Chuyên mục
Ba đàn cá thần dân không dám ăn thịt ở Thanh Hóa
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ba đàn cá thần dân không dám ăn thịt ở Thanh Hóa

Chủ nhật 17/08/2014 14:28 GMT + 7
Tọa lạc tại ba mảnh đất khác nhau, hằng ngày, ba suối cá thần ở Thanh Hóa thu hút hàng ngàn lượt khách thăm quan. Những câu chuyện bí ẩn về loài cá nơi đây vẫn chưa được lý giải.

Thanh Hóa là tỉnh sở hữu ba suối cá tự nhiên kỳ lạ, thu hút hàng ngàn du khách thăm quan mỗi năm. Suối cá thứ nhất nằm ở thôn Lương Ngọc (Cẩm Lương, Cẩm Thủy); suối cá thứ hai cũng ở huyện Cẩm Thủy nhưng ở thôn Dùng, Cẩm Liên; suối thứ ba ở thôn Chiềng Ban (Văn Nho, Bá Thước).

Huyền bí về đàn cá thần

Suối cá ở thôn Lương Ngọc là nơi cư ngụ của hàng nghìn con cá lớn nhỏ, nặng 2-8 kg, đặc biệt có con nặng tới 30 kg (cá chúa).

Cá ở đây chỉ bơi quanh quẩn tại một đoạn suối dài hơn 100 m và không bơi ra xa hơn. Chiều tối, chúng lại rủ nhau về hang trú ẩn. Ngoài ăn lá cây rơi rụng từ trên cao, đàn cá còn được đội bảo vệ nơi đây cho ăn rau muống 1 hoặc 2 lần/tuần.

Theo cán bộ địa phương, đàn cá ở suối Cẩm Lương là cá giốc (còn được gọi là cá dốc), thuộc bộ cá chép và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Giống cá màu xanh thẫm này có hai bên mép đỏ tươi, mỗi khi bơi phát ra những luồng ánh sáng lấp lánh như ánh ngọc đẹp mắt.

Đàn cá thần ở suối Cẩm Lương.

Người dân trong vùng tin rằng đây là giống cá thần hiếm có và sự sung túc của đàn cá sẽ đem lại bình yên no ấm cho cuộc sống của người dân địa phương.

Là một người sống gần khu suối cá hơn 80 năm nay, cụ Đinh Trọng Tâm cho hay, nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền tích về thần rắn. Theo đó, xưa có vợ chồng tuổi đã cao vẫn chưa có con. Một hôm người vợ đi xúc cá vô tình xúc được một quả trứng lạ.

Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm thấy gà cục tác, bà ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng quá hai vợ chồng mang rắn ra suối Ngọc để thả. Kỳ lạ thay, cứ thả thì tối lại thấy rắn về nhà. Như một cơ duyên, hai vợ chồng quyết định nuôi rắn.

Từ khi có rắn trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cày, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Chàng rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm... Bỗng một đêm trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh.

Đền thờ Rắn nằm ngay cạnh cửa hang suối cá Cẩm Lương. 

Thương tiếc rắn, dân làng chôn chàng ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Sau đó dân làng được thần linh báo mộng cho biết, chàng đã đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu "Tứ phủ Long Vương"... Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ có đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và người dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc.

Xung quanh suối cá kỳ lạ này có rất nhiều câu chuyện huyền bí khác. “Có một đôi vợ chồng làng khác vì đói quá nên đã đến suối bắt "cá thần" về nấu ăn. Nhưng khi nấu lên không thấy cá đâu mà chỉ thấy một nồi nước trong veo, vợ chồng họ hoảng sợ quá nên mang lễ vật đến đền Ngọc thờ "Tứ phủ Long Vương" để xin thần cá cùng trời đất ân xá”, cụ Tâm nhớ lại.

Lại có câu chuyện đồn rằng có một đôi thanh niên từ thành phố lên xem "cá thần". Sau đó vì tò mò họ đã dùng đá đập chết một con cá, trên đường quay trở về, hai thanh niên đã gặp nạn. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị "mất mạng".

Dù là những câu chuyện chưa được kiểm chứng nhưng việc người dân trong bản luôn xem loài cá này là "thần" và không dám ăn cá là sự thật.

Lính Pháp cũng phải lập bàn thờ cá

Cách Cẩm Lương hơn ba cây số, đàn cá thần thứ hai sống tại hang suối Đóng thuộc xã Cẩm Liên. Ban ngày, đàn cá từ theo dòng nước bơi ra đùa giỡn ở nơi suối Đóng, ban đêm, chúng lại bơi vào tổ trú ngụ.

Ông Xứng (66 tuổi, người dân địa phương kể), suối cá Cẩm Liên đã tồn tại hàng trăm năm nay. Loài cá này được người dân Mường gọi là “cá phốc” có hình thù mình tựa cá trắm, căng tròn ở phần giữa thân, vẩy như vẩy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ.

Suối cá thứ ba nằm tại thôn Chiềng Ban (xã Văn Nho, Bá Thước), người dân địa phương cho hay, khu vực suối cá từng là nơi đóng quân của thực dân Pháp. Lính Pháp không những không đánh bắt cá ăn mà còn chăm sóc, lập bàn thờ chúng.

"Không biết vì lý do gì mà lính Pháp lại không đánh bắt cá ở suối cá này, ngược lại, họ còn đối đãi và chăm sóc cho cá. Họ còn lập bàn thờ trong một hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10 mét để thờ loài động vật này", một người dân kể.

Ông Xứng, người dân địa phương giới thiệu về đàn cá thần trước mặt. 

Câu chuyện về đàn cá thần thứ ba lưu truyền hàng trăm năm ở địa phương, một người dân kể lại, trong thời gian đóng quân ở quanh suối cá, một vài lính Pháp tử vong sau khi bắt loài cá này ăn. "Từ đó, họ không ăn nữa và đã lập bàn thờ cá", cụ Tâm kể.

Không chỉ vậy ở suối cá này còn có những câu chuyện mang tính tâm linh nhưng hoàn toàn có thật. Ông Hà Văn Thân, người trông coi, bảo vệ suối cá và cũng là người có nhiều hiểu biết về suối cá này cho biết:

Trước đây ở địa phương có một thanh niên đã bắt cá thần trong suối về ăn sau một thời gian anh ta đã bị điên, đi chữa trị đâu cũng không khỏi. Người dân trong vùng cho là anh ta đã bị thần cá 'trả thù', sau đó gia đình anh ta đã mang lễ vật đến để xin thần cá tha tội và chỉ ba ngày sau người thanh niên này đã khỏi bệnh”.

Duy Cảnh

Nguồn: Zing.Vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.