Chuyên mục
Ân tình với nước Nga
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ân tình với nước Nga

Thứ tư 07/11/2018 09:26 GMT + 7
Từ cậu bé chân đất trở thành một lãnh đạo chuyên ngành, có nhiều đóng góp cho Tổ quốc, Tiến sĩ Trần Văn Sơn, nguyên Phó ban Cơ yếu Chính phủ luôn cho rằng đó là nhờ nước Nga đã cho ông nền tảng vững chắc. Các thầy cô giáo Nga mãi là mặt trăng êm dịu đồng hành cùng ông suốt tuổi thanh xuân.

Ông Trần Văn Sơn (thứ hai từ trái sang, hàng thứ hai) ở trại hè thiếu nhi Nga năm 1979. 

Cô giáo Nga nhân hậu

Tháng 3 năm 1966, giặc Mỹ tàn sát làng Thanh Châu, Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam, 3 người thân của Trần Văn Sơn ngã xuống. Ám ảnh nhất là em gái Trần Thị Năm giây phút cuối cứ nhìn anh trai không nhắm mắt. Sống sót sau trận càn, cậu được đưa lên núi làm ở văn thư Ban Tuyên huấn Quảng Đà. Năm 1968, Sơn được gửi ra Bắc học tập tại Từ Hồ (Hưng Yên). Sẵn có kiến thức từ phổ thông, cậu học rất nhanh, băng lớp, đỗ điểm cao vào đại học Bách khoa Hà Nội và đến năm 1972 được chọn đi Nga cùng với hàng trăm học sinh Việt Nam lúc bấy giờ. Tiến sĩ Trần Văn Sơn hài hước khi nhớ đến những ngày đầu qua nước bạn và được học dự bị tiếng Nga ở Trường Cầu đường Mátxcơva: "Lúc đó tôi như học sinh cá biệt, đúng hơn là như người vừa câm, vừa điếc vì không nói, không nghe được một chút tiếng Nga nào trong khi 4 anh em khác trong lớp đã biết ít nhiều khi học phổ thông. Mà tôi cũng không đủ vốn liếng để nói với cô giáo Xovetlana là tôi chưa biết gì cả khi sang đây". Biết mình thua các bạn, hai tháng đầu tiên khi mới qua, Sơn không dám đi chơi bất cứ đâu. Hết giờ ở lớp lại chui vào bếp tìm chỗ yên tĩnh để tự học, mỗi đêm phải thuộc hàng chục từ mới. Cậu nhớ lời hứa với ba mình: "Con sẽ học cho phần của hai anh và em gái con đã ngã xuống ở quê". Một lần cô giáo đến, rất ngạc nhiên khi thấy cậu học say sưa không để ý xung quanh. Một số anh lớp trên nói với cô là Sơn ở miền Nam ra nên chưa được học ngoại ngữ thì cô thêm xúc động. Kể từ ngày ấy, cô dành tình thương đặc biệt với lớp trưởng Trần Văn Sơn. Nhà ở cách trường 40 phút đi tàu điện nhưng cô hay đến ký túc xá kèm riêng cho cậu. Thấy Sơn ốm yếu, cô thường mang đường, sữa, trái cây đến bồi dưỡng. Nhờ thế chẳng mấy chốc Sơn đã theo kịp các bạn.

Cô Xovetlana luôn bắt buộc cả lớp buổi tối phải xem chương trình thời sự trên tivi để sáng hôm sau từng người kể lại. Không quá quan tâm nội dung, điều cô muốn là cách sử dụng ngữ pháp, hành văn và đặc biệt là học được tiếng Nga chuẩn. Cô thường dẫn cả lớp đi bảo tàng, công viên, các khu mua sắm, vui chơi để có thể giao tiếp với nhiều người. Cô cũng hay rủ cả lớp đến nhà cô ăn uống với nhiều thức ăn ngon, đặc biệt là các món ăn truyền thống Nga. Những dịp đi ngoại khóa cuối tuần ngoài rừng  hay kỳ nghỉ đông, nghỉ hè là dịp cô trò gần gũi như tình mẹ con. Không chỉ dạy tiếng, cô còn chỉ bảo phong cách sống, tác phong giao tiếp, cử chỉ lịch sự trong lớp, ngoài đường, có khi đơn giản như việc cầm thìa, dĩa ăn uống ở bữa tiệc... Sau này có dịp đi nhiều nước liên quan đến lễ tân ngoại giao, Trần Văn Sơn mới thấy hết những điều cô nhắc nhở vô cùng thiết thực. Một năm học trôi qua êm đềm như thế trong tình thương của cô Xovetlana. Ai cũng đều vững vàng để có thể tự tin học giỏi các môn tự nhiên khác của chương trình dự bị và tiếp tục bước vào giảng đường đại học.

Khi về nước, do đặc thù công việc, ông mất liên lạc hoàn toàn. Kể cả sau này có dịp qua lại nước Nga, ông vẫn không thể nào gặp lại cô giáo nhân hậu của mình. Với ông, cô giáo mãi là ánh sáng êm dịu của xứ sở bạch dương.

Hành trình dấn thân vào kỹ thuật mật mã

Bước vào Đại học Bưu điện Mátxcơva (MEIC), chàng sinh viên Trần Văn Sơn như cá gặp nước, bởi vốn đam mê kỹ thuật từ lâu. 5 năm ở đây, ông miệt mài tìm tòi học hỏi ở các thầy, thư viện, sách vở, phòng thí nghiệm. Với thành tích xuất sắc, Sơn được chọn đi dự Liên hoan Festival thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 11 tại Cu Ba, rồi được kết nạp Đảng tại trường. Ông có mặt trong số 9 sinh viên ưu tú toàn Liên xô khóa ấy được giới thiệu làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh năm 1979 để lấy bằng phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) đề tài "Hệ thống quy hoạch viễn thông quốc gia". Ông Trần Văn Sơn khẳng định: "Nếu nói người nào ảnh hưởng nhất đến nghề nghiệp của tôi suốt 30 năm qua thì đó chính là giáo sư Anatoli Pshenichnikov, trưởng khoa, hiệu phó, phó Bí thư Đảng ủy nhà trường. Ông ít nói, sống giản dị, tình cảm, hết mực yêu thương sinh viên Việt Nam".

Đã nghiên cứu khoa học từ năm thứ ba đọc nên khi học chuyển tiếp, ông Sơn không quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, để có kết quả nghiên cứu báo cáo trước khoa chuyên ngành của nhà trường có công sức rất lớn của thầy. Đặc biệt thầy là người ủng hộ, giúp ông có các bài báo đăng ở tạp chí uy tín hay báo cáo tại các hội nghị khoa học. Tấm gương của thầy Anatoli Pshenichnikov trong nghiên cứu hay xử lý các mối quan hệ, tạo ekip làm việc chuyên nghiệp ảnh hưởng rất lớn với ông sau này, đặc biệt thời gian dài làm ở Cục Quản lý kỹ thuật mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ. Biết học trò mình học bổng eo hẹp, thầy luôn giúp đỡ tận tình, không tiếc tiền mua những cuốn sách khoa học hay những vật dụng thí nghiệm đắt tiền để trò nghiên cứu. Không phụ công sức của thầy, khi về nước, ông Sơn lao vào công việc. Lúc học, xu hướng công nghệ chế tạo thiết bị dùng trong lĩnh vực thông tin liên lạc của thế giới vẫn là cơ khí hóa, bán dẫn hóa. Sau này, xu hướng ấy đã chuyển sang ứng dụng kỹ thuật vi xử lý với những bước tiến mạnh mẽ. Cuối năm 1991, ông Sơn và đồng sự đã chế tạo thành công chiếc máy mã điện báo thuần Việt đầu tiên (trong bối cảnh lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt chưa được dỡ bỏ, nguyên vật liệu tìm kiếm vô cùng khó khăn). Từ đó đến khi nghỉ hưu năm 2013, ông Sơn cùng ê kíp của mình đã có thêm hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị, với các sản phẩm ứng dụng đều không thua kém sản phẩm hiện đại của nước ngoài. Nhưng trên hết, những sáng chế và nền móng tạo dựng từ kỹ thuật vi xử lý đã giúp cho ngành Cơ yếu Việt Nam đến nay và nhiều năm sau nữa, hoàn toàn tự chủ về vấn đề kỹ thuật mật mã...

Sau này, nhiều dịp đến thăm người thầy giáo Nga đáng kính, ông Sơn không khỏi chạnh lòng khi thấy thầy vẫn sống lặng lẽ trong căn nhà chung cư cũ xây thời xa xưa... Tình yêu nước Nga vẫn sâu đằm trong trái tim người cán bộ cơ yếu suốt hàng chục năm qua.

Hồng Vân
Nguồn: cadn.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.