Chuyên mục
Tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Nga - Trung
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Nga - Trung

Thứ hai 29/05/2017 19:52 GMT + 7
Xét riêng trong 4 hạng mục gồm máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu chiến và tàu ngầm, tờ Business Insider đã thống kê và so sánh sức mạnh của các phương tiện quân sự Mỹ, Nga và Trung Quốc để đánh giá tương quan lực lượng của 3 cường quốc quân sự.

Máy bay chiến đấu tàng hình


Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ (Ảnh: RT)

Trong khi Mỹ hiện đang giữ vị trí dẫn đầu về công nghệ máy bay tàng hình khi đưa vào sử dụng loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất, cả Nga và Trung Quốc đều vẫn đang nỗ lực để phát triển công nghệ tương tự. Mỹ hiện có 187 máy bay chiến đấu tàng hình F-22, còn các máy bay chiến đấu F-35 - vốn được kỳ vọng sẽ gia nhập đội ngũ máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại của Mỹ - hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và gặp phải một số vấn đề về kỹ thuật.

Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Business Insider)

Đối với Trung Quốc, nước này đã công bố mẫu máy bay chiến đấu tàng hình J-31 trong cuộc triển lãm hàng không từ năm 2014 và đây được xem là mẫu máy bay “đáng nể” của Bắc Kinh trong tương quan lực lượng với Nga và Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sắp đưa vào chế tạo trên quy mô lớn mẫu máy bay chiến đấu tàng hình J-20 - vốn được xem là đối thủ ngang tầm của “chim sắt” F-35, nếu không muốn nói là F-22, của Mỹ. Trong khi đó, thông tin về hai mẫu máy bay mới nhất của Bắc Kinh là J-23 và J-25 hiện vẫn chỉ mang tính đồn đại và chưa được kiểm chứng trên thực tế.


Máy bay chiến đấu T-50 của Nga (Ảnh: Sputnik)

Nga hiện mới chỉ phát triển một mẫu máy bay chiến đấu tàng hình duy nhất là T-50 nhưng máy bay này được cho là đối thủ xứng tầm cạnh tranh với F-22 của Mỹ. Dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2017, T-50 được đánh giá là có khả năng tàng hình kém hơn F-22 nhưng linh hoạt hơn mẫu máy bay của Mỹ.

Như vậy, trong tương quan lực lượng hiện nay giữa 3 nước, F-22 của Mỹ được cho là có ưu thế hơn. Tuy nhiên, Washington vẫn không thể xem nhẹ các đối thủ vì các mẫu máy bay của Nga và Trung Quốc cũng được phát triển với công nghệ rất hiện đại.

Xe tăng


Xe tăng M-1 Abrams của Mỹ (Ảnh: USMC)

Quân đội Mỹ đã đưa vào sử dụng mẫu xe tăng M-1 Abrams từ năm 1980. Mẫu xe tăng này cũng trải qua nhiều lần nâng cấp về các bộ phận như hệ thống vũ khí, bộ truyền động và lớp bọc thép. Ngoại trừ hệ thống pháo, gần như tất cả các bộ phận của M-1 Abrams đều được nâng cấp mới. Xe tăng của Mỹ được trang bị pháo nòng 120 mm, hệ thống điện tử mạnh mẽ, tháp vũ khí điều khiển từ xa và lớp bọc thép kiên cố.


Xe tăng T-90A của Nga (Ảnh: Sputnik)

Nga cũng đang phát triển mẫu xe tăng T-14 dựa trên cấu trúc của Armata. Tuy nhiên Moscow hiện đang trông cậy chủ yếu vào T-90A - mẫu xe tăng chiến đấu được đánh giá cao của quân đội Nga. Chính thức được đưa vào hoạt động từ năm 2014, T-90A được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, súng máy điều khiển từ xa và pháo nòng 125 mm. Binh lính Nga có thể phóng tên lửa chống tăng từ mẫu xe tăng này.


Xe tăng Type 99 của Trung Quốc (Ảnh: Business Insider)

Tương tự như Nga, Trung Quốc cũng đang sử dụng nhiều loại xe tăng, đồng thời phát triển các mẫu mới. Bắc Kinh hiện sở hữu mẫu xe tăng Type 99 với pháo nòng 125 mm, hệ thống nạp đạn tự động và có khả năng phóng tên lửa.

Như vậy, về cơ bản, Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện đang ngang ngửa nhau về sức mạnh xe tăng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sở hữu mẫu xe tăng có chất lượng tốt nhất với đội ngũ vận hành xe tăng được huấn luyện lâu đời và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn so với Nga và Trung Quốc.

Tàu chiến


Các tàu chiến của Mỹ (Ảnh: US Navy)

Là nước có lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới, Mỹ sẽ là nước có lợi thế hơn trong các cuộc xung đột trên biển. Hải quân Mỹ hiện có 10 tàu sân bay cỡ lớn và có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc vận hành các hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, lợi thế về công nghệ cũng như kích cỡ vượt trội của tàu sân bay Mỹ dường như vẫn chưa đủ để giúp Washington vượt qua sức mạnh của các tên lửa hoặc tàu ngầm đối phương, trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển.


Tàu chiến của Nga (Ảnh: Business Insider)

Trong khi đó, Nga cũng đang nỗ lực để hoàn thiện các tàu chiến của nước này. Việc Nga gần đây phóng các tên lửa hành trình Kalibr từ tàu chiến vào các mục tiêu trên đất liền ở Syria chứng tỏ rằng Moscow đang tìm cách để tăng khả năng tấn công của các tàu cỡ nhỏ của nước này. Tên lửa Kalibr chống hạm của Nga được cho là có khả năng, và nếu được phóng với số lượng đủ lớn, có thể vượt qua hệ thống phòng thủ đặt trên tàu Mỹ như Phalanx. Ngoài ra, Nga hiện cũng đưa vào hoạt động Club-K - một hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mục tiêu trên đất liền.


Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: USNI)

Giống như Nga và Mỹ, Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh cả lực lượng tuần duyên và hải quân của nước này. Lực lượng tuần duyên Trung Quốc đang sở hữu nhiều tàu được vũ trang hiện đại, trong khi lực lượng Hải quân cũng có hàng trăm tàu chiến với tên lửa tối tân và nhiều loại vũ khí có hệ thống cảm biến mạnh.

Như vậy, so với Hải quân Nga và Trung Quốc, Hải quân Mỹ vẫn giữ ngôi vị số một trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sức mạnh của Hải quân Mỹ nhiều khả năng sẽ giảm nếu địa bàn hoạt động của lực lượng này nằm ở “sân nhà” của Nga và Trung Quốc.

Tàu ngầm


Tàu ngầm của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)

Hải quân Mỹ hiện có 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, được trang bị 280 tên lửa hạt nhân có khả năng san phẳng một thành phố, 4 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường với 154 tên lửa hành trình Tomahawk và 54 tàu ngầm tấn công. Tất cả đều được trang bị công nghệ hiện đại, vũ khí hạng nặng và khả năng tàng hình tốt.


Tàu ngầm lớp Lada của Nga (Ảnh: Sputnik)

Mặc dù số lượng chỉ có 60 chiếc nhưng các tàu ngầm Nga cho thấy năng lực đáng nể của lực lượng này. Xét về khả năng tàng hình, các tàu ngầm hạt nhân của Nga gần bằng hoặc tương đương với các tàu ngầm của phương Tây. Trong khi đó, các tàu ngầm diesel của Nga được đánh giá là có khả năng hoạt động êm nhất thế giới hiện nay. Ngoài ra, Moscow cũng đang phát triển các vũ khí tàu ngầm mới, bao gồm ngư lôi hạt nhân có khả năng san phẳng một thành phố. Đội ngũ thủy thủ tàu ngầm Nga cũng ngày càng chuyên nghiệp và thiện nghệ hơn.


Tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn công diesel và 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục phát triển thêm lực lượng tàu ngầm của mình. Các tàu ngầm Trung Quốc có điểm bất lợi là dễ bị phát hiện, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh Thái Bình Dương đang triển khai nhiều thiết bị để dò tìm tàu ngầm.

Như vậy, tàu ngầm Mỹ vẫn được đánh giá cao hơn Nga và Trung Quốc nếu xét cả về khả năng tấn công trên mặt đất lẫn khả năng đối đầu với tàu ngầm khác. Tuy nhiên, những cải tiến về công nghệ cũng như việc đóng thêm các tàu ngầm mới của Hải quân Nga và Trung Quốc cũng đang đặt ra những thách thức cho tàu ngầm Mỹ.
Nguồn: dantri.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.