần 1)

Thứ sáu 14/12/2018 04:28 GMT + 7
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ cùng các nước châu Âu luôn căng thẳng. Một loạt những sự kiện địa chính trị xảy ra đã khiến Nga trở thành nơi đón nhận hàng loạt các lệnh trừng phạt và cấm vận kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tuy nhiên, có một sự thật là dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Nga không "gục ngã". Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, so với các quốc gia khác khốn khổ vì cấm vận của Mỹ như Iran, Cuba, Myanmar và CHDCND Triều Tiên, Nga có vai trò lớn hơn rất nhiều trong thương mại toàn cầu.

Điều này khiến việc áp đặt các lệnh trừng phạt và cô lập kinh tế lên Nga có nhiều nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực lan rộng, khiến nhiều “anh lớn” phải thận trọng mỗi khi quyết định sẽ trừng phạt nước này.  

Quá lớn để sụp đổ

Richard Sawaya, một chuyên gia thuộc Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ nhận định Nga là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới, với sự hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đây còn là quốc gia xuất khẩu khí đốt, dầu và lúa mì hàng đầu thế giới, đồng thời là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với mạng lưới ngân hàng trải rộng trên khắp châu Âu và Mỹ.

Nga đã trở nên “miễn nhiễm” trước các lệnh trừng phạt nhờ vào sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Các chính sách tiền tệ thông suốt đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp thuận, cộng với việc giá dầu gia tăng trong thời gian gần đây đã giúp dự trữ ngoại hối của Moskva phục hồi đáng kể từ sau lần sụt giảm vào năm 2014 và hiện đạt ngưỡng gần 500 tỷ USD (tương đương 1/3 GDP của nước này).

Mặc dù các chính trị gia phương Tây hay nói về sự sụt giảm giá trị của đồng rouble một cách hả hê, song ít ai biết được rằng việc đồng tiền này giảm 25% trong năm nay thực sự là một “phước lành” đối với ngân sách nhà nước của Nga. May mắn thay cho Tổng thống Vladimir Putin, giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt và cô lập kinh tế, dòng USD chảy vào nước Nga vẫn được duy trì bởi hoạt động xuất khẩu năng lượng ổn định và các dự án xã hội. 

Trên thực tế, cũng bởi sức ảnh hưởng quá lớn nên đôi khi các lệnh trừng phạt kinh tế đáng lẽ chỉ nhằm vào Nga lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với các quốc gia khác. Lấy ví dụ như việc Mỹ chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tỷ phú nhôm của Nga là Oleg Deripaska và công ty sản xuất nhôm Rusal do ông điều hành.

Sau khi lệnh trừng phạt được công bố, các khách hàng phương Tây ngay lập tức ngừng mua nhôm từ những công ty này khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Khối tài sản của tỷ phú Deripaska ngay lập tức giảm từ 6,7 tỷ USD xuống còn 3,4 tỷ USD chỉ trong chớp mắt, theo ước tính của Forbes.

Tuy nhiên, tác động của các biện pháp trừng phạt này cũng không chỉ giới hạn trong nội bộ nước Nga. Sự ngừng chơi của Nga khiến giá nhôm toàn cầu tăng vọt, gây ảnh hưởng đến các công ty Âu-Mỹ phải sử dụng kim loại này trong quá trình sản xuất.

Kết quả là sau khi đón nhận làn sóng phản đối kịch liệt từ các nhà sản xuất và Chính phủ nước ngoài, Washington đã chịu làm dịu lập trường của mình và cho các công ty nhiều thời gian hơn để chấm dứt giao dịch với nhà sản xuất nhôm Rusal, đồng thời đưa ra đề nghị sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho Rusal; nếu Deripaska nhượng lại quyền kiểm soát đối với công ty này.  

Trong khi đó, nợ công của Nga cũng được quản lý một cách chặt chẽ khi chỉ chiếm 17% GDP của đất nước (tính đến năm 2017), tương đương khoảng 50% các khoản dự trữ. Trong khi một số người ủng hộ các lệnh trừng phạt muốn thắt chặt việc phát hành nợ mới, Chính phủ thường có ít mong muốn hoặc nhu cầu huy động tiền bởi các ngân hàng của họ luôn “no đủ” với những khoản doanh thu từ dầu mỏ. 

Sự thống trị không ngừng của nhà nước đối với nền kinh tế đã cung cấp cho điện Kremlin nhiều sức mạnh. Có ít nhất 80% nền kinh tế Nga hoặc thuộc về nhà nước hoặc chịu kiểm soát bởi một nhóm người tinh hoa trong giới chính trị. Khoảng 38% lực lượng lao động là lao động nhà nước.

Điều này có nghĩa là phần lớn hoạt động kinh tế của người Nga không phụ thuộc vào thăng trầm của thị trường mà phụ thuộc vào sự sẵn lòng của Chính phủ khi phân phối lại một phần doanh thu từ xuất khẩu năng lượng./. 

TTXVN
Nguồn: bnews.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.