Chuyên mục
Hà Tĩnh hỗ trợ người dân tái cơ cấu sản xuất sau sự cố Formosa
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Hà Tĩnh hỗ trợ người dân tái cơ cấu sản xuất sau sự cố Formosa

Thứ năm 30/06/2016 17:18 GMT + 7
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, số đền bù Bộ đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ, vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp.

Chiều 30/6, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin về vụ cá chết ở miền Trung. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua,…kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.

Từ các căn cứ nêu trên, các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế trong tháng 4 vừa qua.

Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh cũng đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh đồng thời cam kết công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền 11.500 tỷ, tương đương 500 triệu USD...

Trả lời báo chí về số tiền đền bù 500 triệu USD của Formosa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói: Tôi được biết Tập đoàn Formosa có cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản. Phải nói số đền bù chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ, vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp. Còn thiệt hại lớn hơn nhiều như tổn tương tâm lý, các hệ lụy khác. Ví dụ thiệt hại ở Minamata của Nhật Bản do một công ty Nhật xả thải gây ra các bạn nghĩ là bao nhiêu, vẫn chưa tính được".

"Chúng tôi không cần thiết ở chỗ bao nhiêu mà yêu cầu Formosa và cổ đông thay đổi công nghệ, không để xảy ra tình trạng như vậy, xử lý ô nhiễm môi trường, hỗ trợ người dân xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường. Kinh phí đó không phải lớn".

Tuy chưa hết băn khoăn lo lắng sau khi nguyên nhân và thủ phạm chính gây ra sự cố môi trường biển được công bố, song người dân và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực thực hiện là tái cơ cấu sản xuất, hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống. 


Tàu cá vỏ thép HT 96716 TS được hạ thủy và bàn giao cho ngư dân Hà Tĩnh. (Nguồn: Ảnh Đậu Hà/TTXVN)
Hà Tĩnh có bờ biển dài 137km kéo dài từ huyện Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh với 4 cửa sông và nhiều bãi triều. Diện tích thềm lục địa là 18.400km2, trữ lượng cá ước tính 86.000 tấn. 

Toàn tỉnh có 34 xã thuộc các huyện, thị xã ven biển với số dân 268.871 người, theo đó có trên 16.000 hộ với khoảng 80.000 người lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Ngoài ra rất nhiều gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề liên quan đến biển như sản xuất muối, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hải sản; kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển và các lĩnh vực khác. 

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau sự cố hải sản chết xảy ra tại các địa phương ven biển, tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, đồng thời đã ban hành và triển khai ngay các chính sách hỗ trợ. Nhờ vậy, đến nay đời sống của người dân đã từng bước ổn định. 

Từ đầu tháng Năm, tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách 6,05 tỷ đồng mua 605.212kg gạo cấp hỗ trợ khẩn cấp cho 26.898 nhân khẩu thuộc 6.254 hộ tại vùng bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. 

Tiếp đó, Hà Tĩnh tiếp nhận thêm 899.460kg gạo từ Quỹ dự trữ quốc gia tiến hành cấp phát cho 39.976 nhân khẩu thuộc 10.667 hộ gia đình tại các xã ven biển Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân và huyện, thị xã Kỳ Anh; hỗ trợ cho 4.681 chủ tàu, thuyền với số tiền là 21.557 triệu đồng. 

Hà Tĩnh đã kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức thu mua muối và có các chính sách hỗ trợ lãi suất thu mua muối cho diêm dân; đến nay các doanh nghiệp đã vay 750 triệu đồng để thu mua muối cho diêm dân. 

Ngoài ra, tỉnh còn mở hàng chục điểm kinh doanh, thu mua hải sản an toàn và có các chính sách kịp thời để các cửa hàng, các đơn vị thu mua hải sản cho nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các tổ chức các nhân trong và ngoài nước quyên góp tiền trên 18 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. 

Đến thời điểm cuối tháng Sáu, tình hình lao động sản xuất tại Hà Tĩnh đã từng bước ổn định, từ 10/5-21/6 người dân vùng ven biển đã ra khơi bám biển, sản lượng khai thác ước đạt 4.874 tấn.

Lĩnh vực nuôi trồng hải sản cũng từng bước khôi phục, bà con đã tiến hành thả nuôi trên 1.487ha, còn lại gần 1.290ha nuôi tôm, cá mặn lợ chưa thả nuôi theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ và có các chính sách giúp đỡ người dân ổn định sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. 

Tỉnh Hà Tĩnh tham mưu các bộ, ngành của Trung ương sớm tái cơ cấu kinh tế và có các chính sách phát triển phù hợp, giúp nhân dân chuyển đổi hình thức sản xuất, chuyển đổi và tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh có các văn bản hướng dẫn các sở, ngành hỗ trợ lãi suất, tiền cho người dân vùng ven biển đóng mới nâng cấp tàu, thuyền đánh bắt hải sản ở vùng biển an toàn nhằm đảm bảo nguồn hải sản an toàn, vừa nâng cao thu nhập vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển đảo. 

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hạ tầng để phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản sạch, thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước như dự án của Tập đoàn FLC, Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót, huyện Lộc Hà. 

Tỉnh Hà Tĩnh tăng cường quản lý nhà nước về môi trường, kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu Kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là tại các Dự án có lượng xả thải ra môi trường lớn; hoàn thành sớm việc xây dựng Trạm quan trắc môi trường tự động tại Khu kinh tế Vũng Áng để giám sát việc xả thải của Formosa và các Dự án trong Khu kinh tế. 

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động gây rối làm mất an ninh trật tự trên địa bàn./. 
Nguồn: vietnamplus.vn, doanhnghiepvn.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.