Chuyên mục
Việt Nam làm mới kho vũ khí, tăng năng lực “chống tiếp cận” Biển Đông
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Việt Nam làm mới kho vũ khí, tăng năng lực “chống tiếp cận” Biển Đông

Thứ năm 28/07/2016 09:20 GMT + 7
Việt Nam dần mua sắm thêm nhiều loại vũ khí để “làm mới” kho vũ khí phần lớn mua từ Nga, nhưng từ các nguồn khác cũng ngày càng nhiều. Kế hoạch của Việt Nam nhằm phát triển năng lực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) đang được định hình, The Diplomat (Nhật Bản) nhận định.



Tuy nhiên theo Diplomat, hiệu quả về mặt quân sự rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào các loại vũ khí nóng; mà năng lực phát hiện, theo dõi, và dẫn đường cho vũ khí tạo nên các yếu tố quan trọng khác. Nhận thức được điều này, bên cạnh việc tiếp tục mua thêm vũ khí, Hà Nội đã tiến hành những bước đi ban đầu, nhưng quan trọng, trong việc thiết lập một mạng ISR toàn diện.

Thông qua bối cảnh này, người ta có thể lý giải được tiềm năng quân sự to lớn của thỏa thuận giữa Việt Nam và Ấn Độ nhằm thành lập một trạm theo dõi vệ tinh ở TPHCM, và một báo cáo trước đó vào năm ngoái về thiết bị bay không người lái (UAV) mới của Việt Nam sẽ tuần tra trên Biển Đông.

Một kế hoạch tổng thể về ISR

UAV và các chương trình vệ tinh viễn thám của Việt Nam thường được quan tâm đầu tư vì ưu thế của chúng trong nông nghiệp, quản lý thiên tai và quản lý nghề cá. Thoạt nhìn, bước đi này phù hợp với các khuôn mẫu chung thường thấy ở Đông Nam Á – như Indonesia và Singapore, là những nước có chương trình UAV đã và đang được triển khai tích cực. Với các vệ tinh quan sát trái đất, Singapore đã triển khai TeLEOS-1, hợp tác thiết kế bởi ST Electronics, Đại học Công nghệ Nanyang và Các phòng nghiên cứu Khoa học Quốc phòng (Defence Science Organisation Laboratories) vào tháng 12 năm 2015. Philippines cũng sẵn sàng triển khai vệ tinh quan sát trái đất siêu nhỏ Diwata-1.

Thế nhưng rõ ràng công dụng của các vệ tinh vẫn có thể được sử dụng vào mục đích quốc phòng, vì chúng tạo ra hệ thống dữ liệu có thể được dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Như vệ tinh dân sự chẳng hạn, dù có thể không sở hữu năng lực tương đương như các biến thể quân sự, chúng vẫn có thể hoàn thành một số nhiệm vụ quân sự cường độ thấp trong thời bình và cả trong thời chiến. Một số vệ tinh sử dụng cho mục đích dân sự nhưng cho thấy hiệu suất và năng lực tương đương một vệ tinh quân sự. Ví dụ như vệ tinh TeLEOS-1 có độ phân giải toàn sắc ở mức 1 mét (ở điểm thấp nhất), vì vậy rất hữu dụng về mặt quân sự. Ranh giới giữa ứng dụng quân sự và dân sự thường bị xóa mờ trong các dạng công nghệ lưỡng dụng như thế. Điều này đặc biệt đúng trong môi trường hàng hải.

Những năm gần đây, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang thực hiện chiến lược thiết lập năng lực “nhận thức biển” (maritime domain awareness) tại Biển Đông. Đáng chú ý, vào tháng 2/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết họ sẽ dần hiện đại hóa các “trạm quan sát khí tượng thủy văn và môi trường biển” cũng như xây dựng các trạm quan trắc mới tại những vùng biển quan trọng như một phần của một kế hoạch tổng thể nhằm thiết lập một hệ thống gồm tổng cộng 35 trạm quan sát tài nguyên và môi trường biển trước năm 2020.

Theo Diplomat, mạng lưới tích hợp này, một phần quan trọng của một dự án gồm 3 giai đoạn được lên kế hoạch bởi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), sẽ giúp cải thiện năng lực quản lý quốc gia đối với biển và các đảo thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong đó, mạng lưới này cũng được thiết kế với mục đích an ninh quốc phòng, tạo ra một nền tảng rõ ràng cho các nỗ lực phát triển năng lực ISR của Việt Nam.

Do đó Diplomat cho rằng rất có khả năng những cải thiện về năng lực ISR của Việt Nam phần nào nhằm đối phó với những diễn biến gần đây ở Biển Đông, nơi căng thẳng luôn tái diễn. Hà Nội dường như đang cố gắng theo đuổi những động thái tương tự của Bắc Kinh, bao gồm toan tính tạo ra một hệ thống các vệ tinh giám sát biển HY-3 mới vào năm 2019, mà theo Lin Mingsen – phó giám đốc Cục ứng dụng Vệ tinh Hải dương Quốc gia Trung Quốc, là có “một vai trò quan trọng trong việc củng cố và bảo vệ quyền lợi trên biển, giám sát và thực thi pháp luật trên biển, quản lý vùng nước gần bờ, cứu trợ và giảm thiểu thiên tai trên biển của Trung Quốc”. Cũng không thể bỏ qua sự phát triển nhanh chóng của công nghệ UAV do Trung Quốc tự mình phát triển, ví dụ như chiếc UAV Ứng Long I có trần bay trung bình nhưng có độ ổn định cao, được cho là đã được sản xuất đại trà trong năm 2015, trong cùng năm hậu bối của Ứng Long I là Ứng Long II đã được ra mắt.

Với đường bờ biển dài 3.444km (không tính các đảo) và vùng biển rộng lớn bao gồm các khu vực có đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam rõ ràng cần một chiến lược ISR toàn diện để tăng cường năng lực nhận thức biển cũng như năng lực định vị mục tiêu trên biển trong thời chiến cũng như thời bình. Không giống như việc mua sắm những vũ khí đắt tiền như máy bay chiến đấu phản lực Su-30MK2 hay tàu ngầm lớp Kilo, những dự án bí mật liên quan đến ISR hiện nay tránh né được hầu hết sự chú ý từ dư luận trong khi vẫn đang được âm thầm triển khai, Diplomat đánh giá

Nhanh chóng nắm bắt công nghệ

Theo Diplomat, năng lực ISR liên quan đến các hệ thống được đặt trên không gian, cấu thành một khía cạnh quan trọng trong nỗ lực cải thiện năng lực ISR của Việt Nam. Điều đó bắt đầu với “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020” được thông qua vào tháng 6/2006 với vốn đầu tư 2 tỷ USD. Chưa đầy một năm sau, Viện Công nghệ Vũ trụ (STI) đã được thành lập để đảm nhiệm việc nghiên cứu khoa học và công nghệ vũ trụ, dường như tập trung hơn vào các ứng dụng dân sự. Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) Nguyễn Đình Công cho biết chiến lược giúp phát triển những vệ tinh quan sát trái đất nhỏ nội địa.

Tháng 12/2008, Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Quốc gia về Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Nguyễn Khoa Sơn cho biết: “Nếu chúng tôi có vệ tinh riêng, chúng tôi có thể ứng phó nhanh chóng hơn với thiên tai và chủ động hơn trong các hoạt động quốc phòng an ninh”. Ngoài ra, Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, thành lập năm 2010 và có nhiệm vụ tư vấn cho thủ tướng về việc thực thi chiến lược vũ trụ, đã được tăng cường nhân sự vào tháng 1/2013 bao gồm đại diện từ các cơ quan chính phủ khác, đặc biệt là bộ Quốc phòng.

Theo xu hướng vốn điển hình cho một quốc gia mới nổi muốn sở hữu vệ tinh, Việt Nam trước tiên khởi đầu với các vệ tinh liên lạc (communications satellites). Sau vài trì hoãn, Việt Nam đã phóng vệ tinh VINASAT-1 vào tháng 4/2008, sau đó là VINASAT-2 vào tháng 5/2012. Người Việt Nam đã cho thấy họ học hỏi nhanh như thế nào. Lockheed Martin, nhà thầu cho cả hai vệ tinh VINASAT, ca ngợi năng lực của các kỹ sư Việt Nam trong việc làm chủ kỹ năng điều khiển các vệ tinh. Lockheed Martin trao quyền điều khiển VINASAT-2 cho chính quyền Việt Nam vào tháng 7 năm 2012, hai tháng sau khi vệ tinh được phóng đi. Việc chuyển giao rút ngắn chỉ còn phân nửa thời gian giành cho VINASAT-1, được giao lại cho Hà Nội vào tháng 8/2008 – chứng minh ở một mức độ nào đó khả năng chiếm lĩnh kỹ thuật của Việt Nam.

Nhưng Việt Nam phải đối mặt với khó khăn lớn hơn nhiều khi tiến vào lĩnh vực viễn thám (remote-sensing). Vào tháng 7 năm 2012, Việt Nam phóng vệ tinh quan sát trái đất nội địa đầu tiên, vệ tinh F-1, thiết kế bởi Phòng nghiên cứu không gian (FSpace) của Đại học Công nghệ FPT. Nó có kích thước 10 x 10 x 10 cm, chỉ nặng 1 kg và có khả năng chụp ảnh có độ phân giải thấp (640×480). Vũ Trọng Thư – Trưởng Phòng nghiên cứu không gian, nói rằng Việt Nam mong muốn làm chủ công nghệ không gian về nhiều mục đích khác nhau, bao gồm do thám trên Biển Đông – chứng minh vai trò ISR của F-1.


Việt Nam được cho là có kế hoạch phóng thêm vệ tinh viễn thám, xây dựng hệ thống quan trắ
c

Theo Diplomat, Việt Nam đang dần từ bỏ sự phụ thuộc của mình vào dữ liệu viễn thám có nguồn gốc từ nước ngoài vốn được bán với “giá cắt cổ”, theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam (VNSC). Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2015, ông Tuấn lý giải: “Hiện tại, để có một bức ảnh vệ tinh, Việt Nam phải đặt hàng trước, và sẽ chỉ nhận được ảnh sau hai ngày. Thực ra, trong vài trường hợp Việt Nam không thể có được hình ảnh mà chúng tôi cần kịp thời. Tuy nhiên, nếu chúng tôi có được vệ tinh và một trung tâm vũ trụ riêng, mọi thứ có thể được xử lý trong vòng 6-12 tiếng, bao gồm chụp ảnh và xử lý dữ liệu”.

Vì vậy vệ tinh nhỏ thứ hai của Việt Nam, VNREDSat-1, có kích thước 600 x 570 x 500 mm và nặng 120kg, đã được đưa vào quỹ đạo vào tháng 5/2013 và truyền tải thành công những hình ảnh đầu tiên trở về Trái đất hai ngày sau khi phóng. VNREDSat-1 được thiết kế bởi Astrium SAS, một công ty con của Công ty Phòng không và Vũ trụ châu Âu (EADS), và chi phí dự án trị giá 70 triệu USD do chính phủ Pháp và Việt Nam cung cấp. Khi công ty Astrium SAS trao quyền điều khiển VNREDSat-1 cho VAST bốn tháng sau đó. Thời điểm đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gọi đó là một cột mốc lịch sử trong sự phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam, khẳng định sự làm chủ hoàn toàn “công nghệ vệ tinh nhỏ” và khả năng xử lý hình ảnh độc lập. Quan trọng nhất là, theo Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nguyễn Khoa Sơn, VNREDSat-1 giúp giảm thiểu sự phụ thuộc của Việt Nam vào hình ảnh từ nguồn nước ngoài.

Theo Diplomat, chắc chắn rằng tầm quan trọng về quân sự của VNREDSat-1 không thể bị bỏ qua. Vào tháng 2 năm 2014, Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết VNREDSat-1 sẽ được dùng để giám sát vùng biển và các đảo của Việt Nam vì mục đích phát triển kinh tế xã hội cũng như an ninh quốc phòng, theo dự án “Giám sát biển và các đảo trọng yếu ngoài khơi bằng công nghệ viễn thám”. Tại một hội nghị vào tháng 5 cùng năm, Phó Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết VNREDSat-1 sẽ là một công cụ hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên môi trường và bảo vệ chủ quyền đối với đất liền, biển, đảo và vùng trời của Việt Nam.

Việt Nam rõ ràng cảm thấy phấn chấn hơn sau thành công của VNREDSat-1 và của Pico Dragon – vệ tinh có kích thước hầu như tương tự vệ tinh F-1 và đã được phóng đi không lâu sau đó, truyền được tín hiệu đầu tiên đến Trái đất. Trước năm 2016, theo ông Tuấn, Việt Nam dự định phóng vệ tinh NanoDragon nặng 10kg hoàn toàn do Việt Nam phát triển, sau đó là vệ tinh MicroDragon nặng 50kg vào năm 2018, và sau đó nữa là vệ tinh LOTUSat-2 nặng 500-600kg có khả năng chụp ảnh radar có khẩu độ tổng hợp băng X với độ phân giải từ 1-16m, trước năm 2020. Rõ ràng là Hà Nội đã chọn hướng tiếp cận tăng dần đều, đi từ vệ tinh nhỏ đến lớn hơn và có hiệu suất cao hơn.

Căn cứ vào thực tế thì VNREDSat-1 mang một camera chụp ảnh có độ phân giải 2.5 m, chắc chắn không đáp ứng được tiêu chuẩn độ phân giải cao (1 m hoặc ít hơn) vốn là đặc điểm quan trọng của các vệ tinh quân sự. Điều này ngăn cản Việt Nam xác định và quan sát với độ chính xác cao các hoạt động diễn ra ở Biển Đông. Hạn chế của VNREDSat-1 và tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông là chất xúc tác cho những kế hoạch tiếp theo. Vào tháng 10/2014, Hà Nội ký thỏa thuận với Bỉ phát triển vệ tinh VNREDSAT-1B, dự kiến phóng lên quỹ đạo vào năm 2017. Tuy nhiên, dường như chương trình này đã gặp trục trặc.

Diplomat đánh giá, thoả thuận với Ấn Độ nhằm xây dựng một trạm theo dõi vệ tinh ở Việt Nam, cho phép Hà Nội truy cập vào dữ liệu từ cụm vệ tinh viễn thám dân sự và quân sự của Ấn Độ. Phải đối mặt với lỗ hổng về năng lực viễn thám cho đến khi vệ tinh hiệu quả hơn LOTUSat-2 đi vào hoạt động, Việt Nam có thể xem đây là một biện pháp thay thế tạm thời trong ngắn hạn để có được các dữ liệu quân sự hữu dụng và có độ chính xác cao hơn từ các vệ tinh của Ấn Độ như vệ tinh chụp ảnh bằng radar RISAT-2.

Cho dù các quan chức Ấn Độ luôn khẳng định rằng RISAT-2 chỉ được dùng để phòng chống thiên tai, vệ tinh này hoàn toàn có khả năng quan sát các vật thể với kích thước nhỏ chỉ vào khoảng 10cm. Trong dài hạn, Hà Nội có thể đã cho rằng việc hợp tác với New Delhi tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu tối thượng của Việt Nam là giành được sự tự chủ về năng lực viễn thám vệ tinh.

(còn tiếp)
Đỗ Lâm Thuận
Nguồn: viettimes.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.