Chuyên mục
Điểm yếu lớn nhất của Hạm đội Thái Bình Dương Nga là gì?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Điểm yếu lớn nhất của Hạm đội Thái Bình Dương Nga là gì?

Thứ hai 30/03/2015 03:35 GMT + 7
Trong tình hình kinh tế hiện nay, tham vọng của Nga đối với Hạm đội Thái Bình Dương dù lớn lao nhưng vẫn phải đối mặt với một số hạn chế, lớn nhất trong đó là ngân sách đầu tư.

Tàu chiến của Hải quân Nga trong Ngày Hải quân. Ảnh: RT

Trang mạng Port News (trụ sở tại St. Petersburg, Nga) đăng bài viết cho hay:

Mặc dù đã bị suy yếu nghiêm trọng trong suốt 2 thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ sớm được khôi phục tầm quan trọng và phát triển.

Trong quá khứ, Hạm đội Thái Bình Dương không được đầu tư đầy đủ, các tàu của hạm đội đều già cỗi, xuống cấp, công tác huấn luyện xuống dốc và công tác bảo trì kém.

Hạm đội chỉ mới bắt đầu nhận được các tàu mới trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Moscow đang nỗ lực tăng cường cho Hạm đội Thái Bình Dương, đưa lực lượng này trở thành một thành phần quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa toàn diện quân đội, khi Nga đang tăng cường mở rộng tầm ảnh hưởng ở phía đông.

Tuy nhiên, tình trạng kinh tế hiện nay của Nga sẽ buộc Moscow phải có sự ưu tiên chiến lược trong khoản ngân sách dành cho hạm đội này, cũng như đối với chiến lược quân sự toàn diện.

Chiến lược của Nga

Với sự suy yếu của Hạm đội Thái Bình Dương sau Chiến tranh Lạnh, chiến lược của Nga trong một thời gian dài đã tập trung vào khả năng răn đe.

Lực lượng răn đe này gồm các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công hạt nhân hộ tống chúng.

Những chiếc tàu này có khả năng sống sót cao để thực hiện các cuộc tấn công vào những mục tiêu cách xa các cảng biển của Nga.

Chúng cũng rất hữu dụng trong nhiệm vụ tác chiến chống ngầm tại khu vực gần bờ biển.

Tuy nhiên, những loại tàu chiến khác cũng không hoàn toàn bị lãng quên.

Moscow đã đầu tư rất nhiều vào các tàu chiến mặt nước cỡ lớn và nhỏ, cũng như các tàu ngầm diesel-điện, ngay cả khi đang dồn sự tập trung vào các tàu ngầm hạt nhân kể từ những năm 1960.

Các tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ và tàu ngầm diesel-điện đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển của Nga thời kỳ Chiến tranh Lạnh và ngăn Mỹ triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới quá gần khu vực này.

Chúng cũng đóng góp vào chiến lược pháo đài của Nga.

Chiến lược này tạo ra một lớp bảo vệ xung quanh các vùng biển sát Nga và sử dụng các tàu ngầm hạt nhân lớp Delta, cùng tàu ngầm thuộc các lớp tiếp theo đủ khả năng tấn công các thành phố của Mỹ mà không cần di chuyển xa các cảng của Nga.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Delta IV

Các tàu chiến cỡ lớn của Nga, trong đó có tàu tuần dương hạt nhân, được chế tạo với số lượng đáng kể.

Những con tàu này không thể sống sót lâu trong cuộc xung đột với các hạm đội Mỹ nhưng đóng vai trò như một hàng rào ngăn cản các đối thủ của Moscow.

Chúng cũng rất hiệu quả trong việc răn đe các lực lượng nhỏ hơn, hỗ trợ quân đội Nga trong các chiến dịch đổ bộ và hỗ trợ các đồng minh ở xa của Nga.

Tuy nhiên, những vai trò này không quan trọng như vai trò răn đe của các tàu ngầm hạt nhân Liên Xô và sau này là Nga.

Cạnh tranh giành ngân sách

Mặc dù Hạm đội đã suy yếu đáng kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng quan điểm chiến lược và hướng sử dụng của Nga đối với hạm đội này về cơ bản không thay đổi.

Moscow ưu tiên nhiều hơn cho các nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và răn đe hạt nhân.

Những vai trò phụ trợ, như triển khai ngoài khu vực bằng tàu chiến cỡ lớn, dù rất có lợi nhưng không quan trọng bằng 2 nhiệm vụ trên.

Trong bối cảnh chiến lược hiện nay, tham vọng của Nga đối với Hạm đội Thái Bình Dương dù lớn lao nhưng vẫn phải đối mặt với một số hạn chế. Hạn chế lớn nhất trong đó là ngân sách đầu tư.

Nga hẳn nhiên sẽ tăng cường đầu tư tài chính cho quân đội nhưng Moscow sẽ không đủ khả năng trang trải cho tất cả các chương trình mong muốn, nhất là khi Mỹ - Phương Tây đang áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine và giá dầu lao dốc.

Hạm đội Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh gay gắt với 4 lực lượng hải quân khác của Hải quân Nga để giành ngân sách.

Đó là Hạm đội Baltic, Hạm đội Biển Đen, Hạm đội Caspi và Hạm đội phương Bắc. Những hạm đội này đều được dự kiến trang bị tàu mới.

Hạm đội Thái Bình Dương có ưu thế trong cuộc cạnh tranh này nhưng vẫn sẽ đứng thứ 2, do tầm quan trọng của Hạm đội phương Bắc.

Tầm quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn xếp sau Hạm đội phương Bắc

Cả Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương đều thực hiện các nhiệm vụ răn đe hạt nhân. Tuy nhiên, Hạm đội phương Bắc chịu trách nhiệm lớn hơn do có vùng trách nhiệm lớn hơn cần bảo vệ.

Ngoài ra còn có nhiệm vụ triển khai lực lượng qua Bắc Cực và bảo vệ tuyến đường biển phương Bắc.

Hơn nữa, Nga cũng đang gặp khó khăn do sự suy yếu lớn của ngành công nghiệp đóng tàu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Điều này đã làm trì hoãn tiến độ đóng những con tàu mà Nga có thể trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Do đó, Moscow sẽ đứng trước sự lựa chọn khó khăn về khoản đầu tư dành cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Cần lưu ý rằng, ngay cả trong thời kỳ ngân sách ảm đạm vào năm 1990, Nga cũng ưu tiên cho các lực lượng hạt nhân để bù đắp nhanh chóng lực lượng thông thường đang suy yếu.

Trong khi đó, Hạm đội Thái Bình Dương đã và tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nhiệm vụ răn đe hạt nhân.

Vì vậy, các lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của hạm đội sẽ nhận được khoản đầu tư lớn.

Các lĩnh vực khác được ưu tiên sẽ gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân có nhiệm vụ hộ tống và bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, cũng như các tàu chiến nhỏ thực hiện nhiệm vụ phòng thủ bờ biển.

Do các lực lượng răn đe hạt nhân và bảo vệ lãnh thổ đã và sẽ tiếp tục được chú trọng đầu tư trong Hải quân nga nên các lực lượng nòng cốt thực hiện những nhiệm vụ khác sẽ rất khó cạnh tranh để giành ngân sách.

Các tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Hạm đội Thái Bình Dương thực hiện các nhiệm vụ thứ yếu, như bảo vệ các tuyến đường biển, hỗ trợ quân đội và thực hiện các đợt triển khai ngoài khu vực, sẽ tiếp tục già cỗi và giảm số lượng theo thời gian.

Tuy nhiên, thay vào đó, những tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ như tàu hộ tống lớp Steregushchy sẽ đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ bờ biển.

Thêm vào đó, dù ngành công nghiệp Nga không đủ khả năng đóng một số lượng lớn tàu chiến mặt nước cho hải quân nhưng sự tham gia của các nhà máy đóng tàu nước ngoài có thể hỗ trợ phần nào.

Còn các tàu chiến mặt nước chủ lực hiện tại của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ được nâng cấp và đại tu ở mức độ cao hơn do Nga đang phải phụ thuộc vào chúng để bảo đảm sự thống trị trên biển.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei

Năm 2013, Hạm đội Thái Bình Dương đã nhận tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borei đầu tiên.

5 chiếc khác dự kiến sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, dần thay thế các tàu ngầm lớp Delta đang phục vụ như trụ cột của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Hạm đội Thái Bình Dương.

Hạm đội Thái Bình Dương cũng sẽ nhận 6 tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen trong thập kỷ tới.

Phản ứng của quốc tế

Do Nga đang mở rộng sự hiện diện ở châu Á và nỗ lực tăng cường Hạm đội Thái Bình Dương nên các lực lượng hải quân khác trong khu vực tất nhiên sẽ để mắt tới động thái này.

Tuy nhiên, ưu tiên của Nga dành cho các lực lượng răn đe hạt nhân về cơ bản sẽ không thay đổi cán cân sức mạnh hải quân trong khu vực trong thập kỷ tới.

Do đã đầu tư mạnh vào hải quân, Trung Quốc sẽ chào đón sự tăng cường sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương Nga, bởi điều này mang lại cho họ nhiều cơ hội huấn luyện chung hơn và có thể làm sao lãng Hạm đội 7 của Mỹ.

Tuần dương hạm Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương tới Trung Quốc tham gia tập trận hải quân chung năm 2012.

Nhật đã nhiều lần điều chiến đấu cơ ngăn chặn các máy bay quân sự Nga.

Do vấn đề quần đảo tranh chấp Kuril vẫn chưa được giải quyết nên Tokyo có thể viện vào sự phát triển của Hạm đội Thái Bình Dương Nga nhiều hơn để bình thường hóa quân đội của mình và mở rộng đầu tư vào lực lượng hải quân.

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tập trung phát triển lực lượng hải quân của mỗi bên.

Sự tăng cường của Hạm đội Thái Bình Dương về cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ của Nga với các nước châu Á hay ảnh hưởng quá mức tới các cuộc đàm phán năng lượng hoặc chủ đề khác.

Mỹ sẽ là bên để mắt nhiều nhất tới Hạm đội Thái Bình Dương Nga.

Nga đã chiếm ưu thế hạt nhân trước tất cả các quốc gia trên thế giới, trừ Mỹ và bất cứ thay đổi nào trong vị thế hạt nhân cũng sẽ ảnh hưởng tới sự cân bằng lực lượng hạt nhân giữa 2 phía.

Lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo được tăng cường của Nga với khả năng tiến hành các đợt tuần tra răn đe và các tàu ngầm tấn công hạt nhân mạnh hơn đi kèm bảo vệ chúng sẽ khiến Mỹ một lần nữa phải tập trung cho năng lực tác chiến chống ngầm.

Chiến lược pháo đài của Nga sẽ khiến cho Hải quân Mỹ không thể điều động phương tiện chiến đấu khác, ngoài tàu ngầm ở các vùng biển Kara, Laptev, Đông Siberia, biển Okhotsk trong giai đoạn ban đầu của bất cứ cuộc xung đột hạt nhân nào.

Nếu không có biến động gì lớn, chúng ta có thể kỳ vọng vào những bước tiến đáng kể của Hạm đội Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, đặc biệt là lực lượng phòng thủ bờ biển và răn đe hạt nhân trên biển của hạm đội.

Tuy nhiên, những hạn chế về ngân sách và công nghiệp sẽ làm giảm bớt những tham vọng và kỳ vọng lớn của Nga dành cho hải quân.

Nhìn chung, chỉ những bước tiến như hiện nay sẽ không thể giúp Hạm đội Thái Bình Dương khôi phục hào quang trước đây nhưng chúng sẽ đảm bảo Hạm đội Thái Bình Dương đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược hàng hải của Nga ở châu Á.

Vy Lam
Nguồn: soha.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.