Chuyên mục
Isaac Ilyich Levitan: Họa sĩ cô đơn, tài hoa và vắn số
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Isaac Ilyich Levitan: Họa sĩ cô đơn, tài hoa và vắn số

Thứ năm 03/08/2017 17:26 GMT + 7
Isaac Ilyich Levitan được coi là một trong những họa sĩ Nga nổi tiếng nhất vào cuối thế kỉ 19. Suốt cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình, Levitan chỉ chuyên vẽ tranh phong cảnh, không vợ con, không gia đình và chỉ có một người bạn thân duy nhất là đại văn hào Anton Chekhov. Mùa thu là đề tài chủ đạo và là điểm nhấn sáng chói trong kho tàng sáng tác đồ sộ của Levitan.


Mùa thu vàng - Tranh Levitan

Isaac Levitan sinh ngày 30.8.1860 ở Litva (vùng cận Baltik) trong một gia đình người Nga gốc Do Thái trung lưu nhưng lâm cảnh sa sút. Trong nỗ lực cải thiện hoàn cảnh kinh tế gia đình và để các con được học hành đến nơi đến chốn, đầu năm 1870 người cha là Ilya Levitan chuyển gia đình về Moscow sinh sống. Năm 1871, người con cả là Avel Leyb Levitan thi đỗ vào trường Hội họa, điêu khắc và kiến trúc Moscow, đến năm 1873, Isaac Levitan lúc đó mới 13 tuổi cũng đỗ vào trường này. Thầy dạy của họ là những họa sĩ tài danh thời đó như Perov, Savrasov, Polenov…

Hoàng hôn - Tranh Levitan

Năm 1875, người mẹ qua đời và người cha lâm bệnh nặng, buộc phải rời bỏ công việc trong ngành đường sắt, vì thế việc nuôi bốn đứa con ăn học trở thành vấn đề cực kỳ nan giải. Gia đình gần như không có khoản thu nhập nào ngoài món tiền công còm cõi cho công việc quét rác và xúc tuyết của người cha, chính vì vậy mà nhà trường đã quyết định hỗ trợ về vật chất cho mấy anh em, rồi từ năm 1876 thì miễn hoàn toàn học phí vì gia cảnh quá nghèo túng và cũng vì anh em nhà Levitan đã có những thành công lớn trong nghệ thuật. Năm 1877, người cha qua đời vì bệnh thương hàn, bốn anh chị em thực sự rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực. Isaac Levitan khi đó đang học năm thứ tư trong lớp hội họa tổng hợp của danh họa Vasily Perov. Bạn của Perov là Alexei Savrasov rất cảm phục tài năng của Isaac Levitannên đã xin chuyển chàng sinh viên này về lớp phong cảnh của mình. Vào tháng 3.1877, hai tác phẩm của Isaac Levitan trưng bày trong một cuộc triển lãm đã được báo chí khen ngợi, chàng họa sĩ chưa đầy 17 tuổi được trao huy chương bạc và khoản tiền thưởng 220 rúp của Hội những người yêu mỹ thuật Moscow “để có thể tiếp tục học tập và phát triển tài năng”. Mikhail Nesterov, một người bạn học cùng trường, về sau cũng là một bậc thầy về tranh phong cảnh, từng nhận xét: “Levitan vẽ rất dễ dàng, tự nhiên như người ta hít thở khí trời. Cậu ấy lại luôn làm việc miệt mài, chăm chỉ nên gặt hái được rất nhiều thành công”.

Chân dung Danh họa Isaac Ilyich Levitan

Danh họa Levitan và đại văn hào Nga Anton Chekhov kết bạn vào cuối thập niên 1870, khi cả hai còn là sinh viên nghèo đang học ở Moscow. Một lần, Levitan bị ốm, được người bạn học Mikhail Chekhov đưa anh ruột Anton Chekhov bấy giờ là sinh viên y khoa đến thăm và khám. Hai thiên tài tương lai trở nên thân thiết ngay từ lần đầu gặp gỡ. Về sau, họ thường xuyên qua lại với nhau. Levitan mồ côi cha mẹ khá sớm nên coi gia đình Chekhov như gia đình mình. Lúc đó, Anton Chekhov đã có vài truyện ngắn đăng báo khá gây tiếng vang, còn Levitan thì có bức tranh Ngày thu. Sokolniki được nhà sưu tập tranh hàng đầu nước Nga là Pavel Mikhailovich Tretyakov mua lại (ngày nay, bảo tàng Tretyakov ở Moscow cùng với bảo tàng Ermitazh ở Saint Peterburg là hai bảo tàng nghệ thuật lớn nhất nước Nga và thuộc hàng đầu thế giới). Do một số biến động chính trị, đặc biệt là sau vụ mưu sát nhắm vào Sa hoàng Alexander II vào tháng 4.1879, người Do Thái bị trục xuất khỏi Moscow. Levitan cùng các anh chị em của mình phải “tản cư” về vùng quê Saltykova cách thủ đô khoảng 100 km. Do thiếu thốn tiền bạc, lại bị bài xích vì gốc gác Do Thái, Levitan suy sụp nặng cả tinh thần lẫn thể chất. Chàng trai 19 tuổi đã quyết định tự tử, nhưng rất may không thành. Levitan được đưa về cứu chữa tại trang trại của gia đình Chekhov ở ngoại ô Moscow. Nơi đây, Levitan cảm nhận được tình cảm nồng ấm của mọi thành viên gia đình Chekhov và tình bạn giữa hai chàng sinh viên tài năng càng trở nên khắng khít. Họ thường tổ chức những buổi hòa nhạc nghiệp dư, đọc thơ, đọc truyện cho nhau nghe, cùng nhau đi dạo trong rừng hay trên đồng cỏ. Chính thời gian sống trong nhà Chekhov ở ngoại ô Moscow, Levitan bị mê hoặc bởi cảnh đồng quê tuyệt diệu, thiên nhiên kỳ thú, và từ đó cho đến cuối đời ông chỉ sáng tác tranh phong cảnh mà thôi.

Một năm sau, lệnh trục xuất người Do Thái bị hủy bỏ, Levitan lại được trở về trường để theo học.

Có thể nói Isaak Levitan và Anton Chekhov là hai tâm hồn đồng điệu, cả hai đều đưa được chất thơ phảng phất giống nhau vào trong tác phẩm dù là văn chương hay hội họa của mình. Levitan hết sức khâm phục văn tài của bạn mình, cho rằng nhiều đoạn miêu tả thiên nhiên trong các tác phẩm của Chekhov đậm chất hội họa “còn hơn cả tác phẩm hội họa”. Chekhov thì luôn quan tâm theo dõi, nâng đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất cho người bạn họa sĩ nghèo, động viên, khuyến khích bạn phát triển tài năng.

Nhà văn Chekhov, người bạn thân duy nhất của họa sĩ Levitan

Trong những tháng hè từ năm 1880 – 1884, Levitan miệt mài sáng tác thực địa ngoài trời ở làng Ostankino, bấy giờ còn là vùng ngoại ô Moscow. Những tác phẩm nổi bật nhất của giai đoạn này là Rừng sồi mùa thu (1880), Cây sồi (1880), Những cây thông (1880), Ga xép (1882), Tuyết cuối mùa (1884), Cây cầu nhỏ thôn Savvinskaya (1884)… Tài năng của Levitan được khẳng định chính trong giai đoạn này. Nhưng cũng có một số nhà phê bình mỹ thuật khó tính cho rằng chàng họa sĩ trẻ gốc Do Thái thì làm sao thấu hiểu hồn vía của phong cảnh Nga! Và họ đã nhầm…

Năm 1885, Levitan kết thúc việc học ở trường Hội họa, điêu khắc và kiến trúc Moscow nhưng không được cấp bằng tốt nghiệp chính thức, chỉ có gấy chứng nhận đã theo học ở trường này. Không tiền, không gia đình, nhà cửa, chàng họa sĩ trẻ phải lang thang mướn nhà ở trọ và làm thuê bất cứ công việc gì. Tuổi thơ nghèo đói, cuộc sống bấp bênh, những công việc khổ cực thời sinh viên và sau khi ra trường đã khiến sức khỏe Levitan suy sụp. Bệnh tim và phổi trở nên trầm trọng. Hội những người yêu mỹ thuật và gia đình Chekhov lại gom tiền giúp Levitan xuống vùng Krym an dưỡng và chữa bệnh. Nửa năm sau, sức khỏe tương đối hồi phục, Levitan trở lại Moscow và tổ chức triển lãm với khoảng 50 tác phẩm tranh phong cảnh.

Tại cuộc triển lãm này, những bức tranh phong cảnh của Levitan, đặc biệt là các tác phẩm về mùa thu, đã thực sự “hớp hồn” công chúng và khiến các nhà phê bình mỹ thuật phải “tâm phục khẩu phục”. Nhờ có tiền bán tranh, cuộc sống vật chất và tinh thần của Levitan được cải thiện đáng kể. Từ năm 1887, chàng họa sĩ trẻ thường xuyên tổ chức các chuyến đi sáng tác bằng thuyền trên sông Volga và thu được nhiều thành công với những kiệt tác về phong cảnh hữu tình dọc theo con sông xinh đẹp nhất nước Nga. Đặc biệt, Levitan đã phát hiện ra khung cảnh thiên nhiên kỳ diệu ở làng Plios trên bờ sông vùng trung lưu Volga và lưu lại đó để sáng tác. Chỉ trong 3 mùa hè – thu (1888, 1889, 1890), tại Plios, Levitan đã sáng tác được hơn 200 bức tranh phong cảnh. Cũng trong những năm cuối thập niên 1880 đầu 1890, Levitan được mời làm chủ nhiệm lớp hội họa phong cảnh tại Trường nghệ thuật tạo hình của họa sĩ kiêm kiến trúc sư Gunst.

Từ đầu thập niên 1890, tên tuổi Levitan bắt đầu vang xa ra khắp thế giới. Pháp, Ý, Phần Lan… mời ông tham gia triển lãm, trao đổi học thuật tại các trường mỹ thuật, thậm chí có cả những lời mời ra nước ngoài sinh sống, sáng tác. Nhưng Levitan vẫn một lòng đau đáu với phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp của nước Nga. Năm 1892, Nga hoàng lại ban lệnh trục xuất người Nga gốc Do Thái ra khỏi hai kinh đô của đế chế Đại Nga. Levitan lại phải đến sống ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh. Nhưng cảnh đẹp thiên nhiên ở những nơi này lại như có sức mạnh kỳ bí, nâng tầm bút lực cho Levitan. Bức Mùa thu vàng(1895) ra đời trong giai đoạn này và về sau trở thành một trong những kiệt tác lừng danh của nền hội họa toàn thế giới.

Một tác phẩm của Isaac Ilyich Levitan

Năm 1896, khi tài năng đang độ chín muồi, tỏa sáng rực rỡ nhất thì nhiều loại bệnh tật lại trỗi dậy, tàn phá cơ thể vốn yếu ớt của nhà danh họa. Dù được các danh y cứu chữa tận tình nhưng bệnh tình của Levitan không có chiều hướng thuyên giảm. Những chuyến an dưỡng trên bờ biển miền Nam nước Nga và ở Ý cũng không mang lại kết quả khả quan. Năm 1898, Levitan trở thành viện sĩ Viện hàn lâm mỹ thuật Nga, được cả thế giới biết đến như một họa sĩ thiên tài, một bậc thầy kiệt xuất về tranh phong cảnh. Cần biết, Levitan cũng có vài bức tranh chân dung hoặc tĩnh vật, có lẽ được sáng tác trong những tình huống bắt buộc nào đó, như bạn bè nhờ vẽ chẳng hạn, nhưng căn cứ khối lượng tác phẩm về thiên nhiên của ông, người ta chỉ có thể khẳng định bút pháp vẽ phong cảnh điêu luyện của họa sĩ kỳ tài này. Levitan không chỉ vẽ về mùa thu mà còn về các mùa khác và những cảnh vật khác, nhưng đề tài mùa thu là nổi bật nhất, đâm đặc hồn Nga nhất trong quá trình sáng tác của ông. Tranh về mùa thu của Levitan không chỉ miêu tả cảnh thu rực rỡ nắng vàng, lá vàng, trời xanh, sông xanh… mà còn có cả những cảnh thu buồn u uất, ảm đạm. Điều đó cũng nói lên tâm trạng của nhà danh họa biến đổi qua nhiều thời điểm.

Levitan qua đời ngày 22.7 (tức ngày 4.8 theo lịch mới) năm 1900 khi chỉ còn vài tuần là đầy 40 tuổi, tại xưởng vẽ của mình (do một Mạnh thường quân biếu tặng từ thuở ông còn hàn vi). Ở thời điểm ông qua đời, trong xưởng vẽ còn lưu 40 bức tranh dang dở và hơn 300 bức phác thảo cho những tác phẩm tương lai. Âu cũng là “tài hoa vắn số”...

Phạm Bá Thủy
Nguồn: baomoi.com
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.