Chuyên mục
Nga sẵn sàng cho chiến tranh kiểu mới?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga sẵn sàng cho chiến tranh kiểu mới?

Thứ ba 28/07/2015 13:16 GMT + 7
Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về các mối đe dọa đối với Nga và cách đối phó với các mối đe dọa đó của Leonhid Petrovich Orlenko.

Bài viết của tác giả Leonhid Petrovich Orlenko, giáo sư Trường Đại học tổng hợp kỹ thuật quốc gia Matxcova danh tiếng mang tên N.E. Bauman (trường đại học kỹ thuật số một của Nga chuyên đào tạo các nhà bác học, tổng công trình sư thuộc các chuyên ngành vũ trụ, hàng không, kỹ thuật quân sự và các ngành công nghệ cao v.v) được đăng trên tuần báo quân sự chuyên ngành “Bình luận quân sự độc lập” (NVO) ngày 17/7/2015.


Các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại có thể bảo vệ một cách chắc chắn các hầm phóng tên lửa đạn đạo . Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

1. Mở đầu

Nga là quốc gia có xác suất trở thành mục tiêu của đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu (Promp Global Strike –PGS) của Mỹ cao nhất, bởi vì Nga là nước duy nhất trên thế giới có khả năng chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ hủy diệt nước Mỹ bằng một đợt tấn công của 490 tên lửa đạn đạo với 1.480 đầu đạn hạt nhân.

Như vậy chính Nga là vật cản gây khó khăn cho Mỹ khi giải quyết nhiệm vụ chiến lược của mình: trở thành siêu cường duy nhất trên trái đất và điều hành tất cả các quốc gia khác còn lại trên hành tinh, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực con người của tất cả các nước đó phục vụ cho lợi ích của Mỹ.

Tất cả chính sách đối nội và đối ngoại mà Mỹ đã, đang và sẽ thực hiện đều phục vụ cho mục tiêu chiến lược trên và để giải quyết nhiệm vụ này Mỹ đã chi cho quốc phòng gấp 10 lần Nga. Mục tiêu chiến lược cụ thể của Mỹ đối với Nga là vô hiệu hóa tiềm lực (vũ khí hạt nhân) của Nga và kiểm soát hoàn toàn nguồn lực của Nga .

Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher (?) đã từng nói nói là dân số Nga cần phải giảm xuống còn 15 triệu người - tức là vừa bằng số nhân lực lao động cần thiết để khai thác tài nguyên cho Phương Tây .

2. Hủy diệt theo kế hoạch

Khác với Nga, Mỹ không chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên bộ. Mỹ dự định giành chiến thắng trong chiến tranh bằng “đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (Promp Global Strike PGS, sau đây xin dùng từ viết tắt này để tiết kiệm thời gian), hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) sử dụng tên lửa có cánh phóng từ các tàu biển và các tên lửa đạn đạo.

Hiện nay Mỹ đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất để tiến hành PGS nhằm vào Nga. Thượng tướng Leonhid Ivanshov (Giám đốc Viện các vấn đề địa-chính trị Viện Hàn lâm khoa học Nga - người dịch đã giới thiệu bài viết của ông này một số lần) đã từng viết về vấn đề này (Bình luận quân sự độc lập” (NVO) số 43, 2014) như sau: “Chúng ta hình như ít để ý đến một thực tế là trong cơ cấu của NATO hiện nay đã tập trung gần như đầy đủ tất cả các phương tiện cần thiết để triển khai PGS”.

“Nếu như chúng ta (Nga) “phơi trần” trước các tên lửa đạn đạo, nếu như chúng ta không có phương tiện để đánh chặn hoặc thậm chí phát hiện các tên lửa có cánh, thì chúng ta cần phải thay đổi một cách căn bản cách tiếp cận quân sự- chiến lược của mình”.

Hiện nay, Mỹ có trong trang bị 790 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã triển khai với 1.700 đầu đạn hạt nhân, gần 5.000 tên lửa có cánh, trong số đó có 3.000 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường trên các tàu biển, gần 3.000 máy bay chiến đấu và v.v… đủ để tiến hành một cuộc chiến tranh không tiếp xúc toàn cầu. Đấy là chưa tính đến số vũ khí của các nước còn lại trong NATO.

Có hai kiểu tên lửa thích hợp cho PGS; thứ nhất: Các tên lửa mà radar Nga không thể phát hiện được (tàng hình); thứ hai: Những tên lửa có thời gian bay đến mục tiêu rất ngắn (từ 8 đến 12 phút)

Trong kho vũ khí của Mỹ hiện nay, những tên lửa thích hợp cho nhiệm vụ đó là:

Thứ nhất: Các tên lửa phóng từ biển có tầm bắn 2.500 km. Đến thời điểm hiện tại Mỹ đã cải hoán 4 trong số 12 tàu ngầm nguyên tử lớp "Ohio" mang tên lửa “Trident 2-D5” (tên lửa đạn đạo ba tầng) đang có trong biên chế thành các phương tiện mang tên lửa có cánh phóng từ biển, mỗi một chiếc tàu ngầm (trong số 4 chiếc trên ) - mang 150 tên lửa có cánh.

Thứ hai: Để tiến hành PGS, có thể sử dụng các tên lửa đạn đạo “Trident 2-D5” phóng từ các tàu ngầm. Trong mỗi tàu ngầm lớp “Ohio” có 24 tên lửa “Trident 2-D5” và như vậy mỗi một chiếc tàu ngầm mang 336 thành phần tác chiến với đầu đạn hạt nhân tổng công suất 100 kiloton.

Các tàu ngầm nói trên có thể dễ dàng tiếp cận bờ biển Nga từ phía Bắc vì tại khu vực này hệ thống chống ngầm của Nga gần như không còn tồn tại và tàu ngầm Mỹ có thể tiến hành các đòn tấn công hạt nhân- tên lửa vào các mục tiêu của Bộ đội tên lửa chiến lược Nga (có gần 400 mục tiêu gồm: tên lửa trong các hầm phóng và tên lửa cơ động trên ô tô), vào các tàu ngầm Nga đang trú đậu tại các bến cảng , các đầu mối điều hành nhà nước và các Trung tâm chỉ huy Các lực lượng vũ trang LB Nga.

Tổng số tên lửa được sử dụng để tấn công – đấy là vào khoảng 600 tên lửa có cánh phóng từ biển cộng với khoảng từ 670 - 1.000 đầu tác chiến hạt nhân của các tên lửa đạn đạo trên 2 đến 3 tàu ngầm lớp “Ohio”. Ngoài ra, một số tàu nổi của Mỹ hiện diện trên các vùng biển phía Bắc Nga có thể mang một số tên lửa có cánh .

Thứ ba: Ngoài các tên lửa đã nói ở trên, Mỹ còn thể sử dụng các tên lửa đánh chặn kiểu SM-3 cải tiến thành tên lửa tầm trung lớp “ đất đối đất” phóng từ các căn cứ thuộc hệ thống NMD trên lãnh thổ Ba Lan và Rumania, cũng như từ các tàu được trang bị hệ thống “Eagis” có mặt tại Biển Đen ( phía Nam Nga) và Biển Baren ( phía Tây Bắc Nga –ND).

Hiện nay, Nga đang phạm phải một sai lầm chiến lược: Tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn sử dụng các loại vũ khí mới nhất (tiêm kích T-50, tăng T-14 ( Armata) , các tàu và các tên lửa mới và v.v), trong khi Mỹ lên kế hoạch hủy diệt nước Nga bằng các tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo và không hề có ý định tiến hành một chiến dịch trên bộ .

Chính vì vậy một phần lớn kinh phí của Chương trình vũ khí quốc gia 2020 (của Nga) đã bị ném qua cửa sổ, xin nhắc lại là nói như vậy bởi vì sự chuẩn bị của Nga chủ yếu hướng tới một cuộc chiến tranh trên bộ, trong khi đó thì Mỹ - cho một cuộc chiến tranh tên lửa-hạt nhân.

Sau khi Mỹ tiến hành PGS nhằm vào Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, phần lớn lực lượng này sẽ bị tiêu diệt. Dmitri Rogozin (Phó thủ tướng Nga phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng –ND) đã từng đặc biệt nhấn mạnh rằng (nguyên văn) nếu một đòn PGS nhằm vào nước Nga được thực hiện thì:

“Theo các đánh giá (tính toán) hiện nay của Mỹ, một đòn tấn công như vậy sẽ tiêu diệt từ 80 đến 90 % tiềm lực hạt nhân của chúng ta”. Phần tên lửa đạn đạo còn lại của Nga sẽ bị hệ thống NMD bắn hạ, một phần nhỏ của số tên lửa (còn lại) này vẫn có thể chọc thủng NMD và mang các đầu đạn hạt nhân đến lãnh thổ Mỹ.

Sau PGS, Mỹ vẫn còn 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Minuteman -3” nguyên vẹn trong các hầm phóng vì được hệ thống NMD bảo vệ, cũng như các tên lửa “Trident 2-D5” trên 5 đến 6 chiếc tàu ngầm (khoảng 120 đến 144 tên lửa). Về phần mình, sau PGS Nga không còn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nào .

Khi đó, Mỹ sẽ đưa ra tối hậu thư đòi Nga đầu hàng vô điều kiện. Nếu Nga không chấp nhận và cho đến thời điểm đó các lực lượng phi chiến lược của Nga vẫn còn nguyên vẹn, thì lúc đó Mỹ sẽ là triển khai một cuộc tấn công hủy diệt (theo kế hoạch) các thành phố Nga (như đã từng xảy ra với Hirosima và Nagasaki)- bằng số tên lửa như đã nói ở trên .

Kết quả là Nga chỉ có hai sự lựa chọn – hoặc là đầu hàng, hoặc là bị tàn phá hoàn toàn mà không thể trừng phạt được đối phương.

Giả thiết, lực lượng hạt nhân chiến lược Nga tiến hành đòn tấn công phủ đầu vào lãnh thổ Mỹ, ví dụ là Tình báo (Nga) báo cáo là ngày mai sẽ có đòn tấn công PGS vào Nga thì cũng không có ý nghĩa gì, bởi vì thời gian bay của tên lửa từ các hầm phóng và các phương tiện cơ động trên mặt đất (đến lãnh thổ Mỹ-ND) sẽ chiếm gần 30 phút thì trong thời gian đó Mỹ sẽ tổ chức đòn tấn công đáp trả vào Nga (đáp trả - nói nôm na là tấn công trả đũa khi các tên lửa của đối phương đã được phóng nhưng vẫn chưa bay đến các mục tiêu trên lãnh thổ của mình – tức khi lực lượng tấn công vẫn còn nguyên vẹn, trong trường hợp này, Mỹ sẽ tấn công đáp trả trong vòng 30 phút tính từ thời điểm Nga phóng tên lửa).

Ngoài ra, có không ít hơn 4 chiếc tàu ngầm của Hải quân Mỹ, Anh và Pháp luôn trực chiến trên các đại dương và lực lượng vũ trang Nga không thể tiêu diệt chúng. Nếu thực hiện phương án này, cả Nga và Mỹ đều bị hủy diệt.

Như vậy cần phải trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất: Khi nào Mỹ sẽ thực hiện PGS nhằm vào Nga? Quyết định cuối cùng phụ thuộc phần lớn vào cuộc đấu tranh giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa – cả hai đảng này đều nhất trí với nhau ở một điểm là chiến tranh với Nga và Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Sự khác biệt chỉ ở chỗ xác định thời điểm tiến hành đòn tấn công toàn cầu vào Nga và Trung Quốc.

Các đại diện của Đảng Cộng hòa cho rằng đến thời điểm này Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh ở tất cả các khía cạnh: quân sự , kinh tế và hệ tư tưởng – và lẽ ra PGS đã phải thực hiện từ ngày hôm qua.

Đảng Dân chủ lại cho rằng Mỹ cần ít nhất từ 5 đến 7 năm nữa để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nhiều khả năng hơn cả là PGS nhằm vào Nga sẽ diễn ra sau năm 2016, nếu như Tổng thống mới của Mỹ là người của Đảng Cộng hòa .

3. Bảo vệ Lực lượng hạt nhân chiến lược trước đòn tấn công bất ngờ

Để bảo vệ Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, trước hết cần phải tận dụng nhược điểm tự nhiên của bất kỳ loại tên lửa nào, không có ngoại lệ, kể cả tên lửa hiện có, sẽ có, có cánh, đạn đạo, siêu thanh, vũ trụ và dù chúng được đặt ở bất kỳ đâu - ở Châu Âu, Ucraine và v.v.. .

Để có thể bắn trúng mục tiêu, tên lửa cần phải có tọa độ của mục tiêu (cố định và không cố định). Từ đây dễ dàng đưa ra kiến nghị quan trọng nhất: cần phải “tàng hình” các mục tiêu trước hệ thống trinh sát của đối phương (máy bay, tàu ngầm, các tàu đặc biệt, biệt kích và v.v…) .

Nguyên tắc này được thực hiện rất kém đối với các tên lửa (Nga) trong hầm phóng, tên lửa trên các ô tô và các tàu ngầm đang neo trú tại các căn cứ. Hơn 90 % tên lửa đạn đạo của Nga được xếp vào hạng rất dễ bị tổn thương (tiêu diệt) vì đối phương có thể xác định được tọa độ của chúng vào bất cứ lúc nào .

Các tàu ngầm mang tên lửa giữ được bí mật tốt hơn cả. Tên lửa trên các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược của Nga chiếm gần 20% (tổng số tên lửa), số tàu ngầm tham gia trực chiến trên thực tế chỉ có từ 2 đến 3 chiếc (trong số 9 chiếc).

Trong nhiều thập niên Mỹ đã thiết kế và hoàn thiện hệ thống chống ngầm. Ở Nga thì hệ thống này đã không còn nữa. Chính vì thế có xác xuất các tàu ngầm Nga đang trực chiến trên các đại dương sẽ bị phát hiện khi tiến hành đòn tấn công toàn cầu là tương đối cao.

Có hai phương pháp bảo vệ Các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga trước đòn PGS: thụ động và chủ động .

Phương pháp thụ động

Chúng ta cùng xem xét các phương pháp chủ yếu bảo vệ các tổ hợp phóng tên lửa đạn dạo Nga trước sự theo dõi các hệ thống trinh sát Mỹ.

Thứ nhất, hiện nay các tổ hợp phóng cơ động “Topol –M” và “Iars” được cơ động trên các xe ô tô từ làng này qua làng khác dưới sự giám sát của hệ thống trinh sát vũ trụ Mỹ và biệt kích (gián điệp) .

Thay vì (làm) như vậy, cần khẩn cấp phân tán các tổ hợp này trên toàn bộ lãnh thổ Nga và giấu chúng trong rừng, trong lòng đất, trong các khu chứa và v.v. Mỗi một tổ hợp phóng cần phải có một số trận địa dự bị và chúng phải liên tục bí mật cơ động đến rồi đi để thay đổi tọa độ của mình .

Tại sao lại áp dụng biện pháp này? Nếu như vào thời điểm này, trong trường hợp có đòn PGS thì có từ 80 đến 90% các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga bị tiêu diệt, nhưng nếu áp dụng biện pháp trên tỷ lệ tổn thất của các tên lửa chiến lược Nga khi có đòn PGS tương tự sẽ giảm tới 2 lần, tức chỉ còn 40 đến 45%. Và nếu như vậy thì PGS của Mỹ nhằm vào Nga sẽ mất hết ý nghĩa ( vì không vô hiệu hóa được tiềm lực hạt nhân của Nga-ND) .


Tên lửa “ Minuteman-3” của Mỹ luôn sẵn sàng chờ lệnh . Ảnh : www.dodmedia.osd.mil

Việc thực hiện nhanh chóng và có chất lượng đề xuất trên sẽ cho phép chúng ta (Nga) chuyển sang áp dụng các biện pháp khác phức tạp hơn nhưng cũng chắc chắn hơn để bảo vệ các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga .

Thứ hai, biện pháp chắc chắn nhất để bảo vệ các lực lượng hạt nhân chiến lược trước cuộc tấn công bất ngờ là chuyển các tàu ngầm mang tên lửa đến các vùng biển được bảo vệ chắc chắn, chứ không phải trực chiến ở các đại dương mà Mỹ đang kiểm soát.

Nga đã có mọi thứ cần thiết để tổ chức thực hiện biện pháp trên: Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương đủ sức bảo vệ các khu vực biển duyên hải ở phía Bắc và phía Đông (Nga) trước các tàu nổi, tàu ngầm, tên lửa có cánh, máy bay và máy bay không người lái của đối phương và đảm bảo cho các tàu ngầm mang tên lửa của Nga tuần tiễu tác chiến an toàn tại các khu vực đó .

Thứ ba, cần phải đưa các tên lửa đạn đạo Nga vào các hầm ngầm dưới mặt đất. Hoàn toàn có thể áp dụng kinh nghiệm thiết kế tàu điện ngầm “Metro” để xây dựng các đường hầm này.

Chúng cần phải được bố trí ở khu vực quanh Matxcova bởi vì đây là khu vực duy nhất ở Nga được các hệ thống phòng thủ chống tên lửa bảo vệ một cách tuyệt đối chắc chắn trước các tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo (của đối phương-ND). Các tên lửa thường xuyên phải được cơ động trên các toa tàu, có các cửa lên mặt đất để phóng khi có lệnh .

Còn một số phương pháp nữa để bảo vệ Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga trước PGS , nhưng hoặc là chúng mất nhiều thời gian, hoặc không thực sự đáng tin cậy. Dù sao cũng xin liệt kê ( nhưng không đi sâu vào chi tiết) như sau:

- Các hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các tàu ngầm đang neo trú tại các bến cảng cần phải được bảo vệ bằng các biện pháp tác chiến điện tử , các tổ hợp phòng không kiểu “Pantsyr-S1”, “ Tor-M2” và các tổ hợp khác có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tên lửa có cánh phóng từ biển có tốc độ cận âm ;

- Để bảo vệ các hầm phóng tên lửa có thể áp dụng các phương pháp được áp dụng cho xe tăng; bảo vệ tích cực và giáp bảo vệ .

- Để tiêu diệt các tên lửa kiểu “Trident 2D-5” và SM-3 cần phải có một hệ thống phòng thủ chống tên lửa tương tự như hệ thống mà Mỹ đã xây dựng trong mấy thập kỷ gần đây. Hiện nay, Nga đã thành lập hệ thống phòng thủ không gian- vũ trụ (VKO – viết tắt tiếng Nga), nhưng để làm được việc này cần phải có thời gian ;

- Chế tạo các tổ hợp tên lửa cơ động trên đường sắt như Liên Xô đã từng làm , mặc dù đối phương có thể sử dụng bọn biệt kích để cài các cảm biến kích thước nhỏ - các cảm biến đó sẽ được kích hoạt và phát tín hiệu để xác định tọa độ mục tiêu cho tên lửa (của đối phương) chỉ vào ngày X ;

- Hợp lý hơn cả là sử dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật hiện đại khôi phục lại các tên lửa nhiên liệu rắn mang một đầu đạn “Curier’ (người đưa tin) có tầm bắn 10.000 km và có khả năng chọc thủng NMD, khối lượng 15T, chiều dài 11m, đường kính 1,36m.

Để so sánh: tên lửa một đầu đạn “Topol-M” có tầm bắn 11.000km, trọng lượng 46,5 tấn, chiều dài 22,5m, đường kính 1,81m. Liên Xô đã từng phóng thử nghiệm “Curier” 4 lần (và đều thành công), nhưng đến năm 1991, dự án này đã bị đóng băng vì sức ép của Mỹ .

Trọng lượng và kích thước gọn nhẹ của “Curier” cho phép dễ dàng ngụy trang , hoặc đưa chúng vào các thùng ô tô tải tiêu chuẩn – hàng ngày có hàng chục nghìn xe ô tô tải như vậy lưu thông trên khắp nước Nga và đối phương không thể phân biệt được xe tải nào mang tên lửa. Các tên lửa như vậy cũng có thể bố trí trong các container tiêu chuẩn trên các tàu quân sự và dân sự khác nhau .

Phương pháp chủ động

Từ thời Xô Viết, các nhà khoa học quân sự đã tính đến khả năng sử dụng vũ khí địa - vật lý (để răn đe) Mỹ. Ví dụ, viện sỹ Sakharov (người đoạt giải Nobel – sau trở thành nhà hoạt động bất đồng chính kiến) đã đề xuất cài các quả mìn hạt nhân không thể gỡ ở cả hai bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ bằng các tàu ngầm, tàu nổi hoặc bằng tên lửa.

Nếu Mỹ tiến công Liên Xô, các quả mìn đó sẽ nổ và tạo thành các cột sóng cao hàng trăm mét nhấn chìm các thành phố ở cả hai bờ nước Mỹ .

Một phương án khác cũng đã từng được đề cập đến: tại Vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ) có một trong những núi lửa lớn nhất thế giới (miệng núi lửa có chiều dài 60 km). Hiện nay núi lửa này “đang tỉnh giấc”, nếu như trong miệng núi lửa có một đầu đạn hạt nhân công suất đủ lớn nổ thì sẽ kích hoạt làm nó hoạt động mạnh trở lại.

Theo quan điểm của một số chuyên gia thì một vụ nổ này sẽ làm nước Mỹ bị hủy diệt. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác, cụ thể là từ Trung tâm theo dõi và nghiên cứu núi lửa Yellowstone thì dù núi lửa Yellowstone có nổ sẽ không gây ra thảm họa cho nước Mỹ .

Chúng ta vừa xem xét một số biện pháp kỹ thuật để đối phó với PGS. CònThượng tướng L.Ivanshov lại xem xét một khía cạnh khác của vấn đề này. Ông cho rằng: “Hiện nay Nga không có bất cứ thứ gì trong tay để vô hiệu hóa PGS, ngoài việc lặp lại kịch bản năm 1962 (tức cuộc khủng hoảng Caribe), cụ thể là bố trí các loại vũ khí chính xác cao ngay sát biên giới Mỹ để có khả năng chắc chắn 100% đáp trả đòn tấn công (của Mỹ) bằng một đòn tấn công (của Nga). (NVO , № 43, 2014).

Không những thế, cần phải triển khai biện pháp này một cách đồng bộ : bố trí tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của chúng ta trên các tàu nổi (1), trên các tàu ngầm ( 2) và trên lãnh thổ các nước bè bạn của chúng ta ở Châu Mỹ- Latinh (3).

Cách tiếp cận như vậy để đánh trả PGS của Mỹ là cách tiếp cận “ăn miếng trả miếng” với những gì mà Mỹ đã làm: Điều các tàu nổi và tàu ngầm mang tên lửa trực chiến dọc biên giới Nga, xây dựng hệ thống NMD ở Rumania và Ba Lan với các tên lửa đánh chặn SM-3 hai phiên bản có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Nga lúc mới phóng hoặc tiến hành các đòn tấn công hạt nhân vào các trận địa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga.

Bố trí các tên lửa hạt nhân (Nga) ở sát biên giới Mỹ chắc chắn làm tăng cường vị thế quân sự của Nga, tuy nhiên nếu một cuộc khủng hoảng Caribe mới phiên bản 2.0 xuất hiện (trong bối cảnh đó) thì không ai có thể biết được nó sẽ kết thúc như thế nào – hòa bình hay chiến tranh.

Một cuộc khủng hoảng Caribe mới không thể xuất hiện, nếu như trong ba đề xuất của L.Ivanshov về việc bố trí tên lửa gần biên giới Mỹ (tàu ngầm, tàu nổi và các tổ hợp trên mặt đất) chúng ta chỉ sử dụng một, đó chính là – bố trí các tàu ngầm mang tên lửa có cánh ở gần bờ biển nước Mỹ trên các khu vực biển trung lập. Bởi vì trong trường hợp xảy ra chiến tranh thì các tàu nổi (ở gần bờ biển Mỹ) và các căn cứ tên lửa (bố trí) ở các nước Châu Mỹ - Latinh sẽ bị (Mỹ) tiêu diệt trước tiên .

Một loạt câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc (Mỹ) thiết kế các phương tiện PGS và phản ứng của Nga trước các hoạt động trên. Tại sao mà các phương tiện PGS được thiết kế mà Nga đã không thể “nhận ra”? Học thuyết về PGS đã được soạn thảo tại Mỹ từ năm 2003.

Năm 2009 Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh các đòn tấn công toàn cầu. Nhưng trong Học thuyết quân sự Nga năm 2010, không có một dòng nào đề cập PGS (cứ như là nó không tồn tại). Mãi đến Học thuyết quân sự năm 2014 (của Nga) mới nói tới PGS và coi đó là mối đe dọa đối với Nga.

Nhưng đến năm 2014 thì Mỹ đã gần như xây dựng xong cơ sở vật chất để có thể tiến hành PGS. Người ta đặt câu hỏi, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã có những biện pháp gì chống lại mối đe dọa thực tế đó trong giai đoạn từ 2003 đến 2014 ? Thượng tướng L.Ivashov khi trả lời câu hỏi này đã cho biết là trên thực tế đã không có phản ứng gì cả, có nghĩa là Nga đã “tự mình lờ đi” mối đe dọa này (NVO, № 43, 2014).

Kết luận: Để có thể phá vỡ kế hoạch của Mỹ nhằm tước chủ quyền của Nga, cần phải bảo vệ một cách chắc chắn Lực lượng hạt nhân chiến lược trước PGS bằng cả các phương pháp chủ động và thụ động. Để làm được điều đó cần phải có những điều chỉnh trong Chương trình vũ khí quốc gia và phải coi nhiệm vụ bảo vệ Lực lượng hạt nhân chiến lược là ưu tiên số một.

Lê Hùng (dịch và giới thiệu)
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.