Chuyên mục
Nhìn lại lịch sử để hiểu lý do thực sự Nga không kích tại Syria
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nhìn lại lịch sử để hiểu lý do thực sự Nga không kích tại Syria

Thứ năm 11/02/2016 06:38 GMT + 7
Nhiều người ví việc Nga can thiệp vào Syria như "cứu tinh trên trời rơi xuống đến giúp một lãnh đạo độc tài". Nhưng theo nhà phân tích Carlo Caro, lịch sử cho thấy điều ngược lại.


ảnh AP

Rất nhiều người đã đứng ra phản đối việc Nga can thiệp vào Syria , đặc biệt là trong cuộc nội chiến gần đây. Hầu hết những phản đối này đến từ các nhà phân tích chỉ tập trung chú ý với một mặt của vấn đề, mà bỏ qua mối quan hệ lâu năm của Moscow và Damascus.

Một số giải thích rằng việc Nga hiện diện ở Syria chỉ là một phần sự việc, điều này không hoàn toàn đúng cũng không hoàn toàn sai, nhưng lí do trên đã hoàn toàn bỏ qua lịch sử, ông Caro, chuyên gia phân tích về quan hệ quốc tế nhận định.

Các nhà phân tích đã vẽ ra cảnh tượng về một kẻ xâm lược từ trên trời rơi xuống đến hỗ trợ cho tên độc tài trong nước mà không hề màng đến sự thật rằng quan hệ hợp tác giữa Syria và Nga đã được xây dựng ngay từ những ngày đầu Syria giành độc lập từ tay Pháp.

Mối quan hệ của Nga và Syria từ trước đến nay từng trải qua rất nhiều thăng trầm.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin. Ảnh: Sputnik News

Gần đây, theo Reuters, một nhà ngoại giao đã tiết lộ rằng phía Nga thấy thất vọng vì Assad từ chối cải cách chính trị, điều mà Moscow cho là rất cần thiết đối với các tiến trình chính trị trong tương lai.

Trong lịch sử, Liên Xô cũng không hề tham gia vào việc đưa quân sang Lebanon của Syria năm 1976. Nhìn chung, Moscow cũng không cùng chung quan điểm với Syria về Lebanon, hoặc mối quan hệ của nước này với Hezbollah những năm 1980.

Moscow có thể hiểu được sự thù địch của Syria đối với Iraq bởi những phá hoại mà nước này gây ra cho các quốc gia Arab. Và chính mối quan hệ gần gũi giữa Syria và Liên Xô đã loại bỏ mọi khả năng các chính sách của Liên Xô ở Iraq được tiến hành.

Thêm vào đó, phía Liên Xô cũng không thực sự muốn tham gia vào cuộc chiến giữa các nước Arab và Israel năm 1973 do lo ngại gia tăng căng thẳng với Mỹ.

Tuy nhiên, dù thực sự không muốn mạo hiểm đánh mất những gì đã đạt được, họ vẫn đóng góp một phần nhỏ theo trách nhiệm, như đưa các đơn vị quân đội của Maroc đến mặt trận ở Levant.

Tổng thống Saria Hafez al-Asad và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mustapha Tlass trong cuộc chiến Arab-Israel năm 1973. Ảnh: Syrian History

Dù hoàn toàn có thể dùng Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) làm đòn bẩy chống chủ nghĩa đế quốc, Liên Xô cũng không đồng tình hoàn toàn với Syria về vấn đề này.

Sau khi Syria tấn công phong trào Palestine tháng 10/1976, chỉ có Ủy ban đoàn kết nhân dân Á-Phi của Liên Xô lên tiếng phản đối, tuyên bố rằng họ không hiểu tại sao Syria lại tấn công liên minh của mình khi nước này đang phải chật vật chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Tuy Liên Xô cũng không hài lòng với động thái của Syria, song bản thân đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ cũng không mạo hiểm gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai bên.

Nhận định sai lầm

Nhiều chuyên gia phân tích phi lịch sử kết luận rằng động cơ can thiệp vào Syria của Tổng thống Putin là khẳng định vị thế siêu cường quốc và tầm ảnh hưởng xuyên biên giới của Nga, rằng Nga có mặt tại Syria là do những chính sách mạo hiểm của nước này.

Họ cho rằng Tổng thống Putin muốn đe dọa lợi ích của phương Tây tại Syria để đổi lấy sự nhượng bộ ở Ukraine; rằng mục đích của ông là để gia tăng chỉ số ủng hộ trong nước.

Một số người lại nghi ngờ rằng Tổng thống Putin đang cố gắng lấp đầy lỗ hổng tại Trung Đông và Syria trong bối cảnh Mỹ trở lại can thiệp quân sự ở khu vực.

Vài nhà phân tích thậm chí còn nhìn nhận sai lệch về lịch sử hai nước, tranh cãi rằng Tổng thống Putin chỉ can thiệp vào Syria vì căn cứ hải quân tại Tartus.

Một số khác, điển hình là Đại tướng Lục quân Mỹ, ông David Petraeus, lại khẳng định rằng Putin đang cố gắng "phục hưng lại đế chế Nga".

Trong khi đó, Sky News cũng nhầm lẫn nhận định rằng sự can thiệp của Nga trong cuộc nội chiến hiện tại là đòn phản công đối với những thành tựu của nhóm phiến quân Jaish al-Fatah, một lực lượng đe dọa tới quyền cai trị của Tổng thống Assad tại Latakia.

Các lãnh đạo tôn giáo của Saudi Arabia, theo ông Caro, cũng lên tiếng cáo buộc Nga xâm lược "đất nước Hồi giáo Syria", nhằm kích động một cuộc chiến tranh Hồi giáo trong bối cảnh Nga tổ chức các cuộc không kích.

Tương tự, nhiều nhóm khủng bố trong lòng Syria cũng gọi các cuộc tấn công của quân đội Nga là hành động "chiếm đóng trắng trợn", một "trận chiến nhằm vào người Sunni".

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở đây là khi Syria giành được độc lập, một phần nhờ vào sự trợ giúp của Liên Xô, chính những quý tộc dòng Sunni tiếp quản bộ máy cai trị từ tay người Pháp đã đứng ra xây dựng mối quan hệ ngoại giao thân thiết với Liên Xô.


Căn cứ hải quân của Nga tại cảng Tartus, Syria. Ảnh chụp từ Google

Đặc biệt, khi đảng Baath lên nắm quyền vào năm 1963, đúng vào thời điểm sự hợp tác giữa Syria và Liên Xô càng thêm sâu sắc, người đứng đầu Syria lúc đó cũng là các tín đồ dòng Sunni.
Hợp tác toàn diện

Vào những năm 60-70, Liên Xô về cơ bản đã góp phần gây dựng nền công nghiệp tại Syria bằng việc gửi sang nhiều kĩ sư, nhà khoa học và thậm chí cả máy móc.

Quan hệ hợp tác với Liên Xô trong ngành công nghiệp dầu mỏ là chìa khóa mở ra thời đại mới cho kinh tế Syria. Không dừng lại ở đó, Liên Xô còn giúp Syria xây dựng hệ thống đường sắt cũng như nông nghiệp.

Nhưng Syria cũng cần bảo vệ chủ quyền của mình, và, theo nhà phân tích Caro, đây chính là thời điểm quan hệ hợp tác về quân sự với Moscow bắt đầu nắm giữ vai trò quan trọng.

Liên Xô đã điều động nhiều chuyên gia quân sự, vũ khí và các thiết bị khác sang Syria. Số liệu tính toán cho thấy khoảng 16.000 binh sĩ Liên Xô từng có mặt tại Syria. Bên cạnh đó, Liên Xô còn tiếp tục hỗ trợ Syria trên mọi mặt trận ngoại giao và quân sự.

Trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Liên Xô đã đứng ra tuyên bố kịch liệt phản đối Israel, thậm chí còn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel và đe dọa sử dụng các biện pháp, bao gồm cả quân sự, để cưỡng chế quân đội nước này rút khỏi lãnh thổ Arab.

Liên Xô còn giúp kiểm soát vùng không phận Syria, từ đó được cấp một cảng tại thành phố Tartus, tạo điều kiện cho hải quân Liên Xô hiện diện tại Địa Trung Hải.

Tuy vậy, theo ông Caro, trong giới chức Mỹ hiện nay đa phần vẫn đưa ra những luận điệu bảo thủ, sai lệch lịch sử, nhằm bôi nhọ Nga để phục vụ mục đích chính trị riêng.

Thượng nghị sĩ bang Arkansas, Tom Cotton, từng đổ lỗi cho Tổng thống Obama về việc quân đội Nga xuất hiện tại Syria, đồng thời cho rằng những động thái của Nga chính là kết quả của sự ì ạch trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Ứng viên Tổng thống Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng từng đề cập đến vấn đề này, khi bà thúc giục ông Obama mạnh tay hơn đối với sự can thiệp của Nga trong cuộc nội chiến Syria. "Chúng ta phải đứng lên chống lại sự ức hiếp của ông ta (Tổng thống Putin), đặc biệt là ở Syria" - bà nói.

Về cơ bản, hầu hết các thành viên của đảng Cộng hòa và bà Clinton đều mắc chung một sai lầm, ông Caro nhận định.

Bản Hiệp ước Lịch sử 1980

Dù từng nảy sinh nhiều vấn đề, liên minh Nga-Syria vẫn sẽ được duy trì, bởi lịch sử có ảnh hưởng rất lớn đến những chính sách của họ hiện nay, tiến sĩ Carlo Caro viết.

Xem lại phần I: Nhìn lại lịch sử để hiểu lý do thực sự Nga không kích tại Syria
Bản Hiệp ước lịch sử

Trên thực tế, hợp tác quân sự giữa Damascus và Moscow đã được hợp thức hóa năm 1980 với bản Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, trong đó, Liên Xô được ủy nhiệm bảo vệ Syria nếu nước này bị bên thứ ba tấn công.

Hiệp ước này đã thể hiện rõ vị trí chiến lược của Syria đối với Liên Xô, tạo dựng một mối quan hệ với tầm quan trọng tương đương với quan hệ của Moscow với Tiệp Khắc và Ba Lan.

Tuy nhiên, đến những năm 1990, quan hệ hợp tác hai nước đã xấu đi trông thấy do những vấn đề nội bộ của Liên Xô và khó khăn vấp phải trong việc duy trì một chính sách ngoại giao bền vững.


Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác năm 1980 chỉ rõ Liên Xô được ủy nhiệm bảo vệ Syria nếu nước này bị bên thứ ba tấn công. Ảnh: Shutterstock

Song hơn một thập kỉ sau, rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Syria năm 2003 cũng trùng khớp với sự kiện Moscow và Damascus nối lại tình hữu nghị.

Sự hợp tác giữa Nga và Syria, đặc biệt là về kinh tế, từng bị ảnh hưởng bởi khoản nợ gần 13 tỉ USD của Damascus với Moscow. Năm 2005, hai bên đã kí kết một hiệp định miễn gần 80% khoản nợ trên, nhờ đó cũng xóa tan những bế tắc trong quan hệ hợp tác song phương.

Chính sách của Liên Xô được xây dựng trên cùng một nền tảng đạo đức với các mục tiêu ngoại giao nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng về chính trị - mục tiêu chung của mọi cường quốc - đặc biệt là trong bối cảnh mâu thuẫn vẫn nảy sinh với các kẻ địch hùng mạnh.

Một mặt, Liên Xô cố gắng hỗ trợ phong trào giành độc lập của các quốc gia Arab. Sự hỗ trợ này bắt nguồn từ niềm tin về đạo đức của Liên Xô, nơi lịch sử và kinh nghiệm chỉ ra rằng phải luôn đứng về phía những dân tộc đang đấu tranh vì độc lập.

Mặt khác, Liên Xô cũng ấp ủ nhiều tham vọng trong chính sách ngoại giao sau chiến thắng trước phát xít Đức, chấp nhận tiêu chuẩn đạo đức trên để che giấu đi những mục tiêu bành trướng đang ngày một gia tăng.

Sau khi các thuộc địa của phương Tây tan rã và nhiều nhà nước độc lập mới ra đời, thế giới Arab lại tiếp tục mở rộng cánh cửa, đón nhận những ảnh hưởng từ Liên Xô.

Năm 1944, khi Thế chiến II vẫn tiếp diễn, Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước từng nằm dưới chế độ bảo hộ của Pháp là Syria và Lebanon. Và trong 25 năm tiếp theo, nhiều mối quan hệ tương tự cũng được Liên Xô tạo dựng với các quốc gia Arab khác.


Tổng thống Syria Shukri al-Quwatli (trái) và Tổng thống Lebanon Shukri al-Quwatli (giữa) tại Beirut năm 1944. Ảnh: Syrianhistory

Sự hỗ trợ của Liên Xô đã đem lại nhiều lợi thế cho các quốc gia Arab, đặc biệt là những nước mới giành được độc lập.

Việc tuyên bố độc lập của một nước không tự động loại bỏ mọi vấn đề nảy sinh từ thời còn là thuộc địa của phương Tây, đặc biệt là khi các nước đế quốc không sẵn sàng từ bỏ vị trí của mình mà không được bồi thường xứng đáng.

Trong điều kiện ấy, các quốc gia Arab đều mong muốn được dựa dẫm vào Liên Xô.

Trong khi đó, sau khi giành được độc lập, Syria lại lên tiếng yêu cầu quân đội nước ngoài rút ra khỏi lãnh thổ, một điều không hề đơn giản và thậm chí còn dẫn đến một vài vụ giao tranh.

Tuy nhiên, Liên Xô đã đứng ra ủng hộ yêu cầu này, bởi hai nước đều có chung một mong muốn là bảo vệ an ninh biên giới, ông Caro viết.

Trong công hàm tháng 7/1945 và tại các cuộc tranh luận ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên Xô đã nhiều lần nêu ra tính cấp thiết đối với việc đáp ứng lời kêu gọi từ phía Syria, qua đó tăng thêm "sức nặng" cho yêu cầu trên.

Động thái này rất quan trọng, đánh dấu động thái can thiệp về mặt chính trị đầu tiên của Liên Xô tại khu vực Arab sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Tăng cường hợp tác

Syria trở thành đối tác chính trong khu vực của Liên Xô sau khi quan hệ giữa Liên Xô và Ai Cập trở nên nguội lạnh dưới thời Sadat.

Vị trí đối tác chính của Liên Xô trong khu vực nửa đầu những năm 1970 bắt nguồn từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ năm 1950 và lớn mạnh hơn trong thập kỉ sau đó.

Năm 1967, hợp tác giữa hai tổ chức chính trị là đảng Baath và đảng Cộng sản Liên Xô đã đánh dấu một mắt xích mới trong quan hệ giữa hai bên.


Người dân Syria giơ cao biểu ngữ "Cảm ơn, nước Nga" tại Damascus. Ảnh: AP

Dù sự kiện đảo chính đưa Hafez Assad lên nắm quyền tại Damascus từng khiến phía Liên Xô bận tâm, cảnh giác, những mối lo đó cũng nhanh chóng bị đẩy lùi.

Trong chuyến thăm Liên Xô của cựu Thủ tướng Syria Yusuf Zuayyin tháng 4/1966, hai nước đã đồng lòng lên án chủ nghĩa đế quốc và sau đó cùng nhau kí một hòa ước về việc thành lập lực lượng nòng cốt về chính trị và kĩ thuật ở Liên Xô.

Năm 1990, hơn 40.000 công dân Syria đã được trao tặng các học vị trong hệ thống giáo dục Liên Xô. Rất nhiều trong số đó sau này đã nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính phủ Syria.

Trong số 8 thành viên ban điều hành của đảng Baath trước năm 2011, hơn một nửa nói tiếng Nga. Cùng lúc đó, một trường cao học đã được xây dựng tại Damascus phỏng theo mô hình ở Moscow.

Mối quan hệ giữa Damascus và Moscow đã hình thành từ trước Chiến tranh Lạnh, và càng thêm sâu sắc sau cuộc chiến đó.

Có thể nói, Moscow có ảnh hưởng rất lớn tới sự ra đời của nhà nước Syria hiện đại. Hai nước đã hợp tác nhiều năm về chính trị cũng như văn hóa, và thật thiếu sót nếu ta phớt lờ những điều này.

Việc con trai Tổng thống Assad theo học tiếng Nga là có nguyên nhân - và nguyên nhân đó không phải vì quân đội Nga đang hiện diện tại Syria, mà vì sự gắn kết sâu sắc của Nga đối với chính trị cũng như đời sống văn hóa tại Syria trong nhiều thập kỉ qua.

Dù quan hệ ngoại giao song phương Nga-Syria từng nảy sinh nhiều vấn đề, song tình hữu nghị và hợp tác liên minh giữa hai nước sẽ còn kéo dài, bởi lịch sử quan hệ hai nước có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với chính sách của họ hiện nay. 

Thùy Trang
Nguồn: soha.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.