Chuyên mục
Tổng thống Putin tái tranh cử:
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tổng thống Putin tái tranh cử: "Thuyền trưởng bất khả chiến bại"

Thứ ba 12/12/2017 10:07 GMT + 7
Không thể phủ nhận ông Putin trong các nhiệm kỳ của mình đã đưa nước Nga từ cảnh "xách bị đi vay" thời ông Yeltsin lấy lại phong độ cường quốc một cách ngoạn mục. Giờ đây nước Nga đang chuẩn bị cho mùa bầu cử tổng thống năm 2018 của mình. Đúng như mọi dự đoán, ông Vladimir Putin đã tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ 6 năm lần thứ 4.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông vẫn cao ngất ngưởng (83%). Vậy ông có phải đối mặt với thách thức gì trong cuộc bầu cử tới hay không và ông sẽ tạo ra những bước ngoặt gì nếu tiếp tục tái đắc cử?

Lo ngại chính của Điện Kremlin

Ảnh Newsweek.

Ông Putin đã trở thành Tổng thống lần đầu tiên sau khi Boris Yeltsin từ chức năm 1999. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai năm 2008, ông đã chuyển giao quyền lực cho người được bảo hộ Dmitry Medvedev và ngồi vào vị trí Thủ tướng, trước khi trở lại nắm quyền Tổng thống vào năm 2012. Nếu tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 3/2018, ông sẽ nắm quyền trong 1/4 thế kỷ và trở thành người ngồi lâu nhất ở chiếc ghế quyền lực cao nhất nước Nga, hơn cả Leonid Brezhnew (từng là Tổng bí thư Đảng trong giai đoạn từ năm 1964-1982).

Việc ông tuyên bố tái tranh cử không gây ngạc nhiên. Tương tự, nếu ông đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 cũng không có gì ngạc nhiên. Nhưng Điện Kremlin không vì thế mà thanh thản ung dung bước vào cuộc bầu cử tới. Sau 18 năm lãnh đạo thành công của ông Putin, nhiều người Nga nói rằng họ sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ông, đơn giản chỉ vì không thấy ứng cử viên nào xứng đáng thay thế. Câu chuyện nắm quyền của ông Putin dường như đã xuất hiện sắc thái mới.

Theo kết quả một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada thực hiện tháng trước, chỉ 58% người được hỏi cho biết họ sẽ đi bỏ phiếu. Con số này sẽ thấp nếu so với 75% cử tri đã tham gia cuộc bầu cử tháng 12/2007.

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng nhận định cần hiểu đúng về sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Putin. Trong một bài trả lời phỏng vấn RIA Novosti mới đây, ông Gorbachev cho rằng sự ủng hộ này có thể được giải thích là vì người dân không muốn thay đổi trong bối cảnh tình hình trong nước phức tạp và quốc tế căng thẳng hiện nay. Ông nhận định: "Nước Nga đang gặp rất nhiều vấn đề, khiến người dân muốn chọn giải pháp an toàn và không đưa ra quyết định vội vàng".

Cựu Tổng thống cho biết cá nhân ông vẫn ủng hộ nguyên tắc chuyển giao quyền lực cho các thế hệ mới, song cũng thừa nhận rằng trong tình hình chính trị hiện nay thì tốt nhất là không nên đưa ra quyết định vội vàng.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Gorbachev ca ngợi cách thành tựu của Tổng thống Putin. Năm 2014, ông từng nói rằng người Nga phải nhớ là ông Putin đã cứu đất nước khỏi nguy cơ sụp đổ, đồng thời nhấn mạnh rằng bảo vệ nước Nga như một quốc gia thống nhất và chủ quyền trong một giai đoạn sống còn là một “thành tích mang tầm vóc lịch sử”.

“Sen đầm mới của Trung Đông”?

Thực vậy, tầm vóc toàn cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Một số nhà quan sát gọi ông là “Sen đầm mới của Trung Đông”.

Sau 2 năm Nga chính thức tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, ông Putin khẳng định lực lượng Nga đã hỗ trợ quân đội Syria quét sạch bóng đen khủng bố IS trên khắp lãnh thổ nước này. Đây là thắng lợi không thể chối bỏ của Nga, giúp nâng cao vị thế của Moscow tại khu vực Trung Đông.

Mới đây nhất, trong một loạt các cuộc gặp với các lãnh đạo Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen, ông Putin đã đóng vai trò trung tâm của một cú hích ngoại giao lớn nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, khi nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tổ chức một Đại hội Hòa bình Syria.

Hội nghị Sochi nói trên không bao gồm các đại diện của Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), khi mà trọng tâm của hội nghị là vấn đề Trung Đông, cho thấy rõ rằng ông Putin đã mở rộng tầm ảnh hưởng của nước Nga ra toàn khu vực. Sự can thiệp thành công của ông Putin đã định hình lại bản đồ quan hệ Trung Đông, kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi liên minh phương Tây và buộc cả Saudi Arabia phải tìm kiếm một quan hệ hợp tác tốt đẹp với Moscow.

Tại châu Âu, cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga với Gruzia tháng 8/2008 đã đem đến thắng lợi là hai nước Cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia với đa số là dân gốc Nga ra khỏi Gruzia. Cuộc khủng hoảng Ukraine - với việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ hai nước Cộng hòa tự trị Donetsk (DNR) và Luhansk (LNR) ở vùng Donbass nằm trong lãnh thổ Ukraine.

Tại châu Á, ông Putin đã phát triển một quan hệ ngày càng thân mật với Trung Quốc. Không quân Nga đang làm chủ bờ Tây Thái Bình Dương, vốn trước nay là "ao nhà" của Hạm đội 7 của Mỹ.

“Thuyền trưởng” bất khả chiến bại

Nhiệm kỳ 3 là nhiệm kỳ quan trọng nhất của ông Putin, hơn cả nhiệm kỳ đầu tiên (năm 2000-2004), được đánh dấu bởi những cải cách kinh tế mang phong cách Cộng hòa của Mỹ, một mức thuế thu nhập cào bằng, sự thuần hóa những nhân vật đầu sỏ chính trị (oligarchs), và sự tập trung quyền lực.

Trong thời gian từ 2012-2018, ông Putin đã tìm cách nói rõ với thế giới rằng khái niệm hòa bình Pax Americana (Thái bình Mỹ) với Mỹ làm trung tâm đã kết thúc. Về điểm này, ông đã khá thành công. Có thể nói nhiệm kỳ thứ ba của ông sẽ được ghi nhớ là 4 năm biến khái niệm một thế giới đa cực từ chỗ phi thực tế trở thành hoàn toàn khả thi.

Về đối nội, phải thừa nhận rằng ông Putin đã đưa nước Nga từ cảnh "xách bị đi vay" thời ông Yeltsin quay lại vị trí cường quốc vững mạnh. Tiếp nhận quyền lãnh đạo nước Nga khi nền kinh tế nước này đang trải qua quá trình cải cách, đồng nội tệ mất giá, Tổng thống Putin đã dành nhiệm kỳ đầu tiên để cải cách kinh tế, giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan tới chính sách thuế, ngân hàng và lương hưu.

Trong 4 năm nắm giữ chức vụ Thủ tướng, ông lại tiếp tục “chèo lái” nước Nga vượt qua hậu quả tồi tệ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Năm 2012, ông trở lại nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba, lãnh đạo nền kinh tế Nga trụ vững bất chấp nhiều lệnh cấm vận của phương Tây.

Điện Kremlin có thay đổi Hiến pháp để ông Putin ứng cử nhiệm kỳ 5?

Cuộc bầu cử ngày 18/3/2018 dù chưa tới nhưng kết quả hầu như đã rõ. Song nhiều chỉ dấu cho thấy nhiệm kỳ thứ 4 của ông Putin sẽ không giống những nhiệm kỳ trước. Các vấn đề đối nội và sức ép đối ngoại sẽ tạo ra những “thách thức” cực kỳ phức tạp.

Thách thức nào chờ ông Putin ở nhiệm kỳ 4?

Việc ông Putin tuyên bố tái tranh cử tổng thống diễn ra một ngày sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) quyết định cấm Nga tham dự Đại hội Thể thao Olympic mùa Đông ở PyeongChang (Hàn Quốc). Đây được xem là thêm một dấu hiệu xấu cho sự quan hệ giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, đối đầu với phương Tây không phải là mối bận tâm chính của Nga trong 6 năm tới, bởi chính phương Tây đang ngày càng rối trong mớ mâu thuẫn của mình. Sự thống nhất giữa Mỹ và châu Âu cũng rạn vỡ, giới tinh hoa chống toàn cầu hóa tại Mỹ và châu Âu tiếp tục nổi lên. Điều này buộc một số nước trong khu vực  phải tìm cách để khôi phục quan hệ với Nga.

Bởi vậy, thách thức chính của Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ mới sẽ là đối nội. Nền kinh tế Nga dưới sự lãnh đạo của ông đã vật vã mới thoát khỏi suy thoái trong năm nay. Thực tế nước Nga rộng lớn của ông vẫn còn nghèo so với tiềm năng. Sự phục hồi vẫn trở nên mong manh vì phụ thuộc vào giá năng lượng trên thế giới. Các thành công chính của ông Putin trong các nhiệm kỳ trước chủ yếu thể hiện trên mặt trận đối ngoại.

Thách thức chính của Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ mới sẽ là đối nội. Ảnh: RT.

Gleb Pavlovsky, một chuyên gia chính trị ở Kremlin, nhận định: “Đối với thế giới, đó là nước Nga của Putin, nhưng về đối nội, dường như nó không còn của ông nữa, mà đã là của hậu Putin”.

Trong nhiệm kỳ đầu và nhiệm kỳ thứ hai, ông Putin đã chứng minh vai trò kỹ trị tài năng qua việc đưa ra các quyết định quan trọng cũng như khả năng hóa giải các cuộc xung đột lớn. Nhưng, trong nhiệm kỳ ba, ông lại không chuẩn bị tốt cho nước Nga, trước khi giá dầu rơi vào giai đoạn thấp kỷ lục. Sự bùng nổ về sản xuất nông nghiệp cho dù đưa nước Nga thành nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu nhưng cũng không bù lại được những mất mát về thu nhập từ khí đốt do giá dầu sụt giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế trở lại dựa trên cho vay tiêu dùng cũng không đủ đem lại những lạc quan về kinh tế cho nước Nga trong một thời gian dài.

Vì vậy, nếu đắc cử nhiệm kỳ 4, một nhiệm vụ không kém phần khó khăn là ông Putin sẽ phải đưa ra các chính sách đối nội hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước nhà và giành lại uy tín ở chính quê hương mình.

Giới chuyên gia nhận định trong 6 năm tới, ông Putin sẽ tập trung vào vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là vấn đề nhân sự, có nghĩa là một giai đoạn thay đổi quy mô giới tinh hoa, thúc đẩy các lực lượng mới, tạo điều kiện cho những con người có tư duy, trung thực, thông minh, có tài, có thể phục vụ đất nước và làm việc trong chính quyền, từ đó thay đổi bộ mặt của ban lãnh đạo đất nước. Đúng như tuyên bố ra tranh cử của ông: “Động lực để đưa ra quyết định đó chỉ có thể là mong muốn cải thiện cuộc sống của người dân nước Nga, làm cho đất nước trở nên mạnh mẽ hơn, được bảo vệ nhiều hơn và cùng hướng về tương lai”.

Dưới sự dẫn dắt của Putin, nước Nga đã có vai trò lớn trong việc định hình lại quan hệ chính trị trên thế giới. Nhưng thành quả đó sẽ không thể bền vững nếu không đi kèm với các chính sách đối nội thành công.

Nghĩ về thời hậu Putin

Việc ông Putin tái tranh cử nhiệm kỳ 4 là điều đã được dự báo, tuy nhiên điều khó đoán hiện nay là hệ thống mà ông xây dựng đã lên kế hoạch như thế nào cho giai đoạn sau năm 2024, khi ông Putin ở tuổi 72 và không có quyền tái tranh cử nữa.

Năm 2008, ông Putin từng ở trong hoàn cảnh tương tự, sau khi đảm nhận cương vị Tổng thống 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Khi đó, ông đã "đổi ngôi" quyền lực, chấp nhận xuống làm Thủ tướng một nhiệm kỳ.

Giới chuyên gia cho rằng sau khi nắm quyền 1/4 thế kỷ, ông Putin có thể quyết định không tái tranh cử vào năm 2024. Nhưng vấn đề đặt ra là không có ứng cử viên sáng giá nào kế nhiệm ông. Các chuyên gia cảnh báo việc chưa có một kế hoạch kế nhiệm rõ ràng nào sẽ trở thành nguy cơ chính trị lớn nhất đối với nước Nga.

Olga Kryshtanovskaya, một nhà xã hội học tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết mối đe dọa thực sự đối với ông Putin có thể bắt đầu ngay từ đầu nhiệm kỳ cuối cùng của ông vào tháng 5/2018. Bà Kryshtanovskaya cảnh báo đây sẽ là một "thời kỳ nguy hiểm", vì lúc này giới ưu tú của nước này có thể sẽ chia rẽ khi chuẩn bị tìm kiếm những gương mặt kế nhiệm tiềm năng.

Liệu có hay không Điện Kremlin sẽ phải cân nhắc thay đổi Hiến pháp hoặc lập ra một chức danh mới để ông Putin tiếp tục dẫn dắt nước Nga?

Mọi khả năng đều có thể xảy ra. Hãy chờ thời gian chứng thực.

Diệu An
Nguồn: vietnamnet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.