Chuyên mục
Sao Nga cần luật hoá đáp trả trừng phạt của phương Tây?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Sao Nga cần luật hoá đáp trả trừng phạt của phương Tây?

Thứ ba 05/06/2018 09:36 GMT + 7
Nhằm tối thiểu hoá thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và đất nước, nhà nước Nga đã luật hoá việc đáp trả trừng phạt của phương Tây...

Tổng thống Putin ký ban hành Luật về đáp trả trừng phạt của phương Tây

Sputnik đưa tin, ngày 4/6 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành Luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhắm vào Nga kể từ sau "sự kiện Crimea".

Đạo luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã được Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) thông qua hồi tháng 5 vừa qua.

Mục đích ban hành đạo luật này được xác định là nhằm bảo vệ chủ quyền của Nga trước những “hành động không thân thiện” từ Mỹ và các quốc gia khác thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế và chính trị đối với nước Nga.

Tổng thống Putin ký ban hành Luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Theo luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, chính phủ Nga có quyền quyết định cấm nhập khẩu bất kỳ loại hàng hoá, sản phẩm nào theo lệnh của Tổng thống Nga.

Luật cũng quy định định trong danh sách hàng hóa bị cấm nhập khẩu theo quyết định của chính phủ Nga không được bao gồm các sản phẩm quan trọng, nếu không có sản phẩm tương tự được sản xuất ở Nga.

Luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng cho phép chính phủ Nga được quyền kết thúc tạm thời hoặc chấm dứt vĩnh viễn quan hệ hợp tác với các quốc gia hoặc tổ chức có hành động không thân thiện với nước Nga.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine xảy ra dẫn đến việc Tổng thống Putin thực hiện tái sát nhập bán đảo Crimea vào Nga, Washington và đồng minh đã trừng phạt Moscow, áp cấm vận kinh tế với nước Nga.

Khi cuộc xung đột vũ trang tại miền đông Ukraine nổ ra, Kremlin bị phương Tây cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai tại Donbass, các biện pháp trừng phạt Nga đã được bổ sung và ngày một siết chặt hơn.

Đặc biệt, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57 diễn ra và có kết quả không như mong đợi của giới chính trị truyền thống Mỹ, qua việc đắc cử của tỷ phú bất động sản Donald Trump, trừng phạt Nga đã có một bước ngoặc mới.

Tổng thống Putin và cộng sự bị cáo buộc can thiệp vào đời sống chính trị Mỹ, là tác nhân giúp ông Trump thắng cử, đe doạ đến cả tình hình chính trị lẫn nội trị của nước Mỹ, nên Washington cho rằng Nga cần phải bị trừng phạt nặng nề hơn, lâu dài hơn.

Và để thực hiện điều đó, Washington đã tiến hành việc luật hoá các sắc lệnh trừng phạt Nga được chính quyền Obama đưa ra trước đó và được gia hạn theo định kỳ từng năm một.

Kể từ khi bị Mỹ và các đồng minh trừng phạt, chính quyền Nga cũng có những đáp trả, song về mặt kinh tế thì chỉ có lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và EU, còn lại hầu hết là các biện pháp đáp trả về mặt ngoại giao.

Washington luật hoá trừng phạt, buộc nước Nga phải sống chung với trừng phạt trong thời gian không xác định.

Tuy nhiên, kể từ khi trừng phạt Nga được Mỹ luật hoá, các đồng minh của Mỹ - thù địch với Nga, đã tận dụng hiệu ứng này để gia tăng làm hại nước Nga, mà việc chính phủ Anh trừng phạt Nga trong vụ Skripal là một ví dụ.

Cùng với đó là những thực thể vốn không thân thiện với Nga, "té nước theo Mỹ và phương Tây" làm hại nước Nga, tạo cộng hưởng chèn ép nước Nga đến mức không thể chịu đựng nổi, như lời của Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Nga.

Cho dù Moscow đã tương kế tựu kế để vượt cấm vận khi không thể thoát cấm vận và Tổng thống Putin có nhiều nước đi hoá giải tác hại từ trừng phạt của  phương Tây, song trong hầu hết các trường hợp Moscow vẫn luôn ở thế bị động đáp trả.

Nhằm tối thiểu hoá thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và đất nước, nhà nước Nga đã luật hoá việc đáp trả trừng phạt của phương Tây, đảm bảo cho Moscow có được thế chủ động trong mọi tình huống trước đối phương và "những kẻ ăn theo".

Những hiệu ứng tích cực từ việc luật hoá đáp trả trừng phạt của phương Tây

Trước việc nhà nước Nga thực hiện luật hoá đáp trả trừng phạt của Mỹ và đồng minh, có nhiều luồng dư luận cho rằng đó chỉ là "Nga học đòi theo Mỹ", chứ hiệu ứng từ động thái này chẳng khác gì sắc lệnh đáp trả trừng phạt của Tổng thống Nga.

Thậm chí, truyền thông phương Tây còn nhìn nhận Nga đang tự "thân làm tội đời" vì việc luật hoá luôn mang tính ổn định và khó xoá bỏ hơn sắc lệnh của người đứng đầu cơ quan hành pháp. Điều này đồng nghĩa Nga muốn "bị trừng phạt ổn định".

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì có thể thấy việc luật hoá đáp trả là cách hoá giải tốt nhất tác hại bởi trừng phạt của Mỹ và đồng minh cũng như những thực thể a dua, qua đó giữ gìn được lợi ích cho người dân và đất nước.

Thứ nhất, dù mục đích là đáp trả trừng phạt, nhưng thực ra luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây lại hướng tới việc ngăn chặn trừng phạt nhiều hơn

Bởi nếu như trước đây khi Mỹ và các đồng minh áp đặt, mở rộng, bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Nga thì họ hoàn toàn chưa biết Moscow sẽ thực hiện việc đáp trả như thế nào.

Khi Nga luật hoá đáp trả, Mỹ và đồng minh sẽ không thể bất chấp bởi đã biết trước hậu quả.

Song nay khi Nga đã luật hoá việc đáp trả thì Mỹ và các đồng minh đã nhìn thấy trước hậu quả của việc mình làm, từ đó, các tác giả phải đắn đo hơn rất nhiều trước khi quyết định áp đặt, mở rộng, bổ sung biện pháp trừng phạt.

Cũng như vậy đối với những kẻ ăn theo Mỹ và phương Tây trong việc làm hại nước Nga. Biết trước hậu quả phải nhận lãnh khi Nga đáp trả, chắc chắn những kẻ a dua sẽ phải chùn tay.

Thứ hai, luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác dụng ngăn chặn những kẻ lợi dụng tác hiệu của trừng phạt làm hại Tổ quốc mình

Từ khi Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev phát động công cuộc Cải tổ và Công khai, rồi đến Tổng thống Nga Boris Yeltsin thực hiện chương trình Cải cách, người dân và nước Nga đã bị mất đi rất nhiều tài sản và nguồn lực.

Lợi dụng chiêu bài tự do - dân chủ, nhiều thành phần trong giới tinh hoa Nga đã cấu kết với những đối tác nước ngoài làm hại nước Nga và mọi việc chỉ được xử lý khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, theo lời cựu Cố vấn Tổng thống Mỹ Buchanan.

Thiệt hại to lớn của nước Nga trong chương trình tư nhân hoá dưới thời chính quyền Yeltsin là một minh chứng. Điều đó được cho là đã lặp lại khi nước Nga bị phương Tây trừng phạt, thể hiện qua việc dòng vốn chảy mạnh ra khỏi nước Nga.

Khi Tổng thống Putin quyết định làm thay đổi hướng chảy của dòng vốn Nga thì luật hoá đáp trả trừng phạt là một công cự quan trọng giúp hiện thực hoá ý tưởng của nhà lãnh đạo.

Bởi quan hệ giữa các "liên minh ma quỷ" làm hại nước Nga đã được cảnh báo và hậu quả đã được xác định. Bên cạnh đó là quan hệ hợp tác giữa các thực thể Nga với các thực thể không thiện với nước Nga đã có cơ chế kiểm soát.

Thứ ba, luật về đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây giúp chuyển hoá thế thành lực cho nước Nga trong vòng xoáy trừng phạt - đáp trả phương Tây.

Luật hoá đáp trả trừng phạt của Mỹ và phương Tây sẽ ngăn chặn nhiều người Nga làm hại đất nước.

Có thể thấy rằng, xét về tiềm lực kinh tế, Nga còn rất nhỏ bé so với Mỹ và các đồng minh, nên dù các biện pháp đáp trả của Moscow có hiệu quả như thế nào đi nữa thì cũng bị xem là không gây thiệt hại bao nhiêu cho đối phương.

Thiệt hại của Mỹ và phương Tây trong vòng xoáy trừng phạt - đáp trả với Nga chủ yếu là do hiệu ứng bất lợi từ việc Moscow tương kế tựu kế thành công thời cấm vận, song xét về tương quan thì phần thiệt hại vẫn nghiêng về phía Nga nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ và phương Tây không xem nhà nước Nga là một thực thể có thể bị áp trừng phạt, mà Washington và đồng minh chỉ xem xét trừng phạt với các lĩnh vực hay thể nhân, pháp nhân cụ thể của Nga.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, cho dù lợi ích từ quan hệ kinh tế Nga-Mỹ rất nhỏ bé, song lại có rất nhiều thực thể kinh tế Mỹ có lợi ích sống còn gắn với nước Nga, chẳng hạn như lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Mỹ.

Đây là cái thế của Nga trong vòng xoáy trừng phạt - đáp trả và Moscow đã luật hoá đáp trả trừng phạt để chuyển hoá thế thành lực cho nước Nga. Bởi vì sự sống còn của nhiều thực thể kinh tế Mỹ, Washington có thể phải hiệu chỉnh trừng phạt Nga.

Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.