Chuyên mục
Muốn tăng cân, hãy đến Nga
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Còn mình sang nga 5 năm thấy xuống 2kg. Thế mới đau
toi o nga gan 10 nam ma toi tang len gan 6kg toi cam thay la minh map wa roi
Minh chua den Nga nhung doc bai viet rat hay va thu vi .Nuoc Nga...Thien nhien , con nguoi va ca nhung mon an nua that...

Muốn tăng cân, hãy đến Nga

Thứ năm 09/10/2014 00:16 GMT + 7
Trước khi lên đường đi học ở Nga, mẹ dặn với theo, sang đó ăn uống cẩn thận không mấy năm về lại thành bà Liên Xô nhé. Tôi cười thầm trong bụng, con gái mẹ theo mốt mình dây mà. Sau 4 năm ở Nga, cuối cùng tôi cũng phải công nhận, đồ ăn của đất nước này quá ngon, dễ ăn, dễ chế biến, và…dễ béo.


Muốn tăng cân, hãy đến Nga

Bước chân lên chiếc máy bay S7, sau màn hướng dẫn ù ù cạc cạc bằng tiếng nga, tôi được phục vụ khay đồ ăn Nga đầu tiên, gồm: bánh mì đen kẹp cá hồi sống, salad cà rốt với cá và mayonnaise, mì ống trộn Smetana (một loại váng sữa, một trong những thực phẩm tiêu biểu của Nga, sau này tôi mới biết, chứ lúc đó còn không dám ngửi). Kinh hoàng. Bánh mì vừa khô vừa chua, salad tanh và ngấy khủng khiếp, mì ống khô và đầy mùi sữa. Thế là cả chuyến bay dài 7 tiếng, tôi chỉ duy nhất uống được 2 cốc nước cam.

Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu...

Du học- học thái thịt

Khi còn ở nhà, tôi không hẳn là một đứa vụng về, chỉ biết cắm đầu vào học. Tôi cũng nữ công gia chánh đủ cả. Tôi biết nấu một bữa cơm đầy đủ cho bố mẹ, còn tự mày mò học làm bánh, được mẹ dạy mua hoa, cắm hoa. Ngày tết, tôi cũng làm giò, nấu bóng, nấu thịt đông, làm gà cúng…. Tóm lại, tôi cũng không phải cô tiểu thư yếu đuối không biết gì.



Thế nhưng khi đặt chân xuống nước Nga, tôi được học thêm một việc nữa: thái thịt. Chợ ở đây chỉ bán những tảng thịt 2- 3 cân, gà thì bán cả con, hoặc từng bộ phận một, cá còn nguyên vảy, còn các loại nội tạng, thì họ bán cả túi to 1 hoặc 2 cân. Tôi choáng. Khi ở nhà, thức ăn được mua hàng ngày, vài lạng thịt thái sẵn, gà chặt sẵn, cá đánh vảy sạch sẽ, đôi khi rau cũng được nhặt sẵn sàng.

Ở đây, phần vì chợ xa, phần vì thời tiết lạnh, 2 tuần tôi mới đi chợ 1 lần để trữ thức ăn trong ngăn đá tủ lạnh. Đi chợ về, tôi sẽ phải chia nhỏ thịt vào các túi, thịt gà phải chặt bé. Tôi không biết thái thịt bò cho đúng thớ, không biết lọc mỡ lợn, không biết gà phải cắt phao câu, không biết mật cá nằm ở đâu trong bụng con cá đáng yêu nặng 8 lạng của tôi. 4 tháng đầu, mỗi lần đi chợ đối với tôi đều là cực hình.

Một món chế biến từ thịt ngon nhất theo tôi, đó là thịt nướng  (шашлык). Món thịt nướng của Nga thường dành cho những buổi tụ tập bên bờ sông, trong sân nhà. Chỉ cần một chiếc lò nướng, một bao than, và một vài chai bia. Thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, cánh gà, hoặc đùi gà được ướp với nghệ tây, rượu vang đỏ, hồi, các loại thảo quả, hạt tiêu, ăn kèm với hành tây và dưa chuột muối chua. Miếng thịt phải được thái lớn, xiên cùng với hành tây và ớt đỏ, nướng trên than làm từ gỗ bạch dương liu riu. Khi nướng rưới chút nước chua ngọt trộn với hành tím, tỏi và thì là. Mùa hè nước Nga đối với các du học sinh Việt Nam không chỉ là mùa của thiên nhiên tươi đẹp, của những quả táo, quả lê dại thơm trĩu cành, mà còn là mùa thịt nướng.


Món thịt nướng trứ danh của Nga


Một buổi nướng thịt cùng bạn bè

Văn hóa khoai tây

Suốt cả năm học đầu tiên, tôi thèm rau xanh kinh khủng. Tôi cặm cụi ăn rau Trung Quốc. Tất nhiên, vừa đắt, vừa sợ thuốc bảo quản. Thế là lại quay lại với khoai tây và đồng bọn. Ở Nga có tới hàng nghìn món ăn làm từ khoai tây. Tôi còn từng được một bác bán khoai tây kể cho nghe về lịch sử dài ngoằng của khoai tây đến Nga như thế nào từ thời các ông vua bà chúa. Các loại củ quả cũng hàng vô số: Cà rốt, bí đỏ, củ cải trắng, củ cải đỏ, bắp cải xanh, bắp cải tím, bí ngòi, … Nào luộc, nào nấu súp, nào xào, nào salad, nào trộn, nào rán,nào nướng. Tôi thề với các bạn, chưa có một kiểu chế biến nào tôi chưa thử. Rồi đến một ngày soi gương, tôi thấy mình chẳng khác gì một củ khoai tây.

Món yêu thích ở Nga được chế biến từ các loại củ quả đó là Súp củ cải đỏ (Борщ). Món súp được nấu chủ yếu từ các loại rau củ quả đặc trưng của mùa đông nước Nga như củ cải đỏ (củ dền), khoai tây, carot, hành tây, bắp cải, cà chua, lá nguyệt quế, thìa là, mùi tây cùng với mỡ muối, thịt bò hoặc thịt gà. Khi ăn cho thêm 1 thìa smetana (một loại váng sữa, một trong những thực phẩm tiêu biểu của Nga) trộn đều. Lần đầu được ăn thử món súp củ cải đỏ, tôi cảm thấy việc cho váng sữa vào súp thật kì quặc. Nhưng sau 4 năm ở Nga, tôi không thể ăn món này mà thiếu vị chua béo ngậy quen thuộc.


Món súp củ cải đỏ được chế biến từ các loại rau củ.

Các sản phẩm từ sữa

Người phương Tây chuộng uống sữa, người Nga cũng thế. Ở đây phải có đến hàng trăm sản phẩm từ sữa với những cái tên cực kì khó nhớ. Nghe lời bố mẹ, tôi cặm cụi uống sữa để “lấy sức khỏe chống lại lại rét”. Rồi sau 1 năm học, tôi tăng 8 cân với món cháo sữa (Каша): (cháo đặc- món ăn chính của người Nga trong bữa điểm tâm, nấu bằng sữa với yến mạch, kiều mạch hay bột hòn).

Trời ơi!!! Thân hình cò hương mình dây lí tưởng của tôi đâu rồi???

Món bánh kếp (блинный) cũng là tác nhân gây ra việc tăng cân của tôi. Khi ở Nga, chúng ta có thể gặp món bánh kếp này tại một xe bán bánh ven đường, trong một quán đồ ăn nhanh, hoặc trong một nhà hàng sang trọng. Tại Nga còn có riêng một ngày lễ dành để ăn bánh kếp. Món bánh kếp từ những nguyên liệu đơn giản như bột, trứng, sữa, đường, muối, ăn kèm với mứt, sữa, socola, phomai, bơ, thịt, trứng cá muối,…Một món vừa thích hợp để uống sữa, uống coca cola, lẫn uống bia.




Bánh kếp- món khoái khẩu của du học sinh tại Nga.

Bữa ăn chính – chỉ có một mà thôi

Thời gian đầu mới tới Nga, tôi vẫn quen với lịch trình 3 bữa/ ngày như ở với mẹ. Sau đó, cảm thấy việc nấu nướng mất thời gian quá, tôi giảm xuống 2 bữa/ ngày. Vẫn tốn thời gian quanh quẩn với cái bếp, tôi chọn 1 ngày 1 bữa vào buổi tối. Tôi nhịn ăn sáng, buổi trưa đi học, buổi tối về ăn bù cho cả ngày. Và tôi…ngất xỉu.

Thế rồi chơi nhiều với hội bạn Nga, học hỏi được từ các anh chị đi trước, tôi học được cách nấu bữa tối nhiều lên để ăn sáng, cầm theo bánh, kẹo để ăn vặt khi ở trường. Tôi cũng học được cách nấu tiết kiệm thời gian, giảm muối, đường, ớt trong đồ ăn. Thậm chí bây giờ, tôi còn bỏ được cả tật ăn đêm xấu xí nữa.

Bánh mì Nga là một trong những món ăn vừa nhanh vừa tiện lợi..Thời gian đầu đến Nga, tôi thấy lạ nhất là văn hóa ăn bánh mì của họ. Trong các bữa ăn chính, bánh mì luôn được dọn ra như  một món kèm, nhưng uống trà, café, uống bia, hoặc chẳng ăn gì, người Nga cũng… ăn bánh mì. Thậm chí những cửa hàng sushi của Nhật, mỳ Ý, hay phở Việt Nam, cũng phục vụ kèm một đĩa bánh mì. Người Nga có câu: “Kasha là mẹ của chúng ta, còn bánh mì đen thì là cha ruột”. Mặc dù những món fastfood tran lan khắp phố phường, nhưng dường như vẫn chưa thể đánh bật được những lát bánh mì nhỏ bé.



Pelmenhi là món ăn quen thuộc với tôi mỗi buổi tối. Đây là món ăn rất bình dân, hợp túi tiền, chế biến đơn giản, nhưng lại đầy đủ chất dinh dưỡng. Pelmenhi thường được thả vào nước luộc, ăn cùng thịt bò, thìa là, trộn thêm chút smetana hoặc mayonnaise. Tôi đã được nghe kể đầy đủ ý nghĩa về chiếc “pemenhi hạnh phúc” trong đêm đón năm mới đầu tiên cùng với gia đình một người bạn Nga. Nếu ăn được viên có cúc áo, bạn là người may mắn, nếu chiếc pemenhi nhân rau, bạn có niềm vui,  nếu nhân ớt, tình yêu của đời bạn đang trên đường. Còn nếu bạn gặp một đồng xu, hãy kiểm tra túi tiền của bạn.


Món pelmenhi quen thuộc của tôi mỗi tối.

Bên cạnh đó, trà là một thức uống không thể thiếu với người dân Slavơ. Ở Nga, trà được pha loãng, thêm 1 lát chanh thật mỏng, thêm thật ít mứt, đường hoặc sữa. Dân Nga chuộng uống loại trà đen, để trong cốc sứ lớn, và trong nhà lúc nào cũng phải có 1 ấm nước đang sôi để pha trà. Cũng như bánh mì, trà Nga có thể uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, và uống với bất cứ món ăn nào.


Thức uống không thể thiếu với người dân Slavơ.

Ẩm thực Nga- sắc màu quyến rũ

Tôi nói chẳng quá chút nào. Ẩm thực của Nga chú trọng đến màu sắc và hình thức. Các món ăn được chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng phẩm màu nhân tạo hay các chất có hại cho sức khỏe. Người Nga chuộng ăn nhạt, không ăn mặn, ăn cay, ăn nóng. Khi ngồi vào bàn ăn, người Nga tránh nghĩ tới điều không hay, thích nói những chuyện vui vẻ, để tạo cảm giác ngon miệng.



4 năm ở Nga, tôi quả thật có tăng lên vài cân. Nhưng ở một đất nước mà cả con người lẫn đồ ăn đều đáng yêu thế này, tôi có được tặng thêm vài cân nữa, cũng chẳng sao.

Tác giả bài viết: Ngân Giang (LHS Irkutsk, LB Nga) 
Nguồn tin: 19daymagazine
Nguồn: sinhvienirk.net
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.