Chuyên mục
Chính sách đối ngoại nước Nga trong tình hình mới
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chính sách đối ngoại nước Nga trong tình hình mới

Thứ sáu 14/12/2012 13:35 GMT + 7
Tờ báo Thương gia số ra ngày 14/12 cho biết Bộ Ngoại giao Nga đã xây dựng dự thảo Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga nhằm thực hiện những sáng kiến mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Vì vậy, văn kiện này thực chất là cương lĩnh đối ngoại nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Putin.


(Nguồn: europeword.com)


Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nội dung văn kiện hiệu chỉnh Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga, được Bộ Ngoại giao xây dựng theo chỉ thị của Tổng thống Putin, sẽ vẫn duy trì những nguyên tắc cơ bản của ngành ngoại giao Nga, được soạn thảo năm 2000.

Văn kiện dự thảo lần này được soạn thảo chủ yếu dựa vào bài báo “Nước Nga và thế giới đang thay đổi” của ông Putin, trong đó nhấn mạnh rằng Mátxcơva cần phải xây dựng chính sách đối ngoại trong một thế giới đầy bất trắc, mà ở đó phần lớn mọi vấn đề, tai họa đều xuất phát từ mưu toan của phương Tây, trước hết là Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Theo các tác giả dự thảo Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga, thế giới đang trở nên “bất ổn và khó tiên đoán” hơn bởi một loạt những nguyên nhân.

Thứ nhất, cuộc khủng khoảng kinh tế-tài chính toàn cầu là chất xúc tác cực mạnh của những chuyển dịch sâu sắc trên bản đồ địa-chính trị thế giới. Thứ hai, một nhân tố khác góp phần đáng kể làm cho thế giới trở nên bất ổn, đó là phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, mà “Mùa xuân Arập” là ví dụ điển hình, cũng như mưu toan áp đặt những thang giá trị của mình cho các nước khác, dẫn đến sự hỗn loạn và không kiểm soát được trong quan hệ quốc tế.

Thứ ba, là vai trò của Liên hợp quốc suy giảm, điều này được thể hiện qua các mưu toan “giải quyết những cuộc khủng hoảng bằng cách thông qua các lệnh trừng phạt đơn phương và các biện pháp vũ lực bên ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc." Nguyên nhân tiếp theo, là sự gia tăng các mối nguy cơ và đe dọa xuyên biên giới, đặc biệt trong không gian thông tin. Thứ năm - xuất hiện khuynh hướng tư tưởng cực đoan trong quan hệ quốc tế.

Xuất phát từ những nguyên nhân nêu trên, các tác giả bản dự thảo Khái niệm chính sách ngoại giao Nga kết luận rằng trong bối cảnh thế giới rối ren và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, sẽ không có triển vọng cho những nỗ lực muốn xây dựng “những ốc đảo bình yên và an toàn” riêng lẻ. Hơn nữa, Nga lại đóng vai trò là nhân tố cân bằng trong mối quan hệ quốc tế và phát triển văn minh nhân loại, nên chính sách đối ngoại của Nga cần đạt được những mục tiêu như sau:

Trước hết, phải giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, và để làm được điều này Nga dự định tích cực thúc đẩy hình thành cấu trúc kinh tế - thương mại và tiền tệ-tài chính toàn cầu bình đẳng và dân chủ, đồng thời đẩy mạnh sáng kiến đa dạng hóa các loại tiền dự trữ quốc tế.

Thứ hai, đấu tranh chống can thiệp vào công việc nội bộ. Để làm được điều này Mátxcơva sẽ phải đấu tranh để đạt được sự tôn trọng nhân quyền và tự do, song cũng phải lưu ý đến những đặc tính lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi quốc gia.

Thứ ba: tiếp tục bảo vệ vai trò không thể thay thế của Liên hợp quốc, có nghĩa là không để xảy ra trường hợp lấy cớ “trách nhiệm bảo vệ” (trường hợp Libya) để tiến hành can thiệp quân sự và một số hình thức can thiệp khác. Để hiện thực hóa được những mục tiêu này, Nga cần phải gia tăng “sức mạnh mềm”, trong đó đề cao vai trò xã hội dân sự, thông tin-truyền thông, nhân văn, công nghệ mới, cũng như cộng đồng người Nga ở nước ngoài...

Trong phần “Những ưu tiên khu vực” cũng có một số thay đổi, theo đó hội nhập với không gian hậu Xôviết đặc biệt trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Liên minh Hải quan, Cộng đồng kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, Nhà nước liên minh Nga-Belarus... là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga.


Ông Putin gặp gỡ các nhà hoạt động tham gia chiến dịch tranh cử của ông hôm đầu tuần (Nguồn: AFP)

Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) với mục tiêu đạt được thỏa thuận miễn thị thực. Nga cũng đề cao tinh thần hợp tác với các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... đồng nhấn mạnh đến mối quan hệ hữu nghị với các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.

Liên quan tới quan hệ với Mỹ, theo văn kiện trên, Nga sẽ phải đạt được "sự bảo đảm về mặt pháp lý" từ Washington rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không nhằm vào lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Đồng thời, quan hệ hai nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia./.

(TTXVN)
Nguồn: vietnamplus.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.