Chuyên mục
Phỏng vấn Nguyên Tổng lãnh sự Nga tại TP HCM nhân kỷ niệm tròn 70 năm Quốc khánh và thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Phỏng vấn Nguyên Tổng lãnh sự Nga tại TP HCM nhân kỷ niệm tròn 70 năm Quốc khánh và thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam

Thứ ba 25/08/2015 01:33 GMT + 7
Đất nước và nhân dân Việt Nam đang tưng bừng không khí chào mừng kỷ niệm tròn 70 năm Ngày Độc lập, cũng là ngày thành lập nước và ngày thành lập nhiều bộ, ngành quan trọng, trong đó có ngành Ngoại giao. Bạn bè Nga, vào dịp này cũng chia sẻ niềm vui và đưa ra những đánh giá tích cực về Việt Nam về hoạt động đối ngoại của đất nước. Cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại LB Nga với ông Vse-lô-vôt Ôk-pưsh, nguyên Tổng lãnh sự Nga 2 nhiệm kỳ liên tục tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cho thấy những nội dung này.


Phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga phỏng vấn Nguyên Tổng lãnh sự Nga tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng 2 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1985 đến 1995

Câu hỏi 1: Thưa ông, Ngày 2/9/2015, Việt Nam kỷ niệm tròn 70 năm độc lập, Ngày Quốc khánh của chúng tôi. Ông có thể nói gì về đất nước Việt Nam qua quá trình phát triển 70 năm qua?

Trả lời: Trước hết, Tôi rất vui mừng được gặp các bạn trong một năm có nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến mỗi nước chúng ta và mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Mỗi một dịp kỷ niệm ngày độc lập của Việt Nam là rất có ý nghĩa bởi nó đánh dấu từng bước phát triển của đất nước. Nó cũng rất có ý nghĩa bởi độc lập không phải do ai ban tặng mà do nhân dân VN, do Đảng lãnh đạo mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khổ mà giành được.

Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là cách đây 30 năm, khoảng năm 1985 nhưng đến năm 1995, khi năm cuối cùng tôi công tác tại VN thì tôi đã được chứng kiến tận mắt khá nhiều đổi thay của đất nước VN từ sau ngày độc lập. Đó là những đổi thay rất tích cực, đổi thay trên mọi lĩnh vực mà trước hết là trên mặt chính trị và chính trị ngoại giao trên trường quốc tế. Trong đó có các mối quan hệ khu vực, với các nước láng giềng và với cả thế giới. Đó còn là thành tựu to lớn trên lĩnh vực kinh tế mà khó có quốc gia nào trên thế giới đạt được những bước tiến dài như thế trong một thời gian ngắn như vậy. Rất nhiều đổi thay diễn ra trước mắt tôi. TP HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, công nghiệp... đã đạt được rất nhiều thành tựu trong thời gian qua. Nhưng điều ấn tượng với tôi rất mạnh mẽ lại là sự lớn mạnh của Đà Nẵng. Bởi vì các bạn cũng biết rằng, mảnh đất miền trung của Việt Nam còn kém phát triển hơn rất nhiều so với miền Bắc mà Hà Nội đứng đầu và miền Nam là TP HCM đứng đầu... vậy mà đến đầu những năm 2000, khi tôi quay trở lại, tôi đã thấy ngay trước mắt mình những đổi thay to lớn cả của thành phố, cả các quận, huyện và các tỉnh lân cận của Đà Nẵng như Thanh Khê, Liên Chiểu, như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v... Tôi đã may mắn có dịp được tham dự các lễ động thổ hoặc khai trương nhiều công trình hợp tác xây dựng giữa Việt Nam với Liên Xô mà sau này là Nga, như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình xây dựng nhà máy thủy điện ở Kon Tum và tôi rất tự hào về điều đó. Trở lại với Đà Nẵng, tôi muốn nói rằng giờ đây trở thành một địa chỉ du lịch rất hấp dẫn với nhiều công trình tuyệt vời: đó là những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí... Nhiều hoạt động văn hóa quốc tế cũng đã được tổ chức ở khu vực này như festival văn hóa dân gian ở Huế, ở Đà Nẵng... mà Nga cũng từng nhiều lần tham gia.

Nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực, có thể nói đất nước các bạn đã phát triển như vũ bão, phát triển rất mạnh mẽ và phát triển một cách rất bài bản với những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn khác nhau: 5 năm, 10 năm, 20 năm... những kế hoạch mà hôm nay đã trở thành hiện thực.

Câu hỏi 2: Thưa ông, dịp này, ngành Ngoại giao của Việt Nam cũng kỷ niệm tròn 70 năm thành lập. Là một cán bộ ngoại giao từng công tác lâu năm ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong 70 năm qua?

Trả lời: Theo tôi, ngành Ngoại giao Việt Nam được thành lập và trưởng thành gắn liền với nước Việt Nam độc lập trong suốt 70 năm qua. Những thành tựu to lớn mà đất nước Việt Nam đạt được trong 70 năm qua, đặc biệt là trong 10 năm gần đây có phần đóng góp to lớn của ngành ngoại giao VN.

Chúng ta biết rằng, hoạt động ngoại giao trong cộng đồng thế giới là nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia. Đó là một ý nghĩa rất giản dị. Chúng ta cũng biết rằng, trong lịch sử Việt Nam và trong giai đoạn rất khó khăn của VN, ngành Ngoại giao trong mối quan hệ quốc tế phải thực hiện những cuộc đối thoại nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam. Điều đó là rất quan trọng để hôm nay chúng ta được chứng kiến một đất nước tươi đẹp, phát triển thịnh vượng hơn. Ý nghĩa chính của hoạt động ngoại giao là ở chỗ nó thiết lập cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ nền độc lập. Nhưng còn quan trọng hơn là nó có nhiệm vụ phát triển các mối quan hệ với nước khác, với các khu vực và cả thế giới, phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân văn, khoa học, văn hóa... Và ở đây chúng ta cũng thấy được là có rất nhiều thành tựu của các hoạt động ngoại giao, của các nhà ngoại giao Việt Nam. Nếu nói về cảm nhận của cá nhân tôi thì tôi muốn nhắc đến những cuộc gặp gỡ, những tiếp xúc với những người mà về sau, nhiều người trong số họ đã trở thành bạn, thành đồng chí của tôi, những người từng công tác ở các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, ở Bộ Ngoại giao VN. Tôi đã 2 lần làm Tổng Lãnh sự ở TP HCM và Đà Nẵng suốt 10 năm liền, tôi có nhiều dịp được gặp Bộ trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao VN và tôi đã cảm nhận được rằng, trong câu chuyện với tôi, các vị ngoại giao đều hướng đến tôi không phải chung chung là tới Chính phủ hay Nhà nước Nga mà là hướng đến một con người cụ thể mang trọng trách của quốc gia tại TP HCM hay Đà Nẵng. Tại các thành phố này, hoạt động ngoại giao thông qua Sở Ngoại vụ và công việc được tiến hành rất chuyên nghiệp với những con người rất thú vị. Họ là những con người rất hiểu biết, rất có chí tiến thủ nhằm thực hiện thật tốt công việc của mình, dù đó là công tác lãnh sự hay là các mối quan hệ kinh tế, quan hệ về văn hóa, giáo dục... rồi cả việc liên quan đến các sinh viên Việt Nam học tiếng Nga hoặc sinh viên Nga học tiếng Việt... Nói chung, trong mọi công việc có dịp cùng làm, chúng tôi đều có sự thấu hiểu lẫn nhau và rất ủng hộ nhau, luôn hướng đến kết quả tốt nhất trong công việc chung.

Câu hỏi 3: Nhìn lại hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong 70 năm qua có điều gì khiến ông ấn tượng và theo ông ngoại giao Việt Nam đóng góp thế nào trong thúc đẩy quan hệ Nga – Việt?

Trả lời: Có một khái niệm nữa rất quan trọng ngoài ý nghĩa về sự chuyên nghiệp trong công việc đó là ngoại giao nhân dân. Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam, hoạt động này diễn ra đồng thời và đây là hình thức hoạt động mang tính cởi mở hơn, phát triển sâu rộng đến mọi tầng lớp dân chúng. Tôi cho rằng, thành tựu của ngoại giao nhân dân ở Việt Nam không ít hơn ngoại giao chính thống. Tôi xin lấy một dẫn chứng thế này: Trong rất nhiều chục năm, trên khắp thế giới đã diễn ra phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn còn nhớ, ở Mỹ đã có rất nhiều cuộc tuần hành phản đối chiến tranh và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, chủ quyền của tổ quốc mình. Những ví dụ như vậy là rất nhiều. Bởi vậy, theo tôi, 70 năm có thể chưa phải là giai đoạn dài đối với một quốc gia, nhưng nó là một giai đoạn rất quan trọng của lịch sử đất nước Việt Nam mới khi nó được các thế hệ tiếp nối xây dựng nên. Được cả ban lãnh đạo đất nước, cả các tầng lớp nhân dân, từ già, trẻ mọi lứa tuổi cùng tham gia với một tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền lại. Tôi không nhớ chính xác câu chữ, nhưng đó là tư tưởng về chủ nghĩa anh hùng được thể hiện trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, thịnh vượng cho dân tộc mà chính nhờ đó mọi người dân Việt Nam đã nghe theo và giành được những thành tựu to lớn như vậy.

Ngoài ra, chính sách làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam chủ trương, tôi nghĩ rằng, đó là một chính sách phù hợp và ngay cả đối với nước Nga chúng tôi cũng có quan điểm coi đó là chính sách hoàn toàn đúng đắn... Việt Nam, sau bao nhiêu năm chia cắt, sau bao khó khăn bởi chiến tranh, cấm vận sau chiến tranh... đã trở thành thành viên của ASEAN và ngày nay đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực năng động vào bậc nhất của thế giới. Hơn nữa, Việt Nam còn là điều phối viên trong quan hệ Nga – ASEAN. Các nhà lãnh đạo Nga luôn đánh giá rất cao vai trò này của Việt Nam. Ở đây, tôi không thể không nói đến một điểm nhấn trong quan hệ Nga – Việt, đó là khi tôi còn công tác ở TP HCM, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước chúng ta mới đạt 500 nghìn đôla Mỹ thì năm ngoái đã đạt 3 tỷ đôla và hai bên đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt kim ngạch tới 10 tỷ đôla. Và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này.

Vâng, xin cảm ơn ông./.

(Điệp Anh, Thành Phương, VOV Moscow, 24/8/2015)
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.