Chuyên mục
Lấy tiền ở đâu để bồi thường oan sai?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Ý kiến cũa Ông Chánh án TC Nguyễn Hòa Bình vừa nêu với QH và báo chí về dự án trách nhiệm bồi thường ,theo tôi ,đó là...

Lấy tiền ở đâu để bồi thường oan sai?

Thứ sáu 28/10/2016 05:06 GMT + 7
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình tại phiên thảo luận tổ.

“Thực sự mà nói, bồi thường kiểu gì cũng bị lên án”, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao “than thở”...


“Dư luận đặt ra một câu chuyện rất nóng, thậm chí trên cả diễn đàn Quốc hội, rằng tiền thuế không phải để chi trả cho chuyện làm sai? Vậy lấy tiền ở đâu để bồi thường?”.

Đây là vấn đề được Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình đặt ra tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) chiều 27/10.

Dự thảo luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Nhưng, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - đề nghị cân nhắc các quy định này của dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, bởi quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp cụ thể nào.

Kiểu gì cũng bị lên án

Khẳng định gây ra thiệt hại cho dân thì phải bồi thường, song Chánh án Nguyễn Hoà Bình băn khoăn là đi vào thực thi thì rất khó.

“Xưa nay theo luật cũ thì chủ yếu bồi thường trong tư pháp hình sự, oan sai còn dân sự hành chính là chưa có. Giờ mở ra thêm các quyết định hành chính nữa thì thực sự chúng ta chưa có kinh nghiệm. Ví dụ như chủ tịch xã, huyện ra quyết định sai, chứng minh thu hồi đất gây thiệt hại cho người ta rồi bồi hường thì quả thực chưa có kinh nghiệm. Dù đưa vào luật như này nhưng hướng dẫn để đi vào cuộc sống là khó khăn”, ông Bình phân tích.

Kể cả với lĩnh vực hình sự thì việc bồi thường đã làm nhiều năm nay, cũng có kinh nghiệm rồi nhưng theo ông Bình thì vẫn khó khăn. 

“Tôi cũng theo dõi mấy vụ án oan sai, đây có phóng viên báo chí đây, thực sự mà nói, bồi thường kiểu gì cũng bị lên án”, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao “than thở”.

“Như vụ Huỳnh Văn Nén, nếu theo đúng quy định của Bộ Tài chính thì số tiền không được bao nhiêu, dư luận sẽ đặt câu hỏi sao oan sai mười mấy năm mà chỉ có bấy nhiêu? Còn nếu vận dụng số tiền quá nhiều, thì cũng sẽ có một luồng dư luận khác lên án, tại sao tiền Nhà nước mất nhiều thế, ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn”, Chánh án Bình nêu hai ví dụ rất nổi tiếng.

Ông cũng nhấn mạnh, trên thực tế khi vận dụng luật, có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có những khoản không thể nào chứng cứ hoá được như danh dự, sức khoẻ, tinh thần... Đây là những thứ không định lượng được, nên tuỳ theo sự vận dụng, đặt các cơ quan thi hành vào tình thế thực sự khó khăn.

“Tôi nói riêng trong lĩnh vực hình sự đã khó thế rồi, giờ lại hành chính nữa thì không biết thước đo mênh mông thế nào. Đó là áp lực”, Chánh án trao đổi. Và theo ông, kể cả khi thương lượng không được, đưa nhau ra toà thì toà căn cứ để toà xác định cũng rất khó.

Không dùng tiền thuế mà lập quỹ để bồi thường

Liên quan đến quy định về thu hồi tiền bồi thường, Chánh án cũng băn khoăn là dự luật mới nói phải thu hồi và phải có một định lượng 30-50 tháng lương, nhưng thu hồi của ai thì… chưa nói. 

“Ví dụ vụ án oan của ông Chấn, ông Nén là lỗi tổng hợp, có lỗi của điều tra viên, kiểm sát viên, toà án. Giờ thu hồi, không thể nói mình ông toà được. Luật hiện hành nói nếu ở giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải đền, xử lý kỷ luật điều tra viên, nếu ở giai đoạn truy tố thì viện kiểm sát phải đền, xử lý kiểm sát viên, nếu ở giai đoạn xét xử thì toà án phải đền, thẩm phán phải kỷ luật”.

“Như thế được hiểu là ông bị kỷ luật có nghĩa ông phải hoàn trả tiền này. Nhưng giai đoạn sau là chịu ảnh hưởng của cả giai đoạn trước, nên khi tham gia dự án luật, chúng tôi đã đề nghị khi ở giai đoạn điều tra, thì cơ quan điều tra phải đền, xin lỗi, ông điều tra viên bị xử lý và phải hoàn tiền”.

“Ở giai đoạn truy tố, viện kiểm sát phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật phải cả điều tra viên và kiểm sát viên, hai ông này chung trách nhiệm bồi hoàn. Đến xét xử, ông toà phải xin lỗi, bồi thường và phải xử lý kỷ luật cả 3 ông này và đều có trách nhiệm bồi hoàn. Các ông đều phải có trách nhiệm, chứ không làm xong chuyển giai đoạn khác rồi thành vô can thì không công bằng”. 

“Chúng tôi đã đề nghị thế nhưng đây chưa thấy đề cập”, ông Bình nói.

Vấn đề nữa cũng khiến Chánh án băn khoăn là phải giải được bài toán: lấy tiền đâu bồi thường?

“Trong văn bản kiến nghị với cơ quan soạn thảo, chúng tôi đã nêu nhưng không được tham khảo. Đó là phương án như nhiều nước, họ lập ra một quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả những khoản tiền thu được do phạm tội mà có, hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền, tham nhũng... Và lấy quỹ này để trả cho bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân”. 

“Đây là câu chuyện nên tham khảo”, ông Bình nêu quan điểm.

NGUYỄN LÊ
Nguồn: vneconomy.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.