Chuyên mục
'Bầu sô' nông dân Tăng Xuân Trường kể chuyện đi buôn rau 7 quốc gia
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

'Bầu sô' nông dân Tăng Xuân Trường kể chuyện đi buôn rau 7 quốc gia

Thứ bảy 10/03/2018 09:34 GMT + 7
Hỏi đến cái tên Tăng Xuân Trường hàng ngàn hộ trồng rau ở Hải Dương đều biết đến vai trò “bầu sô” xuất bán rau đi nước ngoài. Hiện anh Trường đang là Giám đốc Công ty TNHH MTV Hưng Việt đang vận hành chuỗi nhà máy sơ chế, bảo quản và đóng gói rau, củ, quả khép kín và hiện đại nhất nhì tỉnh Hải Dương.

Xuất khẩu rau đi 7 nước

Đến thăm khu sơ chế, bảo quản, đóng gói rau quả thực phẩm của anh Trường có tới vài chục người luôn tay luôn chân rửa rau, củ, phân loại, đóng hộp vận chuyển vào kho lạnh. Nhóm khác lại tất bật với việc xếp hàng vào xe container. Hơi nhà lạnh tỏa khắp mọi nơi, ấy vậy mà người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại.

Khu sơ chế rau, củ, quả thực phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Hưng Việt đóng trên địa bàn huyện Gia Lộc (Hải Dương).  Ảnh: Nguyễn Công.

Hiện với diện tích trên 11.200m2, nhà máy của anh Trường có chuỗi cung ứng nguyên liệu rộng lớn, cùng với hệ thống các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Nhà máy có hệ thống kho lạnh cao cấp với 12 kho với tổng công suất chứa 2.000 tấn nông sản. Hiện, hệ thống kho lạnh này đã được áp dụng công nghệ mới nhất với tính năng làm lạnh nhanh, bảo quản lạnh, thời gian bảo quản lâu dài, chất lượng sản phẩm cao. Bên cạnh đó, nhà máy còn được đầu tư dây chuyền rửa, phân loại thành phẩm nông sản... nhằm đảm bảo cung cấp những đơn hàng chất lượng ra thị trường.

Anh Trường phấn khởi cho biết, so với thời gian đầu, hiện thị trường tiêu thụ không chỉ mở rộng trong nước mà còn vươn xa xuất khẩu sang nước ngoài. “Ngoài thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Hưng Việt do tôi điều hành còn xuất khẩu nông sản sang 7 nước khác, đáng chú ý công ty đã chinh phục được thị trường các nước vốn “khó tính” và yêu cầu cao và nghiêm ngặt về chất lượng nông sản như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…”

Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp Hưng Việt tiêu thụ 300 tấn rau, củ, quả các loại. Sản lượng nông sản tiêu thụ năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, Công ty TNHH MTV Hưng Việt thu mua và xuất bán hơn 22.000 tấn rau, củ, quả các loại, trong đó tiêu thụ thị trường trong nước 15.000 – 16.000 tấn và xuất khẩu sang nước ngoài 7.000 tấn.

Bí quyết “đem chuông đi đánh xứ người”

Trở lại với khó khăn nhất của người nông dân hiện nay là tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Trường cho rằng để giải quyết “bài toán” này cần hướng dẫn, hỗ trợ bà con chuyển đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết với nhau tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Như vậy các doanh nghiệp dễ dàng liên kết bao tiêu sản phẩm.

“Một điểm nữa, bà con cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bởi để xuất khẩu đi nước ngoài, nông sản an toàn vẫn chưa đủ, mà còn phải đồng đều và có mẫu mã đẹp. Tôi thấy một trong những hạn chế lớn nhất của nông dân Việt Nam hiện nay là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Để giải bài toán này không chỉ cần sự năng động, nỗ lực của riêng người nông dân mà còn cần cả sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban ngành liên quan.

Làm việc với các đối tác nước ngoài họ yêu cầu rất cao về khối lượng cũng như chất lượng nông sản. Mỗi nước có 1 quy cách riêng về cách đóng gói và mẫu mã nông sản mình phải tìm hiểu và nghiêm ngặt tuân theo. Ngoài ra, việc xuất khẩu nông sản sang nước ngoài tốn nhiều thời gian, vì vậy việc bảo quản nông sản rất là khâu then chốt. Mỗi mặt hàng nông sản đều có 1 quy cách bảo quản riêng, ví dụ như rau ăn lá cần bảo quản ở nhiệt độ 1 – 2 độ C, loại củ như cà rốt bảo quản ở nhiệt độ 0 độ C…”, anh Trường chia sẻ.

Mong muốn được hỗ trợ về vốn

Sinh năm 1972, cầm tinh con chuột, học xong lớp 10 phổ thông thì, anh Tăng Xuân Trường đi bộ đội liền 4 năm. Rời bộ đội, anh Trường về quê ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) trồng rau. Thực sự khi “xắn tay” làm anh ND trồng rau, mình mới thấy hết nỗi khổ của bà con. Nhọc nhằn, vất vả vô cùng mới làm ra được cây rau, nhưng trúng mùa thì rớt giá. Có vụ bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt chất đầy ngoài bờ ruộng, thương lái chả thấy bóng dáng đâu đành bỏ thối, tiếc đứt ruột.

Rồi anh Trường một mình khăn gói, lúc đi tàu, khi bắt xe khách lặn lội đi khắp miền Trung, rồi ngược vào Nam tìm và đặt mối tiêu thụ rau xanh. Anh sang tận Trung Quốc tìm hiểu thị trường và chọn đối tác buôn rau qua cửa khẩu. Bức tranh thị trường tiêu thụ ngày một rõ, anh quay sang vận động, thuyết phục bà con trong xã cho thuê đất để trồng rau.

Dây chuyền sơ chế, đóng gói, đưa vào kho bảo quản để xuất khẩu mặt hàng củ cà rốt sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản của Công ty TNHH MTV Hưng Việt. Ảnh: Phương Đông. 

Khi các mối đặt hàng nhiều hơn, anh lại đứng ra tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống và ký hợp đồng thu mua sản phẩm với hàng ngàn hộ trồng rau trong và ngoài huyện. Ngành nông nghiệp, Hội ND tỉnh những năm qua tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn ND trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP chính là điều kiện thuận lợi giúp anh Trường thu mua nông sản chất lượng. Có được chút lời lãi, cộng với vay mượn thêm tôi lại dùng để mua sắm xe vận tải, xây kho lạnh, xưởng sơ chế… rồi tiến tới mở Công ty TNHH MTV Hưng Việt.

Tuy vậy, theo thổ lộ của anh Trường, để có thành công như ngày hôm nay anh đã phải trải qua biết bao “pha” thất bại, mất mát. “Ban đầu, do tiền vốn ít, đầu tư xe lạnh chưa đủ chuẩn, mang rau vào miền Nam gặp trời nắng nóng vàng rũ hết, tôi còn phải mất thêm tiền để ngành vệ sinh mang đi vứt hộ. Thiệt hại nặng nề nhưng tiền thu mua rau tôi vẫn trả đầy đủ cho bà con. Đối với tôi kiên trì, bền bỉ và chữ tín là quan trọng nhất – Đây chính là bí quyết giúp tôi phát triển vững mạnh như bây giờ, anh Trường thổ lộ.

Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều người nông dân khác, đi lên từ 2 bàn tay trắng trong quá trình khởi nghiệp anh Trường thiếu vốn rất nhiều.

“Để đầu xây dựng nhà máy, tôi phải đi vay vốn ngân hàng rất nhiều. Thế nhưng, tôi thấy thủ tục vay vốn vẫn khá rườm rà và điều kiện vay nhiều khi “làm khó” nông dân. Tôi đề nghị Nhà nước nên có nhiều cơ chế, chính sách nhất là về chính sách tín dụng nông nghiệp hỗ trợ những nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như chúng tôi. Bản thân tôi hiện nay cũng đang có rất nhiều dự định, phát triển thêm nhưng rào cản lớn nhất hiện nay chính là vốn. Không có vốn thì không thể làm gì được”.

Gửi hồ sơ tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” trước ngày 30.3.2018

Hồ sơ của nông dân, hội viên nông dân tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” gửi về Ban tổ chức trước ngày 30.3.2018, theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay - Tầng 9, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0243.8472263; email: toilanongdan40@gmail.com.
Thể lệ cuộc thi, xin mời xem trên Báo Điện tử Dân Việt (danviet.vn)


NTNN

Thu Hà
Nguồn: danviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.