Chuyên mục
Cuộc đua điên cuồng phía sau chiếc thang máy nhanh nhất thế giới
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cuộc đua điên cuồng phía sau chiếc thang máy nhanh nhất thế giới

Thứ bảy 14/01/2017 09:30 GMT + 7
Một cuộc di chuyển trong thang máy thường chẳng mang tới trải nghiệm quá đặc biệt để ai đó phải ghi nhớ bằng mọi giá. Nhưng mỗi khi bước chân vào chiếc thang máy ở Tháp Thượng Hải, các vị khách đều rút máy ảnh ra khỏi túi.

Tháp Thượng Hải, tòa nhà cao thứ hai thế giới hiện nay, đang sở hữu chiếc thang máy có tốc độ nhanh nhất.

Cả thế giới “chào thua” người Trung Quốc

Khi các cánh cửa thang máy trong tòa tháp đóng lại, màn hình phía trước mặt sẽ cho bạn biết vị trí chính xác, khi chiếc thang lao vun vút lên đài quan sát mới được khai trương của tòa nhà. Một người phụ nữ ăn mặc rất bặt thiệp, chịu trách nhiệm điều khiển thang, thông báo với khách rằng thang giờ đã đạt tốc độ 18 mét/giây, tức gần 65km/h. “Thang này nhanh thật đấy”, một vị khách thốt lên như thế trong chuyến đi gần đây. Thực tế thì đây là chiếc thang máy nhanh nhất thế giới.

Tại một lễ kỷ niệm tổ chức ở Tokyo vào đầu tháng 12, các thang máy của Tháp Thượng Hải và công ty tạo ra nó là Mitsubishi Electric đã chính thức được trao tặng kỷ lục Guinness thế giới vì có tốc độ nhanh nhất.

Tuy nhiên không nhiều vị khách có cơ hội được trải nghiệm tốc độ cao, ngay cả khi họ đã lên đài quan sát bằng chính chiếc thang này. Để có thể khiến thang chạy với tốc độ cực đại, bạn phải đi cùng với một kỹ thuật viên của Mitsubishi, người sẽ bật một công tắc giải phóng sức mạnh cho hệ thống nâng của chiếc thang.

Có thể nói rằng, khi bàn tới tốc độ của thang máy, cả thế giới không thể theo kịp người Trung Quốc. Tháp Burj Khalifa ở Dubai hiện là công trình duy nhất trên thế giới cao hơn Tháp Thượng Hải. Nhưng thang máy ở đây chỉ di chuyển với tốc độ bằng chưa đầy một nửa.

Thang máy có tốc độ nhanh nhất của phương Tây được lắp đặt tại Trung tâm Thương mại thế giới 1 ở Manhattan, New York, Mỹ. Nhưng nó di chuyển với tốc độ chỉ 37km/h.

Trong khi đó, các thang máy của Tháp Thượng Hải chạy còn nhanh hơn cả Twilight Zone Tower of Terror, một trò chơi tốc độ cao mạo hiểm ở công viên Disney, tại đó người chơi được máy phóng lên trên không với tốc độ 62km/h.

Cuộc đua tốc độ di chuyển lên cao

Ngược dòng lịch sử, chiếc thang máy an toàn đầu tiên của thế giới được Công ty Otis của Mỹ lắp đặt vào năm 1857 tại một tòa tháp ở New York. Chiếc thang máy này, có khả năng di chuyển qua 5 tầng nhà với tốc độ chỉ… 1km/h, đã gây chấn động khi ấy.

Theo Lee Gray, một giáo sư kiến trúc tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, Mỹ, tốc độ thang máy tăng dần khi những chiếc thang chuyển từ việc dùng các động cơ hơi nước khá nguy hiểm sang các hệ thống dùng thủy lực và sau đó là các hệ thống dùng điện.

Du khách Châu Âu sang Mỹ đã sớm cảm thấy choáng bởi tốc độ thang máy ở nơi đây. “Người Anh thường ghé thăm Mỹ và họ sẽ nói rằng, trời ơi, vì sao thứ này lại đi nhanh vậy?”, Gray nói.

Trong phần lớn thế kỷ 20, những chiếc thang máy nhanh nhất đều được lắp đặt ở các thành phố của Mỹ. Sau đó, cuộc đua tốc độ đã chuyển sang Châu Á.

Vì sao các công ty Nhật Bản thống trị lĩnh vực thang máy tốc độ cao vẫn là điều còn phải tranh cãi. Một số cho rằng vì thang máy Nhật chia sẻ cùng công nghệ với tàu siêu tốc hình viên đạn - những sản phẩm mà các công ty như Hitachi và Toshiba góp phần tạo ra. Số khác cho rằng vì người tiêu dùng Nhật Bản nổi tiếng khó tính, thích đi những chiếc thang máy êm ái với tốc độ cao nên các nhà sản xuất luôn phải tìm cách cải thiện sản phẩm của họ.

Có điều chắc chắn là những chiếc thang này luôn gây tốn kém rất nhiều tiền của và nhân lực. Chúng cần phải được thử nghiệm hoạt động trong các tòa tháp cỡ lớn, được xây theo yêu cầu riêng. Những chiếc thang này phải được tăng áp để khiến các vị khách bên trong cảm thấy thoải mái dù họ đang đi lên cao với tốc độ rất nhanh. Theo Mitsubishi, 40 chuyên gia của họ đã tập trung làm việc để cho ra những chiếc thang máy ở Tháp Thượng Hải.

Mitsubishi và Hitachi không tiết lộ thang máy của họ tốn kém bao nhiêu tiền. Nhưng Jim Fortune, một nhà tư vấn thang máy ở Mỹ ước tính việc lắp đặt mỗi thang này có chi phí khoảng 3 triệu USD. Theo ông, các công ty hầu như chẳng thể thu lời từ việc lắp đặt những chiếc thang máy tốc độ cao, nếu không muốn nói rằng họ có thể bị lỗ tiền. Và vì thế, xét trên phương diện kinh doanh thì đầu tư vào thang máy tốc độ cao giống như một quyết định điên rồ. “Tất cả những chuyện này chỉ nhằm tạo ra quyền khoe khoang thành tích hay để có được hợp đồng bảo trì những chiếc thang đó”, ông nói.

Rất nhiều người trong ngành sản xuất thang máy cũng đồng tình với nhận định này. Họ cho rằng trong khi công nghệ được phô diễn rất ấn tượng, tốc độ nhanh không phục vụ một mục đích cụ thể nào cả. Nhưng tốc độ cao có thể được dùng như một công cụ tiếp thị, biến các thang máy thành những điểm thu hút du khách. Và trong một ngành công nghiệp với đầy những thăng trầm, danh tiếng có vai trò rất quan trọng.

Ba chiếc thang máy được Mitsubishi Electric lắp đặt trong Tháp Thượng Hải. Chiếc bên phải nhanh nhất thế giới hiện nay, có thể đạt tốc độ 20,5 mét/giây, tức khoảng 73,7km/h.

“Cơn sốt vàng” trong làng sản xuất thang máy

Có thể nói ngành sản xuất thang máy chưa từng trải qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Vì sao? Câu trả lời là vì Trung Quốc.

Trong vòng 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đô thị hóa rất nhanh. Để thúc đẩy mật độ dân sống ở đô thị, hàng trăm ngàn chiếc thang máy và thang cuốn đã được lắp đặt mỗi năm. Hiện có khoảng hơn 4 triệu chiếc thang máy ở Trung Quốc, nhiều gấp 4 lần Mỹ. Cách đây chỉ một thập kỷ, con số này là chưa đầy 700.000.

Các nhà phân tích đánh giá Trung Quốc chiếm từ 60 - 80% lượng thang máy được lắp đặt mới trên toàn cầu mỗi năm. Không ai khác có thể sánh được. Thị trường thang máy lớn thứ 2 thế giới là Ấn Độ chỉ bằng 1/10 Trung Quốc.

“Tôi đã sống trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt của Trung Quốc, trong ngành sản xuất thang máy, tại chính đất nước này”, Bill Johnson, lãnh đạo đơn vị Trung Quốc thuộc Công ty thang máy Kone của Hà Lan kể từ năm 2004, cho biết. “Tôi cảm thấy rất rất may mắn”.

Nhưng đồng thời cũng có cảm giác ngày vinh quang của thị trường thang máy đang đi tới hồi kết thúc và những chiếc thang như loại lắp ở Tháp Thượng Hải có thể đánh dấu chấm hết một kỷ nguyên vàng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, giảm từ hơn 10% xuống khoảng 6,7% trong thời gian gần đây. Việc các công ty nợ ngày càng tăng và mối nguy vỡ bong bóng nhà đất, chưa kể tới một cuộc chiến thương mại tiềm năng với Mỹ, làm tăng thêm rủi ro.

Khi nhu cầu lắp thang máy mới giảm đi, các công ty quốc tế lớn bỗng dư thừa năng lực sản xuất. Cùng lúc, họ phải đối mặt với việc các nhà sản xuất cấp thấp ở Trung Quốc vươn lên giành lấy thị phần ở các phân khúc dưới. “Đó thực sự là một cuộc ẩu đả để giành miếng ăn. Không có gì để nghi ngờ cả”, Johnson nói.

Cuộc đấu giữa các công ty lớn nhiều khi rất dữ dội. Hitachi từng suýt giành được hợp đồng lắp thang máy cho Tháp Thượng Hải. Cuối cùng Hitachi giành được hợp đồng tại một tòa tháp ở Quảng Châu và đã thông báo kế hoạch đánh bại kỷ lục của Mitsubishi bằng thang máy với tốc độ 71km/h.

Hitachi đã thực hiện tuyên bố của mình, khiến Mitsubishi phải vội lắp đặt phần cứng mới tại một trong các thang máy ở Tháp Thượng Hải và giành lại kỷ lục từ tay Hitachi, không lâu sau khi bị vượt mặt. Các đại diện của Mitsubishi nói rằng họ làm như vậy “do yêu cầu từ khách hàng”.

Theo Hiệp hội Thương mại chuyên về thang máy Thượng Hải, khoảng 5% các công ty thang máy cỡ nhỏ ở nội địa Trung Quốc đã ngừng kinh doanh. Tình hình của các công ty quốc tế cũng không khá hơn nhiều. Hồi tháng 9 năm ngoái, Kone thông báo đơn đặt hàng mới gửi tới cho hãng có thể giảm từ 5-10% trong năm nay. Ngay lập tức, cổ phiếu của công ty sụt mất 3,5% giá trị. Công ty Otis của Mỹ thì phải giảm giá bán sản phẩm để có thể cạnh tranh với đối thủ.

Sẽ khó có một “cơn điên thang máy” tương tự

Với các công ty thang máy Nhật, thị trường Trung Quốc có vai trò quan trọng cốt tử. Các công ty này gần như không có chỗ đứng rộng rãi trên quốc tế như các đồng nghiệp ở Mỹ và Châu Âu. Và trong khi đã từng gây dựng danh tiếng lớn trong thời kỳ Nhật Bản bùng nổ cơn sốt thang máy cuối thế kỷ 20, nay họ phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ và quy mô dân số bị thu hẹp ở quê nhà.

Hitachi hiện vẫn chưa có động thái gì trong vụ kỷ lục tốc độ bị Mitsubishi vượt qua chóng vánh. Khi giành được hợp đồng thang máy tại Tháp tài chính CTF ở Quảng Châu, Hitachi đã công bố một video cho thấy các quản trị viên của công ty khẳng định họ sẽ đánh bại kỷ lục của đối thủ.

Nếu Hitachi không làm vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra? Mitsubishi nói rằng công ty không có kế hoạch tự phá kỷ lục của mình. Toshiba, nơi cho tới gần đây vẫn giữ kỷ lục với Tháp Taipei 101, nói rằng họ không tập trung vào việc cho ra các thang máy siêu tốc nữa. “Cuộc đua tốc độ đã kết thúc rồi”, Yoshinori Inoue, đại diện truyền thông của Toshiba nói.

Nhưng một khi các công ty Nhật dừng bước, họ sẽ lập tức bị đối thủ bỏ qua. Công ty Hyundai của Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch thử nghiệm thang máy tốc độ tới 80km/h. Canny Elevator, một công ty Trung Quốc nằm ngay ngoài Thượng Hải, thì đang xây dựng một tòa tháp thử nghiệm cao 944m, dự kiến sẽ là công trình cao nhất thế giới.

Kỷ lục tốc độ thang máy còn vươn xa tới đâu là điều chưa ai rõ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng gần 83km/h có thể là giới hạn đỏ, trước khi các hành khách cảm thấy không ổn khi di chuyển bằng thang máy.

Và cần nhớ một điều rằng đi từ tầng cao xuống dưới với tốc độ cao khó khăn hơn nhiều so với việc đi lên. Đi xuống quá nhanh, cơ thể sẽ nghĩ rằng nó đang rơi và hình thành nhiều phản ứng rất bất lợi. Vì thế cả thang máy ở Tháp Thượng Hải và Tháp Tài chính CTF hiện đi xuống với tốc độ gần 36km/h, tức là đã sát mức giới hạn.

Quan trọng nhất là ngay cả các thang máy hiện đại nhất cũng cần những tòa nhà thật to lớn để có thể hoạt động. Hiện vẫn chưa rõ các tòa nhà như vậy rồi sẽ nằm ở đâu. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng ngày nào đó Ấn Độ có thể trở thành Trung Quốc tiếp theo, Rizk Maidi, một nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg của Đức đã thẳng thắn tuyên bố.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể chứng kiến một sự bùng nổ mạnh mẽ, như từng thấy ở Trung Quốc”, ông nói.

HƯƠNG GIANG
Nguồn: laodong.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.