Chuyên mục
Cụ ông 83 tuổi 3 lần chinh phục “nóc nhà Đông Dương
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cụ ông 83 tuổi 3 lần chinh phục “nóc nhà Đông Dương"

Thứ bảy 28/09/2013 14:34 GMT + 7
Đó là cụ ông Huỳnh Văn Ráng (SN 1931, ngụ KP. Chợ), 83 tuổi 3 lần chinh phục thành công ngọn núi Fansipan, ngọn núi được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” với độ cao hơn 3000m (tính từ mực nước biển). Đầu tháng 9/2013 vừa qua cụ đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục.

Cụ ông “Fansipan”

Chính bởi độ cao lý tưởng và những mỹ từ “nóc nhà Đông Dương” dành cho ngọn núi Fansipan nên rất nhiều người thích leo núi, ham khám phá đã chọn ngọn núi này làm điểm đến để chinh phục.

Tuy nhiên, không phải bất cứ người nào cũng thành công. Có không ít bạn trẻ đến đây đã phải lắc đầu bỏ cuộc giữa chừng vì mức độ nguy hiểm vì ngọn núi quá cao, đường lên hiểm trở. Những người trên tuổi 60 hầu như vắng bóng trên con đường chinh phục đỉnh Fansipan, chưa nói gì người ở tuổi 80. Vậy mà cụ Huỳnh Văn Ráng lại được mệnh danh là “cụ ông Fansipan” vì có tới 3 lần “leo Fan” thành công.


Cụ Ráng với tấm bằng xác nhận kỷ lục

Chia sẻ với phóng viên, cụ Ráng cho biết trong vòng 20 năm trở lại đây, khi con cái đã trưởng thành cụ mới bắt đầu thực hiện sở thích leo núi của mình. Hầu như tất cả những ngọn núi cao ở miền Nam, cụ Ráng đều đã chinh phục hết. Nhưng trong số đó, đáng kể nhất là vào năm 2005, cụ Ráng lúc này đã 75 tuổi, đã rất tò mò và hứng khởi khi được bạn bè nhắc đến ngọn núi Fansipan với độ cao lý tưởng.

Nhân chuyến du lịch đến thị trấn Sa Pa (Lào Cai), cụ Ráng đã đến núi Fansipan với mong muốn được thử sức mình. Tuy nhiên mọi háo hức mong chờ đều tan biến khi những người quản lý các tour leo núi tại ngọn núi này cho hay những du khách nào trên 70 tuổi họ đều không… dám phục vụ.

Vô cùng thất vọng, cụ Ráng tiếc nuối nhìn những bạn trẻ khác đang háo hức trong đoàn tham quan bước từng bước dần dần chinh phục đỉnh Fansipan huyền thoại. Thông cảm với cụ già quá đam mê leo núi, một số khách du lịch đã bày cho cụ một mẹo nhỏ: “Lần sau khi đến cụ nhớ khai gian tuổi của mình, may ra mới được tham gia”.

Không nản lòng, cụ Ráng ra về và hai năm sau, năm 2007, khi bước sang tuổi 77 cụ Ráng lại quay lại Fansipan. Những người quản lý tour du lịch nhìn cụ đầy ái ngại. Thấy cụ già rất tha thiết với chuyến đi, lại có cơ bắp vẫn rắn chắc khỏe mạnh như thanh niên đôi mươi, họ đồng ý cho cụ Ráng leo núi kèm theo một yêu cầu bắt buộc là phải đóng tiền… bảo hiểm.

Chia sẻ về khoảnh khắc lần đầu tiên được leo lên nóc nhà Đông Dương, cụ Ráng nói: “Ngọn núi rất cao và hoang sơ với rất nhiều đoạn gập ghềnh, nguy hiểm. Nhưng có lẽ vì tâm trạng đang rất háo hức nên tôi không hề cảm thấy mệt mỏi hay sợ hãi”.

Tưởng rằng khát khao chinh phục đã dừng lại sau đợt “leo Fan” thành công đầu tiên này, nhưng ba năm sau cụ Ráng lại tiến hành cuộc chinh phục lần thứ 2. Khi ấy cụ vừa tròn tuổi 80. Vào tháng 6/2013, cụ Ráng đã bước sang tuổi 83, cụ ông bị nhiều người gọi là “quá gân” này lại tiếp tục thành công khi ngắm toàn cảnh ba nước Đông Dương từ đỉnh núi “nóc nhà”.


Tấm ảnh chụp kỷ niệm một lần chinh phục đỉnh Fansipan của cụ Ráng

Bí quyết “rèn” sức khỏe “thép”

Ấn tượng lần đầu khi gặp cụ Ráng khiến nhiều người nhầm tưởng cụ mới chừng 60 tuổi. Dáng vẻ và hoạt động của cụ khá nhanh nhẹn, dứt khoát.

Trước và sau mỗi lần chinh phục Fansipan, cụ Ráng đều đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe của mình và nhận được kết quả: xương khớp tốt hơn trước. Kết quả khiến cụ càng hào hứng và quyết định chinh phục Fansipan nhiều lần sau đó.

Trong hai cuộc chinh phục đầu tiên, cụ Ráng không gặp bất cứ một người Việt nào. Những người bạn đồng hành với cụ đều là thanh niên người nước ngoài cao to khỏe mạnh. Đến lần leo thứ 3, cụ Ráng mới gặp được hai cặp thanh niên người Việt, tuổi chừng ngoài 20.

Cụ Ráng nói vui: “Cả 3 lần ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi trông mỏi mắt không thấy bóng dáng một người nào bằng tuổi để “hàn huyên tâm sự”.

Không ít những thanh niên độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” hẳn cũng phải ngả mũ bái phục sức khỏe của cụ Ráng. Trước những câu hỏi về bí quyết để có được sức khoẻ kiên cường đó, cụ Ráng chỉ cười tươi rồi chia sẻ: “Tôi thường xuyên kết hợp ba việc là tập luyện, chế độ ăn uống và sinh hoạt để nâng cao sức khỏe. Hàng ngày, tôi tập luyện theo phương pháp dưỡng sinh, kết hợp những hoạt động thể dục khác như đi bộ, leo cầu thang. Chế độ ăn của tôi ít thịt, nhiều cá, nhiều rau. Tôi thường hay ăn những loại rau dại như rau dền, rau sam… để tránh các loại hoá chất độc hại”.

Sức khỏe tiến triển tốt, cụ Ráng không dừng lại ở những bài tập thông thường mà kết hợp với sở thích leo núi để vừa kiểm tra, vừa nâng cao sức khỏe. Cứ nghe nói nơi nào có núi cao, là cụ Ráng lại tìm đến tham quan khám phá và thử sức mình. Không chỉ những ngọn núi hùng vĩ ngoài thiên nhiên với nhiều nguy hiểm luôn rình rập, cụ Ráng còn thử sức ở những trò vượt núi nhân tạo.

Mỗi năm một lần, cụ vận động gia đình đến Trung tâm Văn hóa Phan Đình Phùng (Tp.HCM) để leo ngọn núi nhân tạo 16m. Cũng như ở Fansipan, người ta không cho cụ leo với e ngại cụ đã nhiều tuổi. Nhưng khi cụ đã thuyết phục và chinh phục được ngọn núi cao tương đương căn nhà 4 tầng này, những người chứng kiến thêm một lần trầm trồ trước sức khỏe của cụ.

So sánh giữa leo núi nhân tạo và leo núi thiên tạo, cụ Ráng còn cười dí dỏm so sánh: “Tôi thấy thích leo núi thiên tạo hơn. Leo núi ngoài tự nhiên nếu mình mệt còn được ngồi nghỉ dài dài, với lại có nhiều đoạn đường bằng. Còn núi nhân tạo mà nghỉ càng lâu thì càng mệt và đuối sức vì nó rất dốc”.

Để leo lên được đỉnh “nóc nhà Đông Dương” không phải là chuyện dễ dàng. Ngọn núi hầu như vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ này còn ẩn chứa rất nhiều hiểm họa với khách du lịch.

Là một người đã 3 lần chinh phục thành công Fansipan và trở về an toàn, cụ Ráng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mỗi ai có ý định chinh phục ngọn núi huyền thoại đầy nguy hiểm này: “Điều quan trọng nhất là phải chiến thắng được sự tò mò của bản thân.

Hầu hết những người có mong muốn chinh phục ngọn núi này đều mang trong mình sự tò mò rất lớn. Tuy nhiên khi leo núi, mọi người nên đi theo đoàn để tránh bị thất lạc và nhất là khi gặp tai nạn thì có thể giúp đỡ lẫn nhau. Luôn luôn để trong người những vật dụng cần thiết để trong trường hợp xấu nhất là bị lạc vẫn có thể duy trì sự sống và tìm đường trở về”.

(Theo Pháp luật VN)
Nguồn: vietnamnet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.