Chuyên mục
Điều gì sẽ xảy ra sau khi Thái Lan thâu tóm ngành bán lẻ Việt Nam?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi Thái Lan thâu tóm ngành bán lẻ Việt Nam?

Thứ sáu 12/02/2016 08:18 GMT + 7
Hậu quả quan trọng nhất là, với việc nắm trong tay phần lớn hệ thống bán lẻ tại thị trường nội địa Việt Nam, người Thái đã hoàn tất một chu trình khép kín để hàng hóa Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và đẩy bật hàng Việt ra ngoài.


Hàng Thái Lan đang tràn ngập các siêu thị.

Năm 2016 được kỳ vọng là thời điểm đánh dấu sự hội nhập sâu rộng nhất của kinh tế Việt Nam từ trước đến nay, khi hàng loạt hiệp định thương mại quan trọng như TPP và các FTA có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thông qua xuất khẩu và hàng loạt các lĩnh vực khác. Nhưng khi những lợi ích xuất khẩu mà Việt Nam có thể nhận được còn chưa thấy tăm hơi đâu, thì những làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài đang tràn vào thị trường nội địa. 

Và trong những làn sóng mạnh mẽ đó, có không ít những con cá mập háu đói đang đe dọa nuốt chửng một hoặc nhiều phần trong nền kinh tế nội địa của Việt Nam. Con cá mập đầu tiên hẳn đang là người Thái, và con mồi mà con cá mập này nhắm đến là hệ thống bán lẻ của Việt Nam, và một khi đã nuốt được con mồi này, đàn cá mập Thái Lan sẽ đe dọa của nền kinh tế nội địa của Việt Nam.

Người Thái đang là những nhà đầu tư nổi bật nhất tại thị trường Việt Nam vào thời điểm hiện tại, đặc biệt là trong thị trường bán lẻ khi họ đã qua mặt cả những tên tuổi lớn hơn của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Những vụ M&A (mua bán và sáp nhập thương hiệu) lớn nhất tại thị trường bán lẻ của Việt Nam trong thời gian qua đều là những phi vụ do người Thái thực hiện. 

Cụ thể là, vào tháng 1.2015 tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan là Central Group đã thâu tóm 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim; sau đó một năm vào tháng 1.2016 tập đoàn TCC của Thái Lan đã thâu tóm chuỗi siêu thị Metro của Đức bao gồm 19 trung tâm thương mại với cái giá khoảng gần 655 triệu euro (khoảng 880 triệu USD). Đó là chưa kể, nhiều khả năng chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu tại thị trường Việt Nam là BigC của Pháp cũng sẽ thuộc về các tập đoàn Thái Lan trong thời gian tới.

Việc các tập đoàn Thái Lan hướng tới các thương vụ mua bán và sáp nhập các thương hiệu bán lẻ lớn tại thị trường Việt Nam trên thực tế chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược quy mô xâm nhập vào thị trường nội địa Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Rất nhiều các doanh nghiệp đứng đầu trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam đã bị thôn tính bởi các tập đoàn Thái Lan, chẳng hạn như Prime Group trong lĩnh vực sản xuất gạch và vật liệu xây dựng, hay nhựa Tiền Phong và nhựa Bình Minh trong ngành công nghiệp chất dẻo. Bằng cách nắm được các doanh nghiệp đầu ngành trong hàng loạt các lĩnh vực của nền kinh tế, các tập đoàn Thái Lan sẽ có thể chi phối được một phần lớn khả năng sản xuất và tiêu thụ của thị trường nội địa Việt Nam.

Tuy nhiên, việc người Thái muốn thâu tóm thị trường bán lẻ lại mang một vai trò lớn hơn các thương vụ sáp nhập trong hàng loạt các lĩnh vực khác rất nhiều. Nếu như việc thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, như vật liệu xây dựng hay nhựa, chỉ cho phép các tập đoàn Thái Lan can thiệp được vào khía cạnh sản xuất trong nội bộ các ngành đó, thì việc kiểm soát hệ thống bán lẻ có thể cho phép người Thái mở rộng tầm kiểm soát sang cả các lĩnh vực mà trước đó không thể chi phối. 

Theo đánh giá của ông Vũ Vĩnh Phú, chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội, thì nếu hệ thống siêu thị BigC rộng lớn với 32 điểm phân phối lọt nốt vào tay người Thái Lan thì có thể gây sức ép lớn với hàng loạt các ngành sản xuất trong nước dù họ không kiểm soát được các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó. Điển hình như việc cách đây 4 năm, công ty C.P đã từng tăng giá trứng lên gấp 2 lần mà không có lý do, bởi họ nắm giữ tới 30-40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống các siêu thị.

Nhưng, hậu quả quan trọng nhất là, với việc nắm trong tay phần lớn hệ thống bán lẻ tại thị trường nội địa Việt Nam, người Thái đã hoàn tất một chu trình khép kín để hàng hóa Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và đẩy bật hàng Việt ra ngoài. Khi tập đoàn BJC của Thái Lan đàm phán mua lại hệ thống siêu thị Metro, thì đại diện của tập đoàn này đã tuyên bố sẽ đưa vào hàng hóa Thái Lan chiếm tới 60% lượng hàng hóa ở siêu thị này. Đây là một nguy cơ nghiêm trọng đối với hàng hóa Việt Nam vốn kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa Thái Lan, cả từ chất lượng cho đến giá thành sản phẩm. 

Ở thời điểm hiện tại, hàng hóa Việt Nam trong các siêu thị tại thị trường nội địa vẫn chiếm từ 80-90%, nhưng tỷ lệ này được dự báo là không bền vững, đặc biệt là trong thời gian tới khi hàng loạt hệ thống siêu thị bán sỉ và bán lẻ lớn tại Việt Nam ở trong tay các tập đoàn Thái Lan, và hầu hết các tập đoàn này đều có ý định tăng tỷ lệ hàng hóa Thái Lan tại các hệ thống siêu thị này.
Khi đó, chu trình khép kín để Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực sẽ gần như hoàn tất. Khi thuế nhập khẩu sẽ giảm đáng kể thông qua các quy định của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thì chắc chắn hàng hóa sản xuất từ Thái Lan sẽ ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam và được dự báo sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường do chất lượng tốt và giá thành khá rẻ so với hàng hóa Việt Nam. 

Và với việc sở hữu một bộ phận lớn hệ thống bán lẻ tại thị trường Việt Nam, thì tốc độ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam của hàng hóa Thái Lan sẽ càng được đẩy nhanh hơn nữa. Không chỉ thế, mà một số các siêu thị của Việt Nam cũng đang bắt đầu xu hướng nhập hàng Thái Lan về bán do những ưu thế lớn về chất lượng và giá cả.

Nếu kịch bản tồi tệ này xảy ra, thì cũng sẽ đồng nghĩa với việc hàng loạt các ngành sản xuất trong nước rơi vào cảnh bị chèn ép, không thể cạnh tranh và có thể rơi vào tình trạng sụp đổ do không có chỗ đứng trong hệ thống siêu thị của các tập đoàn Thái Lan. Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế nội địa Việt Nam trong tương lai vì thế nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng và chi phối lớn từ phía các tập đoàn Thái Lan: người Thái sẽ kiểm soát và chi phối trong hàng loạt các lĩnh vực mà họ đã nắm trong tay những doanh nghiệp đầu ngành; còn trong các lĩnh vực họ không thể kiểm soát, thì sẽ tìm cách chi phối và tác động thông qua hệ thống các siêu thị lớn đang nằm trong tay họ, bằng cách loại các sản phẩm hàng hóa Việt Nam và thay thế bằng hàng hóa sản xuất từ Thái Lan. Trong kinh doanh, ai nắm được hệ thống phân phối là người đó thắng.

Để cải thiện tình hình, cách duy nhất mà Việt Nam có thể làm là nâng cao thị phần và khả năng cạnh tranh các hệ thống siêu thị bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước, vì các quy định của các hiệp định thương mại không cho phép chúng ta có thể quy định tỷ lệ hàng hóa Việt Nam và hàng nước ngoài trong các siêu thị, cũng như không thể ngăn cản các tập đoàn nước ngoài tham gia vào hệ thống bán lẻ tại thị trường trong nước. 

Tính đến thời điểm hiện tại chỉ có hai hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nội vẫn còn trụ vững là Vingroup và Co.opmart. Chỉ có cách phát triển hệ thống siêu thị bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước để nâng cao thị phần và khả năng cạnh tranh thì mới tránh được kịch bản hàng hóa Việt Nam bị chèn ép bởi các tập đoàn nước ngoài.

Và để làm được điều đó, thì điều cốt yếu nhất vẫn là cải thiện toàn bộ nền kinh tế và khả năng sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước, vì nếu như hàng hóa Việt Nam vẫn thua sút so với hàng hóa Thái Lan về chất lượng và giá cả thì mọi chuyện sẽ không thể thay đổi, và thậm chí là còn có thể dẫn đến việc các hệ thống siêu thị bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước còn đi nhập khẩu hàng hóa Thái Lan về để bán, vì trong kinh doanh thì lợi nhuận vẫn là vấn đề số một.

Nhàn Đàm
Nguồn: motthegioi.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.