Chuyên mục
Nghỉ lễ và nỗi sợ mang tên “bạn chồng”
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nghỉ lễ và nỗi sợ mang tên “bạn chồng”

Thứ tư 29/04/2015 03:53 GMT + 7
30/4 là dịp gia đình được sum vầy bởi thời gian nghỉ lễ thường kéo dài, nhưng với một số người vợ, đây lại là dịp họ không mong đợi bởi nỗi sợ mang tên “bạn chồng”.

Kiều (28 tuổi, Cam Ranh, Khánh Hòa) là người cực ghét ngày các ngày nghỉ lễ, bởi trong thời gian đó, hầu như chồng cô chẳng bao giờ có mặt ở nhà. Cô và chồng đã cưới nhau gần 6 năm nhưng hầu như dịp lễ nào hai vợ chồng cũng to tiếng, chiến tranh lạnh với nhau. Nguyên do cũng vì chồng Kiều quá ham bạn, mà bạn anh lại toàn những người ham men. Bình thường thì một tuần anh cũng đi nhậu lai rai 2-3 buổi, còn dịp lễ thì Kiều chỉ thấy mặt chồng mình khi anh say chẳng biết trời đất gì.

“Nhớ dịp lễ 30/4 năm đầu tiên cưới nhau, còn vợ chồng son nên mình lên hẳn một kế hoạch hoàng tráng. Nào là đi chơi ở đâu, ăn ở nhà hàng nào, rồi tối về nhà bố mẹ đẻ mình chơi… Thế nhưng mới sáng sớm, còn ôm vợ trong tay thì lão đã bật dậy nghe điện thoại chiến hữu gọi. Mặc cho mình năn nỉ rồi nhăn nhó, lão ùa vào nhà tắm, sau đó lên xe, phóng mất. Trước khi đi còn nói để chiều anh về chở về ngoại”, Kiều tâm sự.

Kiều đi ăn sáng một mình, nhìn người ta chở vợ con đi chơi mà cô ghen tị. Buồn quá, trong lúc đợi thức ăn, cô gọi cho chồng hối về sớm thì nghe tiếng ồn ào và một giọng lạ hoắc vang lên: “Anh là bạn thằng Vinh, em ạ, dù nó có vợ rồi thì những dịp lễ như thế này em cũng phải cho nó không gian riêng tư mà giao lưu bạn bè chứ. Em yên tâm, tụi anh không làm gì chồng em đâu, chỉ nhậu xíu thôi. Lát sẽ trả về ngay. Anh là anh hứa danh dự với em”.

Tắt máy mà Kiều vừa thất vọng, vừa chán nản cho đám bạn chồng. Chờ mãi đến chiều mà chồng vẫn chưa về, cô đành gọi lại lần nữa và cầu mong là chồng sẽ bắt máy chứ không phải bạn chồng. “Em đợi xíu, sắp xong rồi, 10 phút nữa anh có mặt tại nhà, em chuẩn bị đi nhé. Anh về là đi liền, không thì bố mẹ mong”, chồng cô ngọt ngào. 30 phút trôi qua, cô đã tắm rửa, trang điểm xong mà chồng vẫn biệt tích. Gọi lại thì cô nhận được câu trả lời: “Anh đang tình tiền em ạ, chủ quán thối tiền lâu quá. 5 phút nữa nha vợ yêu”. 

“Và cái 5 phút của lão là tới 11 giờ khuya. Mình nằm ôm gối khóc hết nước mắt, rồi kì cạch gõ đơn li hôn. Khi đó chỉ nghĩ là không thể chấp nhận nổi một con người thất hứa, chỉ biết bạn bè mà không hiểu cảm giác của vợ như vậy được. Nhưng khi thấy lão về, chân nọ đá chân kia, rồi mặt mày đỏ ửng, mình lại thấy tội tội. Thôi thì một năm có một dịp nghỉ lễ dài, chịu khó chiều lão, hôm sau đi chơi cũng không muộn”, Kiều kể lại.

Vậy mà sáng sớm hôm sau, cô ngủ dậy đã thấy chồng biến mất. Trên bàn ăn có sẵn một cặp lồng phở và một tờ giấy: “Anh đi nhậu với bạn xíu anh về. Bạn từ nước ngoài về nên không thể từ chối được, yêu em”. Lần này cô phát điên thật sự, dọn quần áo về nhà mẹ đẻ khóc một trận. Tối 10 giờ đêm, chồng cô lại qua, vẫn vẻ mặt ngu ngơ vì say, ôm cô xin lỗi. Rồi hai vợ chồng lại làm lành.

Những dịp lễ 30/4 năm sau, chồng cô vẫn đi theo tiếng gọi của bạn bè mà quên mất vợ. “Mới đầu cũng chiến tranh ghê lắm, có khi giận nhau gần cả tháng. Nhưng dần dần mình cũng quen, lão đi thì mình cũng chở con đi chơi, hơi đâu nằm nhà khóc lóc cho hao mòn nhan sắc. Năm nay nghỉ lễ dài, mình đã lên kế hoạc đi du lịch Sapa cho 3 mẹ con. Kệ lão đi đâu với bạn thì đi”, Kiều cười nói.

Mấy ngày lễ trôi qua một cách chậm chạp vì cô phải đón nhận những vị khách không mời là
bạn chồng (Ảnh minh họa).

Hà (Quận 3, TP HCM) lại sợ bạn chồng vào dịp lễ theo kiểu khác. “Ngày lễ, người ta thì được nghỉ ngơi cho khỏe, ấy vậy mà mình thì 2 cái lễ phải hầu hạ bạn chồng chẳng khác nào hầu thánh. Nghĩ lại vẫn còn ức chế. Bạn bè gì đâu mà mặt dày dễ sợ”, cô chia sẻ.

Bình thường thì chồng Hà là người rất tốt, anh thương yêu vợ con, chăm sóc gia đình hai bên chu đáo, nhưng anh cũng rất nể bạn. Đó chính là lí do mà dịp lễ nào vợ chồng cô cũng cãi vã nhau, thậm chí có lần lôi nhau ra tòa vì bạn chồng.

Nhớ năm đầu tiên, tối 29 đã thấy chồng mua nào kem đánh răng, nào khăn mặt và rất nhiều thức  ăn. Cứ tưởng có ba mẹ chồng dưới quê lên chơi nên Hà rất vui. Không ngờ chồng cô thông báo: “Mai bạn anh ở quê vào nhà mình chơi, và chắc sẽ ở lại cho đến hết lễ”. Cô choáng váng nhưng nhanh chóng vui trở lại bởi nghĩ thôi thì người ta ở nhờ vài ngày cũng được, làm căng lên cũng tội cho chồng. 

Kết quả là cô bị biến thành ô-sin cho bạn chồng ngay trong chính căn nhà của mình. “Cứ tưởng một người, không ngờ cả 5 người. Ai cũng nói là bạn thân thiết với ông xã mình ngày còn nhỏ, lâu lâu mới có dịp lên thăm bạn. Và họ bắt đầu chia nhau đi tham quan căn nhà, mọi ngóc ngách được đưa vào bình luận rôm rả. Họ như những ông chủ, muốn làm gì thì làm, ăn gì thì ăn. Ăn xong lại gọi mình dọn dẹp. Thậm chí họ còn lấy cả cái áo của chồng mình mặc vì không đem đủ quần áo. Mình tức quá, chồng bảo thôi nhịn một chút, chứ họ về quê nói này nói kia thì không hay cho mình. Mấy ngày lễ 30/4 trôi qua một cách chậm chạp. Ngày tiễn họ về, mình mừng còn hơn được vàng”, Hà tâm sự.

Đến dịp lễ 30/4 thứ 2, hai vợ chồng ra tòa cũng vì bạn chồng. Theo như lần trước họ lại rủ nhau lên thăm nhà vợ chồng cô. Chồng Hà vì cả nể nên gượng gạo đồng ý. Chỉ tội Hà, vừa chăm con nhỏ 5 tháng, vừa chăm cả đám bạn chồng nên gần như luôn trong tình trạng cau có, stress nặng.

Dù biết Hà đang bận con nhỏ nhưng bạn chồng vẫn hay sai vặt cô, thậm chí bắt bẻ những việc làm của cô. Tối ăn cơm xong, chồng cô và đám bạn lại lên phòng khách ăn trái cây, cô loay hoay dọn bát đĩa ở dưới thì con khóc. Chồng cô vội chạy vào bế con thì một người lên tiếng: “Cô Hà có chồng nhất rồi nhé, anh ở dưới quê là vợ làm hết, anh không ẵm con như thằng Dũng đâu. Đàn ông ai làm mấy cái việc đàn bà thế”. Cô nghe mà ức chế vô cùng.

Rồi chuyện đến đỉnh điểm chịu đựng của cô là khi một anh bạn chồng ngang nhiên vào phòng hai vợ chồng cô bình luận: “Đàn bà mà ăn ở bẩn quá, đâu đâu cũng thấy quần áo, sữa bỉm của con. Chẳng gọn gàng gì cả. Dũng hiền chứ gặp mình thì vợ mình không xong rồi. Phải dạy lại thôi cậu ơi”. “Dạ, nhà em nó thế, các anh chịu không nổi thì mời về nhà các anh mà ở. Các anh không thấy vợ bạn đầu bù tóc rối vì con mà còn hạnh họe, sai bảo như ông hoàng sao?”, bao nhiêu ấm ức bấy lâu khiến cô không còn kiểm soát được mình nữa. Chồng và bạn chồng đứng như hóa đá. 

“2 ngày sau, mình nộp đơn li hôn. Anh cũng không nhún nhường vì cho rằng mình hỗn, dám đuổi bạn chồng, không tôn trọng chồng. Cuối cùng chính những người bạn chồng và cha mẹ anh dưới quê lên tiếng xin lỗi mình mới chịu rút đơn về. Không biết dịp lễ năm nay có còn kéo lên nữa không, cứ nghĩ tới là chán”, Hà kể.

Nguồn: afamily.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.