Chuyên mục
Cộng đồng người Việt ở Volgograd: Tình người là bí quyết thành công
BÌNH LUẬN
Tuy chưa một lần đặt chân đến Volgagrad, nhưng bài viết rất hay đã cho tôi một cái nhìn khá toàn diện về cuộc sống của...

Cộng đồng người Việt ở Volgograd: Tình người là bí quyết thành công

Thứ hai 29/04/2013 15:08 GMT + 7
Nhiều người cho rằng tình người dường như là thứ xa xỉ trong cuộc sống hối hả của ngày hôm nay, bởi ai ai cũng vội vã, chẳng có nhiều thì giờ để ý tới một khái niệm ảo là tình người, đặc biệt là tình người ở nơi xa xứ. Nhưng trong cộng đồng người Việt ở thành phố Volgograd nằm bên bờ Volga ở phía nam nước Nga, thì lại khác – ở nơi đây tình người chính là bí quyết tạo nên thành công…

Bình an cuộc sống của người Việt ở Volgograd

 
Quầy bán hoa ở khu chợ Traktor – khu chợ chính của người Việt ở thành phố Volgograd


Trong thời điểm hiện tại, “chợ đuội” là câu nói cửa miệng của đa phần bà con người Việt đang làm ăn buôn bán ở Nga. Theo quy luật, khi mùa xuân đến trên nước Nga thì cũng là thời điểm “ăn nên làm ra” của các thương nhân người Việt tại đây. Nhưng năm nay, đến cuối tháng 4 rồi mà chợ vẫn "đuội". Cơn bão khủng hoảng toàn cầu dường như đang bao trùm một màu xám ảm đạm lên cuộc sống của những người đi chợ, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Matxcova. Lo âu, chán nản, hoài nghi… là những trạng thái cảm xúc thường gặp trong giai đoạn khó khăn này. 

Nhưng khi tới Volgograd, mặc dù hàng hóa bán không chạy như trước đây, nhưng bạn lại không cảm nhận bức tranh tông xám ảm đạm ở nơi đây. Tại khu chợ Traktor – khu chợ chính của người Việt ở thành phố Volgograd, bà con người Việt vẫn kinh doanh đều đều như mọi khi: 5-6giờ sáng tới chợ, khoảng 3-4h chiều trở về nhà. 

Có thể cảm nhận được một điều khác biệt ở nơi đây: Cuộc sống của đa phần bà con người Việt vẫn êm đềm, bình an như thể ngoài thế giới bao la rộng lớn kia chẳng có khủng hoảng vậy. Tiếp xúc với những người Việt buôn bán tại chợ Traktor, điều đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy là nụ cười thân thiện, là tấm lòng hiếu khách, là sự chân chất vốn có của những con người xuất thân từ những làng quê Việt. Chẳng thế mà anh Diệm – một trong 4 cán bộ Ban quản lý chợ Traktor đã nói: Nếu so sánh Matxcova với thủ đô Hà Nội, thì Volgograd cũng tương tự như Thái Bình của Việt Nam. 

Tới khu chợ Traktor lúc 6h sáng, người đầu tiên chúng tôi trò chuyện là anh Tùng, người đã có thâm niên 25 năm kinh doanh tại đây. Anh đang được coi là “độc quyền” với mặt hàng trà, cà phê, thuốc lá và các loại nước giải khát khác. Chỉ với chiếc bàn nhỏ kê sát tường, anh đáp ứng nhu cầu “thưởng trà” của tất cả các thực khách của khu chợ. Góc nhỏ của anh Tùng gợi nhớ quán trà cóc ở quê hương. Và cũng như ở bất cứ quán cóc nào, mỗi thực khách tới quán, ngoài việc mua ly trà hay ly cà phê, họ còn nán lại chào hỏi nhau, nói dăm ba câu chuyện. Anh Tùng tâm sự: "Tôi thuộc hết nhu cầu của từng thực khách, chẳng cần họ nói, tôi đã biết họ muốn uống gì". Chỉ với những ly nước giải khát, người đàn ông quê Hà Tĩnh này đã nuôi con cái lớn khôn, ăn học đến nơi đến chốn, xây được nhà ở quê.

Khác với anh Tùng chuyên phục vụ nhu cầu “trà lá”, vợ chồng anh chị Toàn Uyên – chủ quán ăn duy nhất ở Traktor, lại phục vụ bà con phở buổi sáng và cơm vào bữa trưa. Chỉ với 80 rúp, mỗi người đã có thể được ăn bát phở hay bữa cơm trưa nóng với đủ cả thịt và rau. Bán hàng từ năm 98, anh chị đã mua được mảnh đất hơn 40m2 ở Hà Nội và dự định khi con học xong, và tích lũy được một số vốn cho “tuổi xế chiều” khi không còn khả năng lao động nữa, họ sẽ trở về quê hương sinh sống. Ước mơ của anh chị chỉ đơn giản vậy nhưng qua câu chuyện của anh chị, tôi hiểu rằng họ đang từng ngày phải nỗ lực, cần cù lao động để thực hiện được ước mơ đó.

“Chợ bây giờ tuy đuội, nhưng vẫn có thu nhập và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh tại đây”, - đó là những lời tâm sự của vợ chồng anh Thân, kinh doanh mặt hàng mũ. Anh chị đã sinh sống, làm ăn tại Volgograd 12 năm và trong quãng thời gian đó, hơn ai hết họ cảm nhận được sự bình yên và tình người đầm ấm của cuộc sống nơi đây. Và có thể chính vì vậy, họ vẫn quyết định trụ lại trên mảnh đất này, cho dù kinh doanh không còn phát đạt như trước đây nữa.

Ở Volgograd cũng đã có những người bắt đầu tư duy về một mô hình kinh doanh khác, tiên tiến hơn mô hình chợ hiện tại – đó là cửa hàng tương tự siêu thị mini với hàng ngàn sản phẩm phục vụ nhu cầu thường ngày. “7000 mặt hàng” là tên gọi cửa hàng của vợ chồng anh Định-chị Olga, nằm ngay bên mặt đường của một khu phố đông dân cư của Volgograd. Thương hiệu “7000 mặt hàng” cũng na ná “1000 mặt hàng” ở Matxcova, đáp ứng khách hàng từ những nhu cầu nhỏ nhất như chiếc kim, sợi chỉ cho tới những bông hoa giấy, nồi niêu xong chảo, đèn điện…Cũng như đại đa số người Việt khác đang làm ăn tại Volgograd, vợ chồng anh Định-chị Olga cũng đang rất yên tâm làm ăn sinh sống tại đây. Họ yên tâm bởi điều kiện làm ăn khá thuận lợi và hơn cả là bởi môi trường sống tương thân tương ái trong cộng đồng Việt tại Volgograd. Đôi vợ chồng “hai quê” này đang có một gia đình hạnh phúc với 4 đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang. Và có thể cảm nhận niềm hạnh phúc đó qua những vần thơ mà anh Định dành tặng cho người vợ Nga đã song hành cùng anh hơn 20 năm qua, được đăng trên website Volga-Viet: Em như hoa thơm dạt dào hương sắc/Thắm gửi vào anh giữ trọn một đời/Với anh, em hoàn toàn là một nửa/Nửa con tim yêu hòa máu trong mình…

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đa phần bà con cộng đồng Việt ở Volgograd đang sở hữu một cuộc sống bình yên, ấm áp tình người  – điều mà không phải nơi xa xứ nào cũng có được. Trong câu chuyện với chúng tôi, hầu như mỗi người đều chia sẻ suy nghĩ của mình thật tự nhiên tựa như mọi thông tin đã được “nạp sẵn”. Ai cũng hài lòng với những gì mình đang có: một công việc mưu sinh, một gia đình với những đứa con trong một cộng đồng đầy tình nhân ái, không bon chen, lừa lọc, không hoa mỹ mà bình dị như chính cuộc sống của họ ở bên bờ Volga này. 

Người Việt có mặt tại Volgograd đã 30 năm có lẻ và trong thời gian này họ đã tạo được chỗ đứng vững chắc, hợp pháp tại vùng đất bên bờ sông Volga nên thơ của nước Nga. Cũng như người Việt Nam sinh sống ở những nơi khác trên đất Nga, người Việt ở Volgagrad chủ yếu kinh doanh vải, quần áo, dày dép, kính, mũ…Trong cộng đồng với khoảng 500 người tại đây có tới hơn 90% làm nghề kinh doanh buôn bán. Và khác với những nơi sầm uất như Matxcova, công việc kinh doanh của người Việt ở Volgograd có vẻ “nhẹ nhàng” hơn bởi mọi chi phí như tiền thuê nhà, thuế chợ đều rẻ hơn nhiều và như lời bà con chia sẻ, cả chục năm nay không hề thấy có bóng dáng người cảnh sát nào tới chợ để kiểm tra hay “chất vấn” như ở những thành phố lớn khác của Nga, nơi có đông người nhập cư làm ăn, buôn bán.

Và có lẽ trên tất cả, chính là tình người ở nơi đây. Cả cộng đồng hơn 500 con người giống như một gia đình lớn mà đa phần các thành viên của gia đình đó đều có ý thức “chia ngọt sẻ bùi”, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Hội người Việt, Hội người Việt định cư, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh ở Volgograd không thành lập nên chỉ “cho có hội”. Những tổ chức này thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng Việt  nơi đây. Hội phụ nữ tuy mới thành lập nhưng được coi là tổ chức hoạt động hiệu quả bởi Hội đã có kế hoạch cụ thể giúp những người khó khăn vay vốn với số tiền 50.000 rúp trong vòng 3 tháng. Các hội đều coi trọng việc tạo môi trường đầm ấm, tích cực, lành mạnh để ngoài việc mưu sinh kiếm sống, mọi thành viên của các Hội còn được sinh hoạt văn hóa, thể thao, có điều kiện nuôi dạy con cái tốt. Trong môi trường như vậy, mỗi thành viên trong cộng đồng Việt tại đây chẳng hề cảm thấy mình đơn độc và thiết nghĩ, đó chính là điều làm nên sức mạnh của họ ở xứ người.

Không chỉ có người Việt kinh doanh tại khu chợ Traktor. Ở đây bạn có thể gặp những người bán hàng đến từ các vùng thuộc LB Nga, từ các nước thuộc Liên Xô trước đây. Trong câu chuyện của họ, tôi đã cảm nhận được tình yêu, sự kính trọng mà họ dành cho những người Việt nơi đây. “Đó là những con người tuyệt vời, tôi coi họ như anh chị em trong chính gia đình của mình vậy”. Những lời tâm sự của chị Irina, người phụ giúp bán hàng kính mắt cho anh Bắc, đã chứng tỏ chị dành những tình cảm thật tốt đẹp cho những người bạn Việt Nam. Với vợ chồng anh Bắc, chị Irina không đơn thuần chỉ là người bán hàng thuê để lĩnh đồng lương hàng tháng. 20 năm gắn bó đã tạo nên sợi dây gắn kết bền vững đầy tình người giữa “ông bà chủ” và “người làm thuê”. Irina khoe: Cách đây 2 năm, chị đã sang Việt Nam, thăm gia đình anh Bắc và đi du lịch nhiều vùng miền ở Việt Nam. Chắc chắn không phải ở đâu bạn cũng có thể được chứng kiến mối quan hệ sâu đậm tình người như thế. 

Người chèo lái con thuyền cộng đồng Việt ở Volgograd

 
Giám đốc Tổng công ty VolgaViệt, Chủ tịch Hội người Việt ở Volgograd Dương Hải An.


“Anh An”, “chú An”… Tên của anh được mọi người liên tục nhắc tới trong câu chuyện với chúng tôi. Nhiều người còn tâm sự rằng họ mới đi thăm anh An về vì anh đang ốm, phải nằm bệnh viện. Mọi người đều lo cho sức khỏe của anh, muốn chia sẻ cùng anh nỗi đau bệnh tật. Và có lẽ chỉ chừng đó thông tin thôi cũng đủ cho tôi – người chưa một lần gặp anh, có những ấn tượng ban đầu thật đáng nhớ về nhân vật mà mình còn chưa biết mặt.

Nơi chúng tôi gặp anh Dương Hải An, khi anh vừa ra viện, là cánh đồng thẳng cánh cò bay của nông trại thuộc Tổng công ty Volga Việt do anh sáng lập. Cùng trò chuyện ngay trên cánh đồng bao la rộng lớn của nước Nga, chúng tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ. Vậy mà nhiều năm nay, anh An – người đàn ông Việt đến từ miền quê Nghệ An, đang đầu tư biết bao công sức và tiền của để cánh đồng bên bờ Volga này trở nên xanh ngút ngát, tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân Việt Nam và nông dân đến từ nước cộng hòa Uzbekixtan. 

Có lẽ, nếu coi anh An là người chèo lái con thuyền cộng đồng Việt ở Volgograd, thì phải nói tới việc anh chính là người đầu tiên tạo dựng nên trung tâm thương mại Traktor thuộc công ty Volga Việt vào năm 1998, nơi đại đa số bà con trong cộng đồng người Việt tại đây đang kinh doanh thành đạt. Sau một thời gian, với đầu óc nhìn xa trông rộng và có thể xuất phát từ “chất nông dân” thấm đẫm trong con người gốc Đô Lương-Nghệ An này, anh An đã phát hiện ra rằng bên dưới những cánh đồng bị bỏ hoang của Volgograd là sức sống mãnh liệt, là tiềm năng dồi dào đang bị bỏ quên bởi những khó khăn nảy sinh ở nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết. Và kết quả là một nông trại chuyên trồng các loại rau chủ yếu phục vụ thị trường Nga đã ra đời.

Nói về anh Dương Hải An tức là nói về một Tổng giám đốc Tổng công ty Volga-Việt trầm tĩnh, quyết đoán, nhìn xa trông rộng, nói về một Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Volgograd giàu lòng nhân ái. Nhưng ở đây có một điều không thể phủ nhận là với cộng đồng của mình, ít có ai lại giành được nhiều tình cảm trìu mến của bà con như anh Dương Hải An. Dường như đối với họ, anh không chỉ là ông tổng giám đốc, không chỉ là ông chủ tịch Hội, mà anh còn thân thiết hơn thế nữa. Trả lời câu hỏi: “Anh có biết tường tận hoàn cảnh của từng người trong cộng đồng 500 người Việt ở Volgograd hay không?”, anh An ngay lập tức trả lời: “Tôi biết hết…”. Anh biết, có gia đình, chồng có tật uống rượu say là “nặng chân nặng tay” với vợ, anh đã dọa đuổi ông chồng vũ phu đó ra khỏi ốp và nhờ đó “hòa bình” đã trở lại trong gia đình này; Anh biết, có gia đình, chồng mất, vợ phải bươn chải nặng nhọc nuôi cô con gái đang học đại học y và anh đã quyết định dành cho cháu một xuất học bổng. Và để cháu có cuộc sống ổn định hơn, anh đã tạo cho cháu một việc làm thêm tại nhà hàng Việt Nam; Anh biết, trường hợp xe hàng của bà con bị bắt, nếu chờ đợi tòa giải quyết thì chủ hàng sẽ mất hết cả vốn lẫn lãi và anh đã trực tiếp giúp đỡ, giúp giải phóng hàng nhanh cho bà con. Anh đã biết và đã trực tiếp giải quyết vô số những vụ việc tương tự nhằm một mục đích – tạo cuộc sống ổn định cho bà con người Việt nơi đây.

Có thể kể ra đây vô số những việc làm đầy tình người của anh. Nói về anh, ông Konstantin Geogrevich – Chủ tịch Hội Nga-Việt tại Volgograd, nguyên Bí thư thứ nhất Thành Ủy Novosimbirsk thời Xô Viết, dường như chẳng thể tìm được từ ngữ thích hợp để miêu tả tình cảm ông dành cho anh. Ông chỉ luôn nhắc đi nhắc lại: An là một người nhân hậu tuyệt vời. Còn anh lái xe người Nga Kolia thì chia sẻ: "Nếu sếp của tôi không phải là anh An, mà là một ông sếp người Nga, thì có lẽ tôi đã bị đuổi khỏi công ty từ lâu rồi". Hỏi ra mới biết, đôi khi Kolia cũng phạm những lỗi như đi làm muộn hay “quá chén” làm ảnh hưởng tới công việc chung. Và “An đã bỏ qua cho tôi” – Kolia chân thành tâm sự.

 Còn anh Trần Đức Thiết, người được giao trách nhiệm quản lý nông trại, thì vô cùng tâm đắc với lời khuyên của “chú An”: "Nếu muốn làm một người lãnh đạo giỏi, trước hết hãy làm một người công nhân tốt". Lời khuyên mang tính lôgich tuyệt vời này đã giúp cho Thiết trưởng thành từ một cậu học trò non nớt trở thành một cán bộ điều hành am hiểu về từng loại cây đang được ươm trồng ở nông trại của Volga Việt, cho dù anh còn rất trẻ.

Tiếp xúc với Dương Hải An, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự điềm đạm, từ tốn, thái độ biết lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ ở anh. Có lẽ với anh – một cựu chiến binh từng có 10 năm phục vụ trong quân ngũ, mục tiêu kiếm nhiều tiền không phải là trên hết. Nếu đặt mục tiêu như vậy thì chắc anh chẳng phải lao tâm khổ tứ với việc mua đất nông nghiệp và vận động bà con chuyển hướng sang thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi trong xu thế mô hình kinh doanh ở chợ hiện nay đang dần kém hiệu quả, khiến nhiều người Việt kinh doanh ở Nga  buộc phải đứng trước sự lựa chọn: Về nước hay ở lại? Mỗi ngày làm việc của anh Dương Hải An, đều đầy ắp những vấn đề cần giải quyết liên quan tới chợ, công ty, nông trại, xưởng chế biến rác thải, giấy tờ của bà con, công tác đối ngoại…Nói về cường độ làm việc của mình, anh nói đùa: Nếu có cuộc thi ăn chậm thì chắc tôi không thể tham gia được, bởi lúc nào “cường độ ăn” cũng đạt “tối đa”,  và ngoài việc ăn còn kèm theo việc luôn phải nghe điện thoại nữa…

Nhiều người xếp anh Dương Hải An vào “hàng soái” trong cộng đồng người Việt ở Nga. Đó cũng là lẽ thường bởi anh là chủ sở hữu hai trung tâm thương mại, các cơ sở chế biến rác thải, là chủ sở hữu hơn 200 ha đất trồng trọt cùng cả hệ thống bơm nước và những máy móc nông nghiệp hiện đại. Nhưng có thể nói tài sản lớn nhất, không thể đo đếm bằng bất cứ một đơn đơn vị tiền tệ cụ thể nào, mà anh Dương Hải An sở hữu, chính là một cộng đồng người Việt đầy tình người bên bờ Volga, mà bao nhiêu năm nay anh cùng các đồng sự đã vượt qua bao trở ngại sóng gió để tạo dựng nên. 

Người ta nói: Bạn không thể làm cho ai đó yêu quý bạn, nhưng tất cả những gì bạn có thể làm là trở thành một người đáng yêu trong con mắt mọi người. Với tấm lòng nhân hậu, với những gì mà anh đã làm cho mọi người, Dương Hải An đã có được thiện cảm, sự quý mến, kính trọng của đông đảo bà con trong cộng đồng Việt tại Volgograd. Anh chăm chút cho cộng đồng nhỏ của mình, đổi lại cộng đồng cũng sát cánh cùng anh vừa làm ăn, vừa giúp đỡ, tương trợ nhau trong bầu không khí đầy tình người tại mảnh đất phương nam bên bờ sông Volga của nước Nga. Và có thể nói “tình người” chính là bí quyết tạo nên thành công của cộng đồng người Việt bên bờ Volga./.

Bài và ảnh: Hải Hà
  
Quang cảnh chợ Traktor- khu chợ chính của người Việt ở Volgograd:

 
Quán nước của anh Tùng

 
Anh Hùng, cán bộ Ban quản lý chợ Traktor

 
Quầy bán kính 

Quầy bán túi

Quầy bán mũ

  
  Quầy hàng vải của chị Lý

                          Anh Định và chị Olga với siêu thị mini “7000 mặt hàng”
Đồi Mamaev - nơi tọa lạc tượng đài Mẹ Tổ quốc, là niềm tự hào của cả cộng đồng người Việt nơi đây:

 





Cộng đồng người Việt đặt hoa tại Ngọn lửa Vĩnh cửu

Cánh đồng trồng hành của nông trại Volga Việt


Nhà ươm cây của nông trại

 
Trong vườn ươm cây


Cho ngựa ăn


Thành phố bên bờ sông Volga


Sông Volga lúc bình minh
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.