Chuyên mục
Ký ức Nga giữa lòng Hà Nội
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ký ức Nga giữa lòng Hà Nội

Thứ tư 07/11/2018 13:13 GMT + 7
Nói về nước Nga, những người Việt có thời tuổi trẻ học tập, sinh sống và làm việc tại xứ sở Bạch Dương lãng mạn luôn là những ký ức đẹp mà mỗi lần nhắc đến, lại ùa về như chưa bao giờ chia xa... Không hẹn mà gặp, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 10 Nga 7-11, họ lại gặp nhau, những nhà văn, nhà biên kịch và những câu chuyện về nước Nga - Xô viết tưởng như không bao giờ dứt.

Điện ảnh Nga với người làm phim Việt

Đối với nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, thời gian được cử đi học về điện ảnh tại nước Nga là một trong những quãng đời đẹp nhất của bà. 7 năm học tập tại nước Nga (1981-1987) và cho đến bây giờ, bà vẫn có cảm giác mới nguyên ngày tới nước Nga, khi bước chân xuống sân bay Seremechepvo (Moskva) lúc tờ mờ sáng mùa hè: Trên chiếc xe rộng rãi đón và đưa về ký túc xá, bà ngắm nhìn phong cảnh nước Nga bên ngoài. Cảm giác đầu tiên là choáng ngợp về sự mênh mông rộng lớn và yên bình của nước Nga.

Không khi mát lạnh, đường không bóng người, chỉ toàn ô tô khác hẳn với Việt Nam. Ấn tượng sau đó là bữa ăn đầu tiên ở ký túc xá. Cháo lúa mạch nấu với sữa, bánh mì bơ, súp củ cải đỏ, trên có chút váng sữa, sữa chua, sữa tươi... Cái gì cũng có sữa hoặc chế biến từ sữa. Trong khi sữa ở Việt Nam ngày đó cực hiếm, đa phần chỉ có sữa đặc dành cho trẻ em.

Cứ mỗi ngày, bà lại bị choáng ngợp bởi nước Nga vì nhiều thứ. Từ phong cảnh đẹp tuyệt vời đến những con người đôn hậu tốt bụng. Ngôi trường Đại học Điện ảnh quốc gia toàn liên bang Xô viết (tên đầy đủ của trường những năm Liên Xô chưa tan vỡ, viết tắt là VGIK) luôn khiến bà cảm thấy vô cùng tự hào. Vào học tại đó, bà được giàu thêm về kiến thức chuyên môn.

Dịch giả Thúy Toàn (giữa) cùng những người bạn yêu văn học Nga từng học ở Liên Xô.

Bà kính nể và bái phục nền điện ảnh Xô viết, cả điện ảnh Nga và các nước trong liên bang, nhất là điện ảnh Gruzia cũng rất nổi. Các bộ phim hay đã đành, lại mang nhiều màu sắc, hương vị khác nhau của 15 nước nằm trong Liên bang. Đương nhiên, dòng chủ đạo nhất của điện ảnh Xô viết vẫn là Nga. Những bộ phim kinh điển của Nga mà sinh viên nào ở trường VGIK cũng phải xem, phải học và phải thi rất nghiêm ngặt.

Nhờ vậy mà thế hệ của bà nhớ lâu hơn hoặc đôi khi xem đi xem lại không chán những bộ phim kinh điển như: "Số phận một con người"; "Khi đàn sếu bay qua"; "Bài ca người lính"; "Sông Đông êm đềm"; "Anna Karenina"; "Chiến tranh và hòa bình"; "Tuổi thơ của I-Van"... Đặc biệt, những bộ phim về Chiến tranh Vệ quốc (1941-1945) chống phát xít Đức thật hoành tráng, ngợi ca sự quả cảm của Hồng quân Liên Xô và một chùm phim về Lê-nin trong Cách mạng Tháng Mười cũng là những dấu ấn không thể mờ phai.

Những tên tuổi lớn của điện ảnh Nga như: Gheraximop, Kontralopxky, Mikhancop... và nhiều tên tuổi lớn khác cùng những tác phẩm điện ảnh của họ khiến không chỉ Việt Nam mà cả thế giới ngưỡng mộ. Có thể nói điện ảnh Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm từ nền điện ảnh Nga, đơn giản vì rất nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh của nhiều bộ môn: biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ... từ sau năm 1954 đến những năm 90 của thế kỷ 20 được đào tạo bài bản ở Nga.

Nhiều bộ phim hay trước đây của điện ảnh Việt Nam cũng đã khai thác sâu về thân phận con người trong chiến tranh cũng như thời kỳ hậu chiến. Nhà biên kịch Hồng Ngát khẳng định, thời kỳ học tập và sinh sống tại nước Nga đã tạo nên con người bà sau này, bà cũng đã áp dụng kiến thức đã học được của các thầy giáo Nga để áp dụng vào công việc biên kịch điện ảnh của mình. Cho đến nay, đã nhiều năm, bà là thành viên của Hội đồng Duyệt phim quốc gia và góp nhiều tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực đưa phim ảnh đến với công chúng.

Cho đến nay bà vẫn khẳng định, những ký ức về nước Nga luôn trong tâm trí bà. Đặc biệt, nói về những kỷ niệm đáng nhớ về nước Nga, bà ấn tượng về các cuộc duyệt binh ở Hồng trường trong những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười: "Chúng tôi không thể chen chân được ở đó nên chỉ xem trên tivi thôi. Ngày cuối tuần, đám sinh viên chúng tôi hay đi chơi trên đồi Lê- nin, đi dạo bên sông Moskva và dạo bước chụp ảnh ở Hồng trường... Cũng tại nước Nga xinh đẹp, tôi đã có những bài thơ viết trong tháng ngày sống tại đây và sau này đưa vào các tuyển tập của mình...

Dịch giả Thúy Toàn.

Sau này, khi kết hôn cùng nhà phê bình Phan Hồng Giang, anh cũng là một người yêu nước Nga, từng học tập và viết nhiều về văn học Nga, chúng tôi có dịp chia sẻ nhiều kỷ niệm và địa danh trên đất nước Nga. Điều này càng thêm một lần nữa khẳng định, nước Nga có mặt không giới hạn đối với những người yêu nước Nga và đã có những kỷ niệm để đời tại đất nước xinh đẹp ấy".

"Đồi Chim Sẻ" và giấc mơ Nga

Nhà phê bình Phan Hồng Giang có dáng vẻ trầm tĩnh và đôn hậu. Bạn bè bảo ông ảnh hưởng rõ rệt "tính cách Nga". Ông bảo, người Nga giản dị chân tình, món ăn ngon và hương vị khó quên. Món ăn Nga ông thích nhất là món pelmenhi - thịt viên bọc bột mỳ luộc chấm mù tạt. Ở thủ đô nước Nga có rất nhiều quán ăn chỉ bán duy nhất món pelmenhi này.

Có một kỷ niệm về những ngày mới sang Liên Xô mà đến giờ ông vẫn nhớ: "Cuối buổi chiều tháng Mười đầu tiên (năm 1960), khi tôi mới sang Liên Xô và đi học tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU). Tan học, tôi ra cửa phía quảng trường Manhejơ- trung tâm thành phố, thì bỗng thấy anh Marian Tkatshôv - nhà văn, dịch giả văn học Việt Nam, đang đứng đợi, trên tay vắt ngang một chiếc áo paltô.

Anh mỉm cười hiền hậu và nói: "Chiều nay trời trở lạnh đột ngôt, tuyết bắt đầu rơi. Tôi sợ anh ra khỏi nhà từ sáng mà không mang theo áo ấm khoác ngoài nên mang áo đến cho anh...". Cố nhà văn, dịch giả M. Tkashôv thật thân tình và chu đáo. Tôi không bao giờ quên anh. Những năm tháng dài học ở nước Nga đã đem lại cho tôi kiến thức nhiều mặt về văn học nghệ thuật và cuộc sống. Tôi thấm thía rằng cái cần có nhất trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống là tình người, là sự tôn trọng phẩm giá khác biệt của mỗi con người".

Theo nhận xét của nhà phê bình Phan Hồng Giang, văn học Nga có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển của văn học cách mạng Việt Nam kể từ thời Mặt trận Bình dân (1936 - 1939), với tiểu thuyết "Người mẹ" của M. Gorki. Sau 1945 là các tên tuổi như Solokhov, Fadeev, Erenburg, Fedin, Ostrovsky... Dòng văn học gọi là “minh họa" (mang tên là "văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa") cũng ảnh hưởng không mấy tích cực đến nhiều nhà văn nước ta. May mắn là dòng văn học này cũng sớm được nhận diện và được từ bỏ qua lời "ai điếu" thống thiết của nhà văn hàng đầu Nguyễn Minh Châu trong bài viết nổi tiếng của ông đăng năm 1987.

Nhiều tác phẩm hay, giàu tính nhân văn của các tác giả lớn mà nhiều khi đương thời còn chưa được đánh giá công bằng ngay tại nước Nga, mừng thay là lại được nhiều nhà văn Việt Nam và đông đảo độc giả nước ta hào hứng đón nhận - như các tác phẩm của Paustovsky, Bunhin, Pasternac, Bulgakov, Platonov, Aitmatov, Dudinsev... Tác phẩm của họ đã có ảnh hưởng tốt đẹp, trực tiếp và gián tiếp, đến cảm quan nghệ thuật của nhiều nhà văn Việt Nam, khích lệ họ viết nên những tác phẩm theo phong cách riêng của mình.

Nhà phê bình Phan Hồng Giang chia sẻ: Nếu bây giờ được trở lại nước Nga (điều này đối với ông là quá dễ dàng vi con trai lớn của ông bà, sau khi tốt nghiêp Khoa Ngữ văn trường Lomonosov (MGU) đã ở lại lập nghiệp bên đó từ hơn 30 năm nay), nơi đầu tiên ông muốn đến chính là "đồi Chim sẻ" (đồi Lênin) nằm bên bờ sông Moskva. Trường MGU là ở đây, nơi nhiều tháng năm tuổi trẻ của ông đã êm đềm trôi qua... Ông vẫn nhớ về nó trong những ký ức, trong những giấc mơ và trong các bài phê bình văn học Nga của mình...

"Tôi yêu em" - Bản thơ tình bất hủ

Dịch giả Thúy Toàn học trường thiếu sinh quân từ năm 1950, đến năm 1954 thì được Nhà nước gửi sang Liên Xô học tập. Tốt nghiệp đại học năm 1961, ông về nước tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp Ngoại ngữ Mễ Trì (sau này là Trường Đại học Hà Nội). Năm 1964, ông sang làm biên tập sách dịch văn học, Nhà xuất bản Văn học, rồi làm Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học, cho đến lúc nghỉ hưu.

Gia tài lớn nhất của cuộc đời ông chính là hàng chồng sách dịch của văn học Nga trên giá. Đặc biệt, cuốn thơ dịch "Tôi yêu em" của A.Pushkin được ông trang trọng để ở vị trí dễ tìm, dễ thấy nhất trong tủ sách: "Tôi yêu em đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/ Hay hồn em phải gợn bóng u hoài/ Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và nhà phê bình Phan Hồng Giang.

Bài thơ "Tôi yêu em" ban đầu ông dịch vì yêu thích thơ Pushkin. Thơ của Pushkin như đã ngấm vào trong từng tế bào của những người yêu văn học. Và quan trọng hơn nữa, ông thấy tình cảm mà ông thể hiện trong bài thơ ấy là tự nói hộ lòng mình. Ông kể, hồi đó, đầu tiên ông dịch để dành riêng cho một người, đó là cho một cô gái ông rất mực yêu thương nhưng không dám ngỏ lời. Cô ấy là người đã cùng sang Nga học với ông trong đợt đầu tiên do Nhà nước cử đi và cả hai học chung lớp tiếng Nga cùng nhau.

Năm đó, ông 18 tuổi, nhưng rồi với bản tính khá nhút nhát nên không dám thổ lộ. Mà không thổ lộ thì ai biết. Thế cho nên ông đã dịch “Tôi yêu em” bằng cả tiếng lòng "đơn phương" của mình. Bởi là một người ảnh hưởng "tính cách Nga" nên trong ông có lòng tự trọng rất lớn. Dù có tình cảm với người ta thật nhưng nếu họ nhìn ông bằng con mắt khác, ông không cần. Chính Pushkin giáo dục cho ông sự tự trọng ấy, dạy cho ông sự kiêu hãnh ấy trong thời trai trẻ và trở thành châm ngôn sống trong suốt cuộc đời ông sau này.

Ông cũng có tới gần trăm đầu sách dịch về văn học Nga và lấy ngôi nhà ở quê hương của mình đầu tư tiền bạc để làm thư viện văn học Nga lưu giữ tất cả những gì quý giá nhất về những năm tháng ông sinh sống, học tập, làm việc và dịch thuật về văn học Nga - Xô viết. Ông được gọi là người bắc cầu văn học Việt - Nga. Ông cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quý của nước Nga do đích thân Tổng thống Nga bấy giờ, Dmitry Medvedev trao tặng, tại Điện Kremlin (năm 2010).

Ông cho rằng, nhiều áng thơ ca bất hủ của Nga ông nằm lòng nhưng ông mê tư tưởng như trong bài thơ "Vô đề" của tác giả Fyodor Ivanovich Tyutchev (1803-1873): "Bằng trí óc không hiểu nổi nước Nga/ Không thể đo nước Nga bằng dây thước/ Nước Nga có một điều đặc biệt/ Chỉ có thể đặt niềm tin vào nước Nga...". Ông tin rằng, đối với ông cũng như những người đã có một thời gian sinh sống, học tập tại nước Nga - Xô viết, có những điều thuộc về ký ức và dấu ấn sẽ trở thành một vết sẹo nhiệm màu, như "lương khô" nuôi dưỡng cảm xúc và kỷ niệm để tiếp tục viết và cống hiến. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn viết, tiếp tục dịch và cho ra đời những cuốn sách về nước Nga, như là cách nuôi dưỡng tình yêu và đam mê trong cuộc sống...

Trần Hoàng Thiên Kim
Nguồn: antg.cand.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.