Chuyên mục
Bài 2: Nhiều
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Bài 2: Nhiều "Ví điện tử" đang hoạt động trái pháp luật

Thứ hai 12/03/2018 16:10 GMT + 7
Ví điện tử được coi như một tài khoản điện tử, đóng vai trò thực hiện các giao dịch trực tuyến, bao gồm cả các hoạt động chuyển tiền, rút tiền có kết nối với các ngân hàng…Tại Việt Nam có khá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử như momo, VTC pay, Zalopay, Gamebank, ngân lượng… trong đó nhiều ví đang hoạt động trên mô hình buôn bán các thẻ cào điện thoại, thẻ game, mặc định coi đây như một dạng tiền ảo để thanh toán cho các dịch vụ có kết nối với ví.

Đường đi của dòng tiền phi pháp 

Theo tìm hiểu, chúng tôi phát hiện người dùng sau khi tham gia đánh bạc và đổi thưởng thành các mã thẻ cào điện thoại điện tử. Nhưng với những người không có nhu cầu sử dụng những mã thẻ này để nạp tiền thì phải có một hệ thống để chuyển đổi thành tiền mặt hoặc cho phép sử dụng thẻ cào như một dạng tiền để chi tiêu sử dụng, thanh toán cho các dịch vụ. Đây chính là nguyên nhân gần đây hàng loạt ví điện tử ra đời với mô hình tài chính cho phép nạp thẻ cào điện thoại vào ví để sử dụng.

Hiện nay có rất nhiều ví điện tử đang liên tục quảng cáo dịch vụ thu mua, đổi  thẻ cào điện thoại thành tiền mặt như: Airpay, Gamebank, Vimo, Vippay, Bảo kim…với chiết khấu khoảng 20% (nạp 1 triệu tiền thẻ, thu về được 800.000 VNĐ). Các ví điện tử nói trên đều xây dựng một hệ thống với các chức năng chính như sau: nạp tiền, chuyển tiền và rút tiền. Người dùng muốn sử dụng dịch vụ ví điện tử cần đăng ký tài khoản, sau đó tùy vào mục đích để sử dụng.



Như  ví điện tử Vimo được giới thiệu là sản phẩm đồng thương hiệu của Tổng công ty viễn thông MobiFone và Công ty cổ phần công nghệ Vimo, khách hàng có thể nạp tiền vào ví thông qua các mã thẻ cào điện thoại của các nhà mạng với phí đổi thẻ khoảng 20%. Sau khi khách hàng có tiền trong tài khoản hoàn toàn có thể dùng dịch vụ chuyển tiền đến số điện thoại di động, thẻ visa, thẻ ATM, số tài khoản ngân hàng hoặc có thể rút tiền mặt thông qua các hình thức tương tự. Hay như Ví điện tử GameBank cũng cho phép nạp tiền bằng thẻ cào và khẳng định trên website là đơn vị một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam cung cấp dịch vụ tích hợp thanh toán bằng thẻ cào từ năm 2012, cho phép chuyển đổi các thẻ Mobifone, Viettel, Vinaphone, VNmobile, gate, Zing, Vcoin, Bit thành tiền mặt với bảng phí khoảng 22%...Các đơn vị trung gian cung cấp Ví điện tử còn cho phép người dùng giao dịch rút tiền không qua ngân hàng.

Đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, các ví điện tử hoạt động theo mô hình thu mua các mã thẻ cào đóng vai trò khá quan trọng trong “hệ sinh thái tài chính phi pháp” mà chúng tôi đã nhắc tới. Bởi lẽ, những người tham gia đánh bạc online phải nạp tiền thật (thẻ cào) để chơi, khi thắng thì họ chỉ nhận được tiền “ảo” trong game. Nếu không có hệ thống cho đổi từ tiền “ảo” sang thật thì sẽ không có người tham gia. Do đó, trong game online có một hệ thống cho phép đổi từ tiền ảo sang các thẻ cào điện thoại các nhà mạng, khách hàng khi đổi sẽ nhận được các mã số điện tử. Nhưng những mã số này không được bảo mật, sẽ xảy ra tình huống nếu người dùng không nạp thẻ ngay, hoặc tìm được người để bán thì rất có thể mã số thẻ cào đó sẽ bị người khác sử dụng. Chính vì vậy mà những công ty phát triển mô hình Ví điện tử được xây dựng, tạo ra các hệ thống để có thể thu mua các mã thẻ của người dùng có được với chiết khấu khá cao (trung bình khoảng hơn 20%).

Như vậy, các Ví điện tử đang mặc định coi các “Thẻ cào” của các nhà mạng là một dạng tiền có tỷ giá khoảng bằng 80% so với VNĐ. Khách hàng khi nạp tiền bằng thẻ cào vào Ví điện tử thì hoàn toàn có thể sử dụng tiền trong ví để chi tiêu cho các dịch vụ có kết nối hoặc rút tiền mặt bằng nhiều hình thức. Nguy hại hơn nếu có một nguồn tiền “bẩn” cần được rửa thì chỉ cần thông qua hình thức nạp tiền thẻ cào qua ví điện tử, tiền hoàn toàn đã được “rửa” và có thể sử dụng trong xã hội chỉ trong vòng…chưa đến một giây.

Ví điện tử là mô hình tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong quá trình tìm hiểu về mô hình hoạt động của Ví điện tử, chúng tôi nhận thấy trên thị trường có một số ví điện tử không chấp nhận với hình thức nạp tiền vào tài khoản từ thẻ game, thẻ điện thoại. Trao đổi với đơn vị phụ trách truyền thông của ZaloPay, chúng tôi được biết, ZaloPay là sản phẩm ví điện tử, cung cấp các dịch vụ bên trong ứng dụng. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao trong ZaloPay không có phần nạp tiền thông qua thẻ cào, phía đơn vị đã khẳng định sản phẩm ví điện tử ZaloPay tuân thủ chặt chẽ quy định về ví điện tử của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, ZaloPay không hỗ trợ nạp tiền theo các hình thức nạp tiền qua thẻ game hay thẻ điện thoại. Để nạp tiền vào ví chỉ có thể sử dụng các nguồn tiền hợp lệ, hợp pháp từ ngân hàng chứ không thể có một hình thức nào khác.

Theo Thông tư số 39/2014/TT-NHNN (Thông tư 39) của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, tại khoản 3, điều 9 đã yêu cầu hoạt động cung ứng Ví điện tử: Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại Ngân hàng. Đây là việc các tổ chức trung gian như Ví điện tử buộc phải tuân thủ theo quy định để phòng, chống rửa tiền. Nhưng thực tế rất nhiều Ví điện tử không những không tuân thủ theo Thông tư 39 mà còn ngang nhiên công khai quảng cáo các dịch vụ nạp tiền từ nhiều hình thức khác không phải từ ngân hàng.



Nhiều chuyên gia tài chính cũng khá e ngại trước tình trạng thời gian qua hàng loạt đơn vị đua nhau ra mắt các loại ví điện tử để giúp khách hàng thuận tiện trong các giao dịch điện tử lại cho sử dụng các hình thức nạp, rút tiền ngoài ngân hàng. Nhưng một trong những nguy cơ của nạn rửa tiền của tội phạm chính là tìm cách đưa dòng tiền bất hợp pháp vào lưu chuyển trong hệ thống kinh tế tài chính. Đây là giai đoạn khó khăn của tội phạm rửa tiền vì tiền và tài sản bất hợp pháp sẽ được cơ quan điều tra theo dõi. Hơn nữa, các cơ quan chức năng sẽ đặt ra các quy chế, quy định pháp luật để khống chế tội phạm rửa tiền thông qua việc quy định lượng tiền mặt được chuyển qua biên giới, số tiền được thanh toán, khai báo ngân hàng…

Nhưng nếu những ví điện tử hoạt động bằng cách nạp tiền từ thẻ điện thoại, thẻ game thì lại quá đơn giản khi chỉ cần đưa luồng tiền bẩn thành các mã thẻ cào, sau đó nạp vào ví điện tử và sẽ rút ra tại một ngân hàng, tài khoản bất kỳ không nhất thiết ngân hàng đó phải đặt ở Việt Nam. Chưa kể đến, một số ví điện tử còn cho phép nạp tiền mặt trực tiếp như Momo, chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ví điện tử, trong khi đó việc lập một tài khoản ví điện tử khá đơn giản chỉ cần một sim điện thoại là đăng ký được. Việc dễ dãi trong hoạt động chuyển tiền, đưa dòng tiền luân chuyển trong ví điện tử sẽ tạo ra nguy cơ rửa tiền, hối lộ ẩn danh, nhận tiền hối lộ ẩn danh…và nhiều hoạt động trái pháp luật khác.



Mô hình “ví điện tử” cho phép nạp tiền từ thẻ cào không chỉ giúp giải “bài toán” đổi tiền ảo thành thật cho các đối tượng đánh bạc trực tuyến mà còn tạo ra nguy cơ rửa tiền tại Việt Nam. Đây có thể coi là một “mắt xích” khá quan trọng trong “hệ sinh thái tài chính phi pháp” mà chúng tôi đã tìm hiểu. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi lại được biết, các Ví điện tử nói trên khi chấp nhận nạp thẻ cào vào ví phải có kết nối hệ thống với các nhà mạng, các ngân hàng để thực hiện quá trình luân chuyển dòng tiền chạy trong hệ thống. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này trong bài tiếp theo.

Minh Quân
Nguồn: congluan.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.