Chuyên mục
Nhịp cầu nối những tâm hồn đồng điệu Việt Nam - Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nhịp cầu nối những tâm hồn đồng điệu Việt Nam - Nga

Chủ nhật 15/12/2013 16:24 GMT + 7
"Xứ sở bạch dương" với nền văn học đồ sộ của những Pu-skin, Lép Tôn-xtôi, Đốt-xtôi-ép-xki, Léc-man-tốp... từ lâu đã trở thành tượng đài lớn trong lòng những người Việt Nam yêu mến và gắn bó với nước Nga. Trong xu hướng hội nhập thế giới, hợp tác và phát triển văn hóa Việt Nam - Nga, đặc biệt trong lĩnh vực văn học, không ngừng được chú trọng và đẩy mạnh, tạo cơ hội cho nhân dân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau.



Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam và LB Nga đã dành nhiều quan tâm đến việc tăng cường giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước và gặt hái nhiều thành công. Để đạt được điều này, không thể không kể đến những đóng góp lớn lao của bao thế hệ nhà văn, dịch giả...hai nước. Chính tình cảm trân trọng, yêu mến xuất phát từ tận đáy lòng dành cho nước bạn đã là động lực thôi thúc họ không ngừng cống hiến, trở thành nhịp cầu hữu nghị kết nối những tâm hồn đồng điệu.

Nhắc đến đất nước và nhân dân Nga, trong lòng nhiều thế hệ Việt Nam đi trước, đặc biệt là những người đã từng có cơ hội sống và học tập tại "xứ sở bạch dương" đều dâng lên một tình cảm thiêng liêng, khó diễn tả thành lời. Nhà văn, dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn (trong ảnh), người đã góp phần "bắc cầu" nối hai nền văn học Việt Nam - Nga, xúc động bày tỏ: "Từng may mắn có thời gian dài học tập tại Nga, một thời tuổi trẻ và quá trình trưởng thành của chúng tôi đã gắn bó sâu đậm với đất nước, con người nơi đây. Có thể nói, tâm hồn chúng tôi không chỉ được nuôi dưỡng bằng cái hồn dân tộc, mà còn bằng nguồn văn hóa vĩ đại của nước Nga, đặc biệt là nền văn học với những cái tên tiêu biểu như: Đốt-xtôiép-xki, Goóc-ki, Pu-skin".

Không chỉ riêng nền văn học Nga, con người Nga cũng là nguồn cảm hứng lớn, để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng các nghệ sĩ, dịch giả Việt Nam. Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ, người Nga vô cùng giản dị, rất đỗi chan hòa và trung hậu.

Ông không thể quên hình ảnh những thầy giáo, cô giáo Nga luôn quan tâm, chỉ bảo tận tình về chuyện học cũng như chuyện nghề cho học trò của mình. Một người bạn thân thiết của dịch giả Thúy Toàn, GS Tôn Thất Triêm, nghệ sĩ pi-a-nô nổi tiếng từng có thời gian dài gắn bó với nước Nga, cũng không giấu nổi xúc động khi nhắc đến đất nước và những người dân Nga hồn hậu, chân thành. Những nhà giáo Nga tận tụy, không tiếc lòng truyền hết kiến thức, là những tấm gương sáng cho các thế hệ học trò Việt Nam và quốc tế.

Trên nền tảng vững chắc là mối thân tình được vun đắp lâu đời giữa nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác văn hóa Việt Nam - Nga không ngừng được tăng cường, thắt chặt. Hơn nửa thế kỷ qua, nền văn học Nga đã ảnh hưởng sâu rộng đến văn học Việt Nam. Dịch giả Thúy Toàn cho biết, đối với nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam, nền văn học vĩ đại của LB Xô-viết (trước đây) như mở ra trước mắt họ một chân trời mới, giúp họ nhìn sâu, rộng ra thế giới bên ngoài. Hiện nay, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang tích cực góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa trên nhiều lĩnh vực.

Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa (TTKH&VH) Nga tại Hà Nội A.La-vre-nhép cho biết, vào đầu năm 2012, một dự án dịch thuật văn học đã được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống LB Nga. Cho đến nay, năm đầu sách với các tác phẩm văn học nổi tiếng được biên dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và ngược lại, đã ra mắt độc giả. Ông nhấn mạnh, dự án này tiêu biểu cho hợp tác văn hóa song phương và mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai đất nước. Trong dự án, dịch giả Hoàng Thúy Toàn đã có nhiều đóng góp tích cực, tiêu biểu là tác phẩm "Ma-ri-an Cra-chốp, người bạn tài hoa và chí tình" do ông đồng chủ biên với dịch giả Phạm Cư. Hơn nửa cuộc đời gắn bó sâu sắc với nền văn học Nga, dịch giả Thúy Toàn đã để lại dấu ấn đậm nét qua những bản dịch của các tác phẩm nổi tiếng như: "Tôi yêu em", "Con đường mùa đông", "Kiến và chim bồ câu"... của Pu-skin, Lép Tôn-xtôi. Cùng với dự án dịch thuật lần này, ông và nhiều dịch giả khác đã và đang nỗ lực hết mình đưa nền văn học hai nước đến gần nhau hơn. Bên cạnh đó, hợp tác văn hóa giữa hai đất nước cũng không ngừng được tăng cường thông qua nhiều buổi giao lưu nghệ thuật và triển lãm tranh của các nghệ sĩ Nga khi đến thăm Việt Nam.

Nói về tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai nước, ông A.Lavre-nhép cho biết, TTKH&VH Nga sẽ tiếp tục phát triển dự án dịch thuật song ngữ và thực hiện chương trình phổ biến tiếng Nga trên lãnh thổ Việt Nam qua việc chuyển giao các giáo trình, tài liệu dạy và học tiếng Nga mới nhất cho các trường phổ thông chuyên, đại học. Đối với những người trực tiếp xây dựng cầu nối cho hai nền văn hóa như dịch giả Thúy Toàn, mong muốn lớn nhất của họ là ngày càng có nhiều buổi trao đổi kỹ lưỡng hơn giữa các chuyên gia văn học hai nước, đồng thời nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan hữu quan, tạo điều kiện cho độc giả yêu mến văn học Nga tiếp cận nhiều hơn với nền văn học vĩ đại này. Ông chia sẻ: "Đã từng có một khoảng thời gian, văn học Nga - Xô-viết bị lãng quên ở nước ta, song trong thời gian gần đây, văn học Nga đang dần tìm lại chỗ đứng tại Việt Nam.

Tôi hy vọng, những chương trình hợp tác, giao lưu sẽ thu hút hơn nữa sự quan tâm của đông đảo thế hệ trẻ Việt Nam đối với nền văn học Nga và ngược lại".

LIÊN HÀ, MINH HẰNG
Nguồn: nhandan.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.