Chuyên mục
Nga đối mặt với ai khi mở rộng lãnh thổ Bắc Cực?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga đối mặt với ai khi mở rộng lãnh thổ Bắc Cực?

Chủ nhật 20/04/2014 14:58 GMT + 7
Bộ Sinh thái và Tài nguyên Nga đang dự kiến sẽ trình lên LHQ việc mở rộng ranh giới lãnh thổ thềm lục địa ra Bắc Cực vào mùa thu tới.

Tờ Người lao động dẫn thông tin của RIA Novosti và Voiceofrussia cho biết, Bộ Sinh thái và Tài nguyên Nga đang có kế hoạch gửi Liên Hợp Quốc về việc mở rộng ranh giới thềm lục địa ra Bắc Cực. Đề nghị mở rộng lãnh thổ sẽ được quốc gia rộng nhất thế giới đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào mùa thu tới.

Bộ trưởng Sergei Donskoi tuyên bố: “Các chuyên gia của chúng tôi đã thu thập các bằng chứng trong thập kỉ qua. Hồi tháng ba, biển Okhotsk được công nhận là biển nội địa của Nga. Đây là một bước đột phá rất quan trọng. Sự thành công của biển Okhotsk là một nhân tố tiền lệ quan trọng để đề nghị mở rộng lục địa ra Bắc Cực của Nga sắp tới đây có thể được thông qua”.

Moscow đã từng nộp đơn về việc mở rộng ranh giới lục địa ra Bắc Cực bao gồm cả dãy Lomonosov và Mendeleev hồi năm 2011 nhưng Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới Thềm lục địa từ chối với lý do “cần có nhiều bằng chứng khoa học hơn nữa”.

Ủy ban trên yêu cầu các nhà khoa học phải chứng minh các rặng núi dưới nước là sự mở rộng của lục địa Á-Âu liên quan đến lãnh thổ của Nga.

Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Tài nguyên Nga Sergei Donskoi

Bộ trưởng Donsoki cho biết Bộ Sinh Thái và tài nguyên Nga đã nghiên cứu khoảng 38 nghìn km2 đáy biển Bắc Cực, thu thập hàng trăm mẫu thí nghiệm với sự giúp đỡ của công nghệ đặc biệt trong nỗ lực chứng minh tuyên bố của mình. Ông Donsoki còn khẳng định các nhà khoa học nước này sẽ tiếp tục nghiên cứu tại Bắc Cực nhiều hơn nữa.

Nga kết hợp khoa học và quân sự

Song song với việc các nhà khoa học Nga tìm bằng chứng chứng tỏ một phần của Bắc Cực liên quan tới lục địa quốc gia này, Moscow cũng chuẩn bị sẵn sàng cho sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực này.

Công việc của các nhà khoa học Nga sẽ đáp ứng cho tính hợp pháp theo luật pháp quốc tế về quyền lợi của Nga tại Bắc Cực nếu xảy ra tranh chấp sau này. Nhưng sự chuẩn bị của quân đội cho chiến đấu trên địa hình đặc biệt này đã cho thấy Nga sẵn sàng xử rắn nếu luật pháp quốc tế không đảm bảo được lợi ích của họ hoặc trong bối cảnh tranh chấp leo thang.

Gần đây nhất, hồi tháng 3/2014, quân đội Nga lần đầu tiên tập trận tại Bắc Cực với những khoa mục đổ bộ tấn công hay triển khai đánh chiếm. 350 lính cùng nhiều khí tài đặc biệt đã được triển khai trong lần tập trận.

Ngoài ra, Nga liên tiếp triển khai các hoạt động giám sát, thăm dò khu vực được cho là thuộc chủ quyền của Nga theo quan điểm của Moscow. Ngày 14/3/2014, Nga đã điều 4 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS cùng một số chiến đấu cơ luân phiên tuần tra khu vực này.

Nga cũng đã bước đầu chuẩn bị các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại đây. Bộ Quốc phòng Nga cũng lên kế hoạch cho sự hiện diện quân sự lâu dài tại lục địa băng giá này. Sân bay và căn cứ trên đảo Kotelny, đã bị bỏ hoang 20 năm và đang được khôi phục, nâng cấp từ mùa thu năm 2013 là một trong những bước đi theo kế hoạch của quân đội Nga.

Tàu phá băng năng lượng nguyên tử của Nga tại Bắc Cực

Những động thái quân sự của Nga ngày càng dồn dập, cho thấy Moscow dường như đang gấp rút hơn bao giờ hết về việc khẳng định phần lãnh thổ của mình tại Bắc Cực.

Nga đang phải đối mặt với thế lực nào ở Bắc Cực?

Biến đổi khí hậu khiến băng Bắc Cực tan dần, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ tại đây, đồng thời cũng giúp rút ngắn các tuyến đường biển và tạo điều kiện cho khai thác thủy sản. Những điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng cả về kinh tế và chính trị tại Bắc Cực.

Một ví dụ điển hình là độ dài hành trình giữa cảng Tây Bắc Murmansk của Nga và cảng Yokohama của Nhật là 12.000 hải lý qua kênh đào Suez sẽ giảm còn 5.700 hải lý qua Biển Bắc.

Năm 2010, chỉ có 4 tàu chở 111.000 tấn hàng hóa đi theo tuyến đường qua Bắc cực. Nhưng đến năm ngoái đã có 46 tàu với 1,26 triệu tấn hàng, trong đó có tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc lần đầu tiên vượt Bắc cực.

Theo các nhà khoa học, trữ lượng dầu khí tính toán được của Bắc Cực ở mức 5 triệu tấn dự trữ. Chưa kể đến con đường qua biển Bắc hoàn toàn có khả năng thay thế cho tuyến hảng hải Á – Âu qua Ấn Độ Dương.

Vì đâu Nga phải sốt sắng như vậy? Cuộc chơi tại lục địa này đã diễn ra nhiều thập kỷ qua, nhưng kể từ khi Bắc Cực được đưa lên làm “di sản chung của nhân loại”, quyền lợi của Nga cũng như những nguy cơ tranh chấp ngày càng hiển hiện rõ nét và gay gắt hơn.

Sơ đồ các tuyến đường đi trên Biển Bắc

Cần phải biết rằng, thế giới đang tồn tại một Hội đồng Bắc Cực gồm 8 nước: Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Với hội đồng này, cuộc tranh giành “miếng bánh” của con gấu và bầy sói đã đủ phức tạp. Tuy nhiên, hồi 15/5/2013, thêm 6 quốc gia đã được công nhận làm quan sát viên của Hội đồng (thành viên chưa chính thức) gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Đồng thời, liên minh châu Âu cũng đã gửi đơn xin một xuất quan sát viên, tuy nhiên chưa được đồng ý. Có thể nói, Bắc Cực đang trở thành miếng bánh thơm ngon và ngày càng thu hút nhiều thành phần tham gia tranh giành.

Và tại điểm nóng tương lai này, một lần nữa xuất hiện dấu ấn của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Bắc Cực rất quan trọng đối với tương lai của loài người nên bất kỳ quyết định nào liên quan đến khu vực sẽ phải tính đến cái nhìn và lợi ích của dân số hơn 1,3 tỷ người của quốc gia này. Và qua chiêu bài nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã không ít lần đưa các nhà khoa học của mình đến Bắc Cực.

Tuy nhiên, tiến sĩ lịch sử Konstantin Voronov – nghiên cứu viên cấp cao thuộc viện Kinh tế thế giới và Quan hệ Quốc tế tại Moscow cho rằng nhiệm vụ chính của các nhà khoa học này là tìm xem chỗ nào nhiều dầu.

Bắc Kinh đã đầu tư một khoản lớn vào Canada cũng như bắt đầu hợp tác với Greenland và Iceland – 2 nước được coi là những những nước giữ cửa quan trọng của Bắc Cực. Trung Quốc cũng cố gắng phát triển mối quan hệ với Nga.

Tàu phá băng, nghiên cứu của Trung Quốc tại Bắc Cực

Trong chuyến thăm lịch sử của ông Tập Cận Bình tới Moscow vào mùa xuân năm 2013, 2 nước đã ký kết nhiều hợp đồng quan trọng bao gồm bản hợp đồng hợp tác khai thác tại Bắc Cực giữa 2 tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga và CNPC của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng sử dụng nhiều cảng được thuê của Triều Tiên để tăng cường những chuyến hàng qua tuyến Biển Bắc của Nga.

Sự sốt sắng đầy chủ đích của Trung Quốc về vấn đề Bắc Cực khiến Nga buộc phải có những sự dè chừng. Bởi những gì quốc gia này biểu hiện tại châu Á – Thái Bình Dương đủ để cả thế giới hiểu được dã tâm và mục tiêu của họ.

Ngoài Trung Quốc, một đối thủ nặng ký khác Nga phải đối đầu, chính là người bạn cũ, nước Mỹ. sự căng thẳng Nga – Mỹ đã theo đến tận Bắc Cực, khi mới đây, trong một cuộc diễn tập cuối tháng 3/2014, tàu ngầm hạt nhân hoạt động tại biển Bắc USS New Mexico đã “bắn đạn thật”, và mục tiêu giả định được đặt tên là “tàu ngầm Akula Nga”.

Mỹ là một trong 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực, bên cạnh đó còn có các quốc gia thân mỹ như Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Canada. Các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành thành viên dự bị, EU cũng đang ngấp nghé. Nga hiểu rằng nếu không muốn bị lép vế tại sân chơi này, bản thân nước Nga phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bởi tương lai năng lượng thế giới đều nằm cả ở Bắc Cực.

Đỗ Minh Tú
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.