Chuyên mục
Vụ cá chết trắng biển: Dân Hà Tĩnh “ngồi trên đống lửa” vì mất kế sinh nhai
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Vụ cá chết trắng biển: Dân Hà Tĩnh “ngồi trên đống lửa” vì mất kế sinh nhai

Thứ năm 28/04/2016 10:49 GMT + 7
Việc cá chết hàng loạt do nguồn nước nhiễm độc đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý người dân sống tại khu vực Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Họ như đang “ngồi trên đống lửa” khi cuộc sống mưu sinh ngày càng trở nên bế tắc. 


Cá đục chết hàng loạt, ruồi nhặng, dòi bọ bâu đầy gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: T.Nhung.

Về thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh những ngày này, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy một bầu không khí vắng vẻ, buồn bã bao trùm lên cuộc sống của người dân nơi đây. Ông Quang, một ngư dân tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh chua chát cho biết, cuộc sống của gia đình ông và nhiều hộ gia đình khác đang gặp vô vàn khó khăn khi không thể ra khơi đánh bắt cá và mực như trước.

“Cá chết nhiều đến nỗi không còn để đánh bắt nữa. Muốn bắt phải đi xa, ra tận khu vực Quảng Bình. Nhưng chúng tôi cũng không được đánh bắt nữa, cho dù đánh bắt được thì cá mang lên cũng phải đổ đi. Ngoài cá, gia đình tôi trước đây còn sống nhờ mực. Bây giờ nước ô nhiễm quá, mực cũng chết hết, không sinh vật nào sống được cả”, ông Quang cay đắng nói. 


 Những con thuyền, manh lưới "đắp chiếu" phơi mình trên bãi biển. Ảnh: T.Nhung.

Cũng theo ông Quang, khu vực này có khoảng 600 hộ gia đình với hơn 5000 nhân khẩu sống phụ thuộc nghề biển. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nước ô nhiễm nặng nề khiến một số người, đa số là thợ lặn, đã nhập viện vì nhiễm độc khiến người dân càng thêm lo sợ.

“Chính tôi cũng cảm nhận thấy nguồn nước biển đang ngày ô nhiễm trầm trọng. Trước đây, một ngày đi biển tôi cũng đánh bắt được vài tạ cá, thu về được từ 4 đến 5 triệu đồng. Giờ đi cả ngày trời may ra được một yến cá. Vì cá chết sạch rồi còn đâu. Khu vực Sơn Dương - Vũng Áng giờ không còn cá nữa. Mà có cá cũng không ai mua. Người dân đang lo chết đói đây”, ngư dân này lo lắng nói.

Cách đó mấy ghe thuyền, gia đình một ngư dân khác đang đổ thuyền. Họ lật úp thuyền xuống, phủ kín bằng túi nilon rồi dán băng dính thật chặt. 

“Có đánh bắt được gì nữa đâu mà chả phải gác thuyền. Tôi nghĩ chất độc trong nước biển còn độc hơn chất độc màu da cam ngày xưa ấy. Trước kia một ngày đi biển cả gia đình tôi có thể kiếm khoảng 7, 8 triệu, giờ chịu rồi. Biển thì người ta không cấm đánh bắt nhưng cấm người dân mua bán. Hôm qua tôi cũng bắt được 50 kg cá. Nhưng cũng phải đổ đi hết”, một ngư dân giải thích.  

 
Không đánh bắt được cá, người dân đành đau xót gác thuyền. Ảnh: T.Nhung. 

Ngư dân này cũng cho biết thêm, gia đình ông phải vay mượn để có tiền mua tàu thuyền. Giờ nợ chưa trả xong, niêu cơm đã treo rồi. “Hàng trăm triệu bạc chứ ít ỏi gì. Giờ đổ hết, còn gì nữa đâu. Ở đây cũng không còn ai dám lặn nữa, lặn xuống là chết vì nước độc lắm”. 

Đang bế con nhỏ khoảng 3, 4 tuổi, chị Hiền, một người dân khác chỉ vào những vết ngứa của con xót xa nói: “Nước biển giờ độc lắm. Con tôi xuống lội nước chơi, giờ lên ngứa ngáy khắp người, bôi thuốc mấy ngày chưa khỏi. Tôi đang tính cho nó đi bệnh viện khám chứ để thế này không yên tâm”.

Chị Hiền cũng rất lo lắng việc gia đình chị không thể ra khơi đánh cá đồng nghĩa với việc không có tiền chi tiêu. Chị có 3 đứa con, 2 đứa lớn đang tuổi đi học nhưng tháng vừa rồi chị vẫn chưa thu xếp tiền để đóng cho con. “Giờ có gạo ăn là may, chứ con xin tiền đóng học không biết lấy đâu ra nữa. Tôi lo lắm mà chưa biết xoay sở thế nào”. 


 Đồ nghề bắt cua, ghẹ của ngư dân giờ nằm im lìm, xếp đống không ai sử dụng. Ảnh: T.Nhung.

Ý kiến chung của các ngư dân ở đây là mong chính quyền địa phương vào cuộc hơn nữa để giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn trước mắt, tạo điều kiện để họ yên tâm làm ăn, tiếp tục vươn khơi bám biển. 

“Bao đời gắn bó với biển rồi, giờ tình hình thế này chúng tôi không biết làm gì để có tiền nữa. Chỉ mong chính quyền hỗ trợ chúng tôi, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, trả lại nguồn nước trong lành để người dân tiếp tục công việc như trước”, ông Quang bộc bạch.

TUYẾT NHUNG
Nguồn: bizlive.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.