Chuyên mục
Chia sẻ tuyệt chiêu bắn rụng B-52 của tên lửa Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chia sẻ tuyệt chiêu bắn rụng B-52 của tên lửa Việt Nam

Thứ sáu 21/12/2012 17:26 GMT + 7
Cách đây 40 năm, quân dân Việt Nam với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước đã làm nên chiến thắng chấn động toàn cầu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng “pháo đài bay” B-52 của Đế Quốc Mỹ.


Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt. 

 
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2012), Đất Việt đã có cuộc trò chuyện với Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, một trong hai đơn vị bắn rơi nhiều B-52 nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không:

Lời tiên đoán trước 10 năm


Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52. Chiến thắng này đã buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán Paris để ký kết hiệp định về lập lại hòa bình tại Việt Nam. Để có chiến thắng vang dội đó, đầu tiên phải kể đến sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngay từ đầu những năm 1960, khi mà quân đội ta còn “lờ mờ về B-52”, Bác Hồ đã có lời căn dặn cán bộ phòng không phải chú ý theo dõi, quan tâm tới B-52.

Theo lời Trung tướng Nguyễn Việt Phiệt, năm 1962, ngay khi Đại tá Phùng Thế Tài vừa nhận chức Tư lệnh Bộ đội Phòng không, Bác Hồ đã hỏi ông “Chú đã biết gì về B-52 chưa?”, câu hỏi ấy khiến Đại tá Phùng Thế Tài thật sự lúng túng, bởi ông chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ loại máy bay này.

Sau đó, Bác Hồ nói tiếp: “Nói thế thôi chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10km mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có pháo cao xạ. Nhưng ngay từ nay, là tư lệnh bộ đội phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B-52 này”.

Bước sang thời kỳ đánh Mỹ, khi bộ đội phòng không mới chỉ có pháo cao xạ và radar, chính Bác Hồ lại đặt vấn đề với Liên Xô chi viện cho Việt Nam tên lửa phòng không có khả năng đánh B-52. Từ năm 1965, tên lửa SAM-2 bắt đầu trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội.


Bác Hồ tới thăm đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội.

Sang năm 1966, ngày 12/4, Không quân Mỹ điều 9 B-52 cất cánh từ từ Guam vào ném bom đèo Mụ Giạ, miền Tây tỉnh Quảng Bình. Ít lâu sau, B-52 đánh rộng đến Vĩnh Linh, phía bắc giới tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội hơn. 

Một lần nữa, Bác Hồ lại nhắc lại nhiệm vụ tìm cách đánh B-52 với các đồng chí lãnh đạo quân chủng. “Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không – Không quân”, Bác nói với đồng chí Đặng Tính – Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân.

Năm 1968, Bác Hồ lại nói với Phó Tổng Tham mưu Phùng Thế Tài: “Sớm muộn Đế Quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Ghi nhớ lời dặn của Bác Hồ, kể từ khi ta bắt đầu trang bị tên lửa phòng không SAM-2, bộ đội ta ngoài nhiệm vụ canh giữ trời miền Bắc, theo lệnh của Bác Hồ và Quân chủng Phòng không – Không quân đã điều Trung đoàn Tên lửa 238 vào Nam Khu 4 để nghiên cứu đánh B-52, qua đó rút kinh nghiệm tìm các phương án đánh B-52. Tính tới năm 1972, các phương án khắc chế B-52 có thể nói đã hoàn thiện cơ bản.

Vạch nhiễu, bắt B-52 lộ diện

Trước khi bước vào chiến dịch, B-52 nhiều lần bay vào oanh tạc các mục tiêu ở miền Bắc. Đội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ, B-52 thường bay theo đội hình chữ A có 4-6 chiếc F-4 bay trước – sau – trái – phải bảo vệ chống MiG-21. 

Ngoài ra, bay trước đội hình B-52 10 phút có một tốp 12-16 F-4 bay cùng độ cao, cùng loại nhiễu vào trước “giả B-52” để lừa bộ đội ta phóng tên lửa.

Đội hình bay kèm B-52 còn có các máy bay gây nhiễu điện tử EB-66, EC-121 thiết lập màn nhiễu bảo vệ B-52. Bản thân B-52 cũng là “máy gây nhiễu khổng lồ”, trên nó được trang bị 15 máy gây nhiễu loại thụ động và chủ động. 

Để đối phó với bức tường nhiễu che B-52, với những kinh nghiệm đúc kết qua nhiều năm chiến đấu, bộ đội ta đã “xé toang màn nhiễu, bắt B-52 đền tội”. (*)

Bên cạnh đó, bộ đội Việt Nam cũng phối hợp với chuyên gia Liên Xô cải tiến vũ khí khí tài để chống các thủ đoạn gây nhiễu đối phương.

“Trong quá trình chiến đấu, khi có những vướng mắc, bộ đội Việt Nam có những đề nghị với phía chuyên gia Liên Xô cải tiến. Việc cải tiến thực hiện trong suốt những năm chiến đấu, cho đến năm 1972, chúng ta có bộ khí tài tương đối hoàn chỉnh đối phó với B-52”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ.

“Việc cải tiến có thể điểm qua một số bước nhỏ như: lắp tổ hợp kính ngắm quang học PA-00 lên trên nóc ăng ten phương vị của khí tài tên lửa SAM-2 để bổ trợ cho đài điều khiển phát hiện máy bay địch trên nền nhiễu tích cực cường độ lớn. Cải tiến tăng số mảnh văng khi đầu đạn tên lửa SAM-2 nổ để tăng hiệu quả sát thương tiêu diệt địch.

Trong cách đánh chống đạn tên lửa đi dọc đường gặp nhiễu tiêu cực nổ, ta đã đánh bằng ngòi nổ 11 giây chậm. Tức là, khi cách mục tiêu 2-3km thì mới bật ngòi nổ. Bởi vì, đội hình F-4 bay trước B-52 khi vào sẽ thả nhiễu tiêu cực chống radar và tên lửa bắn lên. Nếu đạn tên lửa bật ngòi nổ ngay khi phóng thì gặp đám nhiễu tiêu cực sẽ phát nổ trước khi vào B-52”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt giải thích.

(*) Phóng SAM-2 giả bắt B-52 thật lộ diện

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, để phân biệt được “B giả B thật”, bộ đội ta sáng tạo ra phương án “phóng giả”.

“Chiến sĩ ta mở sóng điều khiển tên lửa chứ chưa ấn nút phóng, nếu đội hình B giả đang vào là F-4 thì chúng sẽ phát hiện ra sóng của ta và cơ động tránh tên lửa làm đường bay trở nên mất ổn định. Trên màn hình hiện sóng của ta, qua dạng nhiễu chúng lộ nguyên hình là B giả”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nói. 

10 phút hạ 2 B-52 

Một điểm quan trọng không kém để làm nên chiến thắng B-52 vang dội đó chính là ý chí, lòng dũng cảm của bộ đội phòng không – không quân nói chung và bộ đội tên lửa nói riêng.

Nhớ lại 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt đó, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ, trận đánh để lại kỷ niệm sâu sắc đối với ông là trận đánh rạng sáng ngày 21/12/1972.

Lúc 4h36 ngày 21/12, Tiểu đoàn 57 được lệnh vào chiến đấu cấp 1, cấp trên giao nhiệm vụ cho đơn vị phải tiêu diệt tốp B-52 đánh vào khu vực Yên Viên.

Tình hình lúc này, tiểu đoàn 57 chỉ còn 3 quả đạn trên bệ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt trực tiếp chỉ huy kíp chiến đấu (gồm sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên, trắc thủ Mè Văn Thi, Ngô Văn Lịch, Nguyễn Xuân Đài) quyết tâm đạn phóng đi không uổng phí.

Tốp B-52 đầu tiên vào đến cự ly 35km trong tầm sát thương, Tiểu đoàn trưởng Phiệt hạ lệnh phóng quả đạn thứ nhất, nhưng đạn hỏng không đi. Lập tức, ông ra lệnh phóng quả 2 đánh trúng B-52 ở cự ly 25km lúc 5h9 phút, cấp trên thông báo máy bay rơi xa.


Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt cùng kíp chiến đấu bắn rơi B-52 trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối 1972.

“Tháng 3/1997, đoàn MIA (tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh) trong quá trình tìm kiếm tại biên giới Việt – Lào thông báo về trường hợp chiếc B-52 này rơi tại cánh rừng Sầm Nưa, Lào. Phi hành đoàn 6 người có 5 người nhảy dù được cứu thoát, còn 1 phi công thiệt mạng”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nói.

Trên bệ phóng trận địa chỉ còn duy nhất một quả đạn, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 quyết tâm tiêu diệt máy bay địch. Sau khi máy bay địch vào cự ly sát thương hiệu quả, tiểu đoàn trưởng lệnh phóng đạn. Đạn nổ ở cự ly 24km bắn cháy thêm một B-52 rơi tại chỗ ở địa phận núi Đôi lúc 5h19 phút.

Có thể nói, đây là chiến công đặc biệt xuất sắc, Tiểu đoàn 57 là đơn vị duy nhất của bộ đội tên lửa trong một đêm bắn rơi 2 B-52. Và là một trong hai tiểu đoàn bắn rơi nhiều máy bay nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt sinh năm 1938 tại Tân Phúc, Ân Thi, Hưng yên. Ông nhập ngũ tháng 2/1960, năm 1972 ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 (Trung đoàn 261, Sư đoàn 361) cấp bậc Thượng úy. Năm 1973, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Năm 1999, ông được phong hàm Trung tướng – Phó tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân. Năm 2003, ông chính thức nghỉ hưu. 

Phượng Hồng
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.