Chuyên mục
Hàng thời trang xuất khẩu: Lấy đâu ra?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Hàng thời trang xuất khẩu: Lấy đâu ra?

Thứ bảy 05/09/2015 03:16 GMT + 7
Hơn 90% hàng thời trang xuất khẩu là hàng giả. Đó là khẳng định của một đầu mối chuyên bán hàng thời trang xuất khẩu lâu năm tại chợ Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM).


Nếu ghé vào shop treo biển bán hàng thời trang xuất khẩu hay các chợ đầu mối nào chắc chắn bạn cũng sẽ nhận được câu: Đảm bảo hàng thật 100%. Từ Taka Plaza, Sài Gòn Square 1, 2 đến chợ Tân Bình, người bán đều khẳng định một câu chắc nịch như thế.

Trung tâm Taka Plaza và chợ Tân Bình là nơi được xem có lượng hàng thời trang xuất khẩu nhiều nhất. Biển hàng xuất khẩu được treo ngay đầu shop, hoặc ngay cửa ra vào sạp, người mua không cần mất công tìm kiếm. Nhiều du khách nước ngoài không khỏi ngỡ ngàng đứng giữa một rừng nhãn hiệu Mango, Esprit, Gap, Zara... Còn các chủ shop thì chỉ quan tâm nếu bạn là người mua sỉ. Cầm một chiếc quần kaki hiệu Mango, tôi hỏi giá, chủ shop nói luôn: “Mới đi mua hàng xuất khẩu lần đầu chứ gì, tất cả các quần Mango, màu nào cũng thế đều tầm khoảng 220.000 - 250.000 đồng/cái, nếu lấy trên 10 cái với các màu khác nhau thì giá dưới còn lấy lẻ một cái thì giá trên. Đầm jeans của Gap thì 125.000 đồng/cái, áo của Mango cũng khoảng 120.000 đồng/cái”. “Ủa vậy không phải hàng xuất khẩu thật hả anh? Nghe nói hàng thật sẽ không có đủ size như thế?”, tôi hỏi lại. “Thật 100% luôn chứ, em không thấy mẫu y chang như mẫu trong các shop hàng hiệu sao?”, anh này giải thích với thái độ khó chịu.

Du khách nước ngoài đang được mời mua “hàng xịn” - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khi chúng tôi đến một shop khác bên Sài Gòn Square, chị chủ khẳng định hàng của chị là hàng xuất khẩu đúng chuẩn nhất so với các shop khác. Giá bán đắt hơn, như đầm và váy của Mango, Zara có giá khoảng 350.000 - 380.000 đồng/cái; đầm, quần, áo, váy của The Limited, Gap hay WareHouse... thì có giá khoảng 350.000 - 400.000 đồng/cái. Xem kỹ mình hàng thì tôi thấy chất liệu vải đẹp mềm và mịn hơn một vài shop bên Taka Plaza một chút còn mẫu mã thì rất giống nhau và giống với hàng hiệu thật. Tuy nhiên, nếu mang chiếc áo hay chiếc quần xuất khẩu này so với hàng chính hiệu ở cửa hàng thì một trời một vực về chất lượng vải, đường may cũng như độ sắc nét. Theo chị này, hiện áo khoác len Zara bán chạy nhất vì trời bắt đầu hơi lành lạnh.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục khảo sát thị trường trong vai người đi tìm nguồn cung cấp hàng thời trang xuất khẩu thật được tuồn ra từ các công ty gia công cho các hãng nước ngoài tại VN thì được chủ các shop tâm sự “thật”. Chủ một đầu mối chuyên tập kết hàng thời trang xuất khẩu ở chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) nói: “Hơn 90% hàng thời trang xuất khẩu trên thị trường là hàng giả. Lượng hàng thật rất ít và chỉ bán cho người quen biết, giá bán bằng một phần ba đến một nửa hàng thật chứ không phải bằng một phần mười hàng thật như các shop rao”.

Một cửa hàng bán hàng xuất khẩu - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đại diện một doanh nghiệp chuyên gia công cho hàng hiệu nước ngoài cũng đã lắc đầu bảo “không có” khi tôi đặt vấn đề muốn hợp tác với công ty đưa hàng xuất khẩu bị lỗi ra ngoài bán. Người này giải thích hàng bị lỗi liền sẽ được mang sửa lại, khi nào sửa không được nữa mới để lại không xuất đi và số lượng cực hiếm.

Nói chung, hàng giả cũng năm bảy loại, tiền nào thì của nấy. Hàng đa phần được các cơ sở nhỏ trong nước lên hàng, nhái theo kiểu dáng của hàng thật rồi sau đó mua nhãn mác bằng vải, bằng giấy gắn vào. Vải và nhãn mác được nhập từ Trung Quốc. Lượng nhãn mác bằng vải, giấy này hiện được bán rất nhiều ở chợ Tân Bình, muốn mua bao nhiêu cũng có.

Nhận diện hàng xuất khẩu thật

Chủ một đầu mối chuyên cung cấp hàng thời trang xuất khẩu của Adidas và Nike khẳng định cũng có thể mua được hàng thời trang xuất khẩu thật trong các trường hợp sau:

- Hàng bị lỗi đã sửa rồi mà vẫn không qua được quy trình kiểm duyệt xuất khẩu, bị rớt lại và đương nhiên số lượng rất ít, sau đó được bí mật tuồn ra ngoài bán lén lút cho người quen hay cho những mối rất thân. Những mối này có được cũng không bán riêng biệt mà trộn chung với hàng giả (nhưng thuộc loại cao cấp với nguyên liệu vải và đường may khá tương đương) để bán được số lượng nhiều hơn. Cách nhận biết là nhìn vào cổ, túi cũng như nhãn mác gắn ở trên cổ áo lẫn bên hông áo. Nếu là hàng thật nhưng bị lỗi thì cổ áo hơi chênh một tí, hay túi áo hơi bị dùn, trên áo có một vết xước rất nhỏ, quần thì dây kéo cũng bị dùn tí xíu... Nhãn mác thì rất sắc sảo bởi được nhập từ nước ngoài về, chẳng hạn như chữ Adidas hay Nike được thêu rõ nét, bóng ánh trong khi nhãn mác nhái nhìn rất mờ nhạt. Và nhãn mác của hàng thật được dập 3 - 4 lớp trong khi hàng giả chỉ dập 1 lớp.

- Hàng được sản xuất từ lượng vải thừa trong quá trình gia công. Lúc này vải được tuồn ra ngoài, người có quen biết với “người” trong công ty sẽ lên hàng y chang như mẫu hàng thật được xuất đi và giá bằng một phần ba đến một nửa hàng chính hãng ngoài thị trường. Trông y chang như hàng thật, hàng này là mua và bán cho người thân quen với nhau nên không cần gắn nhãn mác gì cả. Và đương nhiên số lượng cũng không nhiều, không phong phú màu và size để lựa chọn.

Quản lý thị trường làm việc không xuể

Một cán bộ quản lý thị trường đã phì cười khi tôi hỏi về hàng thời trang xuất khẩu giả bị tịch thu trong thời gian qua. Vị này bảo “bắt mệt nghỉ, bắt không xuể” vì tràn lan ngoài thị trường. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý thị trường TP.HCM, từ đầu năm đến nay, riêng tại chợ Tân Bình đã bắt 5 vụ kinh doanh nhãn mác bằng giấy, vải giả các thương hiệu nổi tiếng để gắn lên quần áo hàng thời trang giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Louis Vuitton, Lacoste, Adidas, Levi's, Chanel, Burberry... (số lượng 46.500 cái). Đó là chưa kể những trường hợp bắt tại khu vực An Đông Plaza (Q.5). Còn với trường hợp buôn bán hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Lacoste, Adidas, Levi's, Chanel, Burberry, Polo, Tommy Hilfiger, Mango, Esprit, Gap, Zara... thì bắt đến 85 vụ, tịch thu 12.868 cái quần áo các loại. 

Cẩm Nhi
Nguồn: Thanh Niên
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.